• dau-title
  • Tản Văn
  • cuoi-title

Những mùa bão xa

Chủ nhật - 01/12/2024 09:42


(Ảnh: Nhà văn Trần Thu Huê)



NHỮNG MÙA BÃO XA

(Trần Thu Huê)


Lại thêm một mùa mưa bão đến. Năm nay là năm Giáp Thìn 2024, theo kinh nghiệm từ xưa: “Năm Thìn bão lụt”, dự báo mưa bão sẽ thất thường. Quê tôi ở vùng đồng bằng Bắc bộ, mỗi năm phải đón những trận bão ghé thăm, có trận lớn, trận nhỏ, có khi chỉ ảnh hưởng hoàn lưu của bão nhưng cũng gây nhiều thiệt hại cho sản xuất, kết cấu hạ tầng và đời sống của nhân dân. Trước khi vào sinh sống ở miền Tây Nam bộ – nơi mà bão rất hiếm hoi, tôi đã có tuổi thơ êm đềm nơi quê nhà, đã trải qua những mùa mưa bão cùng với bố mẹ, các anh chị trong căn nhà nhỏ thân thương và đầm ấm.


Thời đó, những năm 70, 80 của thế kỷ XX, chưa có tivi, internet, phương tiện thông tin… phủ sóng rộng khắp như bây giờ. Mờ sáng thức dậy, cha mở đài phát thanh nghe bản tin dự báo thời tiết. Ngoài sân, tiếng loa truyền thanh của HTX cũng đang vang lên: “Tin bão xa, cơn bão số….Hồi …giờ hôm nay, vị trí trung tâm bão ở vào khoảng...vĩ tuyến”… Mẹ tôi thở dài: “Lại bão, không biết trận bão này có to lắm không ông”? Cha tôi thủng thẳng: “Mưa bão là chuyện của giời đất, to hay nhỏ cũng phải lo chống đỡ trước vẫn hơn”… ”Tin bão xa” được được phát liên tục nhiều lần trước khi bão vào 2 -3 ngày, bão vào càng gần, bản tin phát với tần suất càng nhiều. Đến bản tin: “Cơn bão gần, cơn bão số…” thì các công việc phòng chống bão trở nên gấp rút. Người lớn thì lo lắng, bận rộn, nhưng bọn trẻ con thì lại thấy vui,  vì sẽ được nghỉ học trong mấy ngày mưa bão.


Cả nhà tôi chia ra mỗi người một việc. Cha bắc thang cưa bớt những cành nhãn, cành xoan; những bụi chuối cũng được cắt hết các tàu lá lớn, cha bảo như thế không lo cây đổ khi mưa bão. Đống rơm được trùm lên bằng cái võng đay, 02 đầu võng buộc chặt vào 02 tảng đá lớn chôn dưới đất. Các cửa sổ, cửa thông gió được che chắn, ràng buộc kỹ. Mẹ hối hả gánh 02 bao lúa ra máy xay xát đầu thôn, chuẩn bị gạo và để dành cám cho lợn ăn phòng mưa bão kéo dài. Các chị tôi, người xuống ao vớt bèo đổ đầy cái thùng ở cạnh chuồng lợn, người ôm củi chất vào góc bếp, tôi nhỏ nhất thì được giao rút rơm đem vào bếp nấu ăn…Làng xóm cũng lao xao chống bão, ý ới gọi nhau mượn thang, mượn cưa, nhà có nhiều nam giới sẽ chia sẻ giúp đỡ các gia đình già yếu, neo đơn.


Cha vác cuốc ra đồng, khơi rộng rãnh mấy luống rau rồi lại tất tả cùng mọi người trong HTX gia cố các đoạn bờ bao cho đồng lúa đang chuẩn bị làm đòng… Ai cũng hối hả nhưng thầm mong là bão sẽ không đổ bộ trực tiếp, vì chỉ là mưa gió do ảnh hưởng của hoàn lưu bão cũng đủ vất vả rồi. Loa phóng thanh vẫn thông tin liên tục: “Cơn bão gần”…”Cơn bão gần”…và tới trưa là “Cơn bão khẩn cấp…”. Mẹ tôi thốt lên: “Bão vào thật rồi!”


