• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Thầy tôi! …Và những mùa Tết tuổi xưa!

Thứ năm - 20/01/2022 11:27

 

Thầy tôi - là Cha tôi đó! Là “Bố”- như mọi người thường gọi bây giờ. Anh chị em tôi trong kí ức tuổi thơ của mình đã quen với những lời gọi “Thầy-Bu”. Có quê kiểng lắm không? Có lạc hậu, xưa cũ không? Với ai, thế nào, tôi không rõ, nhưng chúng tôi đã lớn lên, gắn bó với ngôn từ bình dị ấy quen rồi. Sau này, đi học cao hơn, xa hơn; sau này hoà nhập môi trường mới hơn, sau này cũng có con, có cháu… thì những từ “Bố, Mẹ” cũng lại có mặt bình thường trong ngôi nhà mình. Nhưng trở về với ngôi nhà xưa, với những bậc sinh thành đã cao tuổi, anh chị em tôi vẫn chẳng quên tiếng gọi “ Thầy- Bu” rất riêng của mình! Đã có lần, chúng tôi bị trêu: Sao gọi kiểu gì lạ thế? Đấy là những học trò của Thầy tôi - Thầy tôi là thầy giáo mà! Các anh chị ấy bảo:

“Thầy” là từ  của các anh chị gọi- thưa với thầy giáo của mình. Các em gọi là “Bố” chứ.

Còn đám bạn bè tinh quái sau này cứ trêu:

- “Thầy là thầy giáo; còn Bu là gì? Là Bu gà đấy nhé!

Nghe tức thật, nhưng kệ. Chẳng thay đổi. Mà sao phải thay đổi! Những tiếng ấy đã đi vào tiềm thức tuổi thơ. Có lẽ, nguồn cội của gia đình tôi là từ một làng quê nào đó. Quả đúng vậy, gốc gác, bản quán của các cụ thân sinh chúng tôi là một làng ven biển miền Trung, anh, chị em tôi lại được sinh ra, lớn lên ở mảnh đất quê lúa- rất thuần nông nhé. Và có lẽ, ngay từ lúc tập nói những tiếng đầu tiên, Thầy, Bu chúng tôi đã tập cho các con những âm sắc đó rồi. Vậy sao phải đổi!

Thầy tôi! Kí ức bỗng ùa về bao thương nhớ - khi mà mùa Tết này đang đến- cái Tết đầu tiên Người không cùng con cháu ăn Tết trong căn nhà ấm cúng mà mình xây dựng lên! Bởi vậy, cái Tết này gọi về trong tôi những hình ảnh đứt, nối của bao nhiêu cái Tết tuổi xưa. Những mùa Tết đã qua đi mang theo tuổi thơ của chúng tôi, và mang theo tuổi thanh xuân của Thầy của Bu. Năm tháng của đời người chẳng thể lấy lại, quay lại, nhưng chẳng ai có thể xoá đi của ta những kỉ niệm, những kí ức, nếu như ta đã gom góp, đã tích luỹ ăm ắp trong tâm hồn mình, nếu như ta đã gìn giữ, nâng niu quá khứ của mình. Cái “kho” giàu có của tôi bỗng sống dậy hữu hình, lung linh đến kì lạ. Đúng như ai đó đã từng nói: “Kí ức trở về như những thước phim quay chậm”

 Thầy tôi! Người cha gắn liền với những mùa Tết đói nghèo của một thời bao cấp. Những cái Tết nghèo mà vẫn ấm áp, vẫn tràn ngập yêu thương, vẫn vô cùng ấn tượng để rồi bọn con trẻ chúng tôi chẳng thể nào quên được, để đến tận bây giờ vẫn luôn mong được trở về chút khoảnh khắc của cái Tết xưa ấy!

