- Lý luận - Phê bình
Đặt trần thế vào thơ
Chủ nhật - 18/06/2023 08:23
(Ảnh: Trần Bảo Toàn)
ĐẶT TRẦN THẾ VÀO THƠ
(về tập thơ di chữ của nguyễn thị thúy hạnh)
Phủ đầu nhé: tôi có 2 chỗ đổi font thành in đậm như trên nhằm phân biệt với các chữ còn lại bởi trong bản in của tập thơ, nhà thơ đã để cả tên tập và tên tác giả là chữ viết thường.
Dăm bữa trước ngày tôi trở lại với tập thơ này (sau nhiều năm mang về đặt nghiêm trang trên giá sách trong tầm mắt mà nhiều bận cứ cầm lên lại bỏ xuống), nhà thơ Nguyễn Thành Tuấn có khuyên tôi nên đọc thêm các sách về lý luận phê bình để có thêm kiến thức và công cụ đã, bởi tôi vốn không có bằng cấp gì về văn học. Tôi cũng suy nghĩ nhiều về điều đó, liên tưởng tới tác phẩm phê bình của nhiều bậc tiền bối đã đọc thì nhận thấy đúng là những bài viết của tôi còn cần thêm đâu đó 10-20% nữa để thành tác phẩm phê bình thơ đúng nghĩa.
Tuy nhiên lại nghĩ việc tìm và đọc sách mới biết đến khi nào thì xong, và những điều tôi tâm đắc về tập thơ này bao giờ mới tới được bạn đọc? Càng để lâu thì càng thiệt cho người muốn đọc thơ hay (mà chưa biết tới). Hãy chú ý Hạnh (từ nay xin phép viết hoa chứ không viết thường như trong bản sách in) đã in tập thơ này với số lượng cực ít là 200 cuốn. Có lẽ chị cũng ý thức rằng nó khó phổ cập. Vậy mà tôi lại ôm tham vọng muốn nó trở nên phổ cập, ít nhất gấp vài lần con số 200 ấy.
Và vì cái 10-20% còn thiếu kể trên, lại trong cái không khí cởi mở khơi gợi bởi sự kiện ca sĩ Bob Dylan được trao giải Nobel văn học cho ca từ của ông; tôi mạnh dạn gọi tên các tác phẩm dạng này của mình là tùy bút phê bình.
Cũng lại thấy rằng Hạnh đã cấu trúc tập thơ của mình thành các phần rất hợp lý và khoa học, giúp người đọc đỡ vất vả hơn một chút trong quá trình thâm nhập cánh rừng thơ rất mới này; tôi đủ lý do để thừa kế luôn cấu trúc ấy.
1. Gác nhỏ
Có ai lấy làm lạ về việc đeo mặt nạ đâu; tôi, anh, họ, chúng nó… đều đã/ đang đeo. Tuy nhiên Hạnh đã có ý thức sâu sắc về nó, đau đớn vì nó, muốn thoát khỏi nó từ khi mới 2002 – 1987 = 15 tuổi!
Và đây là thơ 15 tuổi của Hạnh:
tôi cố gỡ chiếc mặt nạ chính mình đã chọn
mười ngón tay chảy máu vào trong
(mặt nạ)
Sự gắn bó với mặt nạ đã nhuyễn đến:
là ai đó hoàn toàn mỗi sáng. Rồi đêm
lại khóc cho cái phần thật nhất
những cơn mơ không thấy khuôn mặt mình
Mười lăm tuổi, cái tuổi học đường, có khi mới chớm vào trung học; đời sống chưa có gì phức tạp ngoài cái bảng điểm có thể bị mông má chút thành tích ảo được vẽ ra. Tuy nhiên bản năng đòi sống thật, nói thật của một nhà thơ tương lai đã va chạm mạnh với thực tế này.
Sự vong thân và tha hóa nhãn tiền:
chỉ những khuôn mặt kẻ khác trồi lên
nghiến nát
thức dậy là những hư không
Nhạy cảm với cái mặt nạ dường ấy, Hạnh nhạy cảm với nỗi đau là điều dễ hiểu:
tôi đi tìm người che chở cho nỗi đau của mình
những nỗi đau dẫu ngàn lời cũng không nói hết
nỗi đau câm nín hành hạ tôi
tiều tụy
tuyệt vọng
(thanh xuân ẩn ức)
Nhưng suy đến cùng tìm người che chở cho nỗi đau lại là một hình thức đeo mặt nạ thay cho câm nín vốn cũng là một mặt nạ.
