• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Ai chiếu đi

Chủ nhật - 26/01/2025 10:30





(Ảnh: Trần Bảo Toàn)


AI CHIẾU ĐI

(Truyện ngắn của Hoàng Liên Sơn)


Khắp làng vang lên tiếng văng vào go: lách, cách, sập..., lách, cách, sập... Không còn gì nhàm và gây buồn ngủ hơn âm thanh đều đặn, liên tục ấy, nhất là đã vào khoảng chín giờ tối. Cả xã, cả làng, cả hai vợ chồng ông bà giáo Duyên cùng làm khuya như vậy. Âm thanh ấy đặc trưng cho cái tổng này đã mấy trăm năm, kể từ ngày có ông Trạng chạy loạn về đây, mang theo nghề dệt chiếu truyền cho dân. Lạ là, chẳng có bí quyết nào ghê gớm trong nghề, nhưng nghề cũng không lan ra các xã xung quanh, mặc dù cũng đều là vùng đất chật người đông cả. Vậy mà dân quê ông làm mãi không thấy ấm no, dân các xã xung quanh cũng không ai chết đói.


Thấy ông gật gà gật gưỡng, bà thử chao sai một sợi cói. Ông lập tức dừng tay.


- Bà buồn ngủ à, chao sai rồi!

- Hoá ra ông vẫn còn tỉnh gớm.

- Đầu tôi đã ngủ một nửa, không đếm được gốc, ngọn, gốc, gốc rồi ngọn, gốc, ngọn, ngọn nữa. Nhưng tay tôi vẫn đủ tỉnh táo để đếm rất chuẩn: cứng, mềm, cứng, cúng rồi mềm, cứng, mềm, mềm. Nghỉ thôi, cố mãi cũng chả giàu. 


Trật tự gốc và ngọn của các sợi cói được thiết lập tạo ra hoa văn đẹp mắt trên tấm chiếu, đồng thời giữ cho hai đầu chiếu cân đối đến phút chót. Nếu không, là chiếu sẽ bị méo - lúc đó thì không có cách gì để mà nói hay.


"Thật quỷ quái", ông nghĩ, "lúc nãy ngồi dệt thì mắt díp cả lại, mà bây giờ nó cứ thao láo". Ông nằm vắt tay lên trán, nhìn trân trân vào đình màn, tự hỏi tại sao đám thuốc ngủ không tác dụng gì hết, đầu óc cứ trơ ra. Không ngủ được thì phải nghĩ, thế là ông lan man.


Thầy Duyên là em út trong gia đình ba suất đinh. Ông anh cả làm lụng không có kế hoạch nên vất vả xoay đủ thứ nghề mà chẳng đủ ăn. Khi thị trường còn bị quản lý chặt ông đi buôn chiếu, nhưng rồi khoẻ cãi nhà chức trách nên bị tịch thu tiệt cả vốn lẫn lãi. Khi thị trường được nới lỏng thì cả làng cả tổng cùng đi buôn, ông không đủ sức cạnh tranh nữa. Lẽ ra chịu khó ngồi cò cưa với bộ go ghế chắc cũng đủ ăn. Nhưng ông lại thích kiện tụng, thế là bố mẹ già vừa làm nuôi thân, vừa còn phải viện trợ không hoàn lại cho ông tham gia vào những việc không đâu, để rồi chẳng được gì lại còn mang oán.  


Còn ông anh thứ hai ra trận. Từ ngày anh đi, đêm nào thầy Duyên cũng lén mở mục "nhịp cầu thân yêu" của đài địch để nghe xem chúng có nêu tên anh mình hay không. Ông vừa mong, vừa sợ nghe thấy cái tên ấy. Nếu có tên trong danh sách tù binh còn đỡ, chứ trong danh sách tử sĩ thì... Nhưng ông không phải lén lút nghe lâu. Khi loa truyền thanh báo tin về đợt tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân thì phòng thương binh xã hội đến nhà báo tử. Bác ấy được tổ chức truy điệu long trọng tại sân kho hợp tác xã. Đó là lúc người ngã xuống còn thưa thớt, chứ sau này dồn dập, liên tục, đến nỗi có khi người ta chỉ kịp truy điệu tại nhà.