Tết xưa, sao mà thiêng liêng! Cái cảm giác thật kì lạ: đó là những thời khắc đặc biệt, ta mong chờ, đón đợi, háo hức và xôn xao trong lòng! Ngày ấy, ta không biết cha mẹ mình có lo lắng mỗi độ Tết đến, Xuân về hay không  mà chỉ hồn nhiên ngóng đợt niềm vui riêng của tuổi mình. Thầy tôi là người quan trọng nhất mang đến cái không khí Tết thiêng liêng và hấp dẫn, Người mang đến không khí đó sớm nhất cho chúng tôi. (Bu tôi thì phải mải mê, bận rộn, mệt nhoài với công việc nghề thủ công, kết hợp bán buôn nhỏ lẻ để gia đình bảy miệng ăn có đủ gạo cho mỗi bữa- Thầy tôi dạy học có đồng lương hạn hẹp nhưng lại có chút thời gian để quán xuyến thêm việc gia đình). Bắt đầu từ rất sớm, có lẽ là giữa tháng Chạp, Thầy đã lo việc dọn dẹp, sửa sang lại nhà cửa cho sạch sẽ, đẹp đẽ hơn. Các bức tường đơn sơ sau một năm là ố vàng, nhiều chỗ bong tróc lớp vôi màu, nay được Thầy quyét lên một lớp nước vôi mới. Tôi còn nhớ Thầy pha vào nước vôi trắng ít phẩm màu gọi là màu ve- có năm là màu ve xanh có năm Thầy lại chọn ve vàng nhạt. Căn nhà nhỏ đơn sơ rạng rỡ hẳn lên khi được quyét một lớp áo mới ấy. Thầy tôi cứ cặm cụi với việc dọn dẹp nhà cửa như thế để chuẩn bi cho một năm mới.

 Tranh treo tường bao giờ cũng là bốn bức tranh theo bộ  Tứ quý. Nghe rất sang, rất cổ điển- mà đúng là kiểu tranh Tứ quý- Bốn mùa- tranh Tứ bình! Chỉ có điều hình thức và chất liệu của nó lại vô cùng giản dị, nó được in từ loại giấy bình thường (nếu không cẩn thận rất dễ rách), chỉ có màu sắc là tươi sáng- hẳn là rẻ tiền thôi. Vậy mà Thầy tôi nâng niu, cẩn thận làm những chiếc nẹp tre nhỏ xinh, rồi đóng thật ngay ngắn lên bức tường ở phòng ngoài- được coi là phòng khách- Phòng khách mà vẫn có chiếc giường ngủ của hai chị em tôi. Chúng tôi cứ mê mẩn ngắm nhìn và đọc thuộc những bài thơ nôm na trong bốn bức tranh ấy, mỗi bài thơ gắn với chủ đề cây cỏ theo bốn mùa: Xuân- Hạ-Thu –Đông. Rồi cũng như bức tường kia, đến gần Tết năm sau thì tranh lại phai màu, cũng có khi bị rách, hay nẹp bong vì chúng tôi qua lại, va chạm…Thế rồi, chuẩn bị cho cái Tết sắp về, Thầy tôi lại tìm mua bộ tranh mới, vẫn chất liệu ấy thôi, chủ đề tương tự, nhưng có khác đôi chút về hình ảnh. Và tất nhiên rồi, nó vẫn cứ cuốn hút chúng tôi với những cảm xúc tươi mới đặc biệt, vì nó là tín hiệu của Tết mà!

Còn hoa cho ngày Tết- Tôi vẫn ấn tượng với một lọ hoa nhựa, giáp ngày 28 hay 29 Tết, Thầy tôi lại đem ra rửa nó trong chậu nước xà phòng. Thế rồi những sắc màu lại tươi trở lại, bao nhiêu bụi bẩn của một năm được gội sạch. (Sau này, lớn hơn một chút, công việc rửa lọ hoa kia là của hai chị em tôi, sau này lại chuyển giao cho cô em gái út). Còn nữa: gối. chăn, màn, chiếu…bao giờ cũng được giặt thơm tho trước khi Tết về. Đơn giản thế, tiết kiệm thế nhưng căn nhà đã có không khí Tết! Một cảm giác tươm tất, sạch sẽ làm ta yêu không gian vốn quen thuộc của mình hơn.

Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn có cảm giác: những mùa Tết xưa- là những cái Tết mà cha mẹ có hai việc quan trọng nhất:  dành dụm vật chất thơm thảo để dâng cúng tổ tiên và bày biện, chăm chút cho các con mình thưởng thức, chứ không phải cho bản thân mình hưởng thụ những khoảng khắc mùa xuân tươi đẹp, hoặc nếu có thì chỉ là niềm vui hoà cùng thứ Tết trong lòng tuổi thơ chúng ta vậy. Tết- bao giờ Thầy Bu  cũng có một con gà làm lễ, có xôi thơm, có những món ngon mà quanh năm chúng tôi không thấy có! Việc giết con gà lễ đó cũng rất đặc biệt! Bao giờ cũng là Thầy tôi làm. Chẳng phải khi chúng tôi còn bé mà ngay cả khi chúng tôi đã lớn, đi học Đại học rồi. Phải chăng đó là một việc cẩn thận, thiêng liêng, chuẩn bị cho mâm cỗ cúng tổ tiên, Thầy tôi phải làm việc đó: con gà phải đẹp, thơm ngon, chắc có như vậy Thầy tôi mới yên tâm, mới thấy vui khi dâng cúng Tổ tiên! Có một điều sau  này tôi hiểu hơn: Vì Thầy tôi là con trưởng trong gia đình, cũng là bậc Trưởng họ nên Thầy luôn ý thức làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng đối với các bậc tiền bối, Thầy đảm nhận công việc cúng giỗ trong cả năm, đặc biệt những ngày Tết, Thầy tôi càng chăm chút hơn. Con gà mà Thầy làm cẩn thận từ chiều 30 Tết làm cho lễ đón giao thừa thêm trang trọng với đĩa xôi thơm ngào ngạt quyện với hương trầm ngát cả căn nhà nhỏ. Bàn thờ gia tiên nhà tôi ngày ấy chỉ là cái mặt tủ - không gian cao nhất của mọi đồ đặc trong nhà, nhưng Thầy tôi bày biện cẩn thận, gọn gàng vẫn làm cho không gian ấy trở nên trang trọng, ấm cúng.

Tôi vẫn thường kể lại cho các con hay bạn bè nghe về mâm cơm cúng mùng Một Tết của Thầy tôi. Đây là nghi thức trang trọng nhất cũng là kí ức cảm động nhất về những mùa Tết tuổi thơ của tôi. Không phải là mâm cỗ cao sang mà quan trọng là tình cảm, thái độ, cách Thầy tôi làm mâm cỗ đó. Bao giờ Thầy cũng dậy rất sớm - mặc dù nghi thức đón giao thừa đã muộn, mà thật ra tôi chỉ cảm nhận cái sớm đó, chứ không biết Thầy dạy từ giờ nào, lúc nào. Chỉ nhớ rằng, khi mình tỉnh giấc thì có khi mâm cỗ đã được bưng lên, thoảng có lần, tôi mơ hồ tỉnh, nghe tiếng Thầy nói với bu tôi: “Nhẹ thôi, cho bọn  nó ngủ tiếp (bọn nó là anh chị em tôi - và tôi lại ngủ thiếp đi thật). Vậy là Thầy tôi lặng lẽ, một mình làm các món (Bu tôi lại vụng khoản này mà). Mâm cơm trước mắt chúng tôi thật hấp dẫn, thật ngon lành- một phần vì ngày đó chỉ có Tết mới có các món ngon, lạ, một phần vì tôi thấy Thầy mình chăm chút, cẩn thận, nâng niu và thành kính vô cùng. Xong xuôi hết rồi, lúc ấy Thầy mới bảo chúng tôi “Dậy đi nào, dậy mà rửa mặt nước mùi thơm, rồi thay quần áo mới. .. thầy cúng mời các cụ về dự bữa cơm Tết mùng Một đây!” Trang phục của Thầy lúc đó cũng đặc biệt, áo quần tềnh toàng được thay bằng bộ trang phục đi dạy học của Thầy- Đó là bộ nghiêm túc và đẹp nhất! Tiếng thầy nho nhỏ với những lời khấn nào tôi không nghe rõ, nhưng trang nghiêm lắm, thành kính lắm. Thỉnh thoảng lại thêm tiếng hít hà hơi gió trong lời khấn như là một chút ngừng nghỉ, lại như là Thầy đang cảm động thưa chuyện cùng tổ tiên, ông bà vậy. Bọn tôi lây lan cái cảm giác lặng nghiêm của Thầy mà không dám nói to, không dám đi lại quá gần mâm cỗ cúng. Không gian như giăng mắc, đan quyện những linh hồn đằm ấm của ông bà, tiên tổ. Đó, việc cúng Tết và từng cử chỉ, lời nói, âm điệu, ánh mắt của Thầy tôi bao năm qua đã nuôi cấy trong chúng tôi tình cảm trang nghiêm, niềm tin tâm linh trong sáng với các thế hệ đi trước của dòng họ mình. Vậy nên, Thầy tôi dù không dạy cụ thể, không bắt làm sớm những công việc này, nhưng chúng tôi lớn lên cứ học Thầy mà làm một cách tự nhiên, làm với lòng tin thành kính. Gia đình nhỏ của tôi sau  này, cũng vẫn theo lệ ấy: Sáng mùng Một Tết, tôi vẫn cố gắng dậy sớm hơn cả nhà làm mâm cơm cúng – mặc dù vẫn biết mình chưa dậy sớm được như Thầy tôi trong những Tết xưa.

