- Tản Văn
Ông già Noel
Thứ ba - 31/12/2024 10:37
(Ảnh: St)
ÔNG GIÀ NOEL
(Nguyễn Hoàng Lâm)
Ngày Lễ Giáng sinh đã cận kề. Nhà nhà trang trí bằng những cây thông Noel, treo những chùm quả và những bóng đèn đa sắc màu. Người ta gửi cho nhau những món quà biểu trưng cho tình cảm đôi bên kèm theo là tấm thiệp Merry Christmas (Chúc Giáng sinh vui vẻ) hoặc Season's Greeting (Chúc mừng mùa Giáng Sinh).
Nhân dịp này xin kể chuyện SỰ TÍCH ÔNG GIÀ NOEL
Ông già Noel hay còn được gọi với tên thân thuộc khác như ông già Tuyết.
Ông già Noel là một hình ảnh không thể thiếu trong mùa Giáng Sinh. Ông thường xuất hiện với bộ quần áo màu đỏ, đội chiếc mũ chóp nhọn màu đỏ, râu trắng, mái tóc bạc phơ, cái bụng to cùng với túi quà to đựng nhiều quà tặng dành cho các em thiếu nhi.
Theo lưu truyền, câu chuyện về ông già Noel bắt đầu bởi có một vị thánh là Thánh Nicolas, ông sinh vào năm 280 tại một thành phố ở miền Tiểu Á, trong một gia đình giàu có. Cha mẹ ông qua đời khi ông còn nhỏ. Thánh Nicholas ngay từ khi còn tuổi ấu thơ đã được dạy dỗ và thấm nhuần Kinh Thánh nên một lòng tin vào Chúa, theo Đạo, sống vô cùng nhân hậu.
Nhiều người khi sinh ra giàu có thường sẽ sống cuộc sống xa hoa, nhưng ông lại chọn một con đường khác. Từ nhỏ Nicholas đã luôn giúp đỡ những người nghèo khổ có hoàn cảnh khó khăn, bằng cách luôn tặng cho họ những món quà bí mật. Sau khi cha mẹ ông qua đời đã để lại một số tài sản lớn, Nicholas đã dùng số tài sản ấy đem đi giúp đỡ cho những đứa trẻ hay gia đình cần sự giúp đỡ.
Lúc đó, có một gia đình nghèo người cha ở cùng với ba người con gái. Người con gái lớn đã đến tuổi lấy chồng nhưng vì nhà quá nghèo nên không ai lấy, người cha vô cùng đau khổ. Vào một ngày nọ, người cha phát hiện trong những chiếc tất được hong khô trên lò sưởi có một thỏi vàng.
Nhờ thỏi vàng đó mà người cha đã gả được con gái lớn. Khi người con gái thứ 2 đến tuổi lấy chồng, người cha cũng phát hiện có một thỏi vàng trong chiếc tất hong khô trên lò sưởi. Và người con gái thứ hai cũng được gả đi.
Đến người con gái thứ ba, người cha cũng để những chiếc tất bên cạnh lò sưởi, vì mong muốn biết được người giúp đỡ mình là ai nên người cha đã nấp cạnh lò sưởi hàng đêm để chờ đợi. Chờ mãi, chờ mãi thì một hôm người cha bắt gặp Nicholas đang thả thỏi vàng xuống ống khói rơi trúng vào chiếc tất người cha đã chuẩn bị sẵn.
Người cha vô cùng vui mừng và tạ ơn Nicholas, nhưng Nicholas lại nài nỉ người cha nghèo đừng cho ai khác biết chuyện này. Nicholas luôn mong muốn giúp đỡ người khác trong im lặng, không cần họ phải trả lại nên ông không muốn ai biết.
Nhưng rồi câu chuyện về lòng tốt của ông cũng nhanh chóng được lan truyền, mọi người khi đó nếu nhận được một món quà bất ngờ họ đều nghĩ Nicholas là người ban tặng. Với tấm lòng tốt của mình, nhiều người đã đã gọi Nicholas là vị Thánh (Saint Nicholas).
Ông không chỉ là vị Thánh của những đứa trẻ mà còn là vị Thánh của các thủy thủ. Tương truyền rằng trong một lần giông bão, các thủy thủ gặp khó khăn đã cầu nguyện Thánh Nicholas giúp đỡ và ông đã hiện lên giúp đỡ các thủy thủ tai qua nạn khỏi, mọi người đều biết ơn ông.
Ngày nay, người ta tin rằng ông già Noel chính là hóa thân của vị Thánh Nicholas. Và tin rằng ông đang sống tại Bắc Cực, chính xác là tại Phần Lan, cùng với những chú lùn thường xuyên đem phép màu mình có được để giúp đỡ cho những người không may mắn.
Cứ vào dịp Giáng Sinh, ông già Noel sẽ mang một túi quà thật to cùng với chiếc xe quệt tuyết (Sleigh) do những chú Tuần Lộc kéo, xuất hiện và thả quà của mình vào chiếc tất được các bé treo trước đêm Giáng Sinh. Sáng hôm sau khi thức dậy các bé sẽ nhận được món quà mình yêu thích.
Do vậy ngày nay người ta cho rằng Phần lan (Finland) là quê hương của ông già Noel.
Tại sao ông già Noel để quà vào tất?
Đêm Noel, trẻ em thường treo những chiếc tất ở cuối giường chờ ông già Noel đến tặng quà. Tại sao lại thế nhỉ? (Tất khá dơ mà!). Chuyện kể rằng lúc còn sống thánh Nicolas (sau này là ông già Noel) vì thương tình ba cô con gái đến tuổi lập gia đình nhưng không chàng trai nào chịu lấy vì quá nghèo. Vào một đêm mùa đông, ngài ném 3 đồng tiền vàng vào ống khói nhà các cô gái, vô tình chúng rớt vào các đôi bít tất mà họ hong bên lò sưởi. Từ đó có tục trẻ em treo bít tất để được nhận quà.