• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Con trâu thời thơ ấu

Thứ năm - 09/02/2023 15:35


(Ảnh: Trần Bảo Toàn)


CON TRÂU THỜI THƠ ẤU

(Nguyễn Quốc Văn)


Một buổi sáng tháng tư xanh lọc sau cơn mưa đầu hạ. Lúc ấy, tôi lên sáu, nhởn nhơ bắt bướm, chơi chọi cỏ gà một mình để bà và u rảnh tay tát nước cho đám ruộng lúa cạnh mương nước ngang với con đường đất cát dẫn vào làng. U tôi bỗng buông dây gầu, mừng rỡ kêu lên: "Bố thằng cu đã về! Mua được trâu rồi, u ơi". Bà tôi mất đà, ngã ngồi xuống cỏ. Cái gầu rơi "tùm", nước bạc bắn lên tung toé. U tôi lội qua sòng đỡ bà dậy. Rồi, vừa xuýt xoa, vừa le te chạy lên đường, u dừng lại chỗ bố. Bố tôi vẫn còn đứng ngẩn ra, nới tay buông lỏng sợi thừng, khiến con trâu có dịp vươn cổ, nghênh đầu, phô ra cái lợi sún...Tôi được bố bế đặt ngồi chỗm chệ trên lưng trâu. Bà tôi đưa bàn tay mồi vuốt vuốt những sợi lông thưa trên mặt da đen bóng của con vật. Bố nhìn u âu yếm, giọng lạc đi: "Trâu nhà ta đấy".


Tôi tụt từ trên mình trâu xuống. Như đã nhận ra người chủ nhỏ, con trâu gại gại đầu, rồi thè cái lưỡi ráp như lá lúa, liếm liếm vào tay. Trâu tỉnh Thanh sừng cong chuối ngự, cổ cò, bụng hóp, mông nở, chân thon gióng trúc... Kéo cày khoẻ lắm đây! Bà tôi vừa cười, tay run run xoa đầu cháu, thì thầm vào tai tôi: "Vậy là bố cháu tam thập nhi lập, làm nhà, cưới vợ, tậu trâu. Có chí, mấy nả mà giầu tiền kho thóc đụn". Con trâu mở to đôi mắt lờ đờ, cúi đầu như đang ngẫm nghĩ về ước vọng mà cả nhà tôi đã ngầm đặt lên vai nó.


Tôi nhập bọn và trở thành một trong những trẻ trâu với nhiều trò nghịch ngợm thơ ngây từ thuở ấy. Sáng, dắt trâu từ chuồng ra khỏi ngõ, chúng tôi í ới gọi nhau, thong thả dong những con vật hiền lành qua cái cổng làng rêu phong cổ kính trổ lối ra đồng. Hai bên cổng, tre ken dày thành luỹ, bao bọc lấy làng xóm. Tre như chiều lũ trẻ, che khuất những việc làm dại dột nhưng thú vị của chúng tôi. Ông mặt trời đỏ rực đang cười, khoảng trời xanh đã mở cho cánh chim bay, con đường đồng vắng lặng như mời, như gọi vó câu. Nhớ chuyện Đinh Bộ Lĩnh, chẳng đứa nào bảo đứa nào, chúng tôi cùng cúi rạp trên mình trâu, nhất loạt ra roi dâu. Những con trâu ban đầu còn lộp cộp lộp cộp nước kiệu, về sau, hứng khởi bởi tiếng la hét trẻ thơ, chúng cất bốn vó lồng lên phi nước đại. Gió ù ù bên tai, hất tóc ngược về phía sau. Đất nâu trắng phớ tung bụi, lúa đồng xanh chấp chới như vờn như giỡn. Thầy giáo khai tâm của tôi phong thanh biết chuyện, cười, khuyên: "Các con muốn nhanh nên người thì phải học. Chữ nghĩa chính là cái cổng làng và con đường dẫn vào cuộc đời. Sự cố gắng, nỗ lực, chẳng qua cũng chỉ là một cách phi trâu lồng mà thôi"


