• dau-title
  • Tản Văn
  • cuoi-title

Trà Thổ - Turkish Tea

Thứ hai - 13/07/2020 13:54


Nhân viên ở quầy transit desk, một cậu trai trẻ với những nét đặc trưng của đàn ông Thổ - mắt sâu, mũi cao, mờ mờ vệt râu quai nón rộng quanh chiếc cằm vuông vức - nói với mình giọng đầy thương cảm: “Thưa cô, máy bay của cô gửi lại lời chào từ trên bảy tầng mây rồi ạ!” (nghe rất Azit Nexin!). Mình hiểu là sẽ kẹt lại nơi đây 1 ngày 1 đêm, đợi chuyến bay tiếp theo vào đêm mai. 


Thật lạ, không giống như những người bị lỡ chuyến bay khác, thật lòng, mình không thấy lo lắng, buồn phiền. Trước hết vì có bạn đường, sau nữa, vì mình cũng không có việc gì khẩn cấp, ngoại trừ ý nghĩ mình sẽ về kịp sinh nhật con gái sau 2 ngày nữa. Cũng bởi nơi mình sẽ ở lại 1 ngày đêm, lại là Thổ Nhĩ Kỳ, đầy bí ẩn, mê hoặc quyến rũ. Đã đến Thổ không dưới dăm, bảy lần, mà vẫn không vơi những cuốn hút với nó. 


Chợt nhớ đến câu chuyện “Cho tôi xin một tách trà nóng, thật đặc” dí dỏm, của Azit Nexin, mình đinh ninh rằng trong vòng một ngày một đêm mình sẽ thực hành uống Trà theo kiểu Thổ, nghĩa là “cứ 5 phút lại một ly trà”( theo truyện của Azit Nexin), góp phần vào con số ấn tượng: mỗi người Thổ trung bình cả già trẻ uống không dưới 1000 ly trà một năm.


Mình mê trà Thổ. Mình không chắc rằng nó ngon đến mức mình mê nó ngay từ lần đầu tiên. Điều muốn nói là càng ngày càng mê, mới rút ra ý nghĩ rằng điều gì mà được gần gũi hơn, hiểu nhiều hơn rồi sẽ thấy yêu hơn. Đất nước này thật lỳ lạ, làm cái gì cũng theo cách rất riêng của mình. Đến nỗi ở Moldova của mình, mỗi lần bí cái gì đó, mà chợt nghĩ ra cách giải quyết bất đắc dĩ, là người ta hay chặc lưỡi nói: “Đúng là kiểu Thổ!” (“Tureskii varian”). Có phải vì mảnh đất ấy nằm ở vị trí đặc biệt, nằm vắt qua cả hai châu, Âu và Á, nằm giữa sự giao thoa của văn hóa Đông- Tây?


Trà thổ cũng vậy, vừa mới xuất hiện ở nước này mấy thập niên gần đây, mà đã nhanh chóng trở thành nét đặc sắc, mang phong cách riêng, rất “Thổ”, chinh phục sự hấp dẫn của bao nhiêu người trên thế giới.


Lần đầu tiên đến Thổ, mình vô cùng thú vị nhìn thấy cái “bàn trà” ở mọi nơi, mọi chỗ: Bắt đầu là từ trong các lounge ở trên sân bay, khi vừa mới bước chân vào biên giới Thổ, rồi đến các nhà hàng, trên những góc phố, đặc biệt trong những nơi gọi là “Trà Quán”, và các “Trà Vườn”. 


Ở các Trà quán hầu như là nơi tụ tập hàng ngày của đàn ông Thổ. Họ đến đây, bên những ly trà để tán đủ thứ chuyện. Từ chuyện bầu tổng thống đến  những phi vụ buôn bán, và bao giờ cũng không thể thiếu những chuyện tán gái. “Cưa cẩm” chắc cũng chả được là bao, nhưng mà khoe thì nhiều. Đôi khi “bốc” lên, cả hội đều ngỡ mình là Sun-tan, đang đằm mình trong những bồn tắm nước nóng (đặc trưng kiểu Thổ), rắc đầy cánh hoa hồng và lung linh nến, xung quanh là các vũ nữ uốn lượn trong các điệu múa bụng rung rinh…  


Còn Trà Vườn là nơi họp chợ của đàn bà và trẻ con. Hoa lá xanh tươi, trẻ con nô đùa chạy vòng quanh, nhạc ầm ĩ, các bà, các cô trong những chiếc áo choàng (gọi là Burqa) kín mít, mà sao cứ có cảm giác những ánh mắt tinh ranh, già đời như mắt Cú, biết đủ thứ chuyện đầu làng, cuối xóm…đang như sắp nảy ánh chớp sau những tầng áo, mạng che mặt hiền thục, nhẫn nhục. Chuyện rôm rả nhất là chuyện nói xấu, kể tội chồng. Vậy mà vẫn những cái miệng ấy, ánh mắt ấy, khi về đến nhà thì khép lại, nép xuống, rón rén từng bước nhỏ, bê những khay thức ăn ngồn ngộn bốc khói dâng lên chồng. (Có lẽ đây cũng là nét đáng yêu của phụ nữ Thổ, mình rất muốn được học theo(!)


