- Trang văn
Bên trong
Thứ ba - 31/12/2024 09:47
(Ảnh: Tam Tran)
BÊN TRONG
(Truyện ngắn của Hoàng Liên Sơn)
Minh đong ba miệng bò gạo vào rá, liệng qua trước mặt chị Nếp mẹ nó đang ngồi chọn cói rồi đi về phía giếng để vo. Trước khi đổ gạo vào nồi, nó bốc một nắm bỏ sang cái bát riêng.
Bếp nhỏ, đủ chứa củi và đặt một cái kiềng dài để vừa đặt nồi cám lợn vừa đặt nồi cơm. Nó đã chuẩn bị xong và giờ chỉ còn việc đun. Nó thích nhất dùng lá bạch đàn vì có mùi thơm nhẹ, lại kèm tiếng tí tách vui tai. Khi cơm gần cạn nước, nó đảo một lượt bằng đũa cả rồi đậy vung, đặt nồi xuống bên cạnh kiềng để tận dụng hơi nóng của xoong canh bắp cải tiếp theo. Vừa nấu canh, nó vừa đùn tro đỏ ra phủ xung quanh nồi cơm. Khi cho rau vào nồi, nó chừa lại một ít. Vẫn nhớ một lần xoay nồi 180 độ để bốn phía đều chín.
Xong rồi nó bắc cái nồi nhỏ lên bếp, đun sôi nước, cho nắm gạo ở bát vào và nấu cháo bắp cải. Bếp tắt, bỗng Minh nghe thấy tiếng cậu Tiệp, em ruột mẹ nó: “Con kia làm gì mà cứ ở mãi trong ấy?”
Cái Minh quay ra ậm ừ lí nhí, nhưng vẫn ngồi yên, khiến ông cậu vẻ như tò mò, càng dòm sâu vào quanh cái bếp. Thấy cậu đã nhìn đến cái xoong bé còn trên kiềng, nó thì thầm “cháu nấu cháo vụng mẹ cháu”.
Cậu cười phá lên bảo:
-
Nấu cháo thì có gì phải vụng. Sang nhà tao, thoải mái nấu cả tháng.
Con bé vừa nghĩ nhà cậu xa đến trăm cây số vừa sợ mẹ nghe thấy; càng khẩn thiết:
-
Mẹ cháu biết là cháu toi đấy.
Cậu nó vẻ như thương cháu nên không đùa dai nữa, hạ giọng:
-
Mày lấy gì ra nấu cháo mà mẹ mày quý thế?
-
Dạ, hôm nay là bắp cải, có hôm là su hào ạ. Mẹ cháu không cho đâu, có khi là nồi cháo bay xuống ao luôn đấy!
Cậu lại rất cứng giọng:
-
Có mẹ mày mới thế chứ cháo nấu rau có gì mà không cho con ăn? Để tao lên bảo.
Con bé không sao ngăn được nữa, đành rón rén lên đầu hiên nghe trộm. Thấy mẹ bảo cái con này cơm không thích lại thích cháo, cứ bầy việc. Rồi cậu bảo nó vừa nói sợ chị đổ xuống ao. Gì mà trẻ mỏ nó thích ăn bát cháo cũng không cho? Con em cũng ngang tuổi con này thì mẹ nó hết nịnh nọt đến mắng chửi nó chẳng nuốt.
Chị Nếp im lặng một lúc rồi nói cậu bảo nó thích ăn thì nấu nhưng không được làm mất việc của tôi.
Con bé sung sướng chạy về bếp, tự nghĩ tưởng không may mà lại may không tưởng vì từ nay không còn phải ăn cháo như ăn vụng nữa, nhưng chưa đủ khôn để nói cảm ơn cậu. Tuy nhiên, cậu và mẹ nó vẫn không hiểu vì sao con bé lại vất vả mất công nấu, lại còn nấu trộm cái món cháo gần như vô vị này!