Còn hai anh em. Ông anh cả không còn nhờ cậy được gì, nên nhiều lúc thầy Duyên muốn về hưu non, đi bán chiếu rong để có tiền cho hai con ăn học mà thấy khó. Thầy đi rồi, lấy ai trông nom hai cụ thân sinh? Gạo nước đã không chu cấp được, phải để các cụ trông vào đồng tiền tuất liệt sỹ mà mọi người vẫn quen miệng gọi một cách sai sót và tội lỗi là lương, chả lẽ ông lại còn không bưng rót cho các cụ những lúc tắt lửa tối đèn! Mà cứ nhì nhằng bán chợ huyện thì chắc đến lúc con học xong mới ngóc đầu lên được.


Hôm sau, ông ra nhà, rụt rè xin ý kiến hai cụ: 


- Thầy ạ, chuyện là thế này. Các cháu bây giờ đi học cả mà con cứ kẽo kẹt dệt chiếu bán quanh thì không thể đủ cho các cháu nữa. Nên con đang định hỏi thầy hay là lên buôn mạn ngược xem sao. 

- Ô, anh hay thật. Thế đến lúc tôi nằm ngoài đồng làng rồi anh cũng ra đấy mà gọi tôi lên để "thầy ơi con hỏi" chắc? Tôi đã chả có cho chúng nó thì thôi, còn cầm chân anh làm gì.

- Con áy náy là đi rồi thì lấy ai trông nom thấy bu đây.

Cụ bà tiếp lời:

- Anh cứ đi đi. Tôi còn khoẻ chán, anh vẫn còn bu sọt được với tôi chứ chưa phải là cụ thì chúng tôi vẫn trông nom lẫn nhau được. Chừng nào chúng tôi chỉ còn một hẵng hay.

- Vậy con xin phép thầy bu.


Thầy Duyên về rồi, cụ bà lẩm bẩm vui vẻ: "Lại bu, trạc tuổi anh cả xóm này ai người ta gọi thế nữa đâu!"


*

* *


Gọi là đi buôn cho sang, chứ kỳ thực thầy Duyên đem hàng đi bán rong lấy công làm lãi, vẫn bán mặt cho đất bán lưng cho giời mà thôi. Ông chả từng bảo, đàn ông cả làng này làm mõ thiên hạ, mõ đạp xe! Lần đầu tiên đi xa, ông phải theo một người bà con cho đỡ bỡ ngỡ. Thế là ông bán hàng mình thì ít, bán không công hộ người ta thì nhiều. Đã thế người bà con tai quái ấy còn đòi cả tiền thị trường, như thể nó có chủ và ông phải mua lại vậy. Thằng con nhà chủ thì đêm đêm tìm cách mọi tiền ông để dưới gối. Bao nhiêu lần ông nín lặng thức chong chong chờ bắt quả tang, bắt rồi mà chẳng dám quát tháo ầm ĩ, chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng.


Thầy Duyên xuất hiện làm cả hội bán chiếu xôn xao vì họ không ngờ có một thầy giáo nghỉ hưu non đi bán hàng rong! Ban đầu thì họ xì xào: "Tưởng khinh khỉnh vênh mặt lên được mãi đi, cuối cùng hoá ra cũng phải nhập bọn với tụi mõ này à?" Mấy thằng học sinh ngày xưa bị ông cho ăn đòn nhiều quá, nay quay ra chửi đổng. Trước chúng cứ nhè những buổi tối đi xem phim ngang qua nhà ông để bịt mũi lại mà chửi. Nay chúng nó cạnh khoé ông không cần giấu mặt. Ông cứ giả điếc. Mà không điếc thì cũng làm gì được chúng. Đằng sau ông có còn là ban giám hiệu, là bố mẹ chúng nữa đâu. Có lúc bực quá, ông nghĩ hay cho thằng thứ hai ở nhà học võ rồi đi tháp tùng ông, xem còn thằng nào dám nói gì.


