- Lý luận - Phê bình
Cô giáo - nhà văn Bùi Thị Biên Linh
Thứ sáu - 14/07/2023 15:27
(Ảnh: Cô giáo nhà văn Bùi Thị Biên Linh)
CÔ GIÁO - NHÀ VĂN BÙI THỊ BIÊN LINH
(NGÔ THỊ MINH ĐÔNG)
Ở thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước, tên tuổi và hình ảnh của cô giáo - nhà thơ nhà văn Bùi Thị Biên Linh giáo viên trường THPT Phước Bình, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Bình Phước, từ lâu đã trở nên gần gũi, thân quen. Đặc biệt là các phụ huynh và học sinh. Bởi lẽ tên cô không chỉ gắn với nhiều giải thưởng trên lĩnh vực về văn học nghệ thuật mà còn là một nhà giáo tận tâm, uy tín, là cô giáo của nhiều học sinh đậu thủ khoa vào các trường chuyên, các trường Đại học.
So với những người nghệ sĩ sáng tác văn học nghệ thuật của tỉnh Bình Phước, Biên Linh là người viết bền bỉ và thành danh khá sớm. Cô là người may mắn ít người có được. Đó là: Được làm học trò của nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ tên tuổi của Việt Nam từ khi còn là một cô bé học sinh cấp I.
Năm 1976, sau khi thi Học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc, Biên Linh được Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình tuyển chọn đào tạo thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học nghệ thuật, khóa học đầu tiên của cả nước khi ấy chỉ có 12 học sinh được những nhà văn, nhà thơ như: Tô Hoài, Phong Thu, Phạm Hổ, nhà thơ Kim Chuông, nhà thơ Lê Bính, nhà văn Bút Ngữ. Nhà phê bình văn học Trần Đình Chung trực tiếp dạy dỗ, hướng dẫn. Cô trò nhỏ này đã liên tiếp có nhiều tác phẩm được đăng trên Báo Thiếu niên Tiền Phong, Báo Văn nghệ của Hội nhà văn Việt Nam, Văn nghệ Thái Bình,... được đọc trên Đài tiếng nói Việt Nam.
Năm 1980, Biên Linh từ giã quê hương cùng cha mẹ chuyển vào sinh sống tại xã Long Hưng, huyện Phước Long tỉnh Sông Bé. Tại đây, cô tiếp tục theo học Trường cấp III Phước Long. Dù cuộc sống của những ngày đầu giải phóng còn bao nhọc nhằn vất vả nhưng cô học trò của nhà văn Tô Hoài năm xưa vẫn phấn đấu không ngừng nghỉ, vẫn phát huy được năng lực sở trường của bản thân. Tiếp tục được chọn trong đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia, nâng số lần được tham dự thi quốc gia lên đến 4 lần. Biên Linh là học sinh giỏi đầu tiên ở huyện Phước Long được thi Quốc gia môn Văn tính từ ngày giải phóng miền Nam đến nay. Dù khi là học sinh hay sinh viên và cả khi đã trở thành nhà giáo Biên Linh vẫn âm thầm sáng tác. Cô làm thơ, viết văn, viết tiểu luận phê bình văn học. Đó là những trang viết giản dị, chân thật, dạt dào cảm xúc về cuộc sống, con người thiên nhiên của vùng quê Phước Long - Bình Phước. Miền đất đỏ gian lao và anh dũng bao đổi thay, sự hồi sinh của đất của người đã đi vào các tác phẩm của cô với bao tình cảm tự hào yêu mến.
Trong một khoảng thời gian ngắn từ 1982 đến 1990. Biên Linh đã gặt hái được nhiều giải thưởng về sáng tác.
Giải Nhì Thơ viết về nét đẹp nhà giáo của Hội Văn học Nghệ thuật - Sở Giáo dục Sông Bé 1985;
Giải truyện ngắn: Viết về Miền Nam sau 10 năm giải phóng: Năm 1985;
Giải thơ: Viết về Miền Nam sau 10 năm giải phóng: Năm 1985;
Giải thưởng viết về Cách mạng tháng Mười Nga của Hội hữu nghị Việt - Xô. Năm 1988;
Giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật Sông Bé về thơ: Năm 1990;
Cũng từ năm 1982 đến nay, các sáng tác của cô liên tục được đăng trên báo Văn nghệ Sông Bé, Cao su Việt Nam, Người Hà Nội, Thanh Niên, Tạp chí Văn nghệ Bình Phước... Tập thơ “Ý nghĩ ban mai” của cô được giới thiệu trên trang Văn học Tổ quốc và in trong tuyển tập: Thơ ca Bình Dương 1945-2005.
Các bài tiểu luận của cô được chọn in trong sách “Nhà nước đặt hàng” và được sử dụng làm lời giới thiệu trong tác phẩm, của nhiều người cầm bút khác. Trong lĩnh vực sáng tác nghệ thuật, cô được nhiều nhà phê bình văn học và bạn đọc gọi bằng cái tên “Xuân Quỳnh của Sông Bé”.
Đặc biệt năm 2017 cô đã giành 2 Giải thưởng danh giá:
+ Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam với tập thơ: “Ý nghĩ ban mai”.
+ Giải nhất trong số 15.271 bài dự thi trong Cuộc thi “Tri ân người Thầy” do Trung ương Đoàn và Báo Thanh Niên phối hợp tổ chức.
Là người có hai bằng trên hai lĩnh vực khác nhau, lại được đào tạo để trở thành cán bộ quản lý giáo dục từ khi còn rất trẻ. Nhưng chỉ làm quản lý một thời gian, cô đã xin nghỉ để chuyên tâm dạy dỗ, truyền kiến thức văn chương, truyền cảm hứng học tập cho bao lứa học trò.
Trong cuộc sống đời thường, cô luôn giản dị thân tình với khuôn mặt rạng rỡ và nụ cười tươi. Ở Biên Linh luôn toát lên sự chân thành ấm áp đầy yêu thương như chính những bài thơ câu truyện của cô. Đọc mỗi bài cô viết tôi và nhiều người khác đều thấy trái tim mình rung lên bao cảm xúc. Cứ như cô nói giùm những nỗi niềm sâu kín mà tôi không thể diễn tả thành lời. Thơ, văn của cô mộc mạc từng câu từng chữ như chính cuộc đời. Tuyệt nhiên không hề có chút gì vay mượn, sáo rỗng, màu mè.
Gorki đã từng nói “Văn học là nhân học”, “Văn là người” quả là không sai. Nếu người đọc yêu thơ, văn của cô bao nhiêu thì trong cuộc sống đời thường cô cũng được nhiều người yêu quý bấy nhiêu.
Là một nhà giáo, một người sáng tác nghệ thuật suốt bao năm qua, Bùi Thị Biên Linh đã mang cả tình yêu, nhiệt huyết và những kiến thức quý giá tiếp nhận được từ những người thầy vĩ đại của mình cống hiến cho nghệ thuật, góp phần cùng các cây bút khác làm phong phú cho nền văn học nghệ thuật còn non trẻ của địa phương Bình Phước và góp một “Tiếng nói của văn nghệ” vùng Miền Đông đất đỏ vào tiếng nói chung của văn nghệ nước nhà.
N.T.M.Đ