- Trang văn
Về với Phú Nghĩa – khu du lịch hương đồng gió nội
Thứ tư - 21/08/2024 10:43
(Ảnh: Các nhà văn nhóm Búp tại khu du lịch sinh thái và trải nghiệm Phú Nghĩa, Bù Gia Mập, Bình Phước 8/2024)
VỀ VỚI PHÚ NGHĨA - KHU DU LỊCH HƯƠNG ĐỒNG GIÓ NỘI
Tháng 8 này, nhóm chúng tôi - kẻ Bắc, người Nam, dù không hẹn hò trước, nhưng đã được cùng đến với một khu du lịch đầy "hương đồng gió nội" như lời giới thiệu của một người bạn..
Từ ĐT741, đoạn gần trung tâm hành chính huyện Bù Gia Mập, con đường bê tông thoai thoải dốc dẫn đến khu du lịch. Từ trên cao nhìn xuống, như thấy một góc làng quê thân thương với hàng cây, ao cá, dòng kênh và những mái nhà lá đơn sơ nằm giữa thung lũng là cánh đồng lúa đang thì con gái được bao quanh bởi đồi cây xanh mát mắt. Nhìn xa xa, đỉnh núi Bà Rá thấp thoáng. Chúng tôi tới đây khi chiều muộn, hàng chục xe ô tô đã đậu kín sân, các khu vui chơi, ẩm thực rất đông đúc, đủ mọi lứa tuổi, mà nhiều nhất là thanh, thiếu niên. Các chị, các em gái người mải mê làm dáng chụp ảnh với đồng lúa, dòng kênh trong bóng hoàng hôn. Hồ nước, dòng kênh bao quanh khu du lịch sôi động hơn với rất nhiều các hoạt động: bơi thuyền, câu cá, đạp vịt…và ít ngày nữa, du thuyền cũng sẽ được đưa vào hoạt động.
Khi mặt trời tắt nắng, hàng trăm bóng đèn năng lượng mặt trời bừng sáng, khu du lịch lung linh như có cả một bầu trời sao sà xuống, cảnh vật xung quanh trở nên huyền diệu. Gió mơn man mang theo hương lúa, hương cỏ mát lành. Bữa cơm tối của chúng tôi có rất nhiều món ngon: canh cua rau đay, cà pháo và dưa hành muối chuẩn vị Bắc, nem nắm Thái Bình gói lá sung, gà luộc lá chanh, miến gà, rau muống xào, rau lang luộc, cá chép kho riềng, chân gà lắc sả… Có cả món ốc hấp sả nóng hổi chấm với nước mắm tỏi ớt cay tê lưỡi. Cơm gạo lúa nương dẻo và thơm. Gạo, rau, cả cua, ốc… đều được nuôi trồng ngay trong khu du lịch, những vạt rau xanh mướt dọc ven đường đi, ven bờ ruộng, cặp theo chân đồi cây ăn trái, cua ốc cá dưới kênh mương, dưới ao và cánh đồng lúa mênh mông không chỉ làm nên một khung cảnh xanh mát, mà còn cung cấp lúa gạo hữu cơ cho khu du lịch. Đúng là “cây nhà lá vườn”, vừa là món đồng quê dân dã, vừa là đặc sản, thực phẩm sạch. Chúng tôi cứ say sưa thưởng thức, quên cả việc ngắm ánh trăng đang rải khắp đồng ruộng xung quanh.
Cơm nước xong, chị Minh – một thành viên tham gia quản lý khu du lịch, mà chúng tôi gọi là “chủ nhà” bởi sự nhanh nhẹn, hoạt bát và chân tình, hiếu khách, đã gợi ý chúng tôi cùng tham gia một hoạt động: bắt cua đồng. Tôi rất ngạc nhiên: bắt cua ban đêm sao? Mà có cua không nhỉ, rồi sao mà bắt được cua chứ? Tôi nhớ ngày bé ở quê, đi bắt cua “ngôm” những trưa nắng gắt, nước nóng, cua bò lên trốn vào bụi cỏ ven bờ ruộng; hay đi móc cua trong hang; mùa đông, vào vụ gặt thì bắt những con cua “đùn mà” giấu mình dưới gốc lúa… Nhưng lúc vào sinh sống và làm việc ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tôi thấy người ta bắt cua chủ yếu bằng dớn, vó, cua mắc lưới, cua có nhiều vào những tháng mưa và mùa nước nổi và chỉ có ở kênh mương hay ruộng nước sâu, cũng chỉ bắt cua vào ban ngày thôi… Vậy nên, trải nghiệm bắt cua đêm làm cho tôi rất tò mò và háo hức. Đã thế, chị “chủ nhà” còn “giao kèo”: bắt được cua thì sáng mai chúng tôi sẽ được thưởng thức món bún riêu cua do chính tay “chủ nhà” nấu. Một sự… thách thức đầy kích thích.