Và mọi mặt nạ đều vô tác dụng khi sự xâm hại đã ở trong thân tâm:
những con sâu bò trên cánh huệ
nỗi buồn đục khoét trái tim
-
phải chăng sự trong sáng không thể nào bao bọc?
(trong nỗi đau rùng rợn)
Thậm chí cả khi:
em thay nước bình hoa
những con sâu không biến mất
Và không ai phủ nhận được sự tồn tại của nó dù nó có biến mất trên sự ghi nhận lại (bức tranh):
nhưng từ ký ức
hương thơm không làm quên lãng
những con sâu trên cánh hoa
Có thể không mấy liên quan, nhưng tôi liên tưởng tới những cây rau bị phun thuốc sâu, hút vào chúng nước từ đất nhiễm hóa chất, kim loại nặng; và những con gia súc ăn bột tăng trong quá đà. Chúng vẫn mang mầm bệnh tật đi gieo rắc dù vẻ ngoài không khác lạ.
Và giờ thì mặt nạ đã đi trực tiếp vào thơ:
những câu thơ che mặt
dẫu rằng đau xót
tôi vẫn phải đặt trần thế vào thơ
(bức thư gửi những người đàn bà bị bán thân)
Sau khi thí điểm giải mã một số bài thơ đầu tập, tôi thấy đã đến lúc chuyển hướng sang nhận dạng những cách tân, không phải từ, cụm từ mà là câu, cụm câu. Và tôi sử dụng một biện pháp mới là highlight bằng cách gạch chân các từ, cụm từ đáng chú ý đó ở ngay trong câu chứ không liệt kê bằng cách ngắt chúng ra khỏi ngữ cảnh.
“anh gọi hồn vớt hương sen trong nắng
thơm như mắt em”
(khi cuộc sống của anh đã đánh mất tên em)
Bỏ qua nỗi sờ sợ của từ “gọi hồn”, tôi vẫn đầy thắc mắc: hương sen mà có thể vớt (như nước ấy) ư? Và mắt mà có thể (tỏa hương) thơm ư? Hay đó là thứ hương thơm tinh thần? Hay sự trong sáng của đôi mắt ở một tuổi nào đó đến độ như là có thể tỏa hương vậy?
“em ra đi
để lại trong anh cái nhìn nghìn năm”
Là cái nhìn của tình cảm say đắm – đổ vỡ… mà hàng nghìn năm nay vẫn thế?
“bước lên cầu thang mười chín bậc
vết máu khô trên tấm thảm mục nát”
(gác nhỏ)
Tôi vốn dân kỹ thuật, nhưng cũng phải vào google để tra xem vì sao lại là 19 – con số bậc cần kiêng cữ khi làm cầu thang vì nó ứng với “bệnh”. Nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ để giải mã chữ “vết máu” vì dường như chữ ở đây không chỉ là bệnh mà là tử.
“căn phòng nhỏ
chứa đầy ánh mắt”
Chứa đầy ánh sáng thì đã là một cách nhìn rất thơ rồi!
“đánh thức giấc ngủ bé bỏng”
Là giấc ngủ của một người bé bỏng, chứ không phải theo nghĩa giấc ngủ ấy chỉ kéo dài một vài giờ?
“có thể nơi xa kia
một giọt nước mắt của anh cũng đang rơi
xuống đôi môi tôi đỏ màu chờ mong”
(gác nhỏ)
Tại sao lại không phải ước lệ “nước mắt” mà cụ thể đến “một giọt nước mắt”? Tại sao lại rất rõ là “đang”? Và tại sao từ nơi xa kia cái rơi xuống được nơi này? Một đáp đền nho nhỏ cho niềm khao khát? Một biến tấu của “tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây”? À vâng, tất cả chỉ là “có thể”.
2. Mùa xa vẫy gọi
Khả năng ở vùng này không khí thơ sẽ thông thoáng hơn. Tuy nhiên tôi đã sớm lọt vào không khí bi quan:
như đoàn tàu rời ga nỗi khổ
em đi đâu?
(đêm viết ở Bắc Kinh)
Hạnh đã chặn niềm hy vọng ngay khi nó vừa mở ra! Sao không phải là chặn ở cuối hay cùng lắm là giữa bài thơ? Sao lại chặn ở ngay câu tiếp theo thế?
