- Thể ký
Còn mãi với thời gian
Thứ tư - 18/09/2024 15:11
(Ảnh: Lam Chau)
CÒN MÃI VỚI THỜI GIAN
Cả đoàn thăm quan Thành cổ Quảng trị của chúng tôi ngày hôm ấy lặng đi vì xúc động khi nghe anh thuyết minh đọc lá thư mới tìm thấy trong lòng đất của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh. Chị Hoàng Điệp, phóng viên báo Người Hà Nội không nén nổi xúc động, dúi máy ghi âm vào tay tôi chạy ra ngoài lau nước mắt. Anh thuyết minh còn cho chúng tôi biết, sau khi tìm được lá thư, anh, ban quản lý di tích đã phô tô một bản tìm về quê hương anh Huỳnh, trao lại cho gia đình. Cũng chính tại nơi đây, các anh đã gặp chị Nguyễn Thị Sơ, người vợ mới cưới của anh Huỳnh. Bây giờ người thiếu phụ ấy đã bước sang bên kia con dốc cuộc đời. Mấy chục năm đã đi qua, mái tóc chị điểm nhiều sợi bạc, đôi mắt in những dấu chân chim, chị vẫn ở vậy thờ chồng dù không có được hạnh phúc làm mẹ.
Rời khỏi Thành cổ Quảng Trị, hình ảnh người vợ liệt sỹ, người phụ nữ hết sức bình dị mà rất đỗi phi thường ấy cứ ám ảnh tôi mãi. Sức mạnh nào đã giúp chị vượt qua mất mát, đau thương, vượt qua bao khó khăn đời thường để vững vàng kiên trung. Niềm khao khát được gặp chị đã thôi thúc tôi tìm về xã Lê Lợi huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình. Sau một hồi hỏi thăm, người ta chỉ tôi đến một căn nhà xây, nằm khiêm nhường giữa những ngôi nhà cao tầng, nó bình dị như chính chủ nhân của nó. Rót chén nước chè xanh mời tôi, chị Sơ nhớ lại kỷ niệm của ba mươi năm về trước.
Ngày ấy, anh Huỳnh đang là sinh viên năm thứ 4 của trường Đại học Xây dựng, còn chị là cô thôn nữ bước sang tuổi 22. Đầu năm 1972 anh chị cưới nhau trong niềm hân hoan của gia đình làng xóm. Anh tuổi sửu, chị tuổi dần, mọi người đều bảo đẹp đôi, tuần trăng mật được 3 ngày thì anh lên trường học tiếp.
Đôi mắt chị Sơ nhòa đi khi nghe kỷ niệm dội về
- Anh Huỳnh không thích chụp ảnh, ngày cưới rủ anh lên phố huyện chụp ảnh, anh bảo để khi khác. Thế rồi đâu còn khi khác nữa…
Tết năm ấy anh về bên chị thêm được 3 ngày rưỡi rồi lên đường nhập ngũ. Đâu ngờ, đời sống vợ chồng của anh chị chỉ được có thế, chưa đầy 7 ngày. Đã mấy thập kỷ đi qua, với chị, mọi chuyện như vừa xảy ra hôm qua. Nhấp một ngụm nước chè xanh, như nén chặt nỗi lòng lại, chị tâm sự:
- Ngày anh đi, cả hai chúng tôi đều không ăn uống gì cả, anh tươi cười dặn dò tôi nhiều điều, còn tôi chỉ lặng lẽ khóc.
Cổ nhân có câu “ người làm sao, chiêm bao làm vậy”, quả đúng là như thế thật, những lời anh dặn dò chị và gia đình trong lá thư có thể coi là “tuyệt mệnh” dù trước giờ vào trận mà vẫn tràn đầy lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng. Đó là hình ảnh anh tươi cười nói với chị: “Em thương yêu! Nếu thực sự thương anh, thì em hãy làm theo lời anh dặn. Hằng năm cứ đến ngày này, em hãy thắp vài nén hương để tưởng nhớ tới anh. Còn khi nhận thư này đừng buồn nhiều cho đời tươi trẻ, nếu có điều kiện cứ đi thêm bước nữa, vì đời em còn trẻ lắm, theo anh thì nên làm như vậy…”
Anh Huỳnh vốn là sinh viên ngành hầm cầu nên khi vào Quảng Trị, anh được phân công chiến đấu bên dòng sông Thạch Hãn. Một năm sau ngày cưới, chị và gia đình nhận được giấy báo tử của anh. Mặc dù chiến tranh không thể nói trước điều gì, nhưng chị Sơ vẫn thấy nỗi đau, nỗi mất mát đến với chị quá lớn, quá đột ngột, như những lời trong thư anh Huỳnh đã dự liệu “Thôi nhé, anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này vì biết bao nỗi buồn đè nặng lên tấm thân người con gái trẻ tuổi như em…”
Sau ngày anh Huỳnh hy sinh chị Sơ vẫn ở vậy chăm sóc mẹ chồng cho đến ngày bà cụ nhắm mắt xuôi tay, chị đã làm tròn bổn phận của một người con dâu. Sau đó chị mới xin với gia đình, họ hàng cho được về ở với bố mẹ đẻ. Nhưng mấy chục năm qua chị chưa đêm nào trọn giấc mặc dù máu lửa chiến tranh đã lùi xa. Đêm đêm lẻ bóng, cùng vầng trăng thổn thức, đời làm vợ chưa đầy 7 ngày, nhưng trọn tình vẹn nghĩa dâu con.