Thế là đèn pin đội trên đầu, quần xắn quá gối, tôi nhận nhiệm vụ bắt cua, các bạn hỗ trợ cầm xô và rọi đèn… phụ tìm cua. Theo hướng dẫn của chủ nhà, chúng tôi cứ men theo bờ ruộng, theo bờ ao thoai thoải dốc tìm bắt cua. Thật không ngờ, lại nhiều cua đến thế. Những con cua càng khệnh khạng bò bên mép nước, đám cua choai choai leo lên bụi cỏ ven bờ hay núp bên gờ đất, nhiều chú nghịch ngợm đu bám trên những cọng rau muống, rau nhút vươn dài trên mặt nước. Sau vài lần vồ hụt do vội vàng, tôi cũng đã kịp “rút kinh nghiệm”. Không biết do say mồi, do ham chơi hay bị ánh đèn chói mắt mà cua ở đây khá lì, chỉ cần nhè nhẹ tay là tóm được. Thỉnh thoảng, lại gặp chú ốc bươu mập ú mới nhìn cứ tưởng cục đá nằm bên mép nước. Phía bên kia bờ ruộng, một nhóm bạn trẻ cũng đang trải nghiệm bắt cua, ánh đèn pin lấp lóa, tiếng reo vui mỗi khi chộp được cua làm một góc cánh đồng rộn ràng…
Thành quả của hơn một giờ đồng hồ là già nửa xô cua. Cua chắc mẩy, vàng ươm bò lạo xạo trong xô, tất cả được giao cho nhà bếp với sự chờ đợi háo hức về một món ăn hấp dẫn cho sáng mai.
Đêm ấy, chúng tôi nghỉ lại ở khu du lịch. Do nơi đây gần ngay trung tâm huyện, đường đi lại thuận lợi nên khách đến chủ yếu từ các địa phương lân cận, chỉ đến vui chơi giải trí trong ngày, nên về khuya, khu du lịch dần trở nên yên tĩnh. Mặt khác, do vừa xây dựng vừa đưa vào hoạt động nên nơi đây số phòng nghỉ cũng còn khiêm tốn. Đó là những căn nhà nhỏ lợp lá dừa nước cặp theo đồng lúa, phía trước có dòng kênh nhỏ, nước trong xanh, tôi thích thú ngồi trên cây cầu gỗ thả chân nghịch cho nước bắn tung tóe. Nơi đây thật là một không gian nghỉ dưỡng lý tưởng cho những ai thích gần gũi thiên nhiên, nhưng cũng rất yên tĩnh và riêng tư. Mở cửa sổ ra, gió ùa vào mát rượi mang theo hương lúa ngan ngát. Đêm ấy, chúng tôi tắt đèn cho ánh trăng tràn vào phòng, cùng nhau ngắm ánh trăng trải trên đồng lúa dập dờn như sóng, lắng nghe tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng ếch nhái uôm uôm gọi bạn, như được trở về với những ngày thơ bé nơi quê nhà… Trăng thanh, gió mát ru chúng tôi vào giấc ngủ thật ngon – giấc ngủ thiếp đi giữa “hương đồng gió nội”, điều thật hiếm hoi với những người bao năm nay vốn quen với điều hòa, quạt máy…
