• dau-title
  • Thể ký
  • cuoi-title

Chuyến xe bão táp (1)

Thứ hai - 21/04/2025 11:36



(Ảnh: Pixabay)


CHUYẾN XE BÃO TÁP

Tác giả: Thanh Bình

Phần Một: Quả tặng cuộc sống hay là định mệnh

 

Năm 1977, khi nó 12 tuổi, hãng phim truyện Việt Nam ra mắt bộ phim “Chuyến xe bão táp”. Bộ phim mô tả bức tranh đời sống xã hội thời bao cấp, đa chiều, đa dạng và với nhiều mảnh đời, nhiều tính cách và số phận trên cùng một chuyến xe. Đến giờ, nó vẫn nhớ như in từng gương mặt người đến anh tài xế, chiếc xe và con đường ổ gà; nhớ đạo diễn Trần Vũ, Phó đạo diễn Trần Phương và dàn diễn viên một thời Trịnh Thịnh, Mai Châu, Vũ Thanh Quý, Vũ Đình Thân… Bộ phim lấy của khán giả, trong đó có nó, nhiều nước mắt và sự bức xúc…

Năm 1982, khi nó 17 tuổi, lần đầu tiên nó cũng có một “Chuyến xe bão táp” của riêng mình, vẫn bối cảnh con đường điển hình ấy, dù không có đạo diễn, diễn viên nào cả, chuyến xe đó mãi vẫn hằn trong ký ức nhân vật chính, là nó.

Hôm trước viết “Mẹ Là Quê Hương”, mới chạm đến kỷ niệm, nó đã nhận được nhiều comment, inbox kiểu: “Em cũng có mặt trên chuyến xe ấy”,“Em vẫn nhớ chuyến đi ấy”, “Sợ thật… phải đợi bao năm, quá nửa đời người, nhìn lại mới hình dung sơ sơ kịch bản của chú lái xe, sợ chị nhỉ!...”.

Có một chuyến xe đi 110km từ Thái Bình lên Hà Nội, từ 6h00 sáng đến quá 6h00 chiều, được hiểu là dành riêng cho nó, vì nó mà hình thành.

Đó là một ngày hè, chắc tầm cuối tháng 5, nó đã đoạt giải Ba kỳ thi học giỏi cấp Quốc gia và được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Oách lắm. Nở mày nở mặt, tự hào lắm. Nhưng với nó, nó không mấy quan tâm. Khi nhận giấy báo do Thầy Chủ nhiệm – cũng là thầy giáo phụ trách đội tuyển trao, nó bỏ vào cái túi đựng bài kiểm tra trong cặp sách như một thói quen lưu giữ. Mỗi ngày, nó vẫn miệt mài ôn thi đại học khối A. Và, Ba Mẹ cũng cùng nó thức khuya, dậy sớm mỗi ngày. Nó học Văn kiểu không học cũng nhớ, chạm bút là tự viết ra như suối chảy. Với Toán, Lý, Hóa, nó yêu bằng cả con tim, thủy chung, kiên định. Ở lớp học thêm luôn là đứa được các thầy ưu tiên hướng dẫn, vì nó học giữa bọn chuyên toán, chuyên lý nên lúc nào cũng là đứa lẹt đẹt nhất. Bây giờ nghĩ lại đúng kiểu “cần cù bù thông minh” “Điếc không sợ súng”. Ba Mẹ nó không can thiệp sâu, chỉ lẳng lặng bên con. Mỗi đêm, rạng sáng, Ba thường đón giờ pha trà sớm, Mẹ cũng lựa lúc đó bồi cho hai ba con cốc lạc rang giòn. Nó cứ vô tư học, vô tư nhận sự chăm sóc kín đáo, thầm lặng của Ba Mẹ, vô tư cùng Ba thưởng trà, ăn lạc rang mỗi sáng mà chưa bao giờ nghĩ “Sao mẹ không ngồi cùng Ba và nó mỗi khi uống trà nhỉ?”. Nó kiên định với mơ ước của mình cho đến một hôm…

Hôm đó, cả nhà đang quây quần bên mâm cơm chiều ở sân nhà thì cô giáo chủ nhiệm cũ của nó ào đến. Cô mặc áo trắng, quần lụa đen với dép lê và hai bím tóc. Thời của nó, bím tóc đuôi sam là rất điển hình cho sự dịu dàng, nữ tính. Cô đi chiếc xe đạp nữ khung thấp, phóng thẳng từ ngõ vào cổng và lạch xạch đỗ lại ở đầu sân, gạt chân chống, vừa đi, vừa nói:

-​Trời ơi! Sung sướng quá!

