- Thể ký
Cha - nơi cho con tránh bão...!
Thứ hai - 28/10/2019 23:22
Nhà con một, nhưng cha vẫn lên đường. Hành quân qua cuộc kháng chiến chống Pháp, lại xuyên sang chống Mỹ, bóng cha trên khắp các chiến trường ác liệt nhất: Khe Sanh, Thành cổ, Quảng Trị; Trường Sơn Đông, Trường Sơn tây; Cánh Đồng Chum; Đường 9 nam Lào... Cha là sĩ quan phòng hóa nên nơi cha đến càng khốc liệt, vàng lá vì chất độc, vàng da, vàng mắt vì sốt rét ác tính và đói...
Khi cha xuất ngũ về Thị xã Thái Bình, cảnh nhà gieo neo với 4 đứa con lít nhít, đang tuổi ăn tuổi học. May thay hai đứa sinh sau không dính chất độc gì, chứ ở Thái Bình quê tôi, tỷ lệ trẻ em nhiễm chất độc da cam cao nhất cả nước.
Thời chúng tôi bao cấp thiếu thốn đủ bề, có nhiều người cha nuôi lợn, trồng rau nuôi con khôn lớn. Mẹ tôi làm trong ngành thương nghiệp, ca kíp nên cứ biền biệt tối ngày. Cha tôi đảm nhiệm hết việc nhà: Nuôi lợn, trồng rau, chăm sóc con nhỏ, mẹ già... tất tần tật mọi việc chả nề hà gì. Cả một giàn mướp và vườn rau đay, rau muống cha trồng, cứ ăn miết. Tôi là chị cả nên cũng bấn việc, nhưng đến bữa, cha đã sắp sẵn cho rồi, chỉ việc nấu.
Ngày nắng, cha trèo lên cây dừa cao vút, giật quả xuống, bổ lấy nước uống. Nhà có 3 cây dừa, nó gắn bó mấy chục năm cho trái quanh năm, khi nó già chết, nhìn lên khoảng không trống trải, lòng ngẩn ngơ tiếc nhớ!
Ngày bão to, căn nhà cũ lung lay, cha cắp từng đứa một xuống dưới gian bếp mới xây tránh bão. Trẻ con thấy bão ly kỳ thì thích thú mà không biết cha đang lo...
Hành trang cha mang về có một chiếc ba lô, vài bộ quần áo bộ đội mà cha mặc bao nhiêu năm sau không hết. Chiếc mũ cối và đôi dép cao su đúc ngày ấy giá trị. Đôi dép để ngoài nhà bị khách đến "xỏ nhầm", còn chiếc mũ cối treo tận trong buồng mà trộm "trong nhà" nên biết đường vào lấy. Mất của tiếc một mà mất đi kỷ niệm thì tiếc trăm lần...
Tuổi thơ của 4 chị em cứ đi qua êm đềm và rồi lần lượt vào Đại học. Cha tự hào về câu chuyện đèn sách và công lao chăm sóc, hy sinh của cha mẹ cho các con nên người đã không uổng phí.
Còn cha thì vẫn cứ chất lính, sống tiết kiệm giản dị, đạm bạc đến kỳ lạ.Tuổi già chăm vườn, làm thơ, tự trọng lớn lắm... Mặc ngoài kia, xã hội đang quay cuồng với công danh, tiền bạc.
Với tôi, khi sự nghiệp có đoạn bị bế tắc nhất, cha biết chuyện đã rất phẫn nộ thay. Người lính già quen sống ngay thẳng đã định lên tận cơ quan cấp trên hỏi cho ra nhẽ, rằng vì sao nó làm việc giỏi, sống tử tế, cống hiến bao nhiêu năm mà lại bị vùi dập, xâm phạm quyền lợi dễ dàng đến vậy? Cha có biết đâu rằng, xã hội giờ khác xa thời cha sống. Không phải giải quyết mọi việc bằng cái thiện, cái tâm, hay công lý, lẽ phải. Thậm chí, có những cái còn gian nguy hơn cha đi đánh giặc ngày xưa.
Giận dữ vậy, nhưng cha vẫn khuyên tôi nên biết cư xử với anh em, bạn bè, tránh xa những tiêu cực, vụ lợi dù có bị thiệt thòi. Và tôi đã làm được như ý cha mong muốn, thấy thanh thản hơn rất nhiều! Rời nghề báo sớm, tôi đã xây dựng cho mình một sự nghiệp kinh doanh lâu dài...
Giờ đây, các con đã trưởng thành rồi, trời cho cha mẹ tuổi vàng để cứ vài ngày điện thoại về còn được nghe cha mẹ ở đầu dây xa kia nói rõ to, con nghe mừng lắm!
Tôi không hiểu gì nhiều về ngày của cha, của mẹ, nhưng nếu mỗi đứa con có tấm lòng luôn ở bên cha mẹ thì ngày đó là ngày có ý nghĩa nhất!
Đi qua sóng gió cuộc đời, nay con đã hiểu hơn, cha - chính là cây cột lớn trong gia đình, là nơi cho con tránh bão tốt nhất.
"Dù cho thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình"... Để đến khi cha mẹ về trời, chúng ta thanh thản khi nhớ về gia đình, bởi nơi đó là nơi đẹp nhất, nơi luôn lung linh nghĩa mẹ, tình cha!
Minh Yến
(Búp & Hoa – Nhà xuất bản Thế giới - 2019)