• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Nỗi đau ậm ừ

Thứ sáu - 14/07/2023 15:01



(Ảnh: Trần Bảo Toàn)



NỖI ĐAU ẬM Ừ

(Về tập thơ Mở mắt rồi mơ của nhà thơ Lữ Thị Mai, NXB Hội nhà văn, 2015)


Sơ yếu lý lịch tối giản: Nhà thơ Lữ Thị Mai, sinh năm 1988, tốt nghiệp khóa 10 khoa Sáng tác, lý luận và phê bình văn học trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Như vậy, việc sáng tác với chị là nghiệp (như rất nhiều người nhận thế) và cũng là nghề (ít người được đào tạo); thì ý thức chuyên nghiệp khả năng cao là có.


Tôi đã đọc khoảng 500 tập thơ cổ kim Đông Tây, hiện đại, hậu hiện đại, đương đại đủ cả. Năm 2015 khi được chị tặng tập thơ này, tôi chăm chú đọc ít nhất là không bỏ sót từ nào. Tuy nhiên ấn tượng chung là khó nắm bắt. Rất nhiều những cái khác trong cách thức diễn đạt, ở ngay đơn vị từ, cụm từ. Mà tôi thì không biết chấp nhận cái mệnh đề “thơ không phải là để hiểu”. Lại càng không chấp nhận mệnh đề “tác giả còn chả hiểu vì sao viết thế”. Nhưng để hiểu ngay thì không thể. Vì sao nhỉ?


Hãy thử xem xét những cụm từ riêng lẻ: vầng cửa sổ, mùa hoa im vắng, nỗi đau ậm ừ, một mặt trăng mờ tỏ, một hai con mắt, đốm hoa cà tím tái trên chăn, những tàn mưa rụng, cát hoa, mỏm trời xanh tái, tường kín lưng lưng, mặt người cũng mỏi hơn, cơn gặp gỡ, tiếng tiêu xưa ám khói, khơi khới biển Đông, se xót sông hồ, tạm trú lòng nhau, giũ gót giày sạch bách trần ai


Chúng rất khác với những gì tôi đã gặp ở 500 tập thơ đã đọc! 


Tất nhiên, chúng có thể dễ nắm bắt và kiểm soát hơn một chút khi đưa chúng vào ngữ cảnh của các bài thơ trong tập. Và có thể với các “siêu độc giả” cũng không trở ngại gì, họ có thể vào thẳng tập thơ mà không hoài công đọc phần tiếp theo của bài viết này nữa.


Còn tôi lại tham lam, muốn những độc giả “bình dân” như tôi cũng có quyền thưởng thức vẻ đẹp ẩn tàng của thơ. Tôi không câu nệ gì mà sẵn sàng “phân chất mùi hương”.

  • Vầng cửa sổ: từ vầng vốn đi kèm với mặt trăng mặt trời, nay đi kèm cửa sổ thì cũng được nhỉ. Thêm nữa, hẳn cái cửa sổ ấy có gì đó khiến người thơ trọng thị lắm. 

  • Mùa hoa im vắng: hoa vốn thể hiện sự có mặt bằng hương và sắc, chứ không phải âm thanh. Vậy chắc cái “im vắng” này là âm thanh của con người (ngắm hoa).

  • Nỗi đau ậm ừ: chắc nỗi đau kiểu không khiến người ta kêu hoặc than, thậm chí nghiêng về tinh thần hơn là thể chất hoặc có gì đó oái oăm khó diễn đạt mạch lạc. 

  • Một mặt trăng mờ tỏ: cách hiểu xưa nay vẫn mặt trăng là duy nhất. Nhưng quả thực trong hệ qui chiếu vũ trụ thì nhiều hành tinh có thể gọi là mặt trăng chứ. Hoặc giả mặt trăng ẩn dụ mặt người. 

  • Một hai con mắt: lối đếm truyền thống thường là một hai đôi mắt. Không dễ gọi ra hiệu ứng của sự thay đổi này, nhưng có chút gì mỉa mai, có nụ cười nhẹ trong đó. 

  • Đốm hoa cà tím tái trên chăn: hoa tươi thì mới tái đi được chứ hoa in tái đi kiểu gì? Và tôi tạm gán cho cách hiểu là do cái mắt người trong tâm trạng nào đó sẽ nhìn ra thế! 

  • Những tàn mưa rụng: ừ, tạm hình dung mưa tạo thành một thứ tàn che, nhưng là một kiểu ngược đời lạ lạ. 

