- Trang văn
Đời là quá trình giác ngộ
Thứ sáu - 05/05/2023 18:36
(Ảnh: Vân Phạm)
ĐỜI LÀ QUÁ TRÌNH GIÁC NGỘ
(Dương Chính Chức)
Mỗi lần đến Tết, ta lại nghĩ: vậy là lại thêm 1 tuổi. Cùng với sinh nhật, mỗi năm 2 lần ta lại chẹp miệng thế. Cũng phải, Tết, thay vì nghĩ đã hết một năm, ta hay nghĩ về một sự bắt đầu mới hơn. ĐỜI là quá trình đi trên con đường giác ngộ, vì sau mỗi cái Tết, ta lại học thêm, hiểu thêm nhiều điều.
1. Khi ta sinh ra, chả biết gì. Thêm vài tuổi, ta háo hức, hăm hở sống như thể ta đang đói thì nhận được lời mời tham gia cơm rượu vậy. Ta quyết tâm quét sạch cái mâm đầy cơm đầy rượu ấy.
2. Khi ta 20, tuổi gọi là thanh xuân, ta hừng hực khí thế, nhìn sừng trâu nghĩ có thể bẻ, nhìn thái sơn nghĩ có thể bạt bằng, tựa như vừa ngồi vào mâm cơm, đưa hớp rượu, miếng thịt đầu tiên vào miệng, ta nghĩ rằng việc san bằng mâm cơm rượu này quả chẳng có gì khó như ta tưởng. Ta say sưa trong thành công bước đầu tựa cảm giác lâng lâng bên tiên tửu, từng chén ồng ộc vào miệng, cười sảng khoái.
3. Khi ta 30, tuổi tiền trung niên, ta bắt đầu thấy rằng cuộc đời quả phức tạp, nhiều cạm bẫy, lắm chông gai hơn ta tưởng. Tự tin ban đầu vơi đi dần. Ta thấy niềm tin vào bản thân ta tựa như ta bắt đầu có cảm giác ngấm rượu vậy. Ta say say, tây tây. Ta vỡ lẽ, ồ, hóa ra ta vốn là kẻ không uống được rượu, ta nhanh say hơn trước. Ta bắt đầu nhận ra sự tàn khốc của bàn rượu là như thế nào.
4. Khi ta 40, tuổi gọi là trung niên, ta bắt đầu cảm thấy có lẽ đến tận giờ ta mới bắt đầu mới hiểu cuộc sống là gì. Ta quen dần và điềm tĩnh hơn với mọi thách thức của cuộc đời. Ta bắt đầu ý thức việc tích lũy kinh nghiệm để đương đầu và dấn thân. Ta biết tại sao nói " Đời là bể khổ, dám sống đã là dũng cảm", nó tựa như ta bên bàn rượu, biết ta chẳng uống được và biết bản chất "rượu là thứ uống vào sẽ say". Ta học cách điều chỉnh tốc độ ăn, uống và biết dùng các xảo thuật để bảo vệ bản thân.
5. Khi ta 50, tầm gọi là tiền lão niên, ta thấy đời vốn là khổ ải ta khổ là chuyện đương nhiên. Ta mon men đến bên bậc thềm đầu tiên của khóa học về Đạo. Ta không vui khi được khen, không buồn khi bị chê, thắng không kiêu, bại không nản, ta làm chủ bản thân, ngồi tại bàn rượu bởi ta muốn thế chứ chẳng phải do ai ép, mời.
6. Khi ta lão niên 60, ta bắt đầu tri thiên mệnh, thậm chí ta đoán được tương lai cuộc đời của người ta và bản thân. Ta đã phần nào thực hiện được cái gọi là "sủng nhục bất kinh, nhàn khán đình tiền hoa khai hoa lạc, khứ lưu vô ý, vọng thiên không vân quyển vân thư". Ta bắt đầu hiểu về Vô thường. Ta có nói với người trẻ rằng rượu uống là sẽ say, thịt tuy ngon nhưng hại, chỉ tiếc là không ai nghe ta.
7. Khi ta thất thập cổ lai hy, ta ngồi yên ngắm thiên hạ qua lại, vui với ai an ổn, thở dài trước vấp ngã của tha nhân. Ta nhấp rượu vì muốn nếm vị, ta chơi cờ vì ta trọng cờ, chẳng còn tâm tranh đua. Khi đủ, ta đứng dây rời mâm rượu, bỏ bàn cờ ta về.
8. Từ Bát thập tiên tuế, ta thoát trần nhập Đạo. Ta không gần rượu, chẳng chơi cờ mà vẫn thấy vui. Ta mặc kệ cho người chen lấn ở bến xe. Có chỗ thì đi, kín chỗ thì thôi. Đi ở chẳng còn quan trọng nữa. Ta bỗng nhớ da diết cha mẹ, anh em ta, quê hương ta.
9. Ta thấy dù có đăng xuất nhân gian cũng chả sao. Sự sự việc việc tất cả cũng chỉ là bất quá nhân gian. Ta an ổn. Ta sẵn sàng xuất thế rời đời, rời bỏ bàn đào, về nơi ta vốn thuộc về.
10. Khái quát nhân gian là thế. Tuy nói là tu, là giác ngộ những vẫn có nhiều người bỏ tu giữa chừng, không đạt được giác ngộ. Đời mà.
Hiện tại, mình vẫn đang chăm chỉ làm việc tại Hà Nội, mỗi bữa làm chén rượu cho ấm, bớt thịt, nhiều rau, sáng tối tranh thủ vặn vẹo, ngồi tĩnh lặng vài phút quán sát bản thân, thế nhân… Bắt đầu giác ngộ: hóa ra sức khỏe đúng là quý hơn vàng.