• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Phúc Thọ là quả của Nhân Đức

Thứ năm - 04/01/2024 11:31



(Ảnh: Trần Bảo Toàn)


PHÚC THỌ LÀ QUẢ CỦA NHÂN ĐỨC

(tiếp theo)


Vì sao người xưa lại nói: có Phúc Phận thì mới có Thọ, Phúc Thọ là quả của Nhân Đức 


Người xưa nói chữ là nói Đạo Đức. 

Chữ Thọ cũng nói cho ta những yếu tố của tính cách, của nhân cách cần thiết cho việc hình thành một con người TỐT. Chỉ có thể là người tốt, sống đường đường, chính chính, không ham tranh đấu giành giật lợi ích của người khác thì tâm mới tĩnh,ăn ngon ngủ yên... Nội điều ấy đã giúp người ta Thọ rồi. 

Thử nói lại: Người có Thọ phải là Sĩ, được xếp là giai cấp đầu tiên, được xã hội trọng vọng. Sĩ là từ để chỉ tầng lớp trí thức, những người có học có hiểu biết về chữ nghĩa (thầy đồ, thầy thuốc, quan lại, học trò). Tầng lớp này nhìn chung có cuộc sống nhàn nhã, suốt ngày chăm chỉ đọc sách,am hiểu đạo lý  thánh hiền. Họ làm văn, ngâm thơ để bày tỏ cái Chí và để tải Đạo của Thánh Hiền. Những người Quốc Sĩ xưa nay còn có những phẩm chất đặc biệt khác có thể tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Những con người bình dân muốn thay đổi cuộc sống gần như chỉ có con đường duy nhất là học và thi khoa cử. Trong gia đình kẻ sĩ, người vợ phải tần tảo sớm hôm lo việc đồng áng, canh cửi để nuôi chồng. Nếu chồng thi đậu khoa cử, người vợ sẽ trở thành bà thám, bà bảng hay là mợ cử, mợ tú. Nếu chồng thi trượt, người vợ vẫn có thể hãnh diện với danh vợ thầy đồ làng hay là vợ tú tài.

Người có Thọ là người sống Nhân Hậu. Chữ Nhị ở trên đã cho ta liên tưởng tới chữ Nhân. 

Người có Thọ phải là người có sự nghiệp. Chữ Công cho thấy thành quả của công sức, đồng thời cho thấy người này luôn vì việc chung mà cống hiến.

Người có Thọ là phải Tu Khẩu. Lời nói được uốn lưỡi 7 lần, không hồ đồ; không chuyện phiếm, không thị phi, không tranh hơn thua vì khẩu khí... 

Người có Thọ phải Nhẫn nại, phải Phó Xuất, luôn chịu thiệt về mình. Đây đã là tiêu chuẩn của người tu luyện rồi. "Không tu mà thể như tu mới là". 

Người có Thọ là phải trải qua sóng gió ba đào, những thử thách sinh tử trong đời. Dù họ gặp hoàn cảnh khó khăn nào cũng không để trong Tâm. Như cây Đào đến Xuân là bung nở sắc đào, đến mùa là cho ta những trái Đào chín ngọt, thơm ngon... 

Hôm trước tôi đi Vũng Tàu đến nhà ông anh, có trồng loại cây rất lạ. Trái như gấc nhưng vỏ cứng, chín có màu vàng đất. Ông anh nói đó là trái thọ ngâm rượu chữa đau mỏi. Ông  anh này tên Lương. Tôi thầm nghĩ được tiếp xúc với một người lương thiện, có lương tâm bây giờ không nhiều. Vợ ông tu luyện Chân, Thiện, Nhẫn. Ông đang học môn nhân điện. Ông rất ủng hộ vợ nhưng thích đi chữa bệnh cho người khác bằng công năng. Ông mê những loại cây cỏ để chữa bệnh. Ông say mê nói về cách làm sao cho khỏe và cho Thọ. Nhiều tiền, nhiều thuốc bổ, nhiều cao Lương mỹ vị... Nhiều thứ nữa thì cũng không giải quyết được rốt ráo vấn đề sinh mạng con người. Bởi Thọ để tồn tại, Thọ để Sống là hai điều khác nhau. Thọ để cho kiếp sau hoặc thăng hoa sinh mệnh, "phản bổn quy chân" để viên mãn lại là một suy nghĩ khác, bước lên thuyền để rời bến Mê rồi. 