“Sau chiến tranh có người thành tỷ phú. Sau chiến tranh có người ở lại chiến khu”. Và sau chiến tranh cũng có bao thiếu phụ như chị cứ chập chờn chờ tiếng gõ cửa anh về. Dẫu biết rằng điều đó không bao giờ xảy ra, nhưng chị vẫn tin, vẫn chờ…
Ngày ấy khi biết trước rằng mình đi “nghiên cứu bí mật trong lòng đất”, anh viết lá thư này gửi về cho gia đình và người vợ yêu quý với biết bao lời yêu thương trìu mến đầy lạc quan thanh thản. Anh ngã xuống ngày 21/01/1973 khi ấy lá thư vẫn còn trong ngực áo. Ba mươi năm sau, khi chúng ta đang sống những năm đầu của thế kỷ 21, khi mà chiến tranh đã lùi xa hơn một phần tư thế kỷ, lá thư mới được tìm thấy, mới được trở về với người thân của anh.
Tôi ngồi lặng yên bên chị, giường như bao nhiêu kỷ niệm, cảm xúc dồn nén bấy lâu nay lại có dịp trở về thổn thức. Trong tôi trào nên nguyên vẹn niềm xúc động ngày nào ở bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị. Tôi đã đứng lặng im như trời trồng nghe anh thuyết minh đọc lá thư, nước mắt nhỏ xuống tay cầm máy ghi âm nóng hổi. Lá thư sau khi được tìm thấy đã được trưng bày trang trọng tại bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị, không đơn thuần là tình cảm riêng tư của anh chị, nó đã mang một giá trị lịch sử to lớn. Bởi nó đã đại diện cho một thế hệ người Việt Nam sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân, hạnh phúc cá nhân để đổi lấy mùa xuân cho Tổ quốc. Hàng ngàn lượt người đã lặng lẽ rơi nước mắt tại bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị. Có một cựu binh Mỹ khi về thăm lại Thành Cổ, được đọc lá thư của anh chị đã khóc và thốt lên rằng: Đến bây giờ tôi đã hiểu vì sao các bạn thắng, vì các bạn đã biết trước tất cả.
Tôi buột miệng hỏi chị:
- Sau ngày anh hy sinh chị có linh cảm gì không?
Chị nghẹn ngào, đôi vai gầy khẽ rung lên theo tiếng nấc.
- Ba mươi năm rồi chưa đêm nào tôi ngủ ngon, chỉ đến khi tôi tìm được anh, đưa anh về quê cha đất tổ tôi mới yên lòng.
Những lời trong thư anh Huỳnh viết có một linh nghiệm lạ lùng trong suốt mấy thập kỷ qua. “Thôi nhé, em đừng buồn. Khi được sống, chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc anh rất vui và tự hào. Khi có điều kiện vào Nam, lấy hài cốt anh về, đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh hy sinh khi mang hàng qua sông. Từ thị xã Quảng Trị, qua cầu hỏi về thôn Nhan Biều 1, nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng, về đấy tìm sẽ thấy bia ghi dòng chữ tên anh. Thôi nhé, đấy là có điều kiện, còn không cứ làm những lời anh dặn ở trên là tốt lắm rồi…”
Sau ngày đất nước thống nhất chị đã nhiều lần vào Nam tìm hài cốt anh nhưng không thấy. Mãi đến tháng 9/2002 may mắn chị gặp được người đồng đội cùng chiến đấu và trực tiếp mai táng anh đang công tác tại Hà Nội, và người dân địa phương bảo quản tấm bia ấy, nhờ đó chị biết được chính xác nơi anh nằm xuống.
Ngày chị đưa anh về quê hương dòng sông Thạch Hãn cũng được rải đầy hoa tươi, chị cho rằng mình may mắn đã tìm được anh, còn bao người vợ, người mẹ khác không tìm được chồng con mình, các anh đã “Hóa tuổi đôi mươi thành sóng nước. Vỗ về bờ bãi mãi ngàn năm”
Từ đôi mắt in những vết chân chim ứa ra hai giọt lệ lăn dài trên gò má đã có nhiều nếp nhăn, chị Sơ nghẹn ngào: Bây giờ tôi thực sự thanh thản, với tôi anh không bao giờ chết, anh luôn ở bên tôi…
Vũ Thanh Huyền