-​Em chúc mừng Anh Chị!

-​ Cái Thanh đâu rồi? Vào thẳng Sư phạm rồi. Sướng thế mà không báo cô gì cả!...

Cô ào vào trong hạnh phúc, rồi chợt khựng lại trước sự ngơ ngác của cả nhà. Ba nó nhìn cô rồi nhìn nó.

- Ơ, thế cái Thanh nó không nói gì với anh chị à? Nó được giải văn toàn quốc, được vào thẳng ĐHSP đấy, không phải thi nữa. Anh Thuyên vừa nói với em.

“Anh Thuyên” mà cô giáo nhắc đến là thầy phụ trách đội tuyển cấp 3 của nó, còn cô là giáo viên chủ nhiệm nó năm cuối cấp 2. Cái thị xã bé nhỏ cho nó được yêu thương kiểu ấy suốt 10 năm phổ thông, thầy cô dạy giỏi Văn của thị xã, của tỉnh ai cũng biết nó, coi nó như con mình. Nên mới có chuyện, ngay sau khi đoạt giải Quốc gia, bài văn tốt nghiệp cấp 3 của nó được 7 điểm. Thầy nó và cả Thầy phụ trách văn của Sở dứt khoát yêu cầu Hội đồng chấm thi, đưa bài nó ra phúc khảo chấm chung, trả lại điểm cho nó… Nó thì chỉ biết mình được yêu, nhưng giờ ngẫm lại, có khi cũng có ối người ghét, mà nó hồn nhiên không biết.

Nó đứng như trời trồng ở góc sân. Mẹ nó và các anh chị em của nó, ai nấy ngồi đông cứng đợi cơn thịnh nộ của Ba. Mẹ nó kéo nó lại, ghé tai ghìm giọng:

-​To gan! To gan! Dám giấu Ba mày, to gan.

Nó kinh hãi, nhưng cũng sẵn sàng chịu trận. Ba nó mời cô giáo vào nhà và gọi nó:

-​Vào đây! Thế là thế nào?

-​Con không muốn học sư phạm, con thi khối A.

-​Giấy đâu?

Nó lưỡng lự một giây rồi ra chỗ cặp sách, lấy tờ giấy gập tư, hơi nhàu đưa Ba nó. Ba nó xem xong, vuốt vuốt cho phẳng phiu, rồi mở cách cửa kính cái tủ bupphe 3 ngăn, đặt tờ giấy một cách cẩn thận vào bên cạnh hộp Huy chương kháng chiến hạng Nhất của mình.

Cô giáo nó về rồi, bữa cơm chiều diễn ra trong im lặng, không tiếng bát đũa lanh canh, không cả tiếng nhai lép nhép. Ăn xong, mỗi người cầm bát đũa của mình, dời mâm, khẽ đặt vào cái chậu cạnh giếng nước, giống như chỉ cần một tiếng động nhỏ là trời sập vậy. Mẹ nó len lén pha ấm trà, đặt sẵn ở cái bàn cạnh dậu hoa, nơi mỗi sáng hai Ba con nó uống trà ăn lạc, rồi lùi sâu vào bếp ngồi đợi. Đó là điều khác thường, vì mọi ngày không có cữ trà này. Nó sợ, nên không dám dời mâm, có ý đợi Ba nó mắng chửi. Ba nó buông đũa, chống hai tay đầu gối đứng dậy:

-​Ra bàn uống nước!