Lại nói về việc mặc quần áo mới từ sáng mùng Một Tết. Sau này, lớn rồi, tôi mới hiểu Thầy, Bu tôi cũng như bao ông bố bà mẹ khác thời nghèo khổ đó đã yêu thương, hi sinh hết mình cho con cái thế nào. (Thời nay cũng vậy, nhưng thời nay không quá nghèo khổ! Cho nên, bây giờ chúng  tôi hiểu rồi càng thêm xót xa cảm thương cho cha mẹ mình biết bao!) Tôi dám khẳng định vậy vì tuy có nghèo, miếng cơm còn khó no – nhưng bao giờ Thầy – Bu tôi cũng lo mua cho các con một bộ quần áo mới để mặc Tết, dù quanh năm mặc vá, mặc thừa từ chị, từ anh… Đúng sáng mùng Một Tết, chúng tôi mới được khai trương bộ mới. Chúng tôi cứ xúng xính trong sắc màu tươi tắn nhất, được ngửi hương vị vải còn nguyên chất hồ, có khi ngai ngái mùi băng phiến chống gián… Nhưng thế mới thích, thế có nghĩa là quần áo mới tinh - rồi mấy đứa tôi chạy ra đường, ra ngõ để khoe, để được nghe những lời khen cho bộ quần áo mới của mình.

