- Trang văn
Nó... cũng gà lắm đấy
Thứ hai - 21/07/2025 08:48
(Ảnh: Thanh Bình)
NÓ… CŨNG GÀ LẮM ĐẤY
(Đào Thanh Bình)
Phần 1
Bao năm nó day dứt vì đã tự tay mình giết hại lũ gà khi chúng đang tuổi vị thành niên mơn mởn. Tuần trước viết ra được, sám hối với lũ gà xong, nó chợt giật mình, hình như nó cũng gà lắm ấy.
Nó không gà đến mức ấy, cứ theo cách của chị Mây, bây giờ lại chả có cơ ngơi to tướng ở ĐẤT BẠC Trần Lãm, thành phố Thái Bình.
Nó không gà đến mức ấy, bây giờ cũng có thửa đất 60m2 ĐẤT VÀNG PHÚ DIỄN, không vì bị chê đất thắt đuôi mà bỏ luôn cả tiền cọc.
Nó không gà đến mức ấy, có lẽ cũng có căn xinh xinh 25m2 ĐẤT KIM CƯƠNG ở khu tập thể của Bộ, phố Tây Sơn Hà Nội.
Nó đã nói đến 3 lần + 1 rằng NÓ GÀ THẬT ĐẤY, nhưng có lẽ, chỉ anh chị em ruột, các con trai, với một vài xếp trực tiếp làm việc và gắn bó với nó mới tin là Nó Gà Thật Đấy, còn hầu hết những người tài năng quanh nó sẽ hỉ mũi, kiểu:
- Gà gì! Khôn như mọt
- Gà gì! Ngữ ấy mà gà, thì thì thiên hạ gà hết
- Gà gì! Gà như nó tao cũng thích là gà…
Năm 1998, cơ quan nó vẫn có chính sách sắp xếp nhà ở cho cán bộ công chức. Nó 1 nách 3 con thuê nhà ở vật vờ gần nửa năm Thầy nó mách:
- Bộ có khu tập thể đấy, có mấy khu ở Chương Dương, Giảng Võ và Tây Sơn… sao không xin một chỗ mà ở, chứ lương lậu thế, thuê nhà thì ăn bằng gì?
- Dạ, em vẫn dạy thêm, cũng đủ ạ.
- Ai chả biết là dạy thêm, nhưng dạy thêm có đủ mua nhà không?
- Dạ, nhưng em mới về, chưa cống hiến gì đã xin xỏ, em ngại lắm.
Nói vậy, nhưng nó vẫn thử tìm hiểu. Nó gặp anh T phụ trách nhân sự cơ quan, hỏi:
- Anh ơi! Em thấy thầy mách vậy, em làm đơn được không ạ?
- Ừ, để anh bàn với các xếp, cũng toàn chỗ thân, trường hợp của em chắc không khó.
Thế rồi, mấy hôm sau Chú Chánh Văn phòng gọi nó:
- Sang chú nhé!
- Vâng ạ!
Nó chạy sang đã thấy có anh Phó Chánh Văn phòng phụ trách cơ sở vật chất cùng ngồi sẵn:
- Ngồi đi cháu! Thế bốn mẹ con vẫn thuê nhà à? Mấy trăm một tháng?
- Dạ, 400 ngàn/tháng ạ!
- Thế lương mày mỗi tháng bao nhiêu? Được 400 không?
- Chắc 400 hơn tí – Anh Phó Chánh Văn phòng thêm vào.
- Dạ cũng đủ thuê nhà ạ! Cháu dạy thêm sau giờ làm và các thứ 7, CN nên cũng đủ chi tiêu.
- Ít nữa quen việc, làm nhiều hơn, rồi đi công tác các tỉnh nữa, không dạy thêm được đâu.
Chú nói rồi quay sang Anh Phó:
- Hoàn cảnh nó khó, Ông Tr và Ông T đều có lời nhờ Văn phòng tạo điều kiện, quê hương cả, tôi khó xử quá, Ông xem giúp tôi.
- Vâng Anh để em sắp xếp, ở đó bây giờ chỉ còn một gian kho nhỏ, khoảng 20-25 m2 nhưng không có nhà vệ sinh anh ạ.
- Ông xem cho cháu. Cần sửa thì đội công trình của mình làm luôn cho tiện, cháu nó đàn bà con gái.
- Vâng.