Và cứ thế, những câu thơ cho thấy sau ga nỗi khổ lại là ga nỗi khổ:
“anh mơ thấy em mỏng mảnh bước vào
khuôn mặt như mảnh trăng vỡ”
“anh muốn mua lại một thế giới đã mất giá
chôn vùi những giấc mơ thanh thản”
Thậm chí nỗi khổ ở ngay trên chính con tàu:
“người Nhật và người Hàn bàn về phương pháp tự sát
bên rượu sake và rau kim chi”
Khái niệm “phi lộ” mặt nạ ở đầu tập thơ đã phát triển thành:
anh giả vờ yêu em
Ai đó nói dối người còn có thể cứu, dối mình thì vô phương; nhưng ở đây:
giả vờ tin mình tử tế
Dù sao, một chút ấm áp là, ở cuối một bài thơ mà chị đã làm trong hai năm (ghi chú: Bắc Kinh 2009 – 2010) cho thấy dù chưa tìm thấy lối thoát trong cả bài thơ, nhưng còn đó niềm tin về lối thoát. Và con người sẽ tạm gác sự khóc lại cho tới khi “ngôn ngữ của anh là ngôn ngữ cuối cùng”. Tôi hiểu đó là ngôn ngữ nhuốm màu không phương hướng và tuyệt vọng.
Thủ pháp nhân hóa đã và đang được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên Hạnh làm mới cách nhân hóa:
đền đài say sưa uống đỏ
Trong hình ảnh cái khổ thực tế hữu hạn của một ngày (xếp hàng mua vé chẳng hạn) có bóng dáng cái khổ khái quát cả đời (theo quan niệm của Phật pháp):
hàng người chầm chậm bước qua nỗi khổ
(hồ Vân Nam)
Và sự tận hiến bằng chết cho nghệ thuật rồi lại tái sinh nhờ nghệ thuật, được ví như:
những bàn tay tự tử trong gió
những cánh hoa đội mồ để múa
(mỹ dạ ngâm)
Nhân đó, nhà thơ ra tuyên ngôn nghệ thuật của mình:
thập giá thơ
treo những cơn đau
kéo dài nghìn năm
mỏi thân xác tôi
những câu thơ chữ thập
Cái “xa” này không chỉ là về không gian:
tôi ngắm nhìn cái chết của mình
(mùa xa vẫy gọi)
Thế hệ tôi phần lớn kiêng cữ nói đến cái chết trong thơ, trừ phi nội dung đòi hỏi và không còn lựa chọn nào khác. Còn Hạnh đã chủ động đề cập đến nó. Tuy nhiên sự diễm lệ của cái chết này, hội với khả năng “ngắm nhìn” ở trên – như từ kiếp tái sinh mới ngoái lại kiếp cũ, cho thấy cái chết đã thành một khái niệm nghiêng về tinh thần – tâm linh.
rất trắng
và rất trong
lòng thơm như gió đi qua vườn hồng
(mùa xa vẫy gọi)
Và sự “xa” không chỉ đơn thuần là của người lữ hành so với “gác nhỏ”, mà là cái xa của thiên đường so với trần thế khổ đau:
đạn bom kề tiếng mẹ ru
ký ức tan vỡ nghìn mảnh nhỏ
quê hương nhân loại mịt mù
chúa mỗi ngày gửi đến những câu kinh
lời kinh có mùi nước mắt
Tôi sẽ lại phải tạm xa việc đi vào từng bài thơ, mà trở lại với những câu thơ hay nhan nhản khắp tập sách mỏng này mà lật trang nào cũng có thể có. Nhiều đến nỗi gây khó cho tôi, khi dẫn chỉ độ một nửa thôi thì đã quá nhiều, mà không dẫn lại tiếc.