*
* *
Chiều nay nắng thu rất rực rỡ nhưng chỉ làm ấm da chứ không đến mức nóng. Ông nội của Minh cắt một miếng thịt ngan trên gác bếp, đem phết các loại gia vị cùng nước mắm rồi nướng trên than củi. Thấy mùi đã thơm lừng nhưng cái Minh vẫn kiên trì ngồi nhặt rau và đợi. Nó đoán thế nào ông cũng sẽ gọi sang như mọi bận. Hai căn nhà riêng nếp nhưng liền sân. Nó rất biết đợi từng loại trái cây vườn ông chín rồi được cho; chứ không như mấy đứa em con cô, bị ông mắng là bọn “ăn non” vì nhấp nhổm vặt từ khi còn ương. Nó đã được thưởng thức ké cùng ông đủ loại thức nhắm, từ cá mực đến cá chỉ vàng mà ông công phu ra tận ngoài Quảng mang về. Cách ông quết xì dầu lên cá, thịt trước khi nướng tỉ mẩn không khác gì họa sĩ cầm cọ vẽ lên toan.
Nó ngồi trên hiên bên ông, nhấm nháp từng tí của mẩu thịt mà ông vừa cắt cho. Ông nó từ tốn nhấp từng hớp rượu nhỏ từ cái nậm bằng nắm tay vừa mua ở cuối làng.
Nó không chỉ thích ăn các món lạ mà còn biết đi kiếm nguyên liệu để ông chế biến, chẳng hạn những con ốc sên bám trên các cây chuối trong những mảnh vườn tạp ở làng. Nó không biết ông biến hóa cách gì giống vật có cái vỏ vằn vện ấy, nhưng khi ăn thấy thơm ngậy và giòn; dai mà không phải kiểu làm mỏi răng.
Chị Nếp ra giếng, dấn đầu nắm cói xuống nước để chúng mềm ra, dễ quấn vào đầu cây văng. Khi quay lại thấy con bé đang đung đưa đôi chân, hơn hớn nhấm nháp miếng thịt; chị lẩm bẩm liên đội trưởng này chỉ giỏi làm gương ăn vặt cho bạn.
*
* *
Trước nhà chị Nếp là một cái cừ nhỏ chạy ngang, nước ngập lưng lửng. Chị Nếp bèn đem cây niễng giống về trồng. Vào tầm bánh tẻ củ niễng ăn sống rất giòn, ngậy và có mùi thơm đặc trưng; nhưng khi đó củ còn nhỏ nên chị đợi đủ già rồi mới thu hoạch, cho chị em một ít rồi để nhà dùng.
Hình như có người mách củ niễng già ăn kém ngon, chỉ dùng xào thịt thì hợp; nên cái Minh lại chờ thời cơ đánh tỉa. Chỉ bẻ một củ ở sâu giữa mỗi cụm. Cách vài cụm mới đụng đến một. Và vài ngày mới bẻ một lần, sau khi đã ngắm nghía rồi chốt sẽ bẻ củ nào và giấu lá ở đâu. Không thấy chỗ nào khác đủ an toàn, nó vùi lá sâu xuống bùn; có bữa còn trượt chân ngã nhao cả người lẫn niễng xuống cừ, ướt sạch nhưng không dám kêu cứu mà tự lóp ngóp bò lên.
Ăn được dăm bận nó đã chán, không thích bền được như món cháo rau.
Và có thể nó còn chưa chán nếu có đứa nghịch cùng; nhưng trò này không hợp nghịch đông. Nó bèn ra cánh đồng với bạn. Trong lúc chơi nó đã quan sát thấy máy cày vào cày bật gốc đay lên. Sau đó bà con sẽ dẫn nước vào ngâm chân ruộng trong vài ngày trước khi bừa. Lẽ ra nó phải cặm cụi đi nhặt từng gốc, rũ trong nước cho sạch đất rồi bỏ vào quang gánh mà gánh về. Tuy nhiên nó biết vài ngày sau bừa sẽ tới và gạt toàn bộ đám gốc này về góc ruộng thành đống. Nước sẵn, ruộng ngấu thì đám gốc đay cũng đã sạch đất với bùn, chỉ còn việc vơ.
Nhưng hôm nay nó bỗng thấy người ta thay lưỡi cho máy và chuyển từ cày sang bừa luôn. Thế là nó vội vàng về nhà mang quang gánh ra. Xong việc “làm giàu” cho kho củi, hoàn thành mức khoán của mẹ Nếp, nó hồ hởi nghĩ tha hồ chơi mấy ngày liền; trò gì cũng đủ thời gian.