  • Cát hoa: là những hạt cát đặc biệt nào đó lấp lánh như hoa? Là mặt bờ cát biến thành rất nhiều hoa do gió?

  • Mỏm trời xanh tái: tôi không sao có thể hình dung bởi chỉ quen với mỏm đất, mỏm ngựa, mỏm núi…. Ờ, có vẻ như phần bù (theo phương nhìn ngang chân trời) của mỏm đất chính là mỏm trời.  

  • Tường kín lưng lưng: vẻ như nó kín về bề ngang (xung quanh) chứ không kín về bề cao nhỉ? Nó cũng khá “gợi”.

  • Cơn gặp gỡ: chắc cũng na ná cơn đi tụ tập và say sưa của cánh đàn ông. Tạm hiểu thế. 


Tóm lại thông qua các ví dụ trên đây, nhà thơ đã: truất độc quyền đi kèm từ vầng của mặt trăng mặt trời, độc quyền đi kèm từ mỏm của núi đồi; bớt một số từ mà vẫn giữ được cách hiểu đúng về ý… Ở thời điểm 2015, tôi đã không “bầu” cho những thao tác này! 

Trước bài này, tôi đã viết khoảng 15 bài phê bình các tập thơ, nhưng đây là lần đầu tiên tôi phải đẩy phần giới thiệu về phong cách ngôn ngữ của tác giả lên đầu, trước khi đi vào từng nội dung của tác phẩm. 


Năm 2002, khi tổng kết cuộc thi Tầm nhìn thế kỷ do báo Tiền phong tổ chức, nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn đã viết Ra khỏi căn phòng nhỏ bé đến với cuộc đời mênh mông. Làm được thế thật tốt, nhưng hành trình ấy chẳng bao giờ đơn giản. Và người thơ của chúng ta đã bắt đầu từ đâu?


  1. Nỗi nhạt


Giữa lối làm thơ của tôi và Lữ Mai có cả khoảng cách thế hệ, giới, và thiên hướng tường minh hoặc nhòe mờ. Thiên hướng của thơ Mai dường như chủ đạo là “ý kị thô, mạch kị lộ”. 


Phái nữ khi bày tỏ tình cảm vốn đã nhiều ý nhị, kín đáo. Nếu họ chủ đích làm mờ hơn nữa thì càng khó nắm bắt. 


Cảm quan chung: 

đời sống này nhạt quá

nỗi sợ lá xanh in trên đốm mắt vàng

(Đêm 30)

Sự nhạt vây bủa mọi nơi. Từ sinh hoạt hàng ngày:

sau những ngày chỉ nằm nghe mưa rơi

(Với một chiều tháng Chạp)

Rồi cái uống:

tháng Sáu hoang mang trà nguội

(Tháng Sáu)

Cái chơi:

chẳng ai thức đợi trăng lên

(Tháng Sáu)

Đến hoài niệm:

quá khứ chảy giữa đôi bờ phẳng lặng

người như trang sách im lìm

mở ra bởi tàn tro bí mật

bay la đà qua trống vắng tinh khôi

(Một đêm mưa)


Và âm thanh:

mọt sinh sôi trong những tiếng khan trầm


Tâm thế thờ ơ, gợi nhớ ý thơ “về đây đem chắn nẻo xuân sang” của Chế Lan Viên:

ta không chờ cơn mưa mùa xuân


 Các giác quan cũng ghi nhận được chăng hay chớ:

giây phút vừa xong ai người gõ cửa

không phải anh cũng chẳng phải ai

nhìn trộm mình là một hai con mắt


Dù sao, “con” thay vì “đôi” mắt là cách viết sáng tạo, làm gia tăng cái vị chăng chớ này. Đã vậy, còn có những nguy cơ khiến nó nhạt thêm:

những viên thuốc rủ rê mình sống nhạt

(Sau trận ốm)

 

Trong tình huống đó, dễ hiểu bản năng của con người sẽ là tìm cách thay đổi. Đầu tiên là mất ngủ vì nó:

hoa sấu rụng đau lâm râm ngõ nhỏ

đừng tin những câu thơ thiếu ngủ

(Ngày chưa rạng)

 

Vật lộn với nó:

Trong cơn mơ từng đám mây nhập cơn trở dạ

Không sinh ra hạt mưa nào

(Ngày chưa rạng)

 

Và phát nguyện:

đừng trả em về thinh lặng

tiếng chuông vẫn bay trên nóc nhà thờ

(Với một chiều tháng Chạp)

 