Sương mà như thủy tinh ấy nhỉ:
“mặt trăng lên từ bờ vai mảnh dẻ
tiếng sương vỡ trong thinh không”
(nhạc tranh)
Tiếp tục làm mới thủ pháp (nhân hóa) đã rất cũ, và mềm hóa khái niệm tâm linh:
“tôi cô đơn
như cây liễu khỏa thân trong mưa tự ngắm mình
đàn chiên mưa hát trên da người”
(Jisatsu)
Gọi thao tác viết bằng một cái tên rất mới:
“tôi phiên dịch tôi
tôi chảy một dòng sông khác”
Rồi lại làm độc giả chóng mặt bởi những cảm thức tương phản đặt quá gần tạo ra sự hụt hẫng, bẽ bàng:
“mùa xuân tróc vảy
nở những cành bi ai”
“đi qua bể dâu thì gặp được người
người ngước đôi mắt gầy đói nhìn tôi”
Men mén nói về mối quan hệ tương liên không phải lúc nào cũng thuận hòa giữa các quốc gia láng giềng:
“cầu cho môi răng thương xót nói lời”
(những cuộc gặp dưới chân thánh giá)
Dịch chuyển vị trí (thế) của mình để có tầm quan sát mới với những nhận thức mới về cả không – thời gian, quá khứ bị lãng quên trong ngày thường đến mức như là mang hờn mà “đã ra đi ban sớm”:
đường chim bay địa ngục
tôi nhìn bằng mắt trăng
đôi môi tôi sương lạnh khóc thầm
những thế kỷ đã ra đi ban sớm
(đường Hồng Lâu Mộng)
Tới đây tôi chợt nhớ ra Hạnh có vẻ đẹp và buồn kiểu Lâm Đại Ngọc trong bộ phim cùng tên. Ở vị thế mặt trăng ấy, nhân vật “tôi” trong bài thơ đã:
“chào đón loài người từ tiền kiếp
đang trở về trong không gian”
Có nét gì hao hao hình ảnh Chúa Trời trong ngày phán xử cuối cùng?
3. Hà Nội
Trong cái lạnh của mùa đông, tôi bất giác xắn tay áo lên để gõ tiếp những dòng về Hà Nội trong Hạnh. Dường như từ gác nhỏ đi xa rồi về lại gác nhỏ, đã có một Hạnh khác; tường qui luật trả giá và đánh đổi:
tôi ngồi chờ em tô son
thời gian bằng tôi khô nước mắt
(thành chiều)
Sự tuyệt vọng không còn chỉ gây tác động một hướng:
chiều Hà Nội hôm nay thơm hơn
ai ướp bằng chút hương tuyệt vọng
(thành chiều)
Hạnh đã có phần “quán tự tại”, cho phép nhiều nét khơi gợi ấm áp hơn lọt vào trong tầm cảm nhận:
em lộ một nốt ruồi
đường cong em vừa thở
em lộ tê tái mùi
Hà Nội đêm nồng nhớ
(Hà Nội)
Dù rằng vẫn là cách tôn vinh nhuốm màu lo âu:
môi hồng như vết thương he hé
Và ý thức được dù bạn cảm thấy gì, đời sống sẽ vẫn cứ thế trôi:
-
truyền hình chiều nay lại một tin buồn nữa
và chúng ta sớm mai vẫn thức dậy 6 giờ
Thậm chí bắt đầu vào vị thế động viên an ủi tha nhân (và có thể là cả bản thân):
đừng khóc nhé những đôi môi màu đỏ
chúng ta còn sống đây Hà Nội còn thở
mỗi sớm mai vẫn lộng lẫy ra đường
Nhưng không quên khép lại bài thơ bằng một cái kết bất ngờ, dù không đến mức đảo ngược:
sau lưng tôi
một chiếc bóng bị thương
(Hà Nội)
Và hình như Hạnh bắt đầu biết cười, từ gượng gạo mủm mỉm:
“tôi trẻ nhất trong xứ người buồn”
(phố chữ)
Đến thành nụ:
“vỉa hè một nho sinh nhai chữ
xương tài hoa xếp dưới gốc đào”
Rồi trở lại với thực tế rằng quá khứ huy hoàng chỉ còn là:
“cánh rụng cánh rụng cánh chiêm bao”
Một số giọng nói hình thức chủ nghĩa thì sẽ ca ngợi rằng cách sử dụng điệp ngữ như thế tạo cảm giác sống động như từng cánh (đào chẳng hạn) rơi xuống. Tôi không quá chú mục vào những đóng góp kiểu này.
Thật thú vị, thật ngạc nhiên, từ sầu bi nghiêm trang Hạnh bắt đầu men mén có cả giễu nhại và khêu gợi:
thành phố của anh
nắng cắt tàu lá úa
quán mưa chay
thịt gió chín vừa
chân em dài ba tiếng đồng hồ
ngực anh thở bốn mùa bất ổn
chiều nay đóng cửa không muốn tiếp nước mắt
anh (đã) hằng hà sa số vết thương
(tạm biệt thành phố)
Hãy để ý cặp đối lập chay – thịt (thánh – phàm), chân em dài – ngực anh thở (nhân quả), ba tiếng – bốn mùa (ngắn – dài); hãy để ý cả cái cách đưa từ đã vào trong ngoặc đơn. Bạn sẽ cảm nhận sống động cách áp dụng các thủ pháp nhuần nhuyễn của nhà thơ mà không cần tôi phải giải thích gì thêm!
