- Lý luận - Phê bình
Có một niềm "Tin yêu"
Thứ sáu - 14/07/2023 15:58
(Ảnh: Trần Bảo Toàn)
CÓ MỘT NIỀM “TIN YÊU”...
(Trần Huyền Tâm)
Một lần nghe kể về vướng mắc của người bạn, tôi đã tìm cách an ủi rằng: sống với nhau mà không có niềm tin yêu thì khổ lắm. Để động viên bạn, tôi đọc một đoạn thơ trong bài “Ngày về không xa” mà tôi viết sau khi nói chuyện với tình yêu của mình về nỗi nhớ khi xa niềm tin yêu:
Đã biết rằng, chẳng thể gần hơn
Xa xôi ấy giờ vỗ về nhung nhớ
So đo chi cái nỗi niềm đi, ở
Những vui buồn chẳng thể kể hết tên…
Nhắn nhủ rằng, khi héo tạnh niềm tin
Gần gũi đấy chắc gì chung một lối
Những oán hận, đua tranh, bức bối
Chỉ hao tài, tổn đức, mệt tâm thôi…
Đang ở tâm trạng ấy, bất ngờ, tôi tìm đến thơ và tìm được sự đồng cảm của tình yêu, qua bài thơ “Tin yêu” của Bùi Thị Biên Linh, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Bình Phước, người được mệnh danh là Nữ Thi sĩ Xuân Quỳnh của Sông Bé.
Tôi quen biết Biên Linh từ năm tôi 12 tuổi. Lúc đó Biên Linh đã nổi tiếng với những bài văn, bài thơ dưới bút danh Bùi Thị Sóng Biển. Sóng Biển là thành viên nhóm “Búp trên cành” - Nhóm những thiếu nhi có năng khiếu sáng tác Văn học Nghệ thuật trong hệ đào tạo đầu tiên của Thái Bình trên phạm vi cả nước từ năm 1976-1987.
Từ năm 11 tuổi Bịên Linh đã có bài in trên Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Tạp chí Văn nghệ Thái Bình. Đặc san Báo Thái Bình. Truyện thơ của chị được đọc trên Đài phát thanh, chương trình thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam từ thời ấy.
Sau này, là cô giáo nhưng Bịên Linh vẫn làm thơ, viết văn, viết tiểu luận phê bình văn học đều đều. Mới đây (2015), tập thơ ‘Ý nghĩ ban mai’ của chị được nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản. Các tác phẩm của chị cũng được giới thiệu nhiều trên các báo: Người Hà Nội, Sinh viên Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Bình Phước. Tuyển tập “Bạn thơ quê hương”… Chị cũng nhận nhiều giải thưởng thơ và truyện trong suốt cuộc đời văn chương của mình. Văn thơ của chị hiền dịu, nữ tính, hết sức dung dị, đúng chất quê hương mộc mạc mà sâu.
Tôi đọc thơ Biên Linh trong lúc bung biêng để cảm, để ngẫm, và sau đó là để tĩnh lại mình. Và đây là bài thơ của chị tôi gặp với tựa đề: ”Tin Yêu”.
Người đi về phía biển rồi
Tôi đã hiểu thế nào là nỗi nhớ
Nỗi khắc khoải mỗi chiều hôm tựa cửa
Nỗi xuyến xao khi trăng sáng bên thềm
“Nỗi bồn chồn trong buổi tối lặng yên
Nỗi thổn thức tiếng mưa ngoài kẽ lá
Nỗi mong ngóng cánh chim trời vội vã...
Chỉ một người hiểu cùng tôi tất cả
Nỗi lòng này - Ở phương ấy
- Biển ơi!
Bài thơ này, thật hay. Cái hay không chỉ vì nó đúng với tâm trạng của tôi, của nhiều người khác nữa trong sự đồng cảm. Dưới ngòi bút của Bùi Thị Biên Linh, nỗi nhớ người đi xa đã hiện hữu, đã lắng đọng, đầy ắp trên các diện của thi liệu: ngôn ngữ, hình ảnh, nhạc điệu cho đến tâm tình.