Nhớ lời thầy, chúng tôi thả trâu gặm cỏ trên cồn, để mặc cho tiếng mõ lóc cóc xa dần, những cái nón mê chụm lại quanh một cuốn sách: "Ai bảo chăn trâu là khổ?". Tiếng ếch nhái uôm uôm lẫn vào tiếng cá quẫy lóc bóc trong các ruộng lúa. Sau khi đã thuộc nằm lòng bài học, tháng tư tuốt rơm lúa, tháng tám nhổ cỏ khô, chúng tôi nướng những con cá mò được, bày cỗ chơi trò việc làng, việc họ, việc cưới cheo... Lá nhọ nhồi, tro nướng cá và đất sét thế mà được việc! Lấy những thứ đó vẽ lên mặt là có đủ cả lý trưởng, tiên chỉ họ, chú rể, cô dâu... Chơi chán thì thả đỉa ba ba, rồng rắn lên mây hay giả làm trai gái làng hát chầu, hát ví... Vừa cười đã khóc, vừa mới giận hờn đã vội làm quen. Rồi lớn lên, kẻ đi xa đau đáu mong ngày trở lại chốn xưa, người ở lại khắc khoải bấm đốt ngón tay đợi bạn vong niên. Gặp nhau mỗi độ xuân về, tết đến, cười nhăn cả má, nước mắt cứ trào ra, người này thương kẻ kia tóc sớm bạc, người ở quê xót người nơi góc bể chân trời.


Tôi có mấy người bạn ba mươi năm qua vẫn còn trong quân ngũ. Mỗi khi có dịp, các anh ấy vẫn nhắc lại trò chơi trận giả thuở ấu thơ. Vào tháng mười một, ruộng cày lên xếp thành những luống ải, gió bấc hanh hao đã làm đất nỏ tom. Đám con trai chia làm hai phe ta và địch, len lỏi đuổi theo nhau trong từng luống đất. Dĩ nhiên, "đạn" chỉ là đất ải nhào với nước cho nhuyễn vo lại. Đám con gái thì được cử làm cứu thương, lo việc hậu cần. Tôi chơi xấu, cố tình nhô người lãnh đạn, để được đám con gái khiêng lên cồn, nằm khểnh nhai ngô rang giòn tan, thơm nức. Về sau, trò này bị lộ. Chúng bạn phạt bắt tôi làm máy bay địch, đạn súng nhỏ bắn không tới, miệng ù ù trong suốt cuộc chơi. Thấy tôi giang hai tay liệng đi liệng lại, mấy con trâu đang thản nhiên gặm cỏ nhất loạt ngửa mặt, nhăn mũi, cười chế nhạo: "Ngò...ngò...ò..."


Vào một vụ tháng sáu, tôi thả diều trên cồn. Tiếng sáo lơ lửng neo giữa tầng trời cao vời vợi, mênh mang. Bố tôi đang cày một chân ruộng dầm, đất lật loang loáng qua diệp cày sáng bạc. Con trâu hục hặc đi trong chang chang trời nắng, thi thoảng đưa lưỡi liếm nhanh một mầm lúa sót. Bất ngờ, nó dừng lại, ngẩn ra nghe những thanh âm lạ. Cột dây diều vào cọc buộc trâu, tôi lội xuống ruộng, xin bố cho tập cày một sá. Trao tay cày cho tôi, bố dặn cẩn thận, rồi lên cồn, giở điếu cày, vê thuốc, châm đóm hút. Con trâu nghe tiếng nõ điếu reo, không đợi tôi giục "vắt, vắt", gằm mặt xuống đi băng băng...Tay yếu, không đủ sức ấn seo cày, tôi để lưỡi cày lướt trên mặt ruộng. Cái cày đổ, kéo tôi nhào về phía trước. Nước dềnh lên, cuộn sóng. Bố tôi mới kịp "họ" lên một tiếng, con trâu đã thoắt dừng lại, lưỡi cày như một cái lá đa sắc lẹm lệch sang một bên. Con vật phì phò thở, quay lại nhìn chủ, đôi tai vẫy vẫy. Bố đỡ tôi dậy, tháo ách trâu. Con trâu thơ thẩn gặm cỏ quanh cái cọc tôi đã buộc dây diều. Ngỡ sợi dây phát ra thanh âm réo rắt, con trâu dỏng tai, cọ cọ sừng vào đó. Dây đứt phựt, cái diều chấp chới theo chiều gió, tiếng sáo cuống quýt, ngắt quãng. Tôi chạy theo hướng diều rơi, vớt được diều ở một ao bèo, lên bờ đã thấy con trâu đang cúi đầu uống nước, cái đuôi chổi sể ngoe nguẩy vẫy.


