- Lý luận - Phê bình
Chữ Thọ trong văn hóa xưa
Thứ hai - 09/10/2023 09:51
Chữ Thọ trong văn hóa xưa
(La Vinh)
Vì sao người xưa nói rằng có Phúc Phận mới có Thọ, Phúc Thọ là quả của Đức. Chúng ta cùng tìm hiểu hàm nghĩa sâu xa này qua bài bình về chữ "Thọ" trong văn hóa xưa của tác giả La Vinh.
Cách đây đã lâu, nhân một học trò đi chúc thọ người quen, nhìn thấy bức trướng người ta treo trong bữa tiệc, rồi chụp được tấm hình từ xa mờ mờ ảo ảo. Tôi nhìn mãi không ra. Nói qua nói lại, cậu ta gửi cho tôi một cái chữ nhỏ như thế này. Phải dùng kính lúp tôi mới thấy được. Chợt à lên một tiếng thú vị. Hóa ra mình quá máy móc. Chỉ cần người ta nói bối cảnh là biết chữ THỌ rồi mà cũng bày đặt, cho nó cẩn thận, cẩn tắc vô áy náy...
Vâng. Đây là chữ Thọ (壽). Các bạn cứ thử viết tách cái chữ “Thọ” này xem có bao nhiêu chữ Con trong cái chữ Mẹ này nhé! Nếu nhìn từ trên xuống:
Thứ 1 là chữ Sỹ [士]
Thứ 2 là chữ Nhất [一]
Thứ 3 là chữ Công [工]
Thứ 4 là chữ Nhất [一]
Thứ 5 làchữ Khẩu [口]
Thứ 6 là chữ Thốn [寸]
Có lẽ tách ra như vậy thì dễ nhận diện. Logic học gọi đây là thao tác phân tích. Thực ra, nói gọn thì chữ Thọ có 5 chữ thôi. Hai chữ Nhất ở vị trí thứ 2 và 4, nó gộp lại thành chữ Nhị [二] .
Quá trình hình thành chữ Thọ
Trước hết là chữ Sỹ, nói về người có trí tuệ, có học, có hiểu biết nhiều. Người ấy không chỉ am hiểu mọi môn khoa học mà còn là bậc minh triết trong trường đời, trong thương trường, trong kinh nghiệm ứng xử linh hoạt với người với vật… Người này phải hiểu những kiến thức y học về cơ thể người, về các triệu chứng bất thường hay bình thường của cơ thể. Phải cố gắng tự học những sách vở của bác sỹ, dược sỹ. Phải biết đủ thứ lá, thứ củ để đưa thuốc vào bữa ăn gia đình. Phải dán ngay nơi tủ lạnh những món ăn không được nấu chung. Phải biết sinh hoạt thế nào là điều độ. Khi nào thì coi đá banh, khi nào thì biết cấm chỉ những phiền toái đành hanh. Còn phải nghiên cứu các kinh mạch, luyện khí, luyện chu thiên, tiểu chu thiên…Nói tóm lại trên lĩnh vực sức khoẻ, phải có thật nhiều am hiểu. Đặc biệt cái thời nhiều loại bệnh hiện đại, nhiều thực phẩm độc hại luôn rình rập này thì: ĐỪNG CHẾT VÌ THIẾU HIỂU BIẾT
Chữ Thứ hai Nhị. Trong chữ Thọ này, nó tách ra thành 2 chữ NHẤT kẹp chữ CÔNG vào giữa. Nghĩa cụ thể nhất là 2 vợ chồng. Họ hòa thuận với nhau, sẵn sàng tát cạn bể Đông thì việc mua cả khu biệt thự to đùng cũng có nhằm nhò gì. Thực ra, vợ chồng hòa thuận cùng tạo ra Công danh, Công Đức, Công quả; là một quá trình của Công lao, Công suất. Ngay cả chuyện hằng ngày ra chăm bông lan, cắt tỉa cây cảnh, sơn lại lồng chim thì của: "Nghề chơi cũng lắm Công Phu"...
Như vậy, muốn "Thọ mệnh" thì vợ chồng phải chung ý, chung lòng suốt 24/24 trong một ngày; 3 vạn 6 ngày trong một đời đấy nhé. Người xưa nói số 2 một cách " văn chương" thế này: "Trăm năm gắn bó đôi điều Một Hai"
Chữ Nhị tách thành 2 chữ Nhất nhưng chúng lại ôm chữ CÔNG. Nó gắn kết, nghĩa vụ. Hẳn nhiên, Sỹ Nam và Sỹ Nữ phải có đầy đủ trí thức để tạo nên cơ đồ sự nghiệp, "bên trong có ấm thì ngoài mới êm".
Ngày nay chúng ta thường chê ngày xưa rồi gán ghép cho cha ông mình phong kiến "trọng nam khinh nữ” là chưa thấu đáo; là bất công với văn hóa của cha ông. Chữ Nhị ở trên có phân biệt "đực cái"/ gái trai gì đâu. Không có 2 thì chẳng quản được và cũng chẳng sáng tạo được CÔNG.