Rồi cũng ở đây, tôi lờ mờ nhận ra một thủ pháp nữa của nữ sĩ: nàng hóa thân vào nhân vật nam chính trong một số bài thơ, mà bài này là một ví dụ!
Vẫn tâm thức buồn là chủ đạo, nhưng Hạnh bắt đầu có khả năng chơi với nỗi buồn. Chị đánh số cho chúng trong bài Buồn thứ tự, bài thơ đầu tiên nhân vật trữ tình rành mạch xưng tôi.
Khi đi qua hai phần ba tập thơ này, tôi vẫn thấy thấp thoáng đây đó cái mặt nạ ở bài đầu tiên. Mặt nạ miễn trách nhiệm:
(nói trong cơn mê sảng)
Để từ đó có thể phát ngôn phá cách:
tôi rao bán loài người
vẻ u trầm xác thịt
không nhan sắc tâm linh
Ẩn dụ rằng nếu loài người chỉ có bấy nhiêu thôi thì rất đáng bán đi để (mua) chuộc lại một loài người khác!
Quá trình mang mặt nạ đã đến cái đích:
không bản mặt tuyệt đối
tôi chỉ có một mình
Và sau khi mê sảng hoàn thành nhiệm vụ ra những tuyên ngôn cheo leo giữa xa và quá xa, thì đến tỉnh táo tiếp tục vai trò mặt nạ kiểu khác:
(nói những khi tỉnh táo)
Nhưng từ mặt nạ đó thốt ra khuyến nghị đáng tin cậy:
tôi nói lời mộng mị
xin bạn đọc đừng tin
hãy tin vào trí tuệ
và tâm linh siêu phàm
Bởi vì Bụt cũng nói: các con đừng vội tin tưởng vào bất cứ điều gì, cho dù điều ấy được nói ra từ những đạo sư danh tiếng.
Tôi bất chợt nhận ra Hạnh bắt đầu một mời gọi thú vị, là bạn đọc hãy quán vô thường mà tự viết thêm sau những câu thơ này:
những thiếu nữ đẹp
như hoa nở mùa xuân
Và cũng chỉ trong tâm linh siêu phàm (sương) mới có trạng thái và (người) mới có hành động siêu thực này:
lấy sương khô làm phấn
Buồn đã đến thứ tự 3, là về nỗi sự ngây thơ không có đất sống:
quỷ cũng sợ lòng người hiểm quái
tôi và em biết sống thế nào
Nên lựa chọn là:
trả thông thái lại cho đời
tôi về với cô đơn
ngây thơ như bụi cát bay dưới chân
Thay vì bình luận, tôi xin trích dẫn nguyên vẹn Kinh Thánh Tân Ước, sách Mt 11:25. Vào lúc ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”.
Có lẽ cũng từ nền tảng tâm linh đó mà Hạnh, dường như không phải một giáo dân, lại có lựa chọn thú tội cho nhân vật trữ tình của mình, những tội hoàn toàn không có trong pháp điển, chẳng hạn:
tôi xin thú tội
tôi sống lạc loài
dù yêu con người
Và mối tương quan, gắn kết và xả bỏ giữa nhân vật với thơ nghiệt ngã đến cận tử:
tôi treo cổ mình
bằng sợi dây thơ
Dù sao, tôi hiểu đó chỉ là trạng thái tử lâm sàng; hoặc tử để rồi lại tái sinh trong Chúa, với những người có đức tin.
Ở thứ tự buồn thứ 5 và cũng là cuối cùng của chuỗi này, tôi lại phải mở google mà search cụm từ “chủ nghĩa phi lý”. Và tôi đã gặp nhà triết học hiện sinh Jean Paul Sartre. Không đủ cảm hứng đi sâu nghiên cứu ngay trước tác của ông vào thời gian này, nên tôi chỉ ghi nhận một cảm thán có thể sẽ ảnh hưởng nhiều đến chặng đường sáng tác tiếp theo của nữ sĩ, một người đắm đuối với chữ và di chữ nhưng thốt lên:
hương vô nghĩa thơm
chữ vô nghĩa ý
tình vô nghĩa lý
tôi vô nghĩa buồn
4. Bờ cổ
Trong 7-8 năm là bạn thơ của Hạnh, chúng tôi cũng chỉ gặp nhau được dăm ba bận ở các cuộc đàm đạo khá đông người; không đủ điều kiện để hỏi đáp về thậm chí một cái tiêu đề vì sao lại là Bờ Cổ. Tôi không vội bỏ qua bởi lòng đã quyết từ nay sẽ không đặt hạn chót cho bất kỳ công việc nào liên quan tới đời sống tinh thần nữa.
