• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Xách quần đi quá một thời linh thiêng

Thứ năm - 31/08/2023 18:12


(Ảnh: Trần Bảo Toàn)


XÁCH QUẦN ĐI KHẮP MỘT THỜI LINH THIÊNG

(Về tập thơ Quá một như không của Trần Hưng)

 

 

1. Dư ba


Từ thời sinh viên, tôi nhớ nhà văn Bùi Hứa Hiệp có nói làm thơ là biến thế giới của mình thành thế giới của người khác. Hàn Mặc Tử thì viết “Người thơ phong vận như thơ ấy”. Trần Hưng, thơ và người, cơ bản cũng là một ví dụ điển hình.


Trong bài thơ đầu tiên của tập, đã thấy ngay dư ba của Thác Bà (hay mái tóc) ngả xuống ngực miền xuôi (hay ẩn dụ chàng trai), của bập bênh sông núi chính là tư thế “kênh một góc trời”.


Dư ba được thể hiện rất đa dạng. Có lúc nhìn núi mà nhớ cố nhân: “núi hao hao giống một người”


Có lúc gặp mưa phùn cũng thấy:  “lấp lửng tháng ngày xa xôi”


Có lúc thấy “mảnh trăng lưỡi liềm” bèn liên tưởng “tàu bay giấy”, tất nhiên không thể là cái tàu bay bất kỳ mà phải do em “phóng lên trời Từ Liêm”.


Bên cạnh những dư ba về cơ bản chỉ gợi nỗi nhớ tiếc, thì có những dư ba tạo nên cả niềm ao ước “giá có kỳ yêu lại”; hoặc cầu may chơi chơi: “bỏ mùa đông cũ ra phơi”;


Và có những dư ba khiến chàng tìm về tận nơi mà gọi đến: “tiếng kêu con cuốc đã sờn cỏ cây”.
 

Tiếc cho chàng kết quả lại là: “gọi im ỉm đứng, gọi thăm thẳm ngồi”.


Ở tình huống tìm về này bắt đầu xuất hiện “chấp chước”, bởi em thì “đổi số lâu rồi” mà anh lại “cứ gọi mãi lời ngày xưa”, thứ dư ba day dứt và ám ảnh.


Ngoài những dư ba rất thiếu sự đáp đền như thế, may thay còn có “Bãi Cháy địa đàng” (biến một nơi thành địa đàng thì hẳn chỉ có tình yêu), có “Vườn Đào em vấp tôi đau” bù đắp, mặc dù kết thúc lại là một sự hụt hẫng, rằng “biển dại ngủ rồi”. Sao mà có cái thứ kén chọn đất sống đến thế, là tình yêu! Nó kén cái dại để tồn tại, nhưng mà dại hoàn toàn thì khéo nó cũng chết theo!


Ở những ví dụ trên, Trần Hưng đã “trôi lăn” trong dư ba một cách tự nhiên, như từ vô thức. Tuy nhiên có những bài thơ mà chàng nhận ra “chân như” của con người mình: “quả bàng đã chín mà tôi chưa già”,


Nhìn thẳng vào nó:  “tôi hay ngủ gật tôi là thi nhân”, ý thức được hậu quả của nó: “trường đời thi trượt mấy lần buồn thiu”


Và dường như đã biết chấp nhận, đã ru mình an phận trong con đường nhân – quả ấy:  “gió mùa đông bắc suốt đời không may”.


Nuối tiếc quá khứ là căn bệnh mãn tính trầm kha của cả loài người, riêng gì Trần Hưng đâu. Tuy nhiên người bệnh này nuối tiếc đến mức cực đoan, rồi thành thi sĩ một phần cũng bởi điều đó.

  

2. Người biết sống một mình


Trong tàng kinh các của Phật Giáo có một bản kinh gọi là Người biết sống một mình. Trần Hưng đã rất biết sống một mình, sáng tác tự do theo ý thích và không bị câu thúc bởi các trào lưu, không chịu áp lực quảng bá tác phẩm hay áp lực chạy theo thị hiếu độc giả.


Tôi chắc là một trong những người đầu tiên nghe bài Chó đá. Rất nhớ phiên bản đầu tiên của câu thơ là: “Xách quần đi suốt một thời linh thiêng”.


Sau này chữ “suốt” được đổi thành chữ “khắp”, tức từ mô tả thời gian tuyến tính – thuận tai và logic với “một thời” là từ chỉ thời gian chuyển sang mô tả không gian. Sự chuyển đổi này rất dễ thành sái, nhưng rút cục lại thuận và đắt giá bởi câu thơ đã chuyển sang diễn đạt đủ đầy cả chiều sâu thời gian và bề rộng không gian của một “đứa bé ham chơi”. Trần Hưng đã là một tấm gương về sự kiệm chữ khi có thể.