Thấy ông ngậm bồ hòn, chúng hả hê lắm.


Ngày đầu ông không sao bán được hàng vì định bán thế nào nói thế đó, và người ta chỉ trả non nửa. Nhưng ông cũng nghe loáng thoáng họ bảo nhau hàng chiếu nói thách lắm, toàn gấp đôi gấp ba. Có người còn ví von: nói thách như hàng chiếu! Nói thách quá thì ông sợ người ta bỏ đi không mặc cả, mà nói sát giá thì người ta lại trả rẻ như bùn. Làm cái nghề này muốn thật thà xem ra cũng khó - ông có nói thật người ta cũng chả tin! May mà sáng ông nhịn, chứ không thì ngày hôm nay đã ăn lạm cả vào vốn. 


Ông ngạc nhiên lắm, về gợi chuyện hỏi mấy đứa học trò. Chả bao giờ nghĩ đến được dạy lại thầy mình nền chúng sướng lắm, khoe liền: nói cao gấp đôi để cho chúng nó trả non nửa là vừa. Phải như đang trên lớp thì có lẽ ông đã hạch rằng ai là chúng nó ở đây, người ta đáng tuổi bố mẹ các anh cả!


Nhưng chúng không sướng được lâu, vì bỗng chốc ông trở nên một địch thủ đáng gờm. Ông đi tới đâu, người ta xúm lại ở đó. Ở chợ thì những thằng bán gần ông đứng trơ khác chẳng ai đoái hoài, trong làng thì người ta kháo nhau cứ chờ cái ông già ấy lên rồi hẵng mua. Hoá ra chữ nghĩa trước đây ông cho rằng viển vông bây giờ lại đắc dụng, lại cho ông cái duyên bán hàng.


Rồi ông lại lên bậc thầy của lũ học sinh về khả năng chèo kéo, chinh phục khách hàng. Bất kể loại chiếu gì qua tay ông đều bán được. Cói đen cháy thì ông bảo đây là người ta cẩn thận gác lên gác bếp cho cứng chắc. Cói mềm nhũn do bị thiếu nắng hoặc thiếu mặn, cầm ngang lá chiếu liền rũ ra như tàu lá héo, hai đầu chập cả lại nhau thì ông bảo thế nó mới dai.


Chuyến đầu tiên trót lọt, thầy Duyên mang được vốn và một ít lãi về quê. Tiếc tiễn tàu, ông bèn thử trốn một chuyến. Mà đã trốn thì trước hết phải nằm nóc tàu cái đã. Cùng nằm trên nóc tàu với ông còn mấy thằng mặt mũi gớm ghiếc. Ông nghe loáng thoáng chúng bàn nhau: có một mụ rất giàu đang lên tàu, tìm cách tiếp cận. Nghe, ông lạnh gáy rùng mình, nằm in không nhúc nhích, tỏ vẻ không biết gì. Cũng may trông ông quân tích-kê đít, áo vá chẳng khác những thằng trốn vé vì hết tiền là mấy, chứ chúng biết trong người ông có một bọc thì...


Về đến nhà, thở hắt ra một tiếng sau mấy đêm liền thức trắng vì lo giữ của, nhớ lại lúc trên nóc tàu ông trầm hẳn xuống. Đã vậy, bà vợ cũng lầm lì chứ không săn đón gì. Cơm nước xong, bà hỏi:


- Nghe đâu ông khuyên mấy thằng học sinh là "Đừng chốn có vợ, chớ nơi có chồng" phải không?

- Bà nói gì lạ thế? Vợ nào, chồng nào mới được chứ?

- Ông hãy thành thực với tôi đi. Mấy thằng học sinh cũ của ông ấy, chúng nó kể hết với tôi rồi.