Ngoài trời đã đổ mưa, gió mạnh dần, mưa càng nặng hạt hơn. Trong ký ức của tôi, bão thường hay đổ bộ vào tầm trưa hoặc chiều. Ăn cơm trưa vừa xong, mẹ đã vội nấu thêm nồi cơm mới, luộc thêm rổ khoai lang. Gà vịt, lợn được cho ăn từ sớm và đổ nhiều thức ăn hơn mọi khi. Tầm ba giờ chiều, mưa xối xả, mẹ dọn cơm, hối mọi người ăn cơm sớm, vì trời sẽ mau tối. Cha chờ mọi người vào trong nhà đầy đủ thì chốt cửa nhà, rồi buộc ghì vào một đoạn tre cứng đề phòng gió giật bung cửa.


Trời tối sầm, gió rít từng cơn, mưa quất ràn rạt trên mái nhà. Cha vẫn ngồi bên bàn uống nước, mở đài nghe thông tin bão, tiếng phát thanh viên lúc xa, lúc gần, lúc rè rè vì bị nhiễu sóng. Mấy chị em tôi chen nhau nằm bên mẹ. Bên ngoài là cuồng phong, trong nhà tối om do đèn dầu không chịu nổi gió luồn, nhưng bên cha mẹ, chúng tôi thấy ấm áp, bình yên, ngủ ngon lành, chẳng biết đêm hôm ấy mưa gió vần vũ thế nào nữa.


Sáng tỉnh giấc, bão đã tan, gió không còn gầm rít nữa, trời vẫn mưa như trút nước. Mẹ bảo, đó là mưa giã bão. Mẹ đội mưa xuống bếp rang cơm nguội, trời mưa lành lạnh, cơm rang chỉ với tóp mỡ và nước mắm mà sao thơm ngon đến thế! Cha dặn mấy chị em ở yên trong nhà, không được ngoài đề phòng cây ngã, tường đổ. Mưa bão, có lẽ lại là lúc hiếm hoi nhất cha mẹ tôi được rảnh rang ở nhà, mấy chị em tôi được quây quần bên nhau, bày ra đủ trò nghịch ngợm. Tôi thích lấy chiếu uốn cong trên giường thành cái mái vòm khum khum rồi chui vào đó nằm thật ấm áp. Các chị tôi chơi tam cúc, chơi chuyền, lâu lâu lại cãi nhau vì ăn gian bị phát hiện. Mẹ trút thau gạo ngâm từ chiều qua, chị tôi phụ mẹ xay bột để tráng bánh cuốn. Một mình mẹ lụi hụi dưới bếp, mùi hành mỡ thơm tới trên nhà làm chúng tôi thấy mau đói, háo hức chờ đợi. Sau này, tôi đã được thưởng thức hương vị bánh cuốn, bánh ướt ở nhiều vùng miền, nhưng có lẽ món bánh cuốn tôi được ăn trong những ngày mưa bão năm xưa vẫn là ngon nhất, bởi những cái bánh nho nhỏ, trắng tinh ấy được làm nên bởi đôi bàn tay chai sần của mẹ, được quây quần bên những người thân yêu trong căn nhà ấm áp, bình yên…

 

Tôi hé cửa nhìn ra sân, thật không thể tưởng tượng được! Khoảng sân rộng phủ đầy lá cây và cả những cành cây, cành tre lộn xộn chất chồng. Đống rơm góc vườn ướt sũng nhưng còn nguyên vẹn, giắt đầy cành lá. Qua hàng rào, nhìn sang nhà chú Hải, đống rơm bị gió xoáy cuốn đi lung tung, chỉ còn một ít nằm nhẹp dưới đất, cứ như đấy là trò nghịch ngợm quá tay của ai đó. Ngoài vườn, những tàu lá chuối non bị gió quật tả tơi, cây chuối già gãy gục, buồng chuối xanh nằm chỏng trơ, nhiều cây bật gốc ngã đổ ngổn ngang. Bưởi, cam, hồng, nhãn…rụng la liệt. Cái ao giờ không thấy bờ, nước ngập lên mấy luống rau, luống cà, bèo dạt vào một bên.