Viết tới đây chợt nhớ về một người bà con, gia đình toàn là giáo sư tiến sĩ luôn lên TV nói về thuốc về sức khỏe nhưng phải thuê không biết bao nhiêu người đến chăm sóc cho bà mẹ sống đời thực vật đến gần 20 năm. Lại có ông anh lâu lâu lại lên thông tin đại chúng, hết TV rồi vào Facebook nhờ người tìm cha lạc. Cụ gần 100 tuổi rồi. Người rất khỏe nhưng hầu như không còn trí nhớ, tư duy… Tôi vẫn cho rằng, như vậy không đúng chuẩn của chữ Thọ mà cha ông mình quan niệm. 

Tôi cũng chợt nhớ về một cô học trò cũng rất háo hức, hào hứng đi chữa bệnh sau khi có chút công năng. Cô đã khóc hết nước mắt vì mắc chứng ung thư vòm họng. May cùng tu luyện với tôi mà lành. Càng hiểu sâu hơn chữ Thọ. Càng dùng nội lực của mình mà tự nghiêm khắc với chính mình để theo chuẩn mực Đạo đức thì càng thọ. Những người tu luyện chính đạo chân chính sống khỏe và lâu có lẽ cái gốc là chỗ này. 


Dính đến chữ Thọ là dính vào trái đào. Trong ba ông Phúc, Lộc, Thọ mà người ta hay treo tranh hoặc chưng tượng thì ông THỌ dễ nhận diện nhất. Ông già mà mặt mày đỏ au bầu bĩnh như đứa trẻ mới mấy tuổi. Ông chống cây gây gỗ Lê cong queo nhưng có dáng dấp vừa đẹp tự nhiên, vừa vững vàng. Cái đầu lơ thơ của ông như hình một trái Đào. Có lúc, ta thấy Tiên Nữ Ma Cô dâng cho ông một trái Đào Tiên mà lão Bật Mã Ôn họ Tôn ăn trộm trên Thượng Giới. 


Hươu là LỘC, Dơi là PHÚC và Đào là Thọ. Đây là một suy diễn đồng âm rất  thú vị. Chữ Thọ, xét theo thứ tự nói trên là: Sỹ, Nhất, Công, Nhất, Khẩu, Thốn. Sau đó thêm vào bên trái chữ Thọ này bộ Thủy. Nó tạo thành 1 kết cấu mới, một chữ hoàn toàn mới,  được đọc là: ĐÀO, nghĩa là sóng lớn có thể gây tai họa cho thuyền bè. Người Việt mình hay gọi là Sóng Cả: "Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo". Nên nhớ câu đối người xưa: 


"Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách 

Sắc bất ba đào hựu nịch nhân" 


Nghĩa là: Mưa không phải khóa sắt mà có khả năng lưu khách trong nhà. Sắc đẹp không phải sóng lớn mà có thể dìm người ta - (những kẻ chán cơm thích phở - thành thằng chõng) ĐÀO là sóng lớn. 


Tiếng Hán còn có một chữ đồng âm với Đào nữa đó là cây Đào. Hoa thắm như má thiếu nữ. Nó cũng lấy chồng, đẻ con. Con nó ăn thật ngon. Cứ xem cái cách Trư Bát Giới chưa kịp nhai đã nuốt thì ai không ứa nuớc miếng khi nhìn thấy trái Đào kia chứ! Người xưa hay vẽ cảnh Tiên Cô dâng Đào. Có Đào lại có cô Tiên đút cho ăn ai mà chả Thọ. 