- Tưởng gì. Thấy chúng nó kháo nhau đi chơi đi bời, tôi bảo thế để chúng nó biết chừng, chứ không cẩn thận mà đụng vào đứa có chồng, thì người ta chả đánh cho tan xương.

- Ông đừng giả nhân giả nghĩa nữa đi. Chúng nó còn bảo ông cũng có đứa không chồng của ông kia. Hay ông phải dạy chúng nó chu đáo đến mức thực hành làm gương nữa hả?

- Quên tuột bà đi. Thế đứa không chồng ấy tên là gì, ở đâu, bà có biết không?

- Cần gì phải biết. Ông không nghĩ thế, định làm thế thì ông đã không dạy chúng nó!

- Vậy đứa nào nói với bà? Thôi, nếu bà không tin thì mời bà chuyến tới đi cùng với tôi lên xem có gì không.

- Cần gì tôi phải lên. Chính thằng Toàn nó nói với tôi đấy.


Thầy Duyên ngẩn người một lúc, rồi phì cười:


- Tưởng thằng nào, hoá ra nó. Thằng Toàn về trước tôi mấy ngày. Nó đứng bán cạnh tôi trong chợ. Kể từ ngày tôi lên chả ma nào mua của nó nữa mà dạt hết sang chỗ tôi. Nó không làm sao được nên về chọc ngoáy tìm cách kích bà không cho tôi đi nữa ấy mà.

- Thôi, được rồi. Vậy thì chuyến sau ông phải sang vùng khác!

- Bà nói hay! Người ta mất bao nhiêu công mới tạo được uy tín, mất cả tiền mua cái thị trường chẳng của ai cả ấy mà bây giờ bà lại bảo tôi bỏ đi. Hay là tôi ở nhà vậy? Tôi cũng đang mệt chết đi được, suýt tiền mất tật mang đây.


Bà nín lặng. Nếu ông ở nhà thì đào đâu ra tiền để cho thằng lớn nộp học phí, mà chuyện kia thì chưa biết thực hư thế nào. Bà hơi bộp chộp chăng? Cái thằng Toàn ấy thế mà ghê thật.


Hôm sau, không ai bảo ai, nhưng họ cùng đi cất hàng ở khắp làng trên xóm dưới, chuẩn bị cho chuyến tiếp theo.


*

* *


Cái nghề bán hàng rong này có một nghịch lý lớn là lúc người ta ra ngoài đồng cả thì anh từ tốn thong thả, vì có "ai chiếu đi" cũng chỉ ma nghe, còn khi người ta về nghỉ trưa thì anh phải đi cật lực, rao cật lực. Đôi khi có đứa bực mình vì mất giấc ngủ chửi toáng lên: "Mẹ cha thằng hàng chiếu!" Cũng phải thôi, người ta gọi thằng mõ chứ có ai gọi là ông mõ bao giờ. Ông lẩm bẩm: "Mày cứ gọi là thằng đi, có ngày ông sẽ lừa bán cho mày cái giá đắt lòi mắt".


Vào đến làng nọ, thầy Duyên thấy một chị đứng nép vào cánh cổng nhìn theo không nói, ông bèn quay lại, hỏi cầu may:


- Chị muốn mua chiếu?

- Dạ, cháu cũng muốn lắm, muốn từ lâu rồi cơ, nhưng không có tiền.

- Ồ, đắt đỏ gì đâu mà sợ không có tiền. Ít tiền thì có loại ít chứ sao. Cứ vào nhà đã xem thế nào.


Cái gọi là nhà của chị ta đúng hơn là cái lều dùng để ăn, ở, nấu nướng cùng một chỗ - thật đa năng. Vào đến sân, nhác trông đứa nhỏ gầy teo tóp ngồi trần truồng một góc, ông đã định quay ra, rồi cũng thử ở lại cố đấm ăn xôi xem thế nào. Chị ta đem vét vỏng bằng hết mới được ba chục ngàn.


- Chị hết sạch rồi sao?

- Vâng, nhà cháu chả còn gì bán được. Ngay gạo ngày mai rồi cũng phải đi mót ngoài đồng mới có ăn.