Cổ ở đây hình dung tựa một cái ao, có thể có thủy đình ở giữa? Hay cổ ở đây là một cái thành đã hoại diệt nhưng bờ thành còn khá nguyên vẹn? Dù là gì trong hai hình tướng đó, thì vị thế của nhà thơ cũng là ngồi bờ quan chiêm và ngẫm ngợi? Vậy chị đã thấy những gì?
Trong bài chớm một giọt kinh, có gọi hồn người đã khuất, có nước mắt thương tiếc đã khô, nhưng chưa thành cổ vì mỹ nhân đeo bông tai hình thánh giá; nhà thơ tự nghiệm:
ta đã sống những ngày tắt lửa
chỉ mười ngón tay bốc khói bay lên
uống cạn một dòng sông để viết
những con chữ gân xanh chằng chịt
Nghĩa là trong thơ lửa không hề tắt, nước không hề mất; chúng chỉ hiện diện bằng cách khác (vẫn cực kỳ ấn tượng) cho phù hợp với o ép, cấm cản.
Và khi quan sát ao (hoặc thành) cổ, chị thấy cái tinh hoa cũ đã mất:
mai lạc loài hoa
hạc lạc đàn
(Mai Hạc)
Nhưng thứ ăn mày quá khứ lại vẫn còn:
Mai thê Hạc tử
chi hồ giả dã…
Và hiện tại thì:
phê bình giả
nhếch nhác bộ mặt chi văn hóa!
Tôi cũng phỏng đoán những người già (đương đại) cạn kiệt mọi thứ đua nhau làm thơ đã gợi chị viết Cung phi từ.
Chị lọc ra những bài học không bao giờ cũ từ sách đã cổ:
da em xanh quỷ đói
cho ta biết sợ hãi dục vọng
(cõi Liêu)
Nếu bạn chưa có dịp đọc hàng nghìn trang sách Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh, thì bài thơ này cũng đã nói với bạn điều cốt yếu nhất. Tương tự như vậy với những bài vẽ Kafka và mưa Lĩnh Nam.
Sau dục vọng, đến tham vọng:
tôi lột bỏ những chiếc vảy tham vọng
thấy lạnh run một thân thể sống
(cá)
Lột bỏ đi, chính là cách để thoát mắc lưỡi câu này:
người đứng câu những văn bản người
Tuy nhiên, tiến trình ấy chẳng bao giờ đơn giản; bởi nếu không nhà Phật đã chẳng cần đến chữ tu. Thế nên, bất chấp âm thanh về vô thường gióng lên:
đêm đêm
nghe tiếng gõ chậu của Trang tử
bộ xương cá nằm trên giường thở
vảy mọc trên da thịt tôi
Đơn giản bởi vảy (tham vọng) mọc thì sẽ chết nhưng không mọc nữa xem như chết rồi!
5. Thiên lý từ
Trong bài Thanh minh (trang 46) có hai câu thơ:
nước hát Đường thi
liễu múa Tống từ
Xin giới thiệu ngắn: từ là thể loại văn học hình thành từ đời Đường và phát triển mạnh ở đời Tống. Còn vì sao nhà thơ sử dụng tiêu đề này, chúng ta hãy cùng đến với từng tác phẩm để có câu trả lời.