Tiếng gà gáy từ bản làng người STiêng phía xa vọng tới thay đồng hồ báo thức. Chúng tôi chạy bộ tập thể dục theo những con đường có hàng dừa xiêm sai trĩu, những quày chuối mới trổ, khóm mía mập mạp và những vạt rau non xanh xen với bụi xuyến chi nở hoa trắng xinh xinh… Mấy vị khách lớn tuổi hơn chọn ngồi thiền trong những căn chòi lá cất bên đồng lúa. Nếu buổi tối nơi đây là rực rỡ lung linh ánh điện, là sôi động bởi tiếng hò reo, cười vui rộn rã của khách tới vui chơi, văn nghệ và thưởng thức ẩm thực… thì buổi sáng lại yên tĩnh, trong lành, đem đến cảm giác thật sảng khoái…Chị “chủ nhà” tự tay nấu nồi bún riêu từ "chiến lợi phẩm" của trải nghiệm bắt cua đồng tối qua. Dĩabún trắng mướt, dĩa rau sống hấp dẫn và nồi riêu cua sôi sùng sục trên bếp làm nước miếng cứ tứa ra. Tô bún riêu nước dùng ngọt thanh và đậm đà, thêm măng chua nhà bếp tự muối nên rất lạ miệng. Hầu như ai cũng ăn hơn một tô cho đã thèm, chả cần giữ ý, cứ tự nhiên như ở nhà mình bởi anh chị “chủ nhà” rất hồn hậu và dễ mến. Nơi đây môi trường trong lành, nuôi trồng theo phương pháp hữu cơ nên các loài thủy sản phát triển tự nhiên. Lần sau trở lại, nhất định tôi sẽ đi cất vó tép như hồi ở quê, tối qua lúc bắt cua, tôi phát hiện cá và tôm tép cũng khá nhiều…
Sau bữa sáng, nhóm bạn trẻ rủ nhau đi đạp vịt, câu cá, còn chúng tôi thì đi hái rau, chị “chủ nhà” lại “giao nhiệm vụ”: chị sẽ làm mấy món ăn bằng số rau chúng tôi hái về. Rau lang, rau muống mọc xanh rì trên bờ ao, bờ kênh, mấy hôm rồi có mưa, ngọn rau non mướt, vươn lên tua tủa. Tôi học thêm được kinh nghiệm về việc trồng, chăm sóc và thu hái sao cho khoai lang ra nhiều ngọn non. Đang mê mải hái rau, nhìn ra xa một chút, tôi phát hiện cả một bờ ruộng trồng đầy khoai môn, những cây khoai môn đã đến kỳ thu hoạch, củ no tròn, thân khoai gần tàn, làm tôi nghĩ ngay tới món khoai luộc, chè khoai môn….
Bữa trưa được bố trí trong căn chòi lá rộng rãi, thoáng mát. Thịt vịt nướng lá mắc mật, cá trắm kho, lẩu gà lá é, thịt heo làm khâu nhục mang đậm hương vị đặc sản các vùng miền. Thành quả trải nghiệm hái rau của chúng tôi được chủ nhà khéo léo chế biến thành món rau luộc kèm nước rau dầm sấu, rau lang xào tỏi, lẩu dạ sách (lòng bò) với rau lang, rau muống. Lần đầu tiên tôi được ăn rau lang nhúng lẩu, mà lẩu lòng bò nấu với mẻ, chua dìu dịu, thơm mùi sả, ăn hoài không thấy ngán… Món tráng miệng thì dân dã mà vô cùng hấp dẫn với những người đến từ thành phố: khoai môn luộc chấm đường và chè khoai môn vừa dẻo, vừa béo bởi nước cốt dừa nấu đặc sánh, thơm phức… Bữa ăn ngon, không chỉ ở tài nêm nếm chế biến “rất vừa miệng”, không chỉ bởi sự cởi mở, chân tình, chu đáo của “chủ nhà” và mà còn vì chúng tôi được thưởng thức thành quả tự tay mình thu hái về nữa chứ!