- Ôi, chiếu áo nhà chị thế này, mà thằng nhỏ thì muỗi đốt thế kia. Thôi, chị cứ giữ cả lại mà tiêu, rồi trả tôi sau cũng được.

- Vâng, tháng sau nhà cháu đi làm xây dựng trên thành phố về, ông qua cháu sẽ trả.


Thường thì thầy Duyên không đời nào bán chịu vì đây là xứ đất khách quê người, không may vớ được đứa chầy bửa thì ông mất cả vốn lẫn lãi. Nhưng thấy mẹ con người đàn bà này khổ quá, rách quá nên ông đành phá lệ.


Trời nắng gắt. Ông lại tiếp tục cất tiếng rao ời ơi: 

- Ai chiếu đi!

- Vào đây, chiếu ơi.


Thầy Duyên khấp khởi mừng. Giữa lúc tháng ba ngày tám này trăm tiếng rao mới có một tiếng đáp vì người ta lo ăn còn chưa xong, nói gì đến lo nằm. Người thành phố mua cái chiếu như mua mớ rau, tự nhiên thấy cũ, thấy xấu thì mua cái mới. Người nông thôn thì cái chiếu là cả một sự kiện. Nếu không phải vì sắp đến Tết, hoặc sắp cưới vợ cho con thì chỉ khi nào lá chiếu đã thủng bằng cái mâm ở giữa người ta mới nghĩ đến chuyện thay. Vì thế, phương châm của ông là người ta không gọi thì thôi, gọi rồi thế nào cũng phải trả giá, không trả giá thì thôi, trả rồi thế nào cũng phải mua.


Ông chưa vào đến cửa đã thấy lấp ló mấy người hàng xóm đến chầu rìa. Người nhà quê tắt lửa tối đèn còn có nhau mà! Vì thế ông thường phải đối phó với bao nhiêu sự gièm pha, xúc xiểm của những người rỗi việc đứng bàn ra tán vào. Bán được cho một người, nghĩa là ông đã chinh phục được rất nhiều người. Liếc qua gia cảnh, ông thấy nhà này cũng thuộc dạng có của ăn của để đây. Chiếu trên giường cũ rồi nhưng chưa rách. Vậy thì trước tiên ông hãy đưa đám chiếu đơn ra cái đã.


Chủ nhà:

- Ông cho xem loại tốt ấy.

- Vâng, đây là loại tốt, chiếu đậu đấy.

- Chiếu đậu mà thế này thôi ư? Tôi tưởng phải đẹp lắm.

- Vâng, đẹp thật đấy chứ.

- Vậy chứ bao nhiêu tiền một đôi?

- Có hai trăm ngàn một đôi thôi.

- Sao ông nói đắt thế?

- Có gì đâu. Tôi nói đắt thì ông trả rẻ. Ai đi một bước đến chợ bao giờ.

- Vậy năm mươi ngàn nhé!

- Năm mươi thì không được rồi. Bấy nhiêu chả đủ để mua nguyên liệu, lại còn công xá cho vợ con em nữa. 

- Thôi, sáu mươi vậy.

- Bác ơi. Có phải em đi buôn bán gì đâu mà nói thách. Chiếu này là do nhà mua chịu đay cói làm ra, đem đi xa bán cho chạy hàng hơn thôi. Bè ta gỗ chú nó ấy mà, phần của em có đáng bao nhiêu đâu.

- Thực ra thì tôi cũng có thể trả hơn. Nhưng chiếu không được đẹp lắm, mà tôi mua là để chuẩn bị cưới vợ cho thằng lớn.

- Vậy bác mua của em là phải quá rồi. Bác không biết chứ từ ngày em về bán chiếu ở khu này, dân số tăng vùn vụt đấy ạ. Mời bác xem loại đặc biệt này nhé, nhưng nó đắt hơn nhiều đấy.