Biên Linh đã khắc họa một bức tranh về nỗi nhớ. Qua bức tranh, nhà thơ đã lần nữa, làm sống dậy một cách sinh động nỗi nhớ nhung, cái tâm tình của một người đang trào dâng cảm xúc thương yêu. Đang se quặn trong nỗi nhớ nhung khi phải xa tấm tình yêu thương nào đó. Nó khắc khoải. Xao xuyến. Nó bồn chồn, thổn thức. Nó làm ta không yên. Nhìn đâu cũng thấy nỗi nhớ hiện hữu. Cỏ cây, hoa lá, mưa nắng, sự tĩnh lặng của đêm tối hay cánh chim trời vội vã. Nỗi nhớ chật ních cả không gian. Mà cái không gian khi đã đậm đầy nỗi nhớ, dù theo chiều ngang hay chiều dọc, chiều thẳng đứng hay tam tứ giác, lục giác hay bát giác thì cũng chỉ dồn về một phương ấy là: “Phía Biển!”
Và, biển đã hóa thành điểm sáng. Nơi ấy có người yêu mình, hiểu mình. Chỉ người ấy mới vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả.
Đọc bài thơ “Tin yêu” ta thêm yêu cái nhớ, cái nỗi niềm của người cầm bút qua phút giây ngắm biển. Qua tái tạo, sáng tạo. Qua cái hồn của nghệ sĩ được gửi vào những câu chữ có thần. Ở đây, chủ thể sáng tạo chính là nguồn cội đang day trở trong nỗi nhớ. Dù nỗi nhớ được mang tên, có cả những nỗi nhớ không tên trong khắc khoải, xao xuyến, trong thổn thức, mong chờ. Trong nhu cầu con sóng được dồn xô, được tan ra những vọng vang trên bãi bờ khao khát.
Thiết nghĩ, nếu không phải là người trong cuộc, không có tình yêu mãnh liệt, Bùi Thị Biên Linh không thể có bài thơ “Tin yêu” trong kết tinh của cảm rung, của ý nghĩ, của rất nhiều yếu tố làm nên bài thơ hay, có sức lay động hồn người.
Bởi qua thơ, ta có sự đồng cảm, nhất là qua những hình ảnh của “những chiều tựa cửa”. Của phút giây “khi trăng sáng bên thềm”. Của “Nỗi thổn thức tiếng mưa ngoài kẽ lá”. Của: “Nỗi mong ngóng cánh chim trời...” Với bao nhiêu cái gợi nó có từ cái “Gốc” của tâm hồn yêu say, đượm nồng, thi sĩ!
Cảm ơn Bùi Thị Biên Linh! Cảm ơn nỗi nhớ thi ca trong cái có được của chị!
Xin nói thêm, thơ của Bùi Thị Biên Linh giờ đây có thể tìm được nhiều bài hay trên những “trang Báo mạng”, Báo viết. Chị là người đã có nhiều thành công trong công cuộc lao động sáng tạo nghệ thuật của mình. Ngoài thơ, Bùi Thị Biên Linh cũng đã khẳng định mình ở lĩnh văn xuôi, ở chùm Bút ký giành Giải Nhất Cuộc thi của Báo Sinh viên và Trung ương Đoàn tổ chức, năm 2017.
Bạn đọc yêu thích thơ chị, có thể tìm kiếm cái tên Biên Linh với “Ý nghĩ ban mai”, “Nói thật với mùa thu”, “Thì thầm tiếng gọi”... sẽ gặp một Bùi Thị Biên Linh dịu dàng, đằm thắm và sâu lắng.
Tôi thực sự vui và chúc mừng Bùi Thị Biên Linh - Một người chị, người đồng môn, đồng nghiệp - Một Nữ thi sĩ đáng yêu của Bình Phước và của quê hương lúa, đồng bằng Bắc bộ: Thái Bình.
T.H.T