Như vậy, nếu nhìn vào cấu trúc chữ Hán tượng hình thì chữ ĐÀO bỏ chữ THỦY (nước)  thành chữ Thọ. Nói ngược lại: chữ THỌ thêm vào bộ THỦY thành chữ ĐÀO. 


Tiếp theo, liên tưởng bằng ÂM THANH thì ĐÀO là SÓNG và có chữ ĐÀO nữa là cây ĐÀO ra hoa mùa xuân, cho  trái ĐÀO ăn rất ngon. Chỉ cần đọc Tây Du Ký ta thấy trái Đào ở những nơi Tiên Cảnh hoặc nơi Thần Tiên thường là thứ quả cho người ta Trường Thọ. Ngay chuyện Trạng Quỳnh của chúng ta cũng có người dâng Vua Đào Trường Thọ. Trạng dám phạm thượng ăn Đào ấy rồi cũng không bị chết chém. 


Từ Thọ sang Đào là một liên tưởng bằng thị giác. Từ Đào (sóng) sang Đào (quả) là một liên tưởng bằng âm thanh. Đây là hai từ Đồng Âm chúng không có quan hệ với nhau về nghĩa. Vậy mà, THỌ dính dáng tới quả Đào. Thật là thú vị. 




Trong Tam Đa, Phúc, Lộc và Thọ người ta hay ghép Phúc Thọ lại với nhau để nói về nhân quả của những người nhiều nhân đức. Những ai sống hợp với Thiên Mệnh với quy luật vũ trụ thì thường được chư Phật hoặc Sáng Thế Chủ ban cho Phúc Thọ và Thiện Báo.


Trường phái tu luyện Đạo Gia thường quan tâm tới tu Mệnh. Thân Mệnh của những vị Tiên thường trường sinh bất lão. Theo truyền thuyết thì ông Tổ Đạo Gia Lão Tử ở trong bụng mẹ cả 10 năm. Khi sinh ra đã là một đứa trẻ nhìn như một ông già. Lão Tử sống rất Thọ. Khi viết Đạo Đức Kinh ông đã gần 90. Và ông đã rời thế nhân phản trắc này để sống ở một thế giới khác với tuổi thọ dường như bất tử. 


Theo các truyền thuyết tôn giáo thì các nhân vật trong Kinh Thánh, trong Thần Thoại, sống cả ngàn năm là chuyện thường. 


Đứng tại góc độ người thường thì sống lâu mà mạnh khỏe là hạnh phúc. Thực ra những Chính Pháp đều giảng về sinh mệnh, về Nguyên Thần bất diệt. Sống lâu là có đủ thời gian để tu thành viên mãn, tu thành đắc Đạo. Sống lâu là để tu luyện, để phản bổn quy chân. Tu mệnh là thăng hoa tầng thứ chứ không chỉ đơn giản là sống cuộc trăm năm mà vướng thất tình lục dục. 


Phật Gia cho rằng ngàn năm đầu thai mới được Thân người. Được Thân này mà lại có Thọ nữa thì đó là điều kiện cần và đủ cho người ta tu đắc Đạo. Thọ rất cần. Bởi kiếp sau liệu có được thân người để tu luyện và thay đổi rốt ráo sinh mệnh của mình không? 

Người Thọ thường là người khỏe ít mắc bệnh. Đây là điều kiện hết sức cần thiết cho một người bước vào tu luyện. Dù ở mức thấp nhất làm người tốt hay cao hơn là theo Đạo, theo Phật. 


Mang thân đầy bệnh, không có Thọ thì không thể tu thành. Người đời cũng thường nói cái Mê của mình:


Khi trẻ dùng sức khỏe để làm ra tiền 

Khi già dùng Tiền để mua sức khỏe. 


Liệu có thể dùng Tiền mua được Thọ không? Có Phúc Phận thì mới có Thọ. Trong Phúc đã có Thọ. Mà Phúc lại nhờ một thứ năng lượng rất quan trọng mới có nó. Đó là ĐỨC. Phúc Thọ là quả của Nhân Đức: 


Người trồng cây cảnh người chơi 

Ta vun cây Đức để đời mai sau.

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.