Thế là thầy Duyên bán được đôi chiếu đậu với cái giá trên trời, lãi bằng bán hàng dăm bảy đôi khác. Cái nghề bán rong này cứ như ma trơi. Có khi đạp xe rạc cẳng chẳng bán được đôi nào, lại có khi một lúc bán hết cả xe chiếu. Có khi bán đôi chiếu to chỉ kiếm được vài nghìn, lại có khi một cái chiếu tràng kỷ bằng bàn tay lãi được mấy chục. Những cuộc vờn nhau giữa kẻ mua người bán cũng đem lại vô khối cảm hứng cho ông "nguyên" giáo viên văn. Hoá ra ông đi không chỉ vì vợ con mà vì cả bản thân mình đấy chứ!


*

**


Ba tháng sau, vào một ngày trời mưa dầm, đường đất lầy lội nên đi lại rất khó khăn. Đạp xe được một quãng, thấy có cái miếu thờ bên đường, thầy Duyên bèn dừng lại nghỉ.


Ông chợt nhận ra đôi câu đối quốc ngữ ngoài cổng còn nguyên vẹn. Ông đọc rồi lại đọc, đếm rồi lại đếm, lẩm bẩm: "Bên trái bảy chữ, bên phải tám" - ấy thế mà cả một làng lại lấy nó làm chuẩn mực! Than ôi, với những thượng đế này thì dẫu ông thủ đoạn mánh khóe đủ đường cũng không thể giàu, chỉ tránh xa được nhịp điệu nhàm tẻ lách... cách... sập của bộ khung dệt. Ông đã để thời gian kiểm tiền nhiều hơn thời gian kiếm tiền, nhìn lại chặng đường đã đi nhiều hơn đi. Nay mai, đám chiếu nhựa Trung Quốc bền vĩnh cửu tràn vào thị trường, hàng ông không khéo ế cả.


Nghĩ tới đó, thầy Duyên chợt nhớ ra món nợ chưa đòi, ông bèn tạt vào cái làng nọ.


- Chồng chị về chưa? - Ông hỏi.

- Dạ, nhà cháu vẫn chưa về.

- Thế anh ấy có gửi tiền về không?

- Cũng không. Cháu nghe nói dạo này anh ấy lại còn lăng nhăng với người nọ người kia trên đó nữa, khổ lắm, ông ạ.

- Thế làm sao bây giờ. Tôi mà có vốn thì cho chị chịu tiếp cũng được, chứ đây tôi cũng toàn mua chịu của người ta, hết chuyến về phải trả người ta mới cho lấy tiếp. 

- Vậy ông cứ vào trong nhà cháu cái đã!


Thầy Duyên bước vào. Thằng nhỏ con chị ta không có nhà, có lẽ đã về bên bà ngoại để ăn chực rồi chăng? Khi ông đang ngồi trầm ngâm với chén nước thì chị ta ngần ngừ một thoáng, rồi ra khép cửa lại. Ông ngơ ngác, còn đang mải lo cái xe chiếu ở khuất tầm mắt nhìn thì chị ta đã đến bên, thì thào: "Ông ơi, hay là... thú thật với ông, thằng chồng cháu cũng chẳng ra gì, nó đánh đề mất hết cả vốn liếng của cháu, nay lại để mặc mẹ con cháu ở nhà thế này. Hay là tiền chẳng có thì cháu... cháu... Được không ông?" Chị ta vừa nói, vừa cởi khuy áo.


Bấy giờ, thầy Duyên mới giật mình, những ý nghĩ loang loáng: "Mình xa vợ đã lâu... mà cái chị này cũng mỏng mày hay hạt, chỉ tội cái hơi nhếch nhác... Có điều, không khéo chồng chị ta hay ai đó đang rình mò quanh đây cũng nên, coi chừng chúng nó muốn lấy cả xe lẫn chiếu. Nhưng nhà cửa thế này thì người ta ẩn nấp vào đâu để rình mới được chứ, khuôn mặt vừa đau khổ vừa thách thức của chị ấy... không giấu một âm mưu gì".


Hà Nội, 28-10-1999

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.