Bẵng đi mấy hôm, Thầy S gọi nó sang phòng, to nhỏ:
- Có căn 20 m2, cùng khu nhà Thầy, bé nhưng chỗ ấy trung tâm, tương lai đẹp lắm.
- Vâng, tốt quá. Thầy nói các chú, các anh giúp em. Em thuê nhà đúng là tốn kém quá, ở xa đi lại cũng vất vả nữa.
- Ừ về đây cho tiện, chỉ mấy phút là đến cơ quan. Nhưng nó là gian kho đang để tài liệu, chưa có nhà vệ sinh, người ta phải thuê người dọn, tìm chỗ khác để tài liệu và phải cải tạo thành căn hộ nhỏ có công trình vệ sinh, qui hoạch lại đường điện và có đường cấp, thải nước mới ở được … Cái này phải cơ quan đứng ra làm. Mình mà làm là kiện cáo ngay, phòng đó bao người xin không được. Chúng nó tính toán khoảng 20 triệu, em có lo được không?
- Nhiều thế ạ? Em chẳng có đồng nào.
- Thầy biết rồi, nhưng nhiều quá, bằng cả năm rưỡi lương của Thầy nên cũng bí. Thế không vay mượn được ai à? Thực ra mình tự sửa chữa chắc chỉ đôi triệu. Để Thầy hỏi xem có giảm được không? Hay có cho ứng trước 2 triệu rồi trả dần không?
Nó mừng lắm, hai hôm sau Thầy bảo:
- Không giảm được em ạ! Khó nói lắm. Ít nhất phải nộp 10 triệu mới vào ở được. Các nhà ở đây đều do cơ quan sửa, giao nhà cho ở, ở lâu rồi, dần dần mới có quyết định phân nhà thành của mình. Nhà Thầy cũng mới có Quyết định phân nhà của cơ quan, còn một cầu nữa, bao giờ thành phố công nhận thành nhà Bìa đỏ tên mình mới xong.
- Thầy ơi! Thầy xin cho em vào ở nhờ được không ạ, cũng không cần Quyết định phân nhà, em ở nhờ thôi! Tắm giặt vệ sinh thời gian đầu em khắc phục, sau tiết kiệm em nộp rồi tiền sửa sau được không ạ?
Sau đó, chả biết Thầy S có nói với họ không mà không thấy ai nói lại chuyện phân nhà cho nó nữa.
Bẵng đi vài tháng, Anh T gọi cho nó:
- Thế không có tiền sửa chỗ Tây Sơn à? Anh có căn nhà 40m2 ở Chương Dương, mẹ con dọn đến mà ở, anh chị ở trên phố không dùng đến, bao giờ có tiền trả cũng được. Hồi cơ quan phân anh phải nộp tiền hoàn thiện hạ tầng và làm cái cầu thang ngoài, cơi thêm 1 gian tầng 2, hết 40 triệu khi nào có thì gửi anh. Anh bảo Văn phòng làm giấy tờ sang tên cho em. Em về, chỉ đôn nền lên một tí chắc vài trăm ngàn thôi, lo được, đúng không?
Thầy S cũng dẫn nó đến khu đấy xem. Thèm lắm, nhưng, nó chỉ biết ngập ngừng cảm ơn anh vì kể cả anh cho nợ thì cũng phải có tiền mở lối vào nhà, lợp lại mái tôn tầng 2, làm cửa sổ… chắc cũng phải 10 triệu.
Những năm 2000, cơ quan có dự án đất Xuân La, phân cho cán bộ, theo thâm niên và ưu tiên những người chưa có nhà. Nó tự loại mình khỏi danh sách vì đã có nửa căn hộ tự mua, đứng tên mình, ở Bùi Ngọc Dương nên không làm đơn. Lúc lên danh sách công khai, mới ngã ngửa, hóa ra anh em quanh nó, nhiều người tiêu chuẩn còn chẳng bằng nó, vẫn được phân đất. Bây giờ nhiều anh chị vẫn còn ở đó, nhưng cũng có nhiều anh chị bán ngay, kiếm chênh lệch.
Cũng có lúc nó ngồi điểm lại, nó tự trấn an, mình không có số hưởng, cứ phải tay làm hàm nhai. Những lúc đó, các em nó, rồi con nó, đều cười cười bảo: “gà bỏ xừ, nhưng, được cái lạc quan chả tiếc cái gì lâu được vài ngày, vô tư vui vẻ, trẻ lâu”.