Nhờ sự một mình mà chàng thong thả lắng nghe và ghi nhận những biến chuyển tế vi trong tâm mình, mà chủ đạo là chất chưởng; ít dính mắc ràng buộc.


Ở bài Bách Thảo hoàng hoa, sau một hành động có vẻ dứt khoát “bứt mình cắn dập”thì đến một sự buông xả dễ khiến ta hụt hẫng “rồi thôi”. Sau một sự quan tâm đến tương lai theo kiểu “vò bàn tay bói một lời” thì ý nghĩa lại chỉ là “gió bay”.


Duyên gì dẫn tới cái lỏng lẻo ấy? Là bởi cái bản thể đầy mâu thuẫn nội tại của chàng: “chân như lá rụng mặt đầy cỏ non”.


Tự mâu thuẫn thế, nhưng chàng vẫn như lạ lẫm với cái mâu thuẫn của tha nhân “mặt phấn lòng son” – khó chiều thay. Và khó chiều nhưng lại cũng tất yếu bởi thế gian là cõi mà ngay cả cỏ cũng đã hết “hoang mang” tới “hỗn mang” rồi. Thế nên, dù hai mình thật tuyệt, rút cục chàng lại một mình mà tự hỏi “em còn nhớ ta?”.


Một mình, có lúc chàng cảm thấy đơn độc như cây: “khoác mùa xuân đứng dang tay giữa trời”,


Và gánh cái dư ba của những cuộc tình “đằng đẵng một thời ai ai”. 


Nhưng lại cũng có khi chàng tự xác định vị thế tỉnh thức mà nhìn sang: 

“thôi người ngon giấc bùa mê”.


Một mình, chàng ung dung “không biết thời bình hay thời loạn”, nhưng vẫn nhận dạng cái thiên nhiên khắc nghiệt “gió mùa sấp ngửa bàn tay”, con người “sương khói”, và cũng vì vậy mà trong tâm thế chàng đến cả “cay đắng” cũng “mơ hồ”! Chàng day dứt “không nguôi” dù là “người lớn thở phào” hay “trẻ con cười” đi nữa. Chàng ôm một mối mâu thuẫn nội tại sâu sắc, chí ít đó cũng là điều kiện cần của tâm và tài. Bài thơ này rõ nhiều lần nhắc “yêu em”, nhưng tôi không xếp nó vào dạng thơ tình. 

Ông yêu gì mà bên tôi toàn nghĩ chuyện thế sự?


Sự một mình của chàng không phải trời sinh đã thế. Chàng cũng đã bao phen khấp khởi:


“may mà em nhẫn nại

hỏi thăm đường về Gang”,


rồi vội vàng:  “tình yêu bóc ngắn cắn dài”;


kiên trì: “đã long răng lược một thời em qua”;


rồi quyết liệt xả thân: “xác hiền mơn mởn dâng em”


và cuối cùng:  “con đường kiệt sức”


Tuy nhiên, có thể trách trời nào khi dường như suy cho cùng đó chính là lựa chọn tự giác của chàng:


“dây tơ hồng mỏi rã

buộc ta may còn chó đá”.


Từ sống một mình một cách trôi lăn thiên về bản năng, chàng trở nên người “biết sống một mình”, nhưng kỳ thực là sống với tất cả chân trời cao rộng của thế gian, của thiên nhiên và vũ trụ, cũng là phần “Không” của tập thơ này.


3. Từ mê đến ngộ

 

Trong phần KHÔNG, tình yêu còn một lần được hiện lên với vẻ đẹp trữ tình, đáng trân trọng, ấp iu: “còn lại đèn đường sấp bóng trăng quầng loang bóng trăng tán tỏa những vòng ôm ngoài những vòng ôm”


Nhưng đã bắt đầu chưa đựng sự bất ổn, bất toàn: “trong mơ chúng ta là hai đứa trẻ trần truồng nghịch vũng nước nham nhở hao khuyết”


Thế nên, tình yêu trong thơ chàng vẫn còn đó, nhưng ngày một khác đi. 


Ngay bài đầu tiên của phần KHÔNG, Sông Bạch Đằng đến tuổi, người thơ đã có một câu xác quyết:


“không phải lấy nhau mà là yêu nhau”.


Thái độ của anh đã rõ trong từ “lấy nhau” này, một từ mà nếu trân trọng hạnh phúc lứa đôi, thì sẽ phải là “cưới nhau”. Anh lý giải về thái độ đó:


“đáng lẽ anh thuộc về chuyến đò than củi

nếu nếp sóng thời trang không trễ lưng ngày”.