*
* *
Vào một hôm cũng sau khi hoàn thành mức khoán bẻ cành hương nhu khô, nó phi đến chỗ cái Nhiễu; rồi cái Nhiễu gọi thêm cái Lành.
Cụ Tuy, ông nội của cái Lành có mấy cây bưởi rất sai quả. Nhưng đợi cụ cho cháu ăn hơi khó hơi lâu, nên ba đứa bàn nhau tìm cách vặt trộm. Cái Nhiễu trèo cây, tìm cách vặt quả chín mọc theo chùm và ở cành la cho khó bị phát hiện rồi cái Minh đứng gốc đón bắt lấy. Được quả thứ hai là cái Nhiễu tụt xuống luôn.
Trong khi đó cái Lành đứng cảnh giới từ rất xa, chỉ cần ông hay bà ra khỏi cửa là truyền tin. Minh dặn kỹ Nhiễu nếu có động thì ngồi im trên đó chờ báo yên chứ không được hốt hoảng tụt nhanh xuống dễ ngã.
Ôm hai quả bưởi xong, ba đứa nghênh ngang mang về hiên nhà cụ Tụy, ồn ào bảo nhau bưởi nhà cụ Dậu sai quá nhỉ rồi mượn dao của cụ bổ ăn; lễ phép mời cả hai cụ thưởng thức cùng. Do cái Lành hiểu ông mình quá rõ hay chẳng hiểu tí gì, mà có chiêu “chùi mép” kỳ lạ ấy, nhưng cụ Tụy vẻ như đinh ninh bưởi này từ cây nhà cụ Dậu!
*
* *
Bận mải mưu sinh, chị Nếp chỉ đến trường khi họp phụ huynh, còn thì ở đấy “trăm sự nhờ thầy cô”; lại cũng tin là con mình ngoan lắm, khoản ăn vặt chắc chẳng đầu têu cho bạn được vì chị nhất định không cho tiền quà.
Hôm nay đi họp về, chị bảo cô giáo phê bình bạn Nhiễu đã đánh bạn này để đòi lại mũ cho bạn kia. Biết chuyện gì sai thì phải báo cáo để cô xử lý chứ không được tự ý nhân danh công lý kiểu đó, khiến chuyện bé xé ra to. Cô hy vọng nhiễu nghĩa là đẹp và mềm mại như vóc nhiễu chứ không phải nhiễu sự. Cô giáo cũng mong các bạn cán bộ như Minh phải chủ động quan sát, nắm bắt tình hình rồi phản ánh kịp thời tới cô.
Cái Minh hồi hộp chờ mẹ nó kết thúc đoạn tua lại, vâng dạ trơn tru, mừng rơn vì vai trò của mình trong vụ cái Nhiễu xuống tay vẫn được giữ kín! Chính nó “chỉ đạo” bạn, còn nhấn mạnh là tội đâu tao chịu!
“Mẹ và cô ấy hai mẹ hiền” thật đấy, nhưng không hiểu cho nó là để làm thủ lĩnh lũ trẻ đai đẳng này, không chỉ giỏi học với lao động mà nghịch cũng phải xứng tầm.
Ngay hôm sau, nó đã lại đầu trò đẩy cái Nguyệt, dạng “chiên ghẻ” trong lớp (vì không biết ai là bố) xuống ruộng bằng cách giả vờ đứa nọ ngã dúi vào đứa kia và rút cục con bé không biết tố đứa nào với mẹ.
*
* *
Một ngày hè trước khi vào năm học lớp tám, Minh được anh phó chủ tịch phụ trách văn xã đưa đi dự hội nghị chữ thập đỏ cấp huyện. Nó ở đó để đại diện theo cách nào đó cho các bạn học sinh nghèo vượt khó hoặc khuyết tật mà chăm chỉ. Sau đó cũng tham gia bầu, tất nhiên là theo hướng dẫn, đại biểu sẽ đi dự hội nghị cấp tỉnh.
Về tới trường, cán bộ xã vào phòng thầy hiệu trưởng, còn Minh sang phòng trực trường nơi cô giáo Hà yểu điệu thục nữ mới về đang trực. Cô hỏi Minh có ăn vải chín không? Nó nói có mà không cần suy nghĩ giây nào, hình dung luôn được lối bờ ao để luồn vòng vào vườn vải.