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: khu du lịch này trước đây chỉ là cánh đồng lúa của gia đình anh Tuyên. Anh Tuyên là sĩ quan quân đội, chị Minh là nhà giáo, khi về nghỉ hưu, anh chị tập trung phát triển kinh tế. Cần cù, chịu khó lại năng động, nhạy bén, anh chị đã tích lũy tạo nên tiền đề ban đầu cho khu du lịch rộng hơn 30 ha này. Mô hình hoạt động trải nghiệm giáo dục của khu du lịch xuất phát từ đề xuất tâm huyết của Nhà giáo - Nhà văn Biên Linh, cũng là chị gái của chị Minh. Từ rất lâu rồi, chị ấp ủ dự định về việc xây dựng một nơi tổ chức các hoạt động trải nghiệm giáo dục cho học sinh các cấp. Ở đó, các em sẽ được quan sát và trực tiếp thực hiện một số công đoạn trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, tìm hiểu về văn hóa các dân tộc… một cách sinh động và cụ thể nhất. Còn mô hình hoạt động vui chơi, giải trí, ẩm thực… lại là ý tưởng của 03 người con trai của anh chị Tuyên Minh: Hoàng Thuyên, Hoàng Tuấn và Nguyên Vũ. Ba anh em, dù sở thích và theo đuổi những công việc cùng niềm đam mê khác nhau, nhưng có điểm chung là luôn trăn trở về việc cần làm một điều gì đó thật ý nghĩa cho gia đình, cho quê hương, mà khởi đầu là biến vùng thung lũng đầy cỏ và lúa này thành nơi phát triển du lịch sinh thái, vui chơi, giải trí, ẩm thực và các hoạt động trải nghiệm… Tuổi trẻ năng động khát khao cống hiến, được sự đồng thuận của đại gia đình,đã thành lập nên Hợp tác xã du lịch sinh thái và trải nghiệm giáo dục Phú Nghĩa này, mỗi thành viên được phân công những phần việc cụ thể, chia sẻ hỗ trợ nhau trong công việc. Buổi ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, phức tạp từ thủ tục đầu tư, thiết kế, xây dựng hạ tầng, lựa chọn mô hình hoạt động, quản lý từng khâu, từng bộ phận… vừa đầu tư vừa đưa vào sử dụng, vừa làm vừa học hỏi rút kinh nghiệm, vừa tiếp tục hoàn thiện và mở rộng… Do có lợi thế ở ngay khu vực trung tâm huyện, đường đi thuận tiện, tổ chức được nhiều hoạt động mới lạ, đa dạng… nên chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào hoạt động, khu du lịch non trẻ này đã được nhiều người biết đến. Không chỉ là các trường học đưa học sinh tới hoạt động ngoại khóa, thanh thiếu niên tới vui chơi giải trí dịp hè, khách gần xa tìm tới thưởng thức các món ăn ngon giữa đồng quê… mà các đơn vị, doanh nghiệp cũng tìm tới để tổ chức hội thảo, họp mặt khách hàng… Trong tháng 8, gala của những người yêu xe vespa cổ, cuộc đua xe vượt địa hình, gala họp mặt của các tổ chức, cá nhân hoạt động từ thiện… cũng đã được tổ chức với sự tham gia của hàng trăm người. Điều đáng mừng hơn là khu du lịch núi Bà Rá, khu du lịch Vườn quốc gia Bù Gia Mập, một số đơn vị du lịch và giáo dục của huyện, của tỉnh cũng đã đến để tìm hiểu, liên kết tổ chức các loại hình dịch vụ, trải nghiệm và đóng góp nhiều ý kiến quý giá cho khu du lịch hoạt động hiệu quả hơn, tạo sức lan tỏa sâu rộng hơn. Với lợi thế nằm gần trung tâm hành chính huyện Bù Gia Mập, lại không cách xa các địa chỉ du lịch và di tích lịch sử nổi tiếng của tỉnh Bình Phước như Thác Mơ, núi Bà Rá, Phước Long, Đồng Xoài, vườn quốc gia Bù Gia Mập… khu du lịch này đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng cho mọi lứa tuổi, mọi thành phần, nhất là thanh thiếu niên, học sinh bởi những hoạt động vui chơi, giải trí đa dạng và những trải nghiệm độc đáo, thú vị và ý nghĩa….
Còn rất nhiều thử thách ở phía trước, nhiều việc phải tiếp tục làm, như cần được hỗ trợ thêm nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ công tác truyền thông một cách bài bản và những chính sách ưu đãi khác của địa phương cùng các ngành chức năng... để Khu du lịch Non trẻ mà giàu tiềm năng này tiếp tục mở rộng hơn, đa dạng hơn các mô hình hoạt động, nhằm khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, phát triển vững vàng, góp phần làm phong phú thêm bản đồ du lịch của Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung.
Một ngày ở nơi đây quá ngắn, còn nhiều hoạt động chúng tôi chưa kịp trải nghiệm, còn nhiều món ăn hấp dẫn mới chỉ được nghe giới thiệu … đã thèm, sự nhiệt tình, nồng hậu, chu đáo của “chủ nhà” để lại bao lưu luyến…
Tạm biệt nhé - HTX du lịch sinh thái và trải nghiệm giáo dục Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Chúng tôi sẽ sớm trở lại trong một ngày gần đây.
Bình Phước, tháng 8/2024
Trần Thu Huê