- Tản Văn
Anh cả của tôi
Thứ hai - 16/12/2024 18:11
(Ảnh: Nhà Búp)
ANH CẢ CỦA TÔI
(Trần Thu Huê)
Những ngày này, tôi lại da diết nhớ anh cả đã đi xa hơn 7 năm, nhưng những kỷ niệm về anh vẫn luôn in đậm trong tâm trí người thân, đồng chí, đồng đội…
Khi vừa vào học kỳ 2 của lớp 10 (hệ mười năm), năm 1967, chưa tròn 17 tuổi, theo lệnh tổng động viên, cùng bao bạn bè, anh xung phong nhập ngũ chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ, khi tôi mới được 9 tháng tuổi. Mẹ bế tôi đi tiễn anh tại điểm tập trung ở sân HTX. Được thả xuống đất, tôi ngơ ngác một lúc rồi bò rất nhanh tới ôm lấy chân anh đang đứng trong hàng quân. Anh cúi vội xuống bồng tôi lên, hôn tôi trước khi trao cho mẹ. Anh đi chiến đấu biền biệt ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, những địa danh xa xôi như: Đồng Dù, Đồng Xoài, Bù Đăng, Bù Đốp, Phước Long… đã dần trở nên gần gũi, thân thương trong nỗi nhớ mong của gia đình qua những lá thư anh gửi về. Vài ba tháng, có khi nửa năm mới nhận được thư anh. Anh kể về những địa phương nơi đơn vị đi qua, những lúc nghỉ chân dưới cánh rừng Trường Sơn, những đêm mắc võng giữa rừng cao su miền Đông, kể về những người đồng đội cùng chia nhau từng vắt cơm, viên thuốc và cả nỗi nhớ nhà. Mỗi lần nhận thư anh, bố mẹ tôi lại mừng mừng tủi tủi. Mẹ thắp hương cầu mong tổ tiên linh thiêng phù hộ cho anh bình an nơi ”hòn tên, mũi đạn”…
Có một chuyện mà mỗi khi nhắc lại, mẹ tôi lại mắng yêu: “Cha đẻ nó, cứ giấu mẹ”! Ấy là ở quê, mẹ vốn là “bà mối”. Mẹ khéo ăn, khéo nói, lại có tiếng “mát tay” tác thành cho nhiều đôi trai gái nên vợ nên chồng nên nhiều người tới nhờ cậy. Mẹ cũng để ý tới cô gái ở xóm bên đẹp người, đẹp nết, lại là cô giáo dạy ở trường huyện mà “mãi chả thấy có đám nào”. Mẹ sốt ruột, tìm người tới để mai mối, nhưng chị chỉ nhẹ nhàng từ chối. Giới thiệu mấy đám không thành, mẹ giận, nói chị “làm cao”. Ít ngày sau, anh trai tôi gửi thư về, “bật mí” con dâu tương lai, “minh oan” cho chị. Ngay chiều hôm ấy, mẹ tất tả sang nhà chị. Mẹ bảo chiến tranh không biết còn bao lâu, con trai ở nơi chiến trường, chưa biết thế nào. Trước mắt mẹ nhận chị là con, nếu anh về thì mẹ có con dâu, còn ngộ nhỡ… thì xin được coi chị là con gái. Mẹ xin phép cho chị được “đi lại” với gia đình tôi như con cái trong nhà. Kể từ hôm ấy, cứ cuối tuần, khi chị từ trường về (chị dạy học cách xa gần 20 km, ngày ấy đường khó đi và chỉ có xe đạp nên chiều thứ bảy chị về, sáng thứ hai lại đi sớm), tôi có “nhiệm vụ” đón chị về ăn bữa cơm chiều cùng gia đình. Vào dịp hè hay khi được nghỉ dạy là chị sang nhà tôi đi cấy, đi gặt… như một thành viên trong gia đình. Vui nhất là những lúc nhận được thư anh gửi về, trong thư thế nào cũng có vài dòng nhắc tới chị, lúc ấy chị bẽn lẽn cười, má ửng hồng.
Miền Nam hoàn toàn giải phóng, trong niềm vui chung của đất nước, cả nhà tôi cũng vui mừng khôn xiết, mong ngóng anh về… Nhưng mãi tới đầu năm 1976, trong bộ quân phục mới tinh, ba lô và mũ sao vàng, anh tôi xuất hiện ở đầu làng trong tiếng reo vui của mọi người. Cả nhà tôi vỡ òa hạnh phúc, làng xóm xôn xao tới chúc mừng, mẹ tôi vừa cười đấy, lại khóc đấy, cứ ôm riết lấy anh như thực, như mơ. Thấp thoáng bên cây bưởi đầu hè là nụ cười rưng rưng của chị, sau 9 năm mòn mỏi đợi chờ. Đám cưới theo đời sống mới tại Hội trường UBND xã, có bánh kẹo và trầu cau, thuốc lá và nước chè, rộn ràng tiếng pháo nổ, chú rể quân phục còn nguyên nếp gấp sóng đôi bên cô dâu áo sơ mi trắng, đội nón lá, ôm hoa lay ơn trắng, cả làng đi dự đám cưới, đông vui như trẩy hội.