Các thầy cô tận dụng đất hết mức để gia tăng nên giữa các hàng vải lại thêm một dãy cây đay giống từ Bỉ, vừa tước vỏ để se lại mà dệt chiếu vừa lấy lõi làm chất đốt vào cuối mùa. Đang loay hoay rẽ đám cây cái Minh bỗng tru tréo cô ơi ong đốt em rồi. Cô Hà vội vàng xô vào kéo nó chạy, thấy đám đay bỗng rậm như rừng!
Thoát được về tới phòng thầy hiệu trưởng, cô Hà bảo thầy ơi cái Minh bị ong đốt. Thầy hỏi cô Hà ong gì? Cô bảo không biết. Lại quay sang nó hỏi vì sao lại chui vào chỗ có ong? Nó thật thà “Vải chín rồi thầy ạ, cô Hà rủ em vào hái”. Thầy cười, bảo cô trò nhà này to thật đấy, bảo nhau đi hái vải mà mình chả được nghe câu xin phép!
Nghe, cái Minh bỗng quên hết cả đau mà chỉ còn biết sợ đến ngộp thở! Cô giáo thì cũng mới thành niên trước nó bảy tám năm thôi, chưa dứt đuôi nghịch dại. Nhưng thầy lấy ra cái tuýp kem đánh răng, nhẹ nhàng bảo cô Hà bôi cẩn thận lên chỗ bị châm; hỏi có bắt được con châm mình không, vì dùng cái ruột của nó mà bôi sẽ tốt hơn. Cái Minh quên sợ, phì cười nghĩ chạy đến tụt cả dép, chưa dám quay lại lấy thì dám gì tìm bắt con ong đã châm?
*
* *
Đường từ trường về trưa nay, cô Chinh chủ nhiệm kiêm dạy môn văn bỗng gọi “Minh ơi đợi cô”. Minh ngoái cổ lại dạ vâng, thấy lạ bởi ngày nào cô cũng đi xe đạp để còn tranh thủ về nhà sớm dệt chiếu.
Ở làng, cô giáo thường lại cũng lấn vấn họ gần hoặc xa. Nhưng giữa Minh và cô họ xa nên vẫn xưng hô theo trên lớp. Hai cô trò bước chậm chậm. Cô tỉ tê hỏi han nhiều chuyện, từ việc lớn lên định làm nghề gì đến kiếm tiền bằng cách nào để đặt mua được báo Hoa học trò như vậy. Cô bảo cái Nhiễu lớn rồi mà vẫn như con giai, rồi chợt nói chúng mày tài thật, sao ghét nhau lâu thế? Sao không đứa nào chơi với cái Nguyệt? Sao ngay cả bọn con trai cũng xa lánh nó? Cô thấy tội nghiệp con bé quá!
Cái Minh nghĩ tới màn chửi đổng của mẹ cái Nguyệt mỗi khi qua ngõ nhà mình, không mảy may mủi lòng, đáp “dạ em không biết ạ”.
Cô cười:
-
Em biết và còn biết rất rõ.
Minh cười trừ:
-
Em không biết thật mà cô.
Giây lâu sau còn tranh thủ “tố cáo”:
-
Chắc tại nó học dốt mà lại còn hay để mẹ tới lớp chửi các bạn. Có khi còn đến cả nhà chúng nó để cà khịa làm bố mẹ chúng chửi tiếp.
Cô Chinh từ tốn:
-
Thế là cô biết rồi. Thế này nhé, cô nhờ em ngày mai tới lớp nói với các bạn cho cái Nguyệt chơi cùng với.
Minh nín lặng, như ngại thưa vâng là sẽ bị ràng buộc vào cam kết. Nó hồi tưởng cái màn luân phiên vỗ vào chỗ ấy rồi hất ra khởi từ mẹ cái Nguyệt và đáp lại bởi cái Nhiễu. Cô kiên trì:
-
Minh à, em có nghe thấy cô nói không?
Nó vâng, nhưng nhẹ như gió thoảng! Tới chỗ rẽ về nhà nó, cô nhắc lại đầy xuống nước: “Em giúp cô với nhé!”.