Trời bớt mưa, cha  vác cuốc ra đồng khơi nước chống úng cho rau, mẹ và các chị hối hả dọn cành lá ngổn ngang trên sân. Người lớn xót xa bởi cây gãy đổ, quả rụng, rau giập nát… thì bọn trẻ con chúng tôi lại vô tư rủ nhau len lỏi trong các khu vườn lượm trái rụng. Chao ôi là bòng, đủ cỡ, lăn lóc trên mặt đất hay nổi lềnh phềnh, lẫn trong đám bèo bị gió thốc dạt vào một phía bờ ao. Quả lớn già sẽ gọt ăn, dù chưa ngọt mà còn làm tê ran đầu lưỡi, vừa ăn vừa xuýt xoa; quả vừa thì để dành mấy hôm nữa cho bọn con trai đá bóng, quả bằng nắm tay thì bọn con gái chơi chuyền. Nhãn gãy từng cành lớn mang theo nhiều chùm quả non. Rồi na, ổi,  hồng xiêm… chúng tôi cứ luồn theo hàng rào, đi hết từ vườn nhà này sang nhà kia, đùm đầy các vạt áo. Người lớn la mắng rất nhiều, vì sợ trượt chân xuống ao hoặc bị cành cây gãy đổ vào người, nhưng mà chẳng thể cấm được, cứ í ới rủ nhau đi, đứa nào đứa nấy ướt ngoi ngóp và lạnh run người.


Bữa cơm chiều sau bão cũng ăn sớm. Xoong cá mẹ húi trấu từ hôm qua, một đĩa lạc rang kho với nước mắm; mấy buồng chuối gãy cha chặt về dựng ở góc sân, mẹ ra ao vớt được một rổ ốc bươu làm món chuối nấu ốc. Trong cái lành lạnh của mưa gió, chúng tôi ăn cơm trong đầm ấm, không biết đến ánh mắt lo âu của mẹ và tiếng thở dài của cha.


Một đêm mưa gió lại trôi qua. Sáng hôm sau, bầu trời còn u ám, gió vẫn lồng lộng nhưng mưa đã ngớt nhiều. Mẹ và các chị tôi lại tất tả ra đồng vun gốc những cây rau bị ngả, gỡ rong rêu, vớt cỏ đè lên những bụi lúa đang lả đi trong nước. Mặc mưa, mặc gió, nhà nhà, người người tỏa ra cánh đồng, nâng niu vực dậy từng bụi lúa, ngọn rau trong nỗi xót xa bởi công sức bao ngày bị gió mưa vùi dập. Máy bơm của HTX chạy hết công suất, miệt mài bơm nước ra sông. Cha tôi vác vó ra chọn những chỗ gần cống nước chảy xiết để cất vó cá. Mỗi mẻ vó cất lên, những con cá rô, cá diếc nhảy lao xao, tươi roi rói. Tôi thì thích theo bạn đi tìm cá rô vượt nước lách mình trên những bờ cỏ rậm rì. Những con cá rô đen trùi trũi ngoe nguẩy giữa những bụi cỏ, phải chộp thật khéo không để bị vây nó đâm vào tay đau buốt. Bắt được con nào, xỏ vào cành tre con đó, lủng lẳng, lúc lắc từng chùm cá nặng trĩu, thường chỉ ngay sau mưa bão mới bắt được nhiều cá như vậy.

Mưa giã bão thêm vài ngày nữa. Nước rút dần, những ruộng lúa, luống rau từ từ gượng dậy và lại lên xanh. Chỉ trong vườn, cảnh tan hoang sau bão phải rất nhiều ngày mới khôi phục dần. Những thân chuối được dựng dậy đang trổ lá non, cây bưởi, cây nhãn, cây vải… cành trơ trụi với những chùm quả còn sót lại. Lá tre, lá cây vương vãi quanh vườn, dắt cả lên hàng rào, đồng rơm… Nhưng sau mưa bão, không khí như trong lành hơn, mát mẻ hơn, bụi bặm được gột rửa, mái ngói như tươi hồng hơn, các bức tường như sáng sủa  hơn. Sau mấy ngày phải nghỉ học do bão, bọn trẻ chúng tôi lại tíu tít đến trường, người lớn lại tất bật ra đồng, đi chợ, nhịp sống dần trở lại bình thường…


Giờ cha mẹ đã không còn, anh chị em tôi hầu hết cũng lập nghiệp xa quê. Những kỷ niệm của một thời ấu thơ bên cha mẹ, người thân đã in sâu trong ký ức, để mỗi khi gặp nhau, chúng tôi lại nhắc nhớ, thương hơn nỗi nhọc nhằn của cha mẹ và thương hơn quê hương kiên cường vượt qua những mùa mưa bão…   

      

Tháng 9.2024   

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.