Sau đám cưới ít ngày, anh trở về đơn vị. Mẹ tôi nóng ruột mong ngóng cháu nội, đến dịp nghỉ hè, mẹ hối chị đi thăm anh. Chị vào Nam hai tháng, chuyến đi gần 2000km bao vất vả trong điều kiện tàu xe lúc ấy rất khó khăn. Chị về, mẹ chăm bẵm, âm thầm hi vọng… Năm sau anh về phép, mẹ lại ngóng trông. Ba năm sau ngày cưới, chị mới sinh con gái đầu lòng. Cả nhà sung sướng, hạnh phúc dâng trào. Lúc ấy, anh tôi đang cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Mẹ giục tôi viết thư dặn anh cứ yên tâm làm nhiệm vụ, ở nhà “mẹ con nó” có gia đình hai bên chăm sóc. Hơn một năm sau, khi con chập chững biết đi, anh mới nghỉ phép về thăm nhà. Thấy bố, con bé khóc ré lên, chạy lại nấp sau lưng bà nội. Buổi tối, nó dứt khoát không chịu cho “người lạ” vào phòng ngủ của hai mẹ con, cả nhà phải xúm lại dỗ dành… Mấy ngày sau, con bé mới dần quen, không khóc khi nhìn thấy bố, rồi lân la lại gần, chịu chơi chung, chịu cho bố bế, gọi “bố, bố” ngọng nghịu đến thương. Lúc bố con quấn quýt không rời cũng là ngày anh phải trở về đơn vị. Lần chia tay này thật khó khăn. Con bé khóc nức nở, không chịu buông tay bố, làm cả nhà khóc theo, anh trai tôi mím môi bước lên xe khách, mắt rưng rưng…
Sau này, chúng tôi mới biết, anh chị đã có khoảng thời gian lo lắng rất nhiều vì những năm dài ở chiến trường, đơn vị anh đi qua nhiều vùng bị giặc Mỹ rải chất độc hóa học, có những đồng đội của anh bị ảnh hưởng không có con hoặc sinh con ra bị khuyết tật. May mắn là anh tôi trải qua 02 cuộc chiến tranh, lành lặn nguyên vẹn trở về, anh chị sinh 01 con gái, 02 con trai. Nhưng sau này, khi chuyển ngành, thì hậu quả của những năm tháng “ngủ rừng” ấy mới hiển hiện, những cơn sốt rét “rung cả giường” đã bào mòn sức khỏe của anh. Đến những năm cuối đời, khi anh vừa được giám định y khoa để được hưởng chế độ của người tham gia kháng chiến bị chất độc da cam thì phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Sau mấy đợt vô hóa chất, nhận thấy sức khỏe ngày càng yếu đi, anh chủ động sắp xếp mọi việc trong gia đình, dặn dò vợ con chu đáo, cẩn thận, để khi vắng anh rồi, cuộc sống của chị và các cháu không bị xáo trộn nhiều. Những năm công tác trong ngành Giao thông, anh đã điều hành đơn vị xây dựng nhiều cây cầu ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, từ Long An, Vĩnh Long, Bến Tre đến Cà Mau, Bạc Liêu, cả bên nước bạn Căm pu chia… Anh cũng sắp xếp thời gian đến thăm gia đình của những đồng đội một thời chung chiến hào, hoặc tham gia tìm kiếm mộ phần của những liệt sỹ chung đơn vị chiến đấu. Mỗi dịp kỷ niệm ngày thành lập QĐND Việt nam, các anh lại tổ chức rất hoạt động đền ơn đáp nghĩa với gia đình các đồng đội gặp khó khăn hay đã hi sinh. Không biết anh có “định hướng” trước không mà con dâu, con rể của anh đều là con của những Cựu chiến binh và anh rất vui về điều đó.
Tháng 12 này, nhiều đồng đội lại tìm về thăm gia đình anh, tới viếng mộ anh nơi nghĩa trang cán bộ từ trần của Thành phố Hồ Chí Minh, nhắc lại những câu chuyện về anh – người chính trị viên kiên cường, người đồng chí luôn hết lòng vì đồng đội, người Cựu chiến binh, người cha, người anh mẫu mực. Những kỷ niệm về anh vẫn còn đầy ắp trong nỗi nhớ, niềm thương của người thân, bạn bè và đồng đội…