Hôm sau trước giờ vào lớp, cái Minh tua lại câu chuyện với cô giáo hôm trước cho các bạn nghe, sau đó đứa bảo kệ, đứa lặng im và cũng có đứa gật gù. Nó lại hỏi “Tại sao cô Chinh nói với tao? Sao không phải là nói với chúng mày”. Đứa bảo tại cô về cùng đường, đứa bảo chắc cô biết mày biết chuyện; lại có đứa bảo chắc vì cô thích mày, rồi cả lũ cười khoái trá. Chả là con trai cô cũng học lớp này, nhưng được loại khỏi diện tình nghi vì rất biết giữ miệng.
Nó không biết, cô đã nhận ra tố chất thủ lĩnh dù rất ngầm ở nó; kết hợp thêm “nội suy” từ chị Nếp theo qui luật di truyền.
*
* *
Lại một sáng khác, Minh đang chơi chạy cờ ngoài sân, thì có đứa chạy ra bảo vào cô Mật gọi kìa. Cô có họ gần với Minh; chỉ chỗ ra hiệu nó ngồi xuống, rồi chỉ ra sân; bảo mày nhìn đi.
Nó ngơ ngác hết nhìn sân qua song cửa lại nhìn cô, không hiểu gì. Cô lại bảo nhìn kỹ đi, những đứa bạn mày đang chạy ấy. Nó vẫn cười trừ. Cô bảo nhìn núi đồi chúng nó ấy, thấy nhấp nhô chưa? Con bé chợt hiểu và đỏ bừng mặt. Cô bồi thêm, mấy thầy giáo trẻ đứng đằng xa kia, lên lớp làm sao khi phải đi qua đám học trò thế này?
Ít ngày sau, bỗng cái Minh cảm thấy ướt quần theo cách khác thường. Nó xin phép cô giáo đi vệ sinh. Nhưng lúc sau thấy còn tệ hơn trước, nên giờ ra chơi là nó chạy thục mạng về nhà và nói ngay với mẹ. Chị Nếp chỉ hỏi có nói với các bạn là về nhà không? Không ạ. Chị mang những tấm gạc như được chuẩn bị sẵn cho nó, hướng dẫn từng động tác, xong nhắc nó đến trường. Minh tự hỏi là đồ mẹ vẫn dùng hay chuẩn bị riêng cho nó?
Nắng thu vẫn rất vàng. Bên các bờ ruộng vẫn đầy lúa nếp non vào đòng thơm lừng, nhưng cái Minh không còn thích chạy nhảy trên đó nữa. Ngang qua cây bưởi cụ Tuy, nó chợt nhớ hai đứa bạn; nghĩ cái Lành chắc vẫn sẵn sàng đứng cảnh giới, nhưng liệu cái Nhiễu có còn dám trèo cây?
Tới cái cừ trước nhà, Minh nhớ cú trượt ngã năm nào, nghĩ lội xuống bẻ niễng ăn thì vẫn thích; nhưng chợt nhớ cái cách mẹ nó dặn dò chần thật kỹ nước sôi cái gạc trước khi đem phơi, chợt thấy đám bùn vùi lá niễng bỗng nhiên sâu thăm thẳm.
Nó nhận ra, tuổi thơ cởi mở đầy ắp sự khám phá và trải nghiệm từ xoong cháo rau trong bếp tới cây trái làng trên xóm dưới và cả cánh bãi mênh mông vẫn nguyên đó; nhưng giờ nằm phía sau của trục thời gian vô tận về cả hai đầu. Đã có cái buộc nó phải nhìn nhiều hơn xuống dưới, sâu hơn vào bên trong.
Nhưng Minh chưa biết trong tầm nhìn có phần bắt buộc ấy; nó sẽ lại gặp gỡ và khám phá thế giới, cả công khai lẫn ngấm ngầm, cả có thể chia sẻ lẫn chẳng ai quan tâm.
Và nó tiếp tục trải nghiệm vị ngon của củ ấu ngâm bùn, mà chẳng bao giờ hiểu mình thừa kế trọn vẹn sinh thú ấy từ ông nội. Có sao đâu bởi mẹ nó cũng không hiểu, mặc dù từ đó tới bạc đầu thường kẻ cả “lạ gì chứ, tôi đẻ ra nó cơ mà”.
Tháng 11/2024