- Trang văn
Nội hàm của chữ Nhân
Thứ hai - 15/05/2023 09:50
NỘI HÀM CỦA CHỮ NHÂN
(Tiếp theo)
Ít nhất là trên 2500 năm, khi Thích Ca Mâu Ni hạ thế độ nhân, loài người đã một thời tỉnh Mê biết rằng có những sinh mệnh cao tầng đang bảo hộ họ.
Thậm chí, đức Phật Thích Ca còn hé lộ cho chúng ta biết rằng Ngài khác chúng ta có một chữ Mê và Tỉnh mà thôi.
Bất cứ con người nào dưới thế gian này đều có thể thành Phật nếu như họ nhìn được chân tướng của vũ trụ, thời - không và bí mật của sinh mệnh chính mình.
Phật nói mình là ông Phật đã thành, còn chúng nhân tu luyện là Phật sẽ thành. Vậy nên, trong Phật Giáo mới có hai tiếng Phật Tử. TỬ ở đây là Ông, là Ngài, là Giác Giả Đức hạnh chứ không phải là Con như cách hiểu lệch lạc của một số người!
Nếu chúng ta quan sát chữ PHẬT [佛] thì sẽ thấy chữ bên trái là chữ Nhân đứng. Phật cũng là Người. Nhưng là sinh mệnh ở cao tầng hơn. Nhìn theo hướng thuận nghịch thì: Những sinh mệnh nào ở cao tầng nếu không đạt, không tương thích với tiêu chuẩn của cảnh giới mình đang sống thì sẽ bị rớt xuống tầng dưới. Nếu rớt xuống đến tầng nhân loại thì con người phải sống trong Pháp lý của tầng này. Chẳng hạn chúng ta coi sinh, lão, bệnh, tử là điều không ai tránh được. Chúng ta có cái nhục thân này thì nóng hoặc lạnh quá đều khó chịu; đói, khát đều làm cho ta suy kiệt; chúng ta suốt một đời quần quật tranh giành nhau chỉ vì miếng ăn để rồi bệnh hoạn và cái chết...
Hãy tưởng tượng có một cảnh giới khác, họ sống với một hệ giá trị hoàn toàn khác... Họ nhìn con người thật tội nghiệp và mê mờ quá độ.
Con người không có khả năng biết được những sinh mệnh ở trên mình. Do đó Thích Ca Mâu Ni gọi chung thế giới trần gian là cõi Mê.
Có một hướng ngược lại. Nếu ai Ngộ được, tin những điều Phật dạy là chân tướng thì họ sẽ trở thành người tu luyện. Không cứ phải thành tu sĩ, ni cô, vào chùa mới là tu. Phật Thích Ca nói rằng có 8 vạn, 4 ngàn con đường để đi ngược lại nơi mình đã rớt xuống. Như vậy, Người sẽ trở thành thành Thần, thành Phật.
Đương thời, Thích Ca Mâu Ni có những triển hiện vượt khỏi tầm người thường nhận thức. Nhưng ông chỉ nói mình là một Người Tỉnh Thức, là Giác Giả không Mê như người thường giành nhau 3 chữ Danh, Lợi, Tình để Sinh, Lão, Bệnh, Tử rồi ngụp lặn Luân Hồi.
Hiện nay, số người đi theo pháp môn tu luyện Phật Gia Thượng Thừa không ít. Có trên 100 quốc gia chào đón và số người tu tập cũng tăng lên từng ngày.
Rất nhiều các đệ tử Đại Pháp đã có những công năng đặc biệt. Nhiều người đã được khai Thiên Mục. Họ nhìn được nhiều thế giới khác thông qua Đệ Tam Nhãn. Thật bất ngờ là các chư Thần, chư Phật ở trên ấy có sắc thân, hình hài giống với con người chúng ta đây!
Mọi tưởng tượng vu vơ của chúng ta về các sinh mệnh cao tầng là không đúng.
Như vậy giữa Thần, Phật và con người chỉ có khác nhau chữ Tỉnh và Mê; khác nhau là ở những thời - không , cảnh giới đặc định. Người nếu "phản bổn quy chân" thì sẽ trở về Thần. Ngược lại, Thần không đủ tiêu chuẩn thì sẽ rớt xuống cõi Mê làm người!
Theo dõi hệ thống phát triển của 2 chữ Thần và Nhân chúng ta cũng thấy có những mối quan hệ nội hàm thâm sâu.
Chẳng hạn, chữ Thần phát triển đến chữ Tiểu triện thì sẽ là hình tượng của hai bàn tay dựng thẳng đứng, biểu hiện cho quyền lực nắm giữ tất cả, chi phối tất cả.
Sau đó, phát triển thêm một bước nữa thì Thần là đồ hình Thái Cực của Âm Dương. Chúng ta chú ý hai bàn tay nhé. Thần và Người đều có Tay. Và chữ/bộ THỦ (tay) là biểu tượng cho những gì thuộc về hành động, hành vi rất phổ biến trong chữ Hán.
Không chỉ những người theo Phật Gia tu Phật thì sẽ thành Phật mà có một trường phái tu luyện rất phổ biến thời cổ xưa là theo Đạo Gia. Khi viên mãn, người tu luyện được gọi là Tiên.Chữ này cũng có chữ NHÂN đứng bên trái ,cạnh chữ Sơn [仙] .Đạo Gia còn có cách gọi người đã đắc Đạo là CHÂN NHÂN 真人.Ta chú ý chữ Chân nghĩa là người chính trực. Trên là chữ TRỰC dưới là chữ NHÂN.
Như vậy, nói lại một lần nữa, người xưa coi con người là anh linh trân quý nhất trong Tam Giới. Người và Thần có liên thông và có khả năng hoán chuyển.
Đây cũng là lý do người ta viết chữ Đại với hình vẽ người nằm trên chiếc chiếu ngay chính giang cả tay lẫn chân.
Cả Đạo Gia lẫn Phật Gia đều cho rằng chỉ có mang Thân người thì mới được Tu luyện. Hàng ngàn năm luân hồi mới được kiếp người, nếu không tu luyện thì thật đáng tiếc. Bởi ,động vật không được tu luyện là quy định của Thiên Thượng!
Ta có thể kể thêm một số chữ như KIỀU là người con gái đẹp; HIỆP trong Hiệp Khách, Hào Hiệp; TĂNG là người tu hành... Tất cả đều có chữ/bộ NHÂN ĐỨNG đi kèm theo...
Nếu chữ NHÂN đứng một mình với tư cách con chữ độc lập, nó gợi cho ta tư thế SONG THỦ HỢP THẬP. Đã là con người thì phải biết khiêm nhường và cung kính với Thần Linh. Trong hình vẽ chữ NHÂN nguyên sơ ta thấy hình của một người đang đưa tay ra phía trước. Tại sao không lựa chọn một hình dạng khác mà phải là đưa tay ra? Kết hợp với chữ NHÂN đã định hình trong từ điển, ta thấy đây chỉ có thể là sự cung kính với những sinh mệnh đang bảo hộ mình!
Chữ NHÂN khi nó kết hợp với các chữ khác thường là ta viết bộ NHÂN ĐỨNG.
Quan sát chữ NHÂN ĐỨNG chúng ta dễ liên tưởng tới dáng đứng yên lặng ẩn nhẫn cúi đầu khom lưng để lắng nghe hoặc biểu thị sự kính trọng với người bề trên, đặc biệt là với Thần Linh. Có thể nhìn thấy phong tục, phong cách này ở người Nhật hiện nay. Nếu ai nhìn những tấm hình có các nguyên thủ Nhật tiếp xúc với người khác sẽ thấy điều này! Cách đây không lâu có một bức ảnh của thủ tướng Nhật cúi đầu trước các bô lão để thăm hỏi về thiên tai. Người khom mình cúi đầu không nhỏ bé mà trở nên đáng kính trước khán giả. Cũng cần lưu ý về cái cúi đầu nổi tiếng này của ông Thủ Tướng Đức sau thế chiến Hai đến thăm Ba Lan Cái cúi đầu này đã hàn gắn châu Âu sau đổ nát!
Tôi có làm một bài thơ về cái cúi đầu này. Đó là sức mạnh của chữ Nhân, là Thần Thánh ngay giữa đời thường.
QUỲ
(Viết về thủ tướng ĐứcWilly Brandt)
Thế chiến Hai kết thúc
Kẻ thắng trận đau nhức
Kẻ thua trận bị nhục
Cả hai cùng ấm ức
Cả hai cùng khổ đau
Họ đeo những kính màu
Nhìn thấy Mê,không thực
Những vết thương quá khứ
Dễ gì khép lại sau
Mối thù Đức Quốc Xã
Vẫn di căn rất lâu.
Nuớc Ba Lan hùng mạnh
Đã tan nát từ đầu
Phi cơ rồi tăng Đức
Tràn lãnh thổ rầy Nâu
Trên đất nước yên bình
Những lò thiêu hiện đại
Lùa hàng triệu sinh linh,
Cuồn cuộn người Do Thái
Trời Ba Lan đặc khói
Đen kịt khét thịt người
Đống tro tàn chết chóc
Ám lịch sử không thôi
Rồi một ngày đẹp trời
Thủ tướng Đức sang thăm
Dân Ba Lan phẫn nộ
Triệu nhân triệu hờn căm
Đi đâu cũng được chưởi
Đến đâu cũng bị khinh
Nếu không lính bảo vệ
Brandt khó giữ mình
Ông đến trại tập trung
Một lựa chọn đáng sợ
Hàng vạn lời phẫn nộ
Ông vẫn lặng cúi đầu
Ông đứng đó nguyện cầu
Trơ trơ như Từ Hải
Rồi khụy xuống cúi đầu
Lời ăn năn lặng lại
Thay mặt dân tộc Đức
Xin lỗi người bị hại
Sám hối rất thực lòng
Trước Ba Lan,Do Thái
Cái quỳ lạy của ông
Là hành vi vĩ đại
Nối kết cả cộng đồng
Kéo da non vết thương
Châu Âu lành sẹo lại
Cái hành động quỳ lạy
Như năng lượng mặt trời
Thắp hoa lá,cỏ cây
Rạo rực bơm nhựa sống
Ươm những mầm xanh tươi
Chỉ cần việc ấy thôi
Ông được giải Nobel
Tín nhiệm cao tuyệt đối
Toàn dân Đức ngợi khen
Một nhiệm kỳ nữa tới
Như là điều tất nhiên.
Nếu nói về cái cúi đầu làm nên chữ Nhân, xác nhận sự tôn trọng, tôn kính những sinh mệnh cao tầng thì ta nên quay lại với bài thơ TĨNH DẠ TƯ dường như ai cũng biết của Lý Bạch:
Đầu giường mảnh trăng sáng,
Ngỡ mặt đất đẫm sương.
Ngẩng đầu, ngắm trăng sáng,
CÚI ĐẦU nhớ cố hương.
Nếu ta hiểu "cố hương" của nhà thơ theo Đạo Gia này là xứ Tiên ngày xưa mình từng ở thì cái cúi đầu này không đơn giản là nỗi nhớ quê tầm thường!
Trước đây, có người từng nói một cách bí hiểm: Làm Nhân là khó, còn làm người thì dễ.
Họ giải thích: chữ Nhân được đánh vần thành NHỜ ÂN.
Đúng thế, con người sống trong những mối quan hệ chằng chịt và trở thành một cộng đồng quá rắc rối. Càng ngày, con người càng tự tin và kiêu ngạo. Thực ra, nếu biết rằng có Thần Linh, biết Kính Sợ Thần Linh thì con người sẽ khiêm tốn, khiêm cung, khiêm nhường với thế giới quanh mình nhiều hơn. Biết Nhờ Ân mới có những Phúc Đức trong đời.
Chữ NGƯỜI đã từng được nhà thơ Việt Phương chiết tự thành NƠI .. NGỪ. Con người nếu sống trong Mê, coi những giả tướng Danh, Lợi, Tình là giá trị độc tôn. Suốt cả một đời tranh tranh đấu đấu xâu xé nhau như loài hổ báo, như loài 4 chân sài sói thì đó là con đường hủy diệt sinh mệnh vốn rất dài của mình trong tiến trình luân hồi dằng dặc.
Những kẻ "thập ác bất xá" này ngộ tính thấp. Lấy tiêu chí chữ Nhân mà ta vừa trình bày thì họ không thể được gọi là Người. Một trong những ông Tổ của Đạo Gia là Lã Động Tân có lần đã thốt lên chán nản: "Ta thà độ động vật còn hơn độ nhân".
Thực ra, ngay cả việc gọi lũ người hành ác, không tin có Thần Phật là loài vật đi nữa, họ cũng không xứng đáng.
Bởi, trên mạng ta có thể sưu tầm được rất nhiều những hình ảnh của những con vật có những biểu hiện của sự Nhờ Ân, biểu hiện của việc xin cứu mạng...
Thực ra, một số loài như cá Heo khi thẳng thân lùi lại phía sau; như con khỉ, con chó được cho ăn và âu yếm... đều biểu hiện thái độ Ân Nghĩa. Thậm chí, ta có thể gặp hình thức chắp tay hợp thập của chúng!
Nói rộng hơn một chút, khi đặc định cho con người hiện diện trên thế gian, không cần phải theo một chính giáo nào; loài người đã biết tới cử chỉ Song Thủ Hợp Thập. Bức tranh vẽ hai bàn tay đứa em đã lao động kiệt sức trong hầm mỏ lấy tiền nuôi anh thành họa sỹ trở thành kiệt tác có lẽ chính là hai tiếng Nhờ Ân.
Trong những bí mật mênh mông không thể nghĩ bàn và mãi mãi nhân loại không thể khám phá của thế giới cao tầng, thì bí mật của Thân Thể con người là rắc rối nhất.
Chữ "Nhân" không chỉ mang một nghĩa bề mặt là cái Thân Thể xác thịt với hơn 90% là nước. Nó là hàng tỷ, tỷ, tỷ vũ trụ còn phức tạp hơn hàng tỷ hệ Ngân Hà của chúng ta gộp lại. Phật Thích Ca Mâu Ni cách đây 2500 năm đã nói với mọi người trong giọt nước ông uống có vô lượng chúng sinh. Kỳ diệu hơn, ông đã giảng học thuyết "Tam Thiên Đại Thiên thế giới ". Rằng "trong một hạt cát có tam thiên đại thiên thế giới", rằng: "Kỳ đại vô ngoại, kỳ tiểu vô nội ". Như vậy, cái mà chúng ta gọi là thế giới vĩ mô hoặc thế giới vi mô là không có giới hạn; không ngần mé, không thể nghĩ bàn.
Nếu chúng ta cứ ngạo mạn coi những kiến thức nhỏ bé nông cạn của chúng ta là tối ưu thì mãi mãi chúng ta cứ bò lết trong Mê với sự ngạo mạn ngớ ngẩn mà chúng Thần phải lắc đầu!
Thực ra,câu chuyện vô Thần hay hữu Thần người ta bình luận tu xưa tới nay là thảo luận về câu chuyện con gà mái và quả trứng cái nào có trước.
Đặt con người vào một tình thế lựa chọn 50% và 50% trước vấn đề niềm tin, các chính Pháp xưa nay thường đề cập tới phạm trù của chữ NGỘ.
Con người phải tu luyện trong Mê. Đó là một lựa chọn đầy thử thách.
Chúng ta càng tiến bộ về khoa học, càng hưởng thụ đời sống vật chất thừa thãi, chúng ta càng xa rời những quan niệm truyền thống. Chúng ta gọi tất cả những gì xưa cũ là bảo thủ, là Mê Tín.
Thực ra, ngày nay đã có rất nhiều điều đã được thừa nhận mà ai có Thiện tâm đều nên nhìn chúng một cách nghiêm túc.
Chẳng hạn, người ta đã công nhận một số người có 6 loại công năng siêu thường như Thiên Nhãn Thông, Thiên Nhĩ Thông, Tha Tâm Thông... .
Chẳng hạn, người ta bắt đầu nhìn thấy những lỗ hổng của thuyết Tiến hóa cho con người có tổ tiên với loài khỉ. Những bằng chứng về sự hiện diện của con người đã có mặt trên hành tinh này hàng vạn, hàng triệu, thậm chí hàng tỷ năm đã loại trừ thuyết của Darwin cho rằng con người xuất hiện cách đây 1 vạn năm.
Những công trình nghiên cứu văn hóa Tiền Sử đang là những thực tế tạo nên các dấu hỏi to tướng khó có lời giải đáp nếu chúng ta cứ đi theo một hướng của khoa học thực chứng mà chúng ta bây giờ luôn tin là chân lý.
Con người vốn là Thần. Khi xuống trần gian nó sống trong Mê và trôi trong Luân Hồi Lục Dục. Phật Gia và Đạo Gia đều đánh thức con người Tu Luyện để Phản Bổn Quy Chân, về quê hương đích thực của mình.
Chỉ có Tu Luyện, con người mới khai mở được Trí Huệ của mình. Lúc ấy họ mới khám phá, nhìn thấy những giá trị đích thực về vũ trụ, thời - không và bí mật của các sinh mệnh.
Tìm hiểu con đường hình thành của chữ Thánh Hiền xưa, nhiều nhà nghiên cứu đã thấy mối quan hệ giữa chữ THẦN và chữ NHÂN; trong truyền thuyết cổ xưa, ta có thể nhận thức rằng, có một thời Thần cùng người đồng tại. Nghĩa là có một thứ văn hóa bán Thần bán Nhân đã từng tồn tại. Ngay cả chữ ghi ý mà chúng ta đang bàn tới hôm nay cũng là sản phẩm của văn hóa Thần truyền ấy. Hầu hết các con chữ đều chứa đựng yếu tố Đạo Đức.
Và chữ NHÂN mặc dù chỉ có 2 nét giản dị nhưng nội hàm của nó chẳng giản đơn chút nào.
Làm Người có thể dễ. Nhưng làm Nhân khó lắm thay. Đây là một cách nói chữ, chơi chữ nhưng nếu nghiêm túc suy nghĩ thì có thể đó không phải lời nói đùa!
Tác giả: La Vinh