 Dù có nghèo, có vật lộn với bao công việc, Tết- chúng tôi vẫn có thịt lợn, thịt gà- tuy ít thôi. Thực ra là gà, hay lợn đều nhà nuôi. (Chúng tôi biết chăn lợn từ lúc học lớp 3, lớp 4; biết đi lấy bèo, lấy rong, nấu cám, băm rau lợn có khi đứt tay - bây giờ vẫn còn vết sẹo nơi ngón trỏ). Nhưng để có thịt lợn làm giò, làm chả, xào nấu, hay rán âu mỡ để dùng cho cả tháng sau Tết, có khi, Thầy Bu tôi phải dũng cảm, phải liều mới có được. Nghe có vẻ vô lí lắm, các bạn thời nay có khi chẳng hiểu nổi, mà chúng tôi sau này mới hiểu cặn kẽ, chứ lúc bấy giờ chỉ biết là thế, biết nghe, biết làm theo, chẳng suy luận gì. Chẳng là, ngày ấy, các gia đình có chăm chỉ chăn nuôi, cần mẫn đến mấy, lấy vốn bỏ một vài con lợn nuôi trong chuồng nhà mình bằng cám bã, rau bèo đơn xơ… thì cũng không được tự ý giết mổ. Không được bán cho tư nhân, ngày Tết muốn giết ăn cũng không được! Phải bán cho Nhà nước, cho công ty thực phẩm của tỉnh- họ giết mổ và bán cho người dân theo chế độ tem phiếu. Mà bán cho nhà nước, cũng chẳng được lấy tiền mặt, mà quy đổi ra cám, ra mì chính, ra đường… để rồi gia chủ phải một lần nữa bán những thứ đó đi, hoặc để chăn nuôi… thường là thiệt hơn nhiều nếu bán cho tư nhân. Khổ nhất là nuôi cả năm trời, con lợn mới lớn (vì ngày đó không có thức ăn tăng trưởng như bây giờ), Tết đến nơi rồi, cần có thịt nhiều hơn một chút, cần có miếng tươi ngon để dâng cúng gia tiên, để cho các con ăn, lại không được giết mổ! “Cái khó ló cái khôn”! Hay “Cái khó ló cái liều”! Tôi nghe Bu mình nói với mấy bà bạn: “Mặc kệ, tôi là tôi liều đấy! Các bà có đụng chung con lợn nhà tôi không?”. Vậy là cuộc trò chuyện đi đến hồi kết. Tối đó, Thầy dặn trước chúng tôi cẩn thận:

-“ Sáng sớm mai, nhà mình thuê giết con lợn nhỏ- mấy nhà chung nhau ăn Tết. Cấm! không đứa nào được khoe với ai! Có nghe tiếng lợn kêu cũng không được dậy, cứ nằm yên trên  giường! Nhớ đấy nhé! Họ mà biết là họ tịch thu, hoặc phạt nặng, rồi không có thịt ăn Tết đâu!”

Thế đấy! Ngày đó nghe Thầy dặn mà như doạ, sợ chết được, đứa nào dám ho he gì, mặc  dù sáng sớm đó có giật mình nghe một tiếng “Éc!”- chỉ một tiếng gọn lỏn thế thôi (Thợ giết lợn họ giỏi lắm, hình như dí điện hay chùm đầu nó bằng bao tải gio trấu thì phải). Mặc dù háo hức lắm, muốn xem người ta xử con lợn nhà mình thế nào, cũng không dám mò dậy, cứ nằm im trên giường lắng nghe những tiếng lào xào, thì thầm của mọi người, tiếng va chạm của xoong, chậu rất khẽ…Mà cũng căng thẳng ra phết, nằm im mà chỉ lo người ta ( là ai đó đi kiểm tra) biết được nhà mình đang giết lợn thì nguy. Nhưng trong kí ức tôi, chưa lần nào nhà mình giết lợn chui mà bị bắt! May mắn thật! Hay là các cụ phù hộ cho nhỉ? Phải chăng, vì những phi vụ như vậy mà tôi già trước tuổi nhỉ? Hay lo lắng, hay suy nghĩ, hay sợ những gì không hay sảy ra. Tội nghiệp cho những  đứa trẻ như chúng tôi, thời bao cấp ấy!