Khác với cách thưởng Trà của người Nhật, người Tàu, người Việt, khi mọi thứ đều tập trung vào nghi lễ Trà, tu tâm, luyện đức với Trà đạo, một không gian bình yên và một cái tâm tĩnh… Trà Thổ là không gian của cuộc sống đời thường vui nhộn, sống động, là nơi để gặp, để nói chứ không phải để ngẫm để nghĩ…Nên có khi đến Trà quán hoặc Trà vườn, chủ yếu để vui đùa chứ có mấy để ý đến Trà, dù vẫn uống, uống nhiều là đằng khác.


 

Điểm nổi bật của “Trà cụ” là cái ấm nấu trà, tiếng Thổ gọi là Samavas. Nó gồm 2 phần, dưới là bình đun nước sôi to tướng, trên đầu nó “đội” một cái bình nhỏ hơn để hãm trà. Bình lớn thì luôn phải sôi, bình nhỏ hãm trà luôn được ủ nóng bằng hơi bay lên của bình lớn. Phải đợi ít nhất 15 phút mới được uống. Lúc đó trà đã đủ ngấm để cho ra hương và vị thơm nhất, đậm đà nhất. Nhưng chỉ ở nhiệt độ không quá cao, chỉ bằng sức nóng của hơi nước bốc lên từ bình nước sôi là đủ. Người ta bảo nếu nhiệt độ cao hơn, sẽ “cháy” hết hương và vị của thứ trà đen (black tea) “dịu dàng”, “dễ tổn thương” chỉ mọc ở phía đông bờ Hắc Hải này.


Khi dùng trà thì lấy một ít từ bình hãm trà, pha thêm nước từ bình lớn, uống đặc hay loãng, màu sắc đậm hay nhạt…là tùy vào người uống. Trà Thổ có vị chát đặc trưng, khác với các loại trà đen cả thế giới vẫn dùng. Nó thơm vị riêng của nó, không giống mùi nào để so sánh. Mình nghĩ, ly để uống trà Thổ, sở dĩ thắt lại ở đoạn giữa, rồi loe ra ở miệng ly, (giống như một số ly rượu vang), là để dồn tụ hương thơm rồi tỏa ra ngào ngạt khi người uống ghé ly kề sát miệng. Và ly nhất định phải làm từ thủy tinh để người uống thưởng thức bằng mắt màu sắc đậm nhạt mà họ ưng ý. Trà Thổ dùng với đường viên. Lấy một viên đường ngậm vào miệng, chiêu một ngụm trà, để thấy vị chát của nó lướt qua lưỡi, rồi tiếp đến vị ngọt thấm dần do đường bắt đầu tan ra một ít, rồi đi qua vị ngọt lại trở về vì chát, đã đằm lại, đã chỉ còn “thoang thoảng” bên vị ngọt cũng đang chỉ còn “thoang thoảng” của đường. Cũng rất thông thường, trà Thổ được uống với mật ong, hoặc với các loại mứt trái cây (đựng trong những chiếc đĩa nhỏ xinh, chuyên dụng).


Mình đã có một ngày một đêm (may quá, chứ không phải một ngàn lẻ một đêm) để thưởng thức trà Thổ như vậy. Uống trà trong tiếng nhạc vang vang trong đầu, rộn rã, réo rắt, da diết của bản nhạc “Phiên chợ Ba Tư”. (In a Persian Market của Albert.W. Ketelbey), với rực rỡ bao nhiêu sắc màu xiêm áo, thảm tơ, mâm đồng… những người đàn ông quấn khăn sù sụ trên đầu, dắt theo lạc đà; những người đàn bà khăn áo kín mít, dáng đi lầm lũi, nhưng thỉnh thoảng lại bắt gặp ánh mắt tò mò, tinh ranh liếc ra, nhìn ngắm; những cái đầu rắn ngỏng lên, lắc lư theo tiếng nhạc dẫn dụ, huyền hoặc…

Bùi Thanh Huyền

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.