Ông Tr mà chú Chánh Văn phòng nhắc đến khi sắp xếp chỗ ở cho nó hóa ra là một xếp lớn, là Lãnh đạo một đơn vị quyền sinh quyền sát ở Bộ. Anh chị em Thái Bình cũng nhiều người được nương nhờ Ông. Hôm nó dự tuyển, Ông cũng trong Hội đồng, cùng khoảng chục ông chú trán rộng, đầu hói nữa, quay nó hơn 2h với đủ mọi câu hỏi. Ông Tr hỏi nhiều câu khiến nó bối rối, nên nó nhớ:
- Cô biết thông tin tuyển dụng từ đâu?
- Dạ, cháu là học trò thầy S ạ!
Cả Hội đồng cười “ồ” kiểu ai nấy đều rất ngạc nhiên và khoái chí. Mãi sau này, phải trải qua nhiều năm làm ở Bộ nó mới hiểu cái cười “ồ” ấy, kiểu:
“Ồ, hóa ra là vậy, không phải chỗ to tát, ô dù gì”;
“Ồ, vậy cứ vô tư mà phán – nhẹ hết cả người”;
Vì thầy nó chỉ là cán bộ quản lý một phòng Lưu trữ bé nhỏ, chả ảnh hưởng được đến ai, chả ai thèm đụng, cũng chả đụng được ai.
Nhưng với nó, lúc đó, sau này và đến bây giờ, dù Thầy không còn nữa, Thầy vẫn mãi là người đáng kính. Đó chính là người nó đã nhắc đến trong kỉ niệm: “Sự linh diệu của những giấc mơ”.
Trở lại cuộc phỏng vấn hôm đó, với Ông Tr:
- Cô biết thông tin tuyển dụng từ đâu?
- Dạ, cháu là học trò thầy S ạ!
- Hội đồng không phải là gia đình, không chú – cháu, nhé!
- Vâng ạ!
- Thế cô có biết mình đang dự tuyển về đâu? Làm công việc gì không?
- Dạ, thưa Hội đồng! Em dự tuyển về là Chuyên viên tổng hợp ạ!
- Nói cụ thể xem nào!
- Dạ, là làm báo cáo về tình hình giáo dục cho Lãnh đạo Bộ biết ạ!
Nó nói lại y nguyên lời Đề bài thi viết Tổng hợp báo cáo mà Hội đồng gửi nó trước đó.
- Lãnh đạo Bộ không cần báo cáo đó mới biết. Và việc của chuyên viên Tổng hợp không chỉ là làm báo cáo. Tóm tắt báo cáo thì chỗ chúng tôi, bộ phận văn thư cũng làm được. Sau này mà được tuyển, phải tìm hiểu kĩ và đầy đủ nhé.
- Vâng ạ!
- Bây giờ cô ở đâu? Hộ khẩu ở đâu? Chồng con chưa? Trả lời nhanh xem nào!
- Dạ, em ly hôn, có 3 con trai ạ! Cháu lớn học lớp Ba, hai cháu bé sang năm vào lớp Một.
- Ly hôn à? Hộ khẩu ở đâu? Chỗ ở thế nào? Trả lời liền mạch đi, chúng tôi bận lắm không hỏi lắt nhắt dẫn chuyện được đâu. Cô giáo Văn hả? Đi dạy bao nhiêu năm rồi? Có danh hiệu gì không?
Trời ạ! Câu hỏi chồng câu hỏi. May nó dân năng khiếu văn nên khả năng nghe – nhớ, nghe – hiểu khá tốt. Bây giờ môn ngữ văn tập trung vào đọc - hiểu. Còn 30 năm trước, nó đã phải thực hành nghe - hiểu & nói nhanh, mạch lạc.
Theo nhịp độ câu hỏi, nó cũng bật câu trả lời nhanh & rõ:
- Thưa Hội đồng! Em tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội, dạy Văn 10 năm, giáo viên giỏi thị xã; Bí thư Đoàn TN; Phó Chủ tịch Hội CTĐ; Phó Chủ tịch Công đoàn trường. Hoàn thành và lấy bằng tốt nghiệp thạc sĩ tháng 8 tới (lúc đó là tháng 3); Hộ khẩu Thái Bình; ở trọ Nghĩa Tân Cầu Giấy; Hiện dạy thêm tại ba trường Dân lập: Đông Đô, Ba Đình, Nguyễn Bỉnh Khiêm…ạ.