Bằng tâm thế có lúc xác định như ngoài cuộc, “anh đau khổ vì anh tỉnh táo, thiên hạ hay cười thiên hạ hay quên”, anh đã dự cảm tính tương đối của niềm hạnh phúc lứa đôi, đã thấy “lở” thì sẽ luôn đi sát “bồi” như bóng theo hình, thấy hình ảnh đẹp của sinh sôi phát triển “những ngôi nhà chóng cao _ những con tàu chóng lớn” chỉ là bởi vì “chưa đến tuổi lo nghĩ” mà thôi, rồi từ đó định hướng:


“anh góp với hoang vu nghìn tuổi

một hoang vu vài chục năm”


Nhà thơ đã chủ động đặt cái quỹ thời gian hữu hạn của mình bên cạnh một hiện tồn “nghìn tuổi”, khẳng định có cái động tác “góp”, nhưng đồng thời cũng không ảo tưởng, chấp chước vào sức nặng của nó. Thi thoảng anh vẫn là người tình, nhưng không còn “dính mắc” vào tình nữa. Và dính mắc làm sao khi đã tự ý thức rằng:


“vài dòng trăm tag nghìn like

bao nhiêu chữ cái thì ngoài nhớ quên”


Trong một bài thơ mà xếp vào loại thơ tình thì hơi gượng, chàng tả tình yêu của mình:


“tim phân khối lớn máu đầy online”


Nhưng tình này không đủ sức mê dụ, không đến mức vui duyên mới mà quên nhiệm vụ, nên chàng vẫn như tiện thể, sực nhớ ra cái mà trong đại tự sự người ta gọi to tát là sứ mệnh:


“à quên ta nợ điếu cày

một đường lông ngỗng một cây tre ngà”


Tình yêu kiểu không rõ “mình thật hay game” ấy

 

đã đi tới cực hạn ở bài Online, hình ảnh và ngôn ngữ:


“mình đi hoạt họa theo kim đồng hồ"


Và cũng ở đây người thơ buột ra thừa nhận mất mát lớn của con người, là mất đi khả năng say, mơ, mê đắm…để bước vào tình yêu, đến độ chỉ còn biết hướng tới đó:


“phím quèn gõ tỉnh vào mơ

vừa đăng vừa xóa thành thơ thì thành

anh như cá bống truyện tranh

cứ mong được Cám dỗ dành một hôm

ước gì net hiểu cho com

lượt like này đã bao gồm tình yêu”


Nếu là ông chủ của Facebook, tôi sẽ tặng thưởng người thơ vì ý tưởng thêm vào dấu “love” bên cạnh dấu “like”, mà bây giờ đã thành hiện thực.

Lối yêu “hoạt họa” ấy hẳn làm chàng mất sức và mệt mỏi! Và lối yêu “online ai tính cáy còng thích nhau” đương nhiên cũng không khiến chàng khá hơn về tình lứa đôi, nhưng rút cục đã một tay dắt chàng tới bờ giác ngộ:


“em đi để lại ngõ chùa

với tôi và với Phật vừa mới sinh”.

 

4. Hiệp sĩ cuối cùng


Đây là cách nói rất dễ gây hiểu lầm, rằng người thơ tự phong như thế, và sau chàng thì sẽ không còn ai “hành hiệp” nữa. Kỳ thực đây là lối nói có ý hờn mát về cái sự cô độc của mình, lại cũng ẩn dụ một lời mời gọi.

Vậy hiệp sĩ của chúng ta đã “hành hiệp” thế nào? Trước hết anh ấy nhận ra sâu sắc một thực trạng bi thương:


“những bóng lạc hình những hình lạc bóng

tìm nhau quanh miệng giếng tan tầm”


Thực trạng này quẩn quanh đến chỉ như “miệng giếng”, ấy vậy mà vẫn “lạc”, là hình với bóng lạc nhau, hay tâm với thân lạc nhau?