Hiểu đơn giản, muốn Thọ phải không được nghèo, phải sống hạnh phúc, 4 mắt 2 thân phải nhìn một hướng. Tuy nhiên chữ NHỊ này nó còn là dấu hiệu của giới hạn tuyệt đối, là không gian tồn tại cơ đồ sự nghiệp chân chính. Chữ Nhị còn là ẩn dụ của chữ Nhân, nghĩa là yêu thương nhân ái, biết vì người mà chịu thiệt thòi, luôn nghĩ quyền lợi của người khác trước lúc nghĩ tới lợi ích của mình. Đó là vợ chồng có Thiện Tâm nên nhất định sẽ có Phúc Báo.
Chữ thứ 4 là KHẨU
Đề tài này mênh mông. Có lẽ Đông Tây kim cổ có hàng ngàn vạn những châm ngôn, những câu chuyện nói về cái mồm, cái miệng. Mở mồm là Nghiệp. Nói với cái Tâm xấu nhất định tạo Ác Nghiệp. Nói với Tâm Thiện cũng là Thiện Nghiệp. Người xưa không đi tu cũng tự giác tu miệng. Họ nói về khẩu nghiệp. "Lời nói đọi máu". Nói dối, nói Ác, nói hai lưỡi, nói lừa mỵ… là 4 cái Ác dẫn tới Thân, Khẩu, Ý trong "thập ác bất xá". Muốn THỌ, phải biết tu khẩu. "Thần khẩu hại xác phàm", lời nói có thể đem tới "tai bay vạ gió"..
Tuy nhiên, nói với người biểu hiện từ tâm từ bi, lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu lại là tích Phước, tích Đức. Bởi lời nói luôn dẫn đường cho hành động. Chúa nói: "Khởi đầu là Lời", Đức Quán Âm nói lời Diệu Âm cứu khổ cứu nạn… Cho thấy lời nói có ý nghĩa thế nào. Nhiều người là giáo viên dạy Văn, dạy lời nói..., có nói rằng: cái môn văn thời Mạt Pháp này mất giá, bị người ta cho chầu rìa; ngày 20/11 nhà thầy dạy Toán nhiều hoa nhà thầy dạy Văn nhiều cà. Nhưng nên nhớ rằng, ông cha ta ngày xưa rất coi trọng Văn Chương. Nó có thể chở Đạo. Nó dạy cho người ta nói lời Chính, dạy cho cả vợ chồng con cái những lời Đạo Đức. Đây là cái nền tảng cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi thời đại được thăng hoa …
Chữ cuối là THỐN, biểu hiện những không gian, thời khắc ngắn. Nó định lượng những giá trị cụ thể. Nó là đo đếm chính xác. Người ta sống có chừng mực, biết dừng ở đâu, biết đủ ở đâu, biết mỗi thời mỗi khắc trôi qua mình Khắc Kỷ Phục Lễ đến đâu. Tự mình biết tiết chế từng hành vi cử chỉ trong cuộc sống, phải gương mẫu, phải quy phạm để cho bộ máy gia đình chạy êm, bình ổn…
Nhân nói về chữ Thốn và các chữ trong Thọ, hãy đọc một bài viết của Trí Chân trong chanhkien:
“Cổ ngữ nói: “Thánh nhân không quý Ngọc Bích một thước, mà quý trọng một thốn Thời Gian“, nhấn mạnh sự quý báu của Thời Gian. Hành trình của đời người là do vô số thời khắc tổ hợp thành. Thời khắc là ngắn ngủi, nhưng nó tạo nên sự Vĩnh Hằng, là nói bậc thánh nhân đều có ý trân quý mỗi thời khắc, vậy người phàm tục càng nên phải trân quý mỗi giây phút, trân quý Mạng Sống của chính mình!
Khổng Tử nói: “Sớm nghe Đạo, chiều chết cũng yên lòng“. Một cá nhân nếu như cả đời vô tri vô giác, mơ mơ hồ hồ, không có duyên với chân lý, thì thật uổng cả một đời. Nếu kiên trì không ngừng truy cầu chân lý, mai kia đắc Đạo, chết cũng không tiếc. Đây là hình dung sự bức thiết đối với truy cầu tín ngưỡng và chân lý. Một cá nhân nếu ngừng học tập khám phá, ngừng thắc mắc truy cầu chân lý, thì đã mất đi ý nghĩa tồn tại rồi."
Chữ Thốn có mặt trong chữ NẠI (耐) trong từ Nhẫn Nại. Có mặt trong chữ PHÓ (付 ) trong từ Giao Phó, Phó Xuất: Quy luật vũ trụ không mất thì không được, phó xuất nhiều bao nhiêu thì sẽ được hưởng thụ nhiều bấy nhiêu.
Như vậy, chữ Thốn ở đây có hàm nghĩa của chữ Nhẫn, chữ Thiện.
Trong ba chữ Phúc, Lộc và Thọ thì hai chữ đầu bên trái đều có chữ THỊ biểu hiện yếu tố Thần Linh chi phối trực tiếp. Riêng chữ THỌ nó có vẻ " trần tục, trần thế " hơn.
Bức tường có một trăm chữ viết khác nhau về chữ Thọ