Trong sự tự thị là dân khoa học tự nhiên đầy hiểu biết về địa lý, tôi từng quăng lên Facebook một câu hỏi: Tôn giáo nói về địa ngục, vậy nó ở đâu? Lớp đất thứ mấy hay lõi của trái đất? Nhà thơ đàn anh Paul Nguyễn Hoàng Đức là giáo dân đã trả lời tôi rằng địa ngục hay thiên đường cũng đều ngay trong trần gian này. Tôi được khai ngộ điều đó mới vài năm trước, là khi đã gần ngũ thập rồi. Nhưng Hạnh viết những câu sau vào năm 2007 tức khi nhà thơ mới 20 tuổi:
trần gian và địa ngục
cũng chỉ một mà thôi
(một giờ nước mắt)
Tiếp cận chân lý sớm có ích gì chăng? Trên con đường thiên lý ấy, phương tiện thật dồi dào. Có phương tiện ma mị:
chiếc thuyền chở mưa
những ngón tay dài không bến bờ
(mưa mùa lãng quên)
Lại có phương tiện đầy chết chóc:
một con tàu nghiền nát tim tôi
tàn trăng bay lên từ xác gầy
Các hành khách thì:
ai cười sau vai áo một người
một người khóc sau gương mặt tôi
Câu thơ đầu còn dừng ở chút hoang mang, thì câu sau xác quyết sự phân thân bất đắc dĩ, tiên triệu những bi ai và tuyệt vọng nhất còn ở cung đường phía trước.
tôi đàn dưới trăng
những ngón tay tươi nát
và rữa ngọt hương
như khói độc lặn xuống đất
(mộng ác)
Đọc tới đây, tôi bất giác ra mở cửa sổ như cần thêm dưỡng khí dù trời đang lạnh. Tôi nhận ra một tình trạng khủng khiếp: những ngón tay đàn ấy sẽ tiếp tục tươi mà nát, nát mà tươi; chúng không thể héo đi nhưng cũng không thể lành lặn lại.
Cái khuyến nghị cười của đôi câu thơ giễu nhại sau đó không đủ sức xua đi sự khủng khiếp ấy:
trinh nữ ưỡn ngực đoan chính
anh hùng phong tình liếm môi
Và chị đã chạm đến vấn đề mấu chốt nhất:
máu rơi xuống thây của niềm tin bốc hơi
tôi cười trên cái chết của người
Niềm tin giờ hóa thây, nhưng đã bắt đầu suy dinh dưỡng ngay từ bài Mặt nạ. Bài thơ kết bằng câu chỉ là đùa thôi, chỉ pha loãng được phần nào không khí tuyệt vọng. Tương tự niềm tin; các khái niệm hệ trọng như lý tưởng, đạo đức, nhân nghĩa… cũng hoặc bị tiễn đưa, đứng bên lề đường; hoặc chết đuối ở những bài thơ tiếp theo của đường thiên lý: tàn (tích) chiều, mùi hương ký ức. Tới đây tôi chợt ước một ngày nào đó qua kỳ duyên nhân vật “tôi” đại ngộ những câu Bát nhã tâm kinh “bất cấu bất tịnh bất tăng bất giảm”, thì vẫn hiện thực ấy nhưng tâm thức của “tôi” sẽ khác.
Tôi đặc biệt chú ý đến câu kết của bài m - ắ - t:
thơ ca, chỉ là một màn giễu nhại của thân phận
Kết thế, bởi vì bất chấp nỗ lực ở mức “máu rơi đầy trên trang viết mỗi đêm” thì sau “một vài trống canh” sẽ là:
loài người bất hạnh đi qua ngắm nhìn
và hỏi nhau rằng:
“Sao có kẻ vứt rác trên đường trong thời đại văn minh?”
Nếu ngộ ra hoa và rác không hai (Bài tụng 42: Hoa và rác – thiền sư Thích Nhất Hạnh), nỗi sầu “bất toại nguyện” của nhân vật trữ tình hẳn sẽ thuyên giảm đáng kể.
Trong mô thức đồng hiện của tươi và nát, nhân vật trữ tình tiếp tục chịu đựng hành trình tựa như mang thập tự giá:
“em chăn bạc mệnh trên cánh đồng số phận”
“anh chịu đựng những tháng ngày bạch tuộc
tình yêu chúng ta nhai và nuốt
loạt miệng người há những hố bom”
“anh chọn làm một vết thương mù
một âm câm trong mối tình từ điển”
(lựa chọn)
Tới đây, tôi chợt nhận ra không phải nhân vật trữ tình chưa ngộ, mà anh ta chủ động lựa chọn cây thập tự ấy; có thể như trả nghiệp, lại có thể như làm gương hoặc đang hành hiệp:
dù linh hồn anh như ngói vỡ như bức tường loét lở
vẫn còn một góc riêng cho em ngồi thở
sau một nghìn cây số buồn đau
Một nghìn cây số cũng là thiên lý!
Giờ thì tôi đã giở đến bài thơ cuối cùng của Thiên lý từ: I------I.