“tưởng là ánh sáng

hóa ra chân tường

chuồn bay dụi kính

người ngồi soi gương”


Đấy là cái cách con người ứng xử với chúng sinh muôn loài, hay là cách người khôn hoặc tưởng mình khôn ứng xử với kẻ dại? Và khôn mà chi khi thực ra:


“càng khôn bước lạc càng dài”


Cái khôn mà do trí tuệ chứ không phải trí huệ sinh ra thì kết quả chỉ bấy nhiêu thôi. Chàng vẫn tiếp tục truyền thống chữ nghĩa kỳ khu “ai gọi mèo leo lét”


Từ leo lét vốn dùng để mô tả một dạng ánh sáng. Tuy nhiên ở đây anh lại dùng tả âm thanh “gọi mèo”, và tạo một sự khác biệt, cũng là một hiệu ứng làm gia tăng cái hun hút của ngõ sâu, tô đậm trạng thái mất khái niệm của không thời gian:


“chỗ này là chỗ nào

hôm nay là hôm nao”


Cái ngõ sâu này đang cư trú bao nhiêu chúng sinh, một trăm, hay một triệu, hay hằng hà sa số? Những hình ảnh, âm thanh dồn dập tạo ra một không khí đặc quánh đến ngạt thở mà lại rất bơ vơ.


Trong không gian “ngõ sâu” đã vậy, còn ở khoảng “đất dài nước rộng đảo thiêng” thì sao?


“thế mà gió chẳng đừng cho

buốt trang truyền thuyết bỏng bờ bãi xa”


Và người thơ ý thức được rõ rệt sự khó khăn đến tuyệt vọng của tình thế:


“ai làm vài ván game không

 để ta giành lại mênh mông nổi chìm”

Tuy nhiên, chất hiệp sĩ đáng quý chính là ở chỗ không phải có phần này tuyệt vọng thì bỏ rơi luôn cả phần kia, mà vẫn một tư thế sẵn sàng:


“bình yên quân phục treo tường

Khơi xa căng một cánh buồm ngư dân”.


Trước khi khép lại bài viết này, xin cùng đến với một bài thơ mà tôi cho là tuyệt phẩm, là một đỉnh cao của Trần Hưng mà chính anh có thể cũng bất ngờ khi tạo ra nó: DÒNG TRẠNG THÁI MỚI NHẤT CỦA RÙA HỒ GƯƠM


Bài thơ cần có những gì nào? Cần tư tưởng à? Thì đây chính là tư tưởng phản chiến:


“gươm đao giấu tận đáy hồ mắt đen

xin đừng lấy máu làm thiêng

ta là lẫy nỏ oan khiên đây mà”


Cần nhân vật à? Thì đây có cả cụ Rùa và cụ Thỏ đã được nhân hóa và gọi lên bằng một giọng trọng thị mà thân mật.


Cần liên văn bản à? Chỉ một chữ “muôn năm” trong câu “muôn vàn muôn vẻ muôn phần muôn năm” là thấy rõ.


Cần “hậu hiện đại” à? Anh đã đưa vào đây cả giọng “giả ca dao”:

 

“nhớ ai như nhớ tắc đường”


Chơi chữ tài tình:


“mai này giải nghiệp u mê”


Bên cạnh cái nghĩa đen “giải tỏa” thì “giải” cũng có nghĩa là rùa, ba ba.

Cả văn khấn pha trộn hiện sinh:


“giao thừa nghẽn mạng hồn hương vẫn về”

Cả thể loại điếu văn, đi từ “ấu thơ” cho đến “lấy nghỉ làm bờ”, liệt kê trang trọng và đôi lúc có phần sáo rỗng – công thức diễn trình của một đời người, và không quên tả rõ cái không khí bi thương của giờ tử biệt:


“cây hoang đất lở trăng tà

Thục Quyên gọi nước hay là gọi nhau”


Anh đã lồng ghép vào đó cả một thực trạng tao loạn của cõi nhân sinh hiện hữu!


Nhà thơ Đỗ Văn Nhâm đã phát hiện, bài thơ này như gồm 2 bài. Tôi trộm nghĩ, cái trang trọng là bài đầu, kể như phần đưa tiễn cụ rùa tới nơi an nghỉ cuối cùng. Còn tếu táo ở bài sau, là khi qua thất tuần, bách nhật, hay giỗ đầu… dần thì cháu con cũng đặt cái huy chương “bạc màu” của “cụ thỏ” (vì là bạn đua của cụ rùa nên tự khắc được “phong” thế bất kể tuổi tác) lên nóc tủ để mà còn sống tiếp, làm thơ tiếp.


Quá một như không là một tập thơ mỏng thôi nhưng từ nhóm bài này qua nhóm bài khác đã có thể có được giọng điệu khác, xuất phát từ quan niệm thẩm mỹ khác. Tập thơ thực sự xứng đáng với tình yêu, tuổi thanh niên và cả trung niên nữa cùng nhung tuyết của nó mà anh đã hiến tặng nàng thơ!


Hà Nội, ngày 11/7/2020

Hải Phòng ngày 17/10/2020

Hoàng Liên Sơn

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.