• dau-title
  • Thể ký
  • cuoi-title

Viết cho một giấc mơ xa

Thứ bảy - 02/11/2019 22:01

Tôi cứ lần lữa... lần lữa mãi, không biết bắt đầu như thế nào. Có cái gì đó xa xăm, xa xăm. Có cái gì găm găm trên mắt mỗi khi trở về Nhà Của Búp, nhìn vào bức ảnh chung, ngắm nghía những gương mặt bạn bè - Những gương mặt đến 40 năm sau, 50 năm sau hay là lâu hơn nữa... vẫn không thể phai mờ.


 
Tôi may mắn được tham gia Nhà Búp ngay từ những năm đầu tiên và có lẽ là người theo Nhà Búp lâu nhất cho đến cả những năm sau này khi đã vào đại học, khi đã vượt qua tuổi sinh hoạt ở Búp trên cành. Cũng như tất cả, tôi không quên cái lần chú Lê Bính tìm tôi nơi ngõ nhỏ. Dáng người Chú, đôi mắt tinh anh luôn hấp háy cười và cái xe cà tàng của Chú, sự thân ái của Chú luôn còn mãi trong tiềm thức của tôi.

Không giống như nhiều bạn bè Nhà Búp, tuổi thơ tôi gắn với đói, nghèo và ám ảnh nợ nần của Ba Mẹ. Cả hai bố mẹ đều là cán bộ lương ba cọc ba đồng, gạo tháng có tháng không, thịt bạc nhạc cả tháng mới được đôi ba lạng, lại có đến chín anh chị em, bữa ăn nào cũng rau nhiều hơn cơm và luôn trong cảnh nồi quăng ra góc bể còn xèo xèo bốc khói mà cơm thì đã hết rồi... Nên sự ấm áp đầu tiên mà tôi có được ở nhà Búp lại là những bát cơm đầy, những bữa ăn no đủ với sự chăm sóc ân cần của các cô chú. Sau này tôi được biết, để có được những bữa ăn như thế cho chúng tôi, các cô chú đã phải vất vả lắm, nhất là bác Bút Ngữ, bác Lê Duy Lễ, chú Võ Bá Cường, là người trong văn phòng Hội đã có công trong việc lo toan kinh phí để chúng tôi  ăn ở tại Hội.
 
Cũng từ tham gia trại sáng tác của Búp Trên Cành, lần đầu tiên tôi được gặp, được nghe giảng từ các nhà thơ, nhà văn lớn. Những bài văn tả cảnh, tả người, tả vật của bác Phong Thu, Tô Hoài; những bài thơ về loài vật, về trẻ thơ của bác Phạm Hổ và những bài giảng huyền thoại của các bác, tôi cứ há miệng hớp lấy từng lời. Tôi cũng đã ngay lập tức ghi nhớ giọng thơ, chất thơ của Chú Kim Chuông. Có lẽ đến tận khi nằm xuống tôi vẫn không quên khuôn miệng ấy, nét môi ấy, chất giọng ngọt lừ ấy... khi chú đọc: "Ngày nghỉ chúng mình bồng bế con thơ - Qua ruộng lúa về thăm quê ngoại". ..
 
Tôi cũng nhớ như in buổi chiều tà, chú Lê Bính đã dẫn bác Phạm Hổ đến nhà tôi chơi. Khi đi vào ngõ, vẫn là cái ngõ nhà U tôi bây giờ - Số nhà 8, ngõ 8, đường Hoàng Hoa Thám (ngày xưa là số nhà 63, tổ 14). Ngày ấy, nhà U tôi vẫn còn cấp 4, có sân và chưa quay ra đường. Nhà thơ Phạm Hổ và chú Bính không ai bảo ai cùng cất lời: Phố nhỏ, ngõ nhỏ... nhà thơ ở đó! Lời nói bột phát, vui vui mà sao tôi nhớ đến thế. Lời nói đó, ngay lúc đó khiến tôi tin rằng, tôi là nhà thơ... Rồi tôi cặm cụi làm thơ. Cũng có được đôi bài, khi viết lòng cảm xúc dâng trào lắm, nhưng lần nào qua tay, cũng được các chú sửa đến toe toét, và mấy lần mới đậu.
 
Tôi nhớ chuyến đi thực tế Quỳnh Trang để lần đầu tiên tôi được biết thế nào là đòng lúa. Tôi đã được nhấm nháp vị ngọt đòng lúa ấy... để bây giờ vẫn ngọt. Nhưng người rút đòng lúa ấy và chỉ cho tôi, bảo tôi cách nhấm nháp thì tôi chưa một lần gặp lại. Tôi nhớ chuyến đi thực tế Trạm Y tế Tân Hòa với vườn mía tím... Và lần đầu tiên tôi thức qua đêm chỉ để nhìn thấy bầu trời đêm màu tím. Tôi nhớ chuyến đi Thuận Vi và buổi tối cùng chú Bính và... đi thuyền qua nhà cô cấp dưỡng. Đó là lần đầu tiên tôi biết về làng quê mùa nước nổi dù làng quê ấy chỉ cách nhà tôi khoảng 20 cây số... Và cho đến bây giờ tôi vẫn không thể quên cảm giác đau đớn khi tôi chứng kiến cảnh đôi vợ chồng trẻ chèo xuồng ra gốc cây khóc con - Đứa con 8-9 tuổi chết vì bị rắn cắn, chôn cất hôm trước, hôm sau nước đã ngập không thể nhìn ra mộ....!  




 ... Nhưng tôi đã không trở thành Nhà Thơ như lời các bác, các chú. Nguồn thơ, vốn đã không dồi dào của tôi, tắt lịm năm tôi 33 tuổi, khi một mẹ cùng ba con tha nhau lên Hà Nội lập nghiệp trong cảnh: "Một nong chiếu chật - bốn mẹ con chung". Đó là câu thơ khép lại hồn thơ tôi... cho đến tận bây giờ.
 
Nhưng tình yêu với Nhà Của Búp, tình yêu với Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình thì chưa bao giờ dứt. Ở đó, tôi được là tôi, tự do yêu thương và bày tỏ tình yêu thương với những người Thầy, người bạn văn chương; tự do nói về mình, nói về cả những điều khiếm thiếu nhất. Ở đó tôi có những người bạn, người em với trái tim nhân hậu, sâu sắc bao dung.
 
Tôi nợ Nhà Búp một lời hứa. Và tôi biết mọi người chẳng vì thế mà bớt yêu tôi.
 
Đào Thanh Bình

Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.