Tôi đã đọc một số bài thơ thuộc motif một người tưởng tượng ra đám tang của chính mình, chẳng hạn bài Tưởng chuyện mai sau của Hồ Dzếnh; hoặc truyện ngắn Ông vàng cười của Hòa Vang. Tuy nhiên, trí tưởng tượng của nhân vật trữ tình về đám tang của mình ở đây hết sức khác biệt, đầy rẫy những chi tiết, hình ảnh, hành động kỳ lạ:
những cơn hôn thập tử nhất sinh
Có gì liên quan giữa hôn và ốm nặng?
anh đốt dòng mực trắng, từ kẽ mắt chảy ra một âu yếm
Có mực nào là trắng trừ mực để xóa? Và khi sự biểu hiện tình cảm xót thương được mô tả như vậy (nào là kẽ mắt, nào là một âu yếm) thì thực chất xót thương là gì? Chú ý từ loại của âu yếm là danh từ không đếm được!
chôn thật sâu một hoang tưởng tử tế một trùng trùng yêu thương một đẹp – dị - biệt
Lẽ nào tử tế, yêu thương, đẹp – dị - biệt (lại là những danh từ không đếm được) là những thứ mà khi chủ nhân mất đi thì chỗ đứng cũng không còn?
tôi kỳ quái thê lương chân đạp tung chật hẹp
Phải chăng dẫu có chết thì khát vọng tự do và phá vỡ giới hạn vẫn không chịu chết?
tôi thở bằng ngôn ngữ khác
Nghĩa là ngôn ngữ có thể dùng để thở?
tôi mặc một thế giới khác
Nghĩa là thế giới có thể dùng để mặc?
thân thể tôi liệm bằng chữ, chữ cười buôn buốt: mi sẽ cô đơn cho đến chết, chúng ta sẽ theo mi dù mi muốn hay không
Và chữ như chủng tử, như nghiệp chướng theo đuổi qua tái sinh, luân hồi?
người đàn ông kia đứng sau những người đàn ông
Phải chăng anh ta cũng sợ bị trượt chân theo?
họ khóc tôi bằng một trang giấy trắng
Và những lời ai điếu ấy vô nghĩa với “tôi” hệt như không có một chữ nào?
Bài thơ của Hồ Dzếnh đã kết bằng những câu “ta toan giận dỗi xa đời – chợt hay khăn liệm quanh người vẫn thơm”, không thể gọi là “có hậu”, nhưng chí ít cũng có nỗ lực đối trọng với “ta nằm trong ván trông ra - tủi thân vì thấy người hoa vẫn cười”.
Bài thơ của Hạnh khép lại theo cách không có một đối trọng nào như vậy. Là chị không tìm thấy hay chủ đích bỏ qua? Trộm nghĩ, màu sắc tuyệt vọng chủ đạo trong thơ Hạnh không phải vì chị có cái nhìn trần thế lệch lạc hay thiếu khả năng thổi vào nó chút hơi ấm của hy vọng, mà biện pháp cực đoan ấy chính là để tô đậm lên nhằm thu hút sự chú ý của nhân quần đối với bức tranh hiện thực bi quan. Nó khiến chúng ta cảnh giác hơn, bớt ảo tưởng hơn một chút.
Tôi bầu cho chủ đích ấy của Hạnh, nhưng cũng mong rằng trong tương lai sẽ được khám phá một không khí ấm áp hơn (không có nghĩa là hạ bớt chuẩn chất lượng và sức hấp dẫn, sống động) từ những tập thơ mới của chị. Tên bài viết này là “đặt trần thế vào thơ” cũng bởi nguyện vọng ấy.
Những yếu tố khác như bố cục bài thơ, cách thức kết bài… với nhiều cây bút khác có thể cũng là thành tựu để phân biệt tầm vóc, nhưng với chị chúng chỉ như thao tác căn bản không đáng bàn nhiều. Cách thức dùng chữ (từ, trong tiếng Hán chữ với từ là một?) của chị cũng là một nét độc đáo, nhưng xin để độc giả tự khám phá tiếp khiến cho quá trình đọc còn nhiều thách thức và hấp dẫn.
Tôi, một kẻ theo dấu chân bước lại mà nhiều phen cảm thấy ngộp thở, thì hành trình của chị còn nặng nhọc tới đâu. Chúc mừng chị đã vượt qua!
Hà Nội, tháng 01/2023
Hoàng Liên Sơn