- Trang văn
Về chữ Nhân
Thứ ba - 09/05/2023 14:22
VỀ CHỮ NHÂN
Hầu như những người không hề quan tâm tới chữ Thánh Hiền khi nhìn hai nét vẽ của chữ NHÂN ai cũng nhận diện ra nó.
Còn nhớ, ngày xưa học trường làng, gắn với những buổi mò cua bắt ốc, bọn trẻ chúng tôi, tay lấm lem nứt nẻ đen thủi đen thui tập viết a, b, c… Nhưng ai cũng vọc vạch viết được vài chữ Nho. Hiển nhiên, chữ Nhân là chữ phổ biến.
Có lẽ tần số xuất hiện tiếng NHÂN trong ngôn ngữ Việt (đặc biệt là từ ghép Hán- Việt) dày đặc, cho nên khi lên cấp ba, rồi Đại học để ghi chép được nhanh nhất có thể, chúng ta đã viết chữ Nhân hai nét này thay cho chữ quốc ngữ có đến 8 ký hiệu (tạm thời coi là 8 thao tác: N,G,U,O,I,+ 2 dấu hỏi +dấu sắc ).
Thậm chí, biến thể của tiếng Nhân được viết bằng quốc ngữ này khá sinh động. Khi viết "Nhân dân, nhân ái, nguyên nhân " các cô cậu học trò vạch viết chữ Nhân hai nét đã đành. Khi viết Nhẫn, Nhận, Nhần, Nhấn chúng ta chỉ cần thêm dấu cho chữ NHÂN tượng hình.
Phổ biến nhất, chữ NHÂN này thay cho chữ NGƯỜI vốn viết nhiều thời gian hơn trong các buổi nghe giảng mà học sinh cần ghi với tốc độ nhanh.
Thực ra, thời xưa, khi còn tóc trái đào, những đứa trẻ đưa đến nhà cụ Đồ để học chữ Thánh Hiền thì cái chữ đầu tiên là NHÂN. Bởi, cuốn Giáo khoa thư đầu tiên là Tam Tự Kinh. Và mở đầu cuốn Kinh ấy là 6 chữ như một mệnh đề đi hết cuộc đời con người:
NHÂN CHI SƠ, TÍNH BẢN THIỆN.
Khi tìm về cội nguồn của chữ NHÂN, hình tượng mà ta nhìn thấy ban đầu là hình vẽ rất trực quan. Đó là một người đang đứng, hai tay đưa ra phía trước rất giống nhau. Qua bao nhiêu lần cách điệu, để rồi đi tới cái chữ hôm nay.
Khi nhỏ, Ngoại của tôi giảng rằng: Ban đầu, chữ này là hình vẽ một con người với rất nhiều thứ mang theo: có y phục, có túi da, có giáo mác... Dần dần, thấy quá luộm thuộm và khó vẽ, khó viết; vả lại ảnh hưởng của quan niệm Đạo, Phật là buông bỏ. Con người đến thế gian và ra khỏi thế gian đều trần trụi. Chỉ có hai chủng Đức và Nghiệp là gắn bó với tiến trình dằng dặc của những chặng luân hồi trong hành trình nhân sinh.
Từ một hình vẽ khá phức tạp gắn với những ngoại vật mang theo, chữ Nhân đã thành chữ ĐẠI, biểu hiện của một linh vật to lớn, chúa tể của muôn loài..
Chữ Đại ấy giờ vẫn tồn tại. Nhưng chữ Nhân đã định hình lại khiêm cung hơn, giản dị hơn mà chứa đựng nội hàm lớn hơn. Có thể thấy chữ Đại khi xếp hai tay lại, đầu thẳng thì ra chữ NHÂN.
Thử tìm hiểu trong tiếng Hán, có một số chữ chỉ tồn tại 2 nét thôi.
Trong hệ số đếm gồm 10 chữ thì: NHỊ, THẤT, BÁT, CỬU, THẬP( [二] nhị,[七] thất,[八] bát,[九] cửu,[十] thập) chỉ có hai nét. Có phải ngẫu nhiên chăng? Đề tài về các con số sẽ gắn vào các biểu tượng văn hóa thú vị. Nhưng biểu tượng con số gắn với 2 nét vẽ của chữ Thánh Hiền hẳn nhiên còn uyên áo và nhiều bí mật.
Ở đây, tôi tự lấy một cách ngẫu nhiên những chữ 2 nét và muốn mọi người cùng cảm nhận nó.
Chẳng hạn chữ:
* HỰU [又] nghĩa là: Lại, nữa, thêm (nhiều lần). ◎Như: nhất thiên hựu nhất thiên 一天又一天 một ngày lại một ngày, khán liễu hựu khán 看了又看 xem đi xem lại.
*LỰC[力] Nghĩa là: + Chỉ chung tác dụng hoặc hiệu năng của sự vật. ◎Như: hỏa lực 火力, phong lực 風力, thủy lực 水力.
+Tài năng, khả năng. ◎Như: trí lực 智力 tài trí, thật lực 實力 khả năng sức mạnh có thật, lý giải lực 理解力 khả năng giải thích, phân giải, lượng lực nhi vi 量力而為 liệu theo khả năng mà làm.
*LIỄU [了] Nghĩa là: Xong. ◎Như: liễu sự 了事 xong việc.
Nhìn những chữ này, ta có cảm nhận ý nghĩa của chúng thông qua tiết điệu.
Chữ HỰU như bước chân phải nâng lên vuông góc ở đầu gối, đặt xuống vững chắc trên mặt đất, sau đó mới rắn rỏi nâng bước chân còn lại.
Sự thêm vào, sự quay lại ở đây không vội vàng, hấp tấp. Có sự đắn đo nhưng sau đó là quyết định dứt khoát.
Chữ LỰC lại là sự ngược lại về tiết điệu so với chữ HỰU: Một dấu phẩy rất mạnh mẽ quyết liệt, sau đó là sự trì kéo để tiếp tục cho một đợt gia tăng năng lượng mới.
Chữ LIỄU lại gợi cho ta một hoạt động theo chiều dọc. Nét trên đưa ra rồi quay lại theo chiều thẳng đứng. Sau đó là một nét xuống với cái hất lên rất nhẹ phía bên trái, biểu hiện sự vật sau khi lay động ,giằng co dễ hư nát đã hạ xuống và kết thúc êm đẹp không bị biến hình.
Cần nói thêm, chữ LIỄU này chỉ cần tự nhiên đưa nét bút vẽ nét thứ ba theo chiều ngang thì nó thành chữ TỬ[子] nghĩa là đứa con, là một linh vật vĩ đại ra đời. Chữ TỬ vì thế còn có nghĩa là người Thầy có Đức Hạnh cao cả! Ta có lẽ suy ngẫm nguyên lý "Một sinh Hai, Hai sinh Ba, Ba sinh vạn vật" của Lão Tử từ chữ LIỄU và chữ TỬ này sẽ thấy thêm nhiều cảm nhận mới.
Dường như khi cầm bút viết chữ NHÂN, ta nhận được những giá trị của những chữ mà ta vừa phân tích. Nó có HỰU, có LỰC, có LIỄU. Và xa xôi hơn có cả TỬ. Về điều này, trên báo đã có bài viết nói về 9 điều tương đối thú vị về nội hàm của chữ NHÂN. Tôi chỉ lược lại một số ý chính:
(1). Một nét biểu thị sự phát triển, một nét biểu thị cho sự già yếu
(2). Một nét biểu thị cho sự tiến lên, một nét biểu thị cho sự thoái lùi.
Đời người tựa như leo núi, từng bước từng bước hướng lên mà leo. Nhưng khi đã lên đến đỉnh núi thì lại từng bước từng bước hướng xuống.
(3). Một nét biểu thị cho niềm vui, một nét biểu thị cho phiền não.
(4). Một nét là thuận cảnh, một nét là nghịch cảnh.
(5). Một nét là trả giá, một nét là thu hoạch.
(6). Một nét là quyền lợi, một nét là trách nhiệm.
(7). Một nét là bản thân, một nét là người yêu thương.
(8). Một nét là bạn bè, một nét là đối thủ.
Ở đây, cũng cần nhắc lại một câu nói của Bill Gates (đại ý) : Tôi cần có đối thủ chứ không bao giờ muốn có địch thủ.
(9). Một nét là nửa đời trước, một nét là nửa đời sau.
Trong cách nói nhân quả nhãn tiền, người ta thường nói đến mối quan hệ gieo Nguyên Nhân nửa đời trước và thu hoạch kết quả nửa đời sau.
Thực ra,nếu nới rộng tiến trình dài dằng dặc của kiếp luân hồi thì kiếp trước và kiếp sau là có quan hệ rất trực tiếp.
Nhân đây cũng nói thêm về một chữ NHÂN [仁] mà chúng ta dùng rất phổ biến. Nó có nghĩa là :Thương, yêu; khoan dung, đức hạnh . ◎Như: nhân dân ái vật 仁民愛物 thương dân yêu vật. Nguyễn Trãi cũng từng viết: "Việc Nhân Nghĩa cốt ở yên dân" hoặc "Lấy chí NHÂN để thay cường bạo".
Chữ Nhân gồm có Nhân là Người và Nhị là Hai.
Hai người là đơn vị đầu tiên cho việc xác định có thương yêu khoan dung với nhau không. Đây là quan hệ xã hội tối thiểu để biết là người hay là động vật hai chân.
Hai nét trong chữ Nhân quả là cho ta liên hệ rất nhiều điều bổ ích.
Để chữ NHÂN này vào những chữ hai nét mà ta vừa bàn tới ở trên, thì chữ NHÂN có cấu trúc cân đối và hài hòa nhất.
Bất cứ ai biết chút ít về văn hóa Tu Luyện thì không thể không biết đến thế của hai tay úp vào nhau như hình búp sen với hai cẳng tay thành hình chữ Nhất trước ngực.
Người theo Đạo Gia hoặc Phật Gia gọi gọn đó là tư thế HỢP THẬP, còn nói đầy đủ là SONG THỦ HỢP THẬP.
Nếu ai đi chùa, đi nhà thờ hoặc dự các đám giỗ, các đám ma chay thì sẽ gặp mọi người có thế hợp thập này. Hiển nhiên, khi chắp tay như vậy thì tâm thái, hành động của con người không thể thiếu nghiêm túc.
Hợp Thập là một cử chỉ, một hành vi kính ngưỡng. Nó là một phong tục, một cử chỉ mang tính văn hóa của nhân loại. Không chỉ phương Đông mà cả phương Tây ; không chỉ người tín phụng Phật mà là cả người tín phụng Chúa...
Chữ NHÂN rất giống với tư thế HỢP THẬP của con người.
Phải chăng đây chính là nội hàm sâu xa nhất của chữ Nhân?
(Còn nữa)
Tác giả: La Vinh