Tháng Chạp rét cắt da cắt thịt. Khoác áo tơi lá móc, chúng tôi nằm phủ phục trên mình trâu. Da trâu mốc trắng, khen khét, hâm hấp nóng. Thương trâu, bố tôi lấy bao tải may cho nó một cái áo. Thế mà, mỗi khi gió bấc ào ào từng đợt xô tới, con trâu thoáng khẽ rùng mình. Đêm, cửa chuồng được che kín bằng các phên rạ, trâu nằm trên ổ rơm chóp chép nhai trầu.


Tôi nhớ năm nào cũng vậy, ba ngày Tết, mỗi buổi sáng bố đều bảo tôi mang cho trâu một cái bánh chưng. Con trâu ngoạm dần từng miếng bánh trên tay người, vừa từ tốn nhai vừa nhìn tôi, ứa nước mắt.


Thấm thoắt ngày nào mà đã mấy mùa hoa đào nở ! Con trâu cần mẫn cùng bố tôi cày bừa hết đám ruộng này đến đám ruộng khác. Ngày mùa, nó nhong nhong kéo đá lăn trục lúa, ngày dưng, nó theo bố tôi kẽo kẹt đẩy che đạp mía thuê cho một lò đường ở làng bên cạnh. Dẫu chưa dư tiền kho thóc đụn như bà mong ước, bố tôi đã lấy làm đắc ý vì nhà được tiếng thơm là hộ khá giả trong thôn.


Cho đến một tháng Ba năm Hợi, trong lễ hội chọi trâu dâng cúng thần làng, con trâu nhà tôi đứng đầu sới. Lời khen chưa dứt, lại đã tháng Ba năm Tí. Lần này, nghe tiếng reo vỡ trời vỡ đất của dân làng mừng con trâu nhà thằng bạn tôi thắng cuộc, bố tôi bưng lấy mặt, tôi không kìm được nức nở, nhìn qua nước mắt cảnh con trâu thân yêu bị nhốt trong gióng. Nó sẽ được hóa kiếp vào đúng lúc ba hồi trống hội kết thúc, báo hiệu giờ tế lễ thiêng liêng bắt đầu.


Da trâu đem thuộc, bưng cho mỗi xóm trong làng một bộ trống. Cái trống to nhất, làng đem tặng cho trường cấp một của xã. Năm ấy tôi học xong lớp bốn. Ba hồi trống bế giảng đã vang lên. Lòng nao nao, tôi nghĩ con trâu thân thuộc vẫn còn đang bên cạnh, nhắc cho biết thời thơ ấu đã qua.


Lớn lên, tôi có nhiều dịp đi suốt chiều dài và chiều rộng của đất nước. Không ít lần, tôi đã từng ngẩn ngơ ngắm những đàn trâu Hàm Yên, Phong Châu, Thạch Thành, Anh Sơn, Đức Thọ, Bố Trạch, Bảo Lộc, Lâm Hà...đi trong ngân nga tiếng sáo mục đồng bảng lảng lẫn vào nền chiều tím ngắt hoàng hôn.


Cũng có lúc, nhìn dáng núi non, tôi bồi hồi ngỡ đó là dáng đàn trâu làng tôi đang thung dung gặm cỏ trong mênh mông trời đất. Nghe tiếng sấm đầu mùa báo đất trời rẽ lối, tôi tưởng mặt trống da trâu nhà tôi còn rung lên đâu đó, đủ âm vang để làm náo nức tất cả các lễ hội mùa xuân.

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.