- Thôi, thôi, đủ rồi, dài quá! Các ông hỏi gì nữa không?
Mấy cánh tay đồng loạt giơ lên, và nhiều tiếng nói:
Tôi…
Tôi…
Tôi…
Rồi các thành viên nhìn nhau, nhường nhau hể hả:
- Cảm ơn các ông nhường tôi. Tôi hỏi cô mấy câu. Cô cứ bình tĩnh, nghĩ kĩ, trả lời trung thực, không cần vội. Làm ở cơ quan tham mưu đầu não, cận kề lãnh đạo là không ẩu được, nhé!
Nó không hiểu ông ấy thực sự đang nói với nó hay nói với Hội đồng, nhưng vì ông hiêng hiếng mặt nghiêng về phía nó, và với bản năng người nhà quê, nhanh mồm nhanh miệng, nó vẫn:
- Vâng ạ!
Rồi, cũng theo nhịp điệu của ông chú, nó hít vào, thở ra thật sâu và nghiêm cẩn, vừa nghe, vừa tóm tắt nhanh các câu hỏi tránh bỏ sót ý.
- Nhưng cứ yên tâm, tôi hỏi dễ thôi.
Thế có biết tôi là ai không?
Chắc không biết, chỉ biết ông S đúng không? Tiếc quá, Ông S không phải là thành viên Hội đồng.
Cô nói cô tuyển về làm Chuyên viên tổng hợp khối địa phương. Đó là công việc tôi đã hơn 20 năm nay. Tôi là cán bộ giáo dục từ chiến trường B trở về, kinh qua nhiều vị trí quản lý giáo dục các tỉnh mới về đây, bây giờ mới thạo việc. Một cô giáo văn từ quê lên, nách 3 đứa con, ở nhà thuê, cô sẽ học việc như thế nào?
Cần bao lâu để biết việc?
Xử lý việc con cái như thế nào để đi địa phương? Đi liên tục đó.
Đi làm ở Bộ lương tháng 400-500 ngàn, lại không đi dạy thêm được nữa, cô làm thế nào để nuôi con?
- Dạ! Em cảm ơn Thầy!
- Thầy bà gì! Tôi dạy cô bao giờ mà gọi Thầy!
- Dạ thưa Hội đồng! Với các câu hỏi trên, em rất cám ơn về sự quan tâm chỉ bảo. Em xin phép trả lời ạ:
Về chỗ ở, em đang ở thuê. Về sắp xếp hoàn thành công việc, em có em gái ở cùng giúp đỡ ạ. Giai đoạn vừa qua, khi em vừa học học cao học vừa dạy thêm 3 trường dân lập, hầu hết thời gian ở giảng đường đại học, trên lớp dạy, nhà học sinh và ở ngoài đường, nhưng chị em em đều sắp xếp ổn ạ. Em về đây sẽ không dạy các trường dân lập nữa là nhàn hơn nên sẽ có nhiều thời gian cho các con hơn.
Về tài chính, em có bằng Thạc sĩ lại được thầy Chủ nhiệm Khoa văn giới thiệu đến Trung tâm luyện thi uy tín nên thu nhập không lo ạ.
Em được biết, nếu đạt, em sẽ thay vị trí của chú Tr vì chú đã quá tuổi nghỉ hưu 4-5 năm mà chưa tìm được người thay, nên em hiểu công việc này không dễ. Em hi vọng được chú dìu dắt hướng dẫn thêm 1-2 năm cho cứng cáp. Em tin em làm được ạ.
- Lương Bộ thấp lắm, làm sao cô nuôi con được?
- Dạ! Lúc nghe chú nói, khi về Bộ, chú cũng một mình nuôi 3 con trai và vợ, mà bây giờ các anh đều trưởng thành, có nhà ở rất to ngay mặt đường Tây Sơn, Anh cả còn làm Chủ nhiệm khoa của bệnh viện lớn… Em sẽ học hỏi Chú và các Anh Chị đi trước ạ!
- Tổng hợp chỉ có các Chú, các Anh, không có Chị nhé. Tiền lệ, chưa bao giờ tuyển nữ, phức tạp lắm.
- Vâng ạ!