Được thưởng trà với Ba là một đặc ân. Nhưng hôm nay thì khác, nó sợ chết khiếp. Thà Ba cứ quát tháo, cứ quất roi mây, hay hất mâm, đá ghế như nó từng thấy…, đằng này, im im, nhã nhặn kiểu rất là xa cách. Mọi người rút đâu hết. Mâm bát và mấy cái xoong rỗng ở sân, không biết bằng cách nào đã được thu sạch bách. Ngoài sân chỉ còn hai ba con. Ba nó im lặng rót hai chén trà nóng, một chén đặt trước mặt nó, một chén ba nâng lên nhấp nhẹ. Nó sờ tay vào chén trà, nóng giãy, sao bàn tay thư sinh chỉ biết viết của Ba nó lại có thể cầm lên điềm nhiên như thế nhỉ?

Thư thả hết chén trà, ba nó hỏi:

-​Có muốn nói gì với Ba không?

Nó im lặng, hai dòng nước mắt trào ra, trào ra liên tục, không hiểu vì sợ hay tủi thân nữa.

-​Vì sao không nói với Ba Mẹ có giấy vào thẳng đại học?

-​Vì con nghĩ mình không dùng nó ạ. Con sẽ nộp hồ sơ thi đại học.

-​Con định thi trường nào?

-​Đại học thương mại ạ. Nguyện vọng 2 là Đại học Luật.

-​Con có chắc đỗ không?

Sau đó chính là một khoảng lặng. Cái thời thi đại học “10 thằng trèo, 9 thằng rơi”làm sao nó dám chắc.

- Ba không ép con, nhưng Ba chia sẻ rõ để con lựa chọn. Khi con giấu Ba giấy chứng nhận thực ra con ngầm lựa chọn rồi. Nhưng con còn trẻ, chưa hiểu hết cuộc đời, nên Ba nói với con hai điều này: Một là, Ba Mẹ chỉ có thể lo cho con thi đại học 1 lần vì nhà mình nghèo, còn phải lo cho các em. Nếu con thi trượt, là phải ở nhà khâu nón và xin việc đi làm; Hai là, con học văn, con phải ngẫm câu “Chim đậu không bắt lại bắt chim bay” để tự ra quyết định.

Ấm trà hôm ấy cứ thế nguội đi. Ba không uống thêm. Nó cũng không uống. Mẹ chắt nước cất đi, sáng lấy ra đun sôi, hãm lại cho ba con nó. Hai ba con lại thưởng trà thay bữa sáng. Rồi Ba lên chiếc xe đạp cà tàng đạp xe gần 30km đi từ thị xã xuống Tiền hải. Ba làm kế toán của Công ty vật tư nông nghiệp huyện. Thân mảnh, xương gầy, ngày hai lần, sáng đi, tối về khoảng 60 cây số, nhưng nhà cả một đàn con không thể thiếu đàn ông trụ cột. Nó nhìn Ba đi hết ngõ, quay vào nhà, sửa soạn sách vở đi học sớm.

Suốt gần một tháng sau đó, trong thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thi đại học, bên tai nó lúc nào cũng văng vẳng câu nói của Ba, cho đến tận bây giờ, câu nói đó vẫn như một thứ kim chỉ nam dẫn dắt nó mỗi khi cần ra quyết định lựa chọn an toàn. Nó đã nộp đơn vào ĐHSPHN1 khoa Ngữ văn. Ngày đó nếu chọn thi thì không được chọn vào thẳng, nên nó chọn con chim đậu vì thật sự, nó không thể trượt, không thể cả đời ngồi chân giường khâu nón lá. Học đến hết năm 2 nó vẫn muốn bỏ Sư phạm, nhưng đến năm thứ 3 khi đi thực tập ở Thanh Miện Hải Hưng, được thử thách vai trò Giáo viên chủ nhiệm, nó thật sự thích thú, và yêu nghề, theo nghề từ đó. Yêu muộn nhưng vẫn hấp dẫn nhau đến tận bây giờ. Mỗi học trò mới, mỗi tình huống sư phạm mới đều là một cơ hội để nó được đam mê với nghề.

 

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.