Song bây giờ suy luận thế thôi, chứ sáng hôm sau, mọi việc qua rồi, người lớn- chủ yếu vẫn là Thầy tôi lo mà làm các món… còn chúng tôi vui như hội, nhìn thấy nhiều thịt lợn trong nhà mình là quên hết sự hồi hộp, lo lắng đêm qua. Thường là lúc đó chúng tôi cũng nghỉ Tết rồi, cứ quanh quẩn xung quanh Thầy vừa xem vừa giúp mấy việc lặt vặt: rửa lá chuối, luộc lá chuối, rồi lau khô lá, bóc củ hành khô, giữ cho Thầy buộc lạt, buộc thanh tre ép vào cái giò xào…. Rồi chúng tôi xin Thầy cho đặc cách hôm nay ăn món: mỡ nước chan với cơm nóng và nước mắm! Nhất là thằng em trai của tôi, nó khoái món này lắm. (Tháng một lần- dậy từ 4 giờ sáng đi sếp hàng mua thịt theo tem phiếu - chủ yếu là thịt mỡ về rán, bao giờ nó cũng xin đặc cách một bữa như thế). Tết mà giết được lợn, thì thịt mỡ còn nhiều, Thầy rán được một âu to - dùng dần - quý lắm đó. Tôi vẫn nhớ mấy món cơ bản Thầy làm mỗi dịp Tết về: giò xào; thịt nấu đông, thịt nạc cắt miếng dầy áp chảo - thay cho nướng, canh miến lòng gà, canh khoai tây nấu xương, và nem chạo (món này Thầy tôi thái cầu kì, rất mỏng, thính thì cũng tự ngâm gạo rồi rang, giã mịn)… Nói chung, món nào qua tay thầy tôi cũng ngon, hấp dẫn - cái ngon lành đã lặn sâu vào tâm thức, khó mà quên hay thay đổi được.

 Còn những đêm Giao thừa của Tết xưa cũng thật ấn tượng. Không thể thiếu tiếng pháo chào đón thời khắc chuyển giao năm cũ với năm mới. Nhiều năm chúng tôi còn bé, chỉ biết đến pháo truyền thống - Pháo Tép. Từng bánh pháo được cửa hành Mậu dịch quốc doanh bán cho nhân dân đốt. Cả một bánh pháo dài, thỉnh thoảng lại được cài một quả pháo to- gọi là pháo Đùng. Không hiểu sao, có những lần pháo kém chất lượng, nhiều quả xịt, không nổ. vậy là Thầy tôi lại sáng kiến: trước lúc Giao thừa, cụ để bánh pháo lên trên vung nồi nước nóng chắc là hong cho khô hơn, hi vọng đốt nổ giòn giã hơn - cũng là hi vọng một năm mới nhiều thuận lợi, may mắn. Thế rồi, mấy năm tôi đi học Đại học. Gần Tết về nhà, cậu em trai hớn hở lôi tôi vào nhà trong, khệ nệ bưng ra một cái thúng to, tranh tối, tranh sáng, chưa kịp nhìn ra cái gì thì nó đã khoe: “Pháo đốt Giao thừa đấy! Khủng không! Toàn là pháo Đùng em tự làm, tự kết! Tết này pháo nhà mình cứ là nhất phố!”. Tôi cũng thích thú lắm. Tiếng pháo to, giòn, ai chả thích! Tôi chả hiểu gì về mối nguy hiểm mà đốt pháo to có thể xảy ra. Cũng chả biết làm pháo to như em tôi là đáng sợ như thế nào? Tôi không biết đã đành, nó cũng chả biết, và Thầy tôi cũng không để ý gì lắm. Thầy cứ nhiệt tình làm một cây sào dài, chắc, khoẻ để buộc bánh pháo to khủng (nó cuộn tròn lại vừa đầy cái thúng to của Bu tôi mà). Vậy là, Giao thừa năm ấy, nhà tôi đốt pháo với những tiếng nổ “Đùng!” Đùng!”…chậm hơn pháo tép nhưng âm vang thật đáng sợ. Mấy chị em gái chúng tôi bịt tai lại mà vẫn nghe tiếng nổ lớn. Lúc khai hoả, thầy tôi cũng phải dùng một cái cây dài buộc mồi lửa để châm cho an toàn. Bánh pháo nổ hết, cả một khoảng không trước cửa mù mịt khói, bao lâu sau mới tan dần. ai cũng hồ hởi vì tiếng pháo giòn giã đón Giao thừa. Cả nhà, không ai quá sợ mối nguy hiểm vì pháo khủng. Sau này, phong trào tự làm pháo lan rộng, rồi tan nạn làm pháo, chơi pháo đáng tiếc xảy ra… Thầy tôi mới cấm cậu em trai. Nó cũng hiểu ra mà sợ, thôi hẳn cái thú chơi pháo Đùng. Nhưