- Trang văn
Tản mạn những dòng sông Việt
Thứ năm - 15/02/2024 13:24
(Ảnh: Xuân Nguyễn)
TẢN MẠN NHỮNG DÒNG SÔNG VIỆT
(Phan Bá Ất)
Có nhà thơ gọi đất nước ta là "Đất nước hình tia chớp", nơi đây đầy giông tố. Mẹ Âu Cơ đã chọn dải đất đó, dải đất hình tia chớp, và chọn đúng vùng "Tâm bão" để sinh ra con Lạc cháu Hồng. Những đứa con sinh ra từ tâm bão ắt hẳn phải chịu được những thử thách khắc nghiệt để trở thành anh hùng, bất tử như Thánh Gióng .
Tôi yêu câu thơ của Bế Kiến Quốc "Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng?/Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông".
Vâng! Không dễ có đất nước nào có nhiều sông như Việt Nam ta! Mọi con sông Việt Nam đều đổ ra biển Đông. Tôi như trong một giấc mơ kì lạ. Trước mắt tôi hiện lên những dòng sông, lộn xộn những trật tự, cảm xúc, hình ảnh những con sông Việt đang thi nhau chảy về biển Đông. Này đây, dòng Bạch Đằng đang cuồn cuộn những lớp sóng của ba triều đại Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo ! Này đây, dòng sông Cầu sóng vỗ những âm thanh hào sảng "Nam quốc sơn hà Nam đế cư ..." mang theo về biển cả ! Và đây, dòng sông Hồng cuộn sóng chảy qua Chương Dương, Hàm Tử hối hả về Biển Đông. Trong sắc nước của Hồng Hà không chỉ có ngồn ngộn phù sa châu thổ, hình như có cả ảnh hình Thăng Long và chiến tích bao thời đại của ông cha. Tôi như thấy những máy bay B52 bốc cháy và chiến thắng trận Điện Biên Phủ trên không rực rỡ thời đánh Mỹ. Tôi liên tưởng tới dòng Nậm Rốm mang theo hương thơm của gỗ quý và hình ảnh, chứng nhân lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Nghe nói dòng Nậm Rốm đã chảy qua Lào để hợp lưu với dòng Cửu Long Giang uốn chín đầu rồng ra biển. Mạng lưới sông ngòi của chúng ta dày đặc những chi nhánh, mỗi con sông đều mang một kỳ tích của ông cha trên một quê hương yêu dấu. Nhiều lắm! Tôi chợt nhớ đến câu văn đầy cảm xúc trong bài "Lòng yêu nước" của Văn hào Nga I Li A Ê Ren Bua đã được học hồi cấp 3 phổ thông, đại ý: Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von Ga, con sông Vôn Ga đi ra bể. Lòng yêu làng, yêu xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ Quốc! Điều đó ta đã hiểu, khi kẻ thù giơ tay khả ố động đến nước Nga thân yêu của chúng ta, chúng sẽ thấy sức mạnh của người Nga và phải trả giá bằng cái chết như thế nào.. Ai đã nói rằng: Có thể đổi cả một sư đoàn để lấy I-li-a Ê-ren-bua. Dẫu điều đó không thật, cũng cho thấy sức mạnh văn chương đầy khích lệ nhân văn của ông.
Vâng! Đúng như văn hào Nga đã nói, ngàn vạn những con suối, con sông lớn nhỏ của nước Việt đều đổ về biển Đông. Cả nước đang hướng về Trường Sa, Hoàng Sa, Biển Đảo Việt Nam. Chúng ta đánh giặc bằng tổng hợp nhiều sức mạnh của một dân tộc đã kinh qua nhiều khổ đau, chiến tranh và chiến thắng. Ở đó có cả một nền văn hóa hàng nghìn năm, những trí tuệ, tình cảm, tình yêu nước nồng nàn và kinh nghiệm đánh bại những xâm lược tầm cỡ thế giới cổ đại và hiện đại. Bài học xương máu ấy, chúng ta tự hào và tự tin chiến thắng, kẻ địch cũng cần nhận thức những thảm bại từ đó. Đặc biệt kẻ địch là kẻ thù tưởng như truyền kiếp của chúng ta. Kẻ địch mà lịch sử đã cho thấy không một triều đại nào chúng không sang cướp nước ta, và không lần nào chúng không thảm bại dưới sự đồng lòng quyết chiến quyết thắng và đã thắng của dân tộc ta.
Chúng ta hiểu rằng mọi cuộc chiến tranh đều đáng lên án. Tiếc thay chiến tranh và di hại của nó lại do chính con người đem lại. Dẫu chiến thắng, dân tộc ta vẫn muốn lập lại tình hòa hiếu với đối phương. Người dân của mọi dân tộc đều tốt đẹp. Chúng ta hy vọng đẩy lùi binh đao, súng đạn để nhân dân các dân tộc được sống trong yên bình hạnh phúc. Dân tộc chúng ta có thể tự hào với trí dũng và nhân nghĩa. Song chính vì vậy chúng ta không tiếc máu hy sinh cho tình yêu đó. Dân tộc ta là dân tộc "Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa".
Đức Khổng Tử của Trung Hoa cổ có câu nói nổi tiếng "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân" (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người). Câu danh ngôn và lời khuyên đầy triết lý nhân văn ấy, nước Việt chúng ta đã tiếp nhận nó như một tinh hoa văn hóa nhân loại. Tiếc thay có những kẻ cầm quyền nhiều triều đại ở Trung Quốc, quê hương của nhà triết học nổi danh đó, lẽ nào không chịu hiểu? Vó ngựa của quân Mông Cổ xưa đã đè nát Trung Nguyên, nhưng chúng đã phải thất trận và dừng lại trước hào khí Đông A nước Việt. Đau khổ của chính dân tộc mình và sức mạnh của nước láng giềng Việt Nam nhỏ bé chẳng nhẽ họ không hiểu điều đó sao?
Và nữa, Việt Nam đã có một Điện Biên Phủ lừng danh đánh bại thực dân Pháp trên đất Điện Biên. Việt Nam lại có một Điện Biên Phủ lừng danh đánh bại Thần sấm B52 của Đế quốc Mỹ trên không giữa bầu trời Thăng Long - Hà Nội. Tại sao không thể nói rằng Việt Nam sẽ có một Điện Biên Phủ lừng danh nữa đánh bại bọn bành trướng Trung Quốc trên biển Đông? Chứ sao? Nếu chúng bắt ta không còn con đường nào khác! Thế là đủ cả Điện Biên Phủ dưới đất, trên không và dưới nước.
Một dân tộc khao khát hòa bình, dân tộc đó tất biết tìm mọi cách và mọi giá để giữ lấy hòa bình, độc lập, tự do.
Một dân tộc đã biết xăm mình xuống biển rất sớm, từ hàng nghìn năm trước; sống định cư quen với nơi thế đất, núi sông hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt; biết đoàn kết đồng lòng khi giặc đến; đánh thủy, đánh bộ và chiến tranh nhân dân thuần thục, dân tộc đó không thể bị khuất phục. Một số nhà phân tích chiến lược quân sự tài năng của Trung Hoa cổ đã nhận ra điều đó, đánh giá đúng mức, biết người, biết ta, để biết điểm dừng . Chân lý và chính nghĩa thuộc về dân tộc ta. Ngày nay, thế giới đã trở nên phẳng hơn. Quốc tế nhận ra chân lý và ủng hộ chúng ta. Chúng ta mang sức mạnh tổng hòa của nhiều yếu tố. Dân tộc chúng ta như thế, làm sao biết sợ và làm sao không thắng bất cứ kẻ thù nào?
Một nhà văn có nói đại ý là: Thước đo giá trị một dân tộc không phải ở diện tích to nhỏ, dân số ít nhiều, kinh tế mạnh yếu mà vấn đề là dân tộc đó, đất nước đó có một nền văn hóa như thế nào!
Tôi lại nghe văng vẳng đâu đây câu thơ Thần bên dòng Như Nguyệt "Nam quốc sơn hà Nam đế cư...". Và tôi tin, một niềm tin chắc chắn: Chiến thắng thuộc về ta!
PHAN BÁ ẤT