Hành trình vượt thoát ấy đã mở ra, dẫu rằng chẳng bao giờ đơn giản:

cá dưới hồ vì trận mưa mà mắc vào cạm bẫy

vẩy bạc ánh lên hạn hán kéo dài

(Lập hạ)

 

Nhất là khi tuổi cực – kỳ - trẻ đã qua:

anh kể mãi thời mình gặp gỡ

đứng dưới mưa không lo ướt áo như giờ

(Lập hạ)

 

Nhưng nhân vật trữ tình đã biết chấp nhận hệ lụy của vượt thoát:

cá nhỏ mắc câu chẳng thiết ưu phiền

 

Bởi đã lờ mờ thấy cái đích rất hứa hẹn:

sau trận mưa này em là vòm mây

lơ lửng đậu ngày xênh xang lập hạ

(Lập hạ)

 

Tuy nhiên, than ôi, hành trình vượt thoát của con người khỏi cái nhạt chẳng bao giờ thẳng tắp. Nó như thể đường cụt:

ta thương nhau thương cả những ngày dài

chuyến xe chạy đến cùng lại mịt mùng bến đỗ

(Giữa khoảng trống mờ xa)


Vừa kiếm tìm vừa cất giữ:

trong tiếng chuông chùa người vẫn lần tràng hạt

ẩn giấu một phần lầm lụi của tình yêu…

(Giữa khoảng trống mờ xa)

 

Và gặp không ít bẽ bàng:

Chẳng có ấm trà nào cho lòng nhẹ dạ

(Trà hoa)

 

Hành trình ấy đã hiện nguyên hình không thẳng đứng mà nâng dần độ cao theo đường xoáy trôn ốc.  


  1. Những xoáy ốc rất gấp


Một nhịp sống mới thật lạ lùng oái oăm, vẫn nhạt, mà vẫn chóng mặt:

Sau tiếng khóc môi con khát sữa

Chợt rùng mình người xa lạ là ai

Thôi trọn kiếp gối kề tay ấp

Thôi nhìn kìa cơn mưa lạ qua đây

(Sau trận ốm)


Tôi đã đọc, đã băn khoăn, và chỉ hết băn khoăn khi nhớ có những người đàn bà trầm cảm sau sinh. Cách nhìn người chồng của họ có thể nhất thời như vậy. 


Họ dường như rất gạn lọc chắt chiu, ít cầu toàn; nhưng tôi vẫn thấy tồi tội:

Cảm tưởng là buồn

Cảm tưởng là đau

Nhưng lạnh lẽo lại không hẳn thế

(Cảm tưởng)


Họ thừa kế phức cảm từ thế hệ trước:

cha chúng mình đã rời xa trận địa

đau nỗi đau hòa bình

mẹ chúng mình gần hết thời chân lấm

buồn nỗi buồn không đâu

(1988)


Họ nhìn nhận hành trình sống của mình có nét Mỵ Châu:

tuổi chúng mình có gì tủi tủi

sau lưng lông ngỗng trải dài

(1988)

Họ đưa ra trái táo rồi lập tức nói táo này có độc:

trước mắt ta là muốn vàn trái ngọt

ngọt vì mình ngây thơ

   (1988)

 

May là, họ tìm ra giải pháp nhanh:

Thôi lỡ mất một ngày tháng Sáu

đành gọi nhau bằng tiếng của mưa

(Ngơ ngác)


Mà mất sức cũng nhanh:

Ta hụt hơi sau vài câu nói

Vườn xưa ngạt tiếng ve kêu

Đành thoại cùng sỏi

Sỏi than đau lắm kiếp người


Rồi tha thứ còn nhanh hơn nữa:

Như thể mưa đang ngập sâu vào em

thay ngàn lời nói dối

dù gì anh cũng không có lỗi

(Một đêm mưa)

 

Khi tình yêu về đích thì cũng không ở đích được lâu:

Anh đã đưa em chạm đến chân trời

Rồi chúng ta lại bị đẩy sang một chân trời khác

(Viết tiếp)

 

Bởi ngay trong khi đến với nhau:

bóng con đường đã âm thầm ứa lệ

bất chợt môi thề mong manh

(Viết tiếp)

 

Và ngay khi bên nhau đã:

đôi ta còn mãi hoang mang

giữa cơn mơ tìm nơi trú ngụ

(Bạch yến nở trong đêm) 

 

Thân phận tình yêu vốn thế, bởi ngay từ khi bắt đầu đã rất chông chênh:

Nơi chúng mình gặp nhau bên miệng vực

(Không lời)

 

Và tồn tại một cách mong manh:

Trên ngực anh là chùm hoa rã cánh

Chớ chạm vào mùi hương sẽ tan

(Không lời)


  1. Cuối của xoáy ốc


Những xoáy ốc có xu hướng chậm lại khi nhân vật trữ tình nhận ra:

mình yêu ai rồi cũng thành xưa cũ


Và dẫu rằng tình yêu có vẻ vẫn hiện diện thì:

từng đôi bóng thức trên cầu

câm lặng tiễn đưa điều sắp đến

(Trên cầu)


Chị có thiên hướng sống kỹ hơn với chính mình, chẳng hạn khi cắt tóc, dẫu rằng vẫn lụy tình (đã xa):

chết vì thiếu người ve vuốt

chết vì nay đỏ mai vàng

(Cắt tóc)


Màu thiền đã bắt đầu, dù còn vu vơ:

  đến cả nỗi buồn xíu xiu cũng bỏ đi

biết lấy gì ăn năn

biết lấy gì tụng niệm

(Cắt tóc)


Và luôn có thể bị làm gián đoạn:

gió vuốt gáy ớn lạnh 

ô kìa bóng tóc lênh khênh

thêm kẻ bước vào

quên gõ cửa

(Cắt tóc)


Trong sự tĩnh tại ấy, chị bắt đầu nhận chân cái tưởng:

Ta đau bởi cứ đứng ngoài tưởng tượng. Ngoảnh lại thấy mình mất hút. 

(Ngũ sắc)



Cái hoại diệt:

dòng nhựa đắng trong em cũng đến hồi cạn kiệt

có thể một ngày sẽ theo gót mưa giông

(Bên hồ)

 

Và như thực tuệ tri:

miền đất bằng không mùi hoa cúc dại

hò hẹn qua lối ấy làm gì

(Bên hồ)

 

Bắt đầu phát cái nguyện nhỏ nhỏ:

làm sao cất giấu buổi chiều ướt mèm bão lũ

để lòng chay tịnh cầu kinh

(Vu lan)

 

Và có vẻ đã chớm những giao cảm tâm linh:

tiếng kinh cầu vẫn gõ cửa nhà tôi

cả ánh mắt bung biêng người đàn bà bên ấy

chồng con cõi trần lặng im như tượng Phật

(Những hồi chuông cỏ dại)

 

Rồi cũng không ra ngoài mệnh đề “còn đau khổ tức là còn tồn tại” (Dostoievski):

đi hết buồn đau ta không còn gì khác

ngoài tiếng chuông mưa rịn vỡ nắng vàng

(Ngoài tiếng chuông mưa)

 

Từ đây, chị bắt đầu “đến với cuộc đời mênh mông”, không chỉ là về bề rộng mà cả chiều sâu:

hoa chúm chím he hé nhìn khách lạ

về tay người thơm bởi cô đơn

(Vỉa hè)

 

Những vẻ đẹp đời thường:

ngả dao thớt người bán chào lấy vía

(Chợ sớm)

 

Rất tinh tế:

tia nắng non lẫn vào ánh đèn đường thức muộn

đâu là bình minh đâu là đêm vắng

(Chợ sớm)

 

Và tôi ghi nhận một bước ngoặt quan trọng:

Mãi rồi cũng đến một ngày

chúng ta nghĩ về biển nhiều hơn nghĩ cho nhau

(Về biển)

 

Bởi rút cục cũng lại là một câu tôi nhớ lỏm được: Yêu nhau không phải là nhìn nhau mà cùng nhau nhìn về một hướng. Hãy để thế hệ trẻ có thời gian, hãy dành cho họ sự chờ đợi. Họ cần lần lượt trải qua từng giai đoạn của quá trình nhận thức, trưởng thành. Thêm nữa, những nỗi niềm ở trong căn phòng nhỏ bé cũng nhận được nhiều đồng cảm và rất đáng trân trọng. Thi sĩ Tản Đà khi kiểm kê tài sản của mình đã viết: có văn hữu ích có văn chơi.  

 

Mai có quan niệm thẩm mỹ mới, được (và tự) trang bị những công cụ mới. Từ xuất phát điểm khá “tiểu tự sự” của tập thơ mỏng này, chị đã đến với vùng thi cảm trữ tình công dân và những năm gần đây có nhiều gặt hái gồm cả thơ, trường ca. 

 

Hà Nội, 04/01/2023

Hoàng Liên Sơn



 

 

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.