Mỗi câu của ông ấy cứ như đay chì nó. Nó cảm nhận được, nhưng chỉ biết “vâng ạ”. Sau này, khi biết chuyện, Thầy nó bảo: Sao không quát vào mặt ông ấy, ông ấy cũng 300 – 400, bây giờ hưu mới được 600 ngàn/tháng sao nuôi được cả vợ với 3 đứa con thành người, sao có được nhà ở mặt đường Tây Sơn.
Cứ như thế, nó lần lượt trải qua hơn 2 h làm Gà Trên Thớt với đủ kiểu câu hỏi với ngữ điệu và nhịp điệu khác nhau. Cuối cùng, trước khi kết thúc, Anh T hỏi:
- Em chưa kết thúc khóa học thạc sĩ. Em có sẵn sàng nhận công việc không?
- Dạ! Em chỉ còn lịch bảo vệ, mọi thứ em hoàn thành rồi ạ.
- Cô có say xe không? – Ông chú lúc nãy lại chòi thêm
- Ngày sinh viên em say xe lắm, nhưng sau 4 năm đại học em hết say xe rồi ạ.
- Ừ, về đây là phải đi nhiều đó. Say xe thì không làm được. Mà Say xe gặp ngày “phức tạp” nữa thì các chú không gánh được – Ông chú tiếp, đầy vẻ miệt thị.
- Phần phỏng vấn của em xong rồi. Bài viết đã chấm. Bây giờ Hội đồng làm việc riêng. Em cứ về đợi kết quả nhé – Anh T tiếp lời.
- Vâng ạ! Em cảm ơn Hội đồng ạ.
Nó bước ra khỏi phòng. Chợt nhận ra, bản thân giống như một Con Gà Luộc, mặt mũi nóng bừng, lưng đẫm mồ hôi, chân run run như là bị choáng.
Ra khỏi phòng là thoát. Nó như trút được gánh nặng, cũng đinh ninh trượt nên chả để vào đầu. Còn ca dạy 5-7h tối nay ở Phan Chu Trinh. Nó đi thẳng đến nhà học trò.
Buổi tối muộn, chắc cũng tầm 9h, nó có cuộc gọi:
- Cô Thanh ơi! Cô có điện thoại, nhanh lên ạ!
- Cô sang đây!
Nó ba chân bốn cẳng chạy ra quán tạp hóa cạnh phòng trọ của nó ở Tòa B4 khu tập thể Nghĩa Tân Cầu Giấy. Anh T điện thoại cho nó:
- Em ăn cơm chưa?
- Dạ em vừa ăn xong ạ!
- Yên tâm nhé! Bài viết chuyên gia tổng hợp chấm em 6.5 điểm. Phần phỏng vấn trực tiếp điểm trung bình 9.5 đấy. Chắc phần lớn điểm 10 vì, vẫn có 1 điểm 7.
- Của chú Ch ạ?
- Ừ, khôn phết nhỉ! Thôi anh báo trước vậy thôi, cứ yên tâm đợi giấy báo nhé. Chắc tuần sau có.
- Vâng ạ!
Nó nghe xong mừng quýnh, bấm ngay điện thoại báo cho thầy giáo. Thầy nó sung sướng:
- Thế à? May quá! Chiều nay thấy Anh T kể bị văn vẹo ghê lắm, cứ tưởng không ăn thua, Thầy đang hẹn lại chỗ thầy Thân, Học viện Hành chính quốc gia đi thử việc. Được chỗ này thì tốt, nhập khẩu được ngay thì ba đứa bé đi học không phải nộp trái tuyến. Với lại, làm ở cơ quan quản lý cấp trên có điều kiện lo cho các con.
- Vâng em cảm ơn Thầy. Xong việc, Thầy dẫn em đi cảm ơn chỗ các chú và anh T ạ!
- Ừ, đợi lĩnh lương mua chút quà đi cảm ơn!
Nó sựng lại, xúc động. Ngay cả lúc này, Thầy nó đã đi xa, rất xa, không bao giờ ngoái lại nữa, nhưng nó vẫn thấy cay cay khóe mắt. Từ sâu thẳm nó luôn biết ơn Thầy.
Đợi lĩnh lương, là Thầy đợi kì lương của mình, giúp nó. Cứ tự nhiên như thể Thầy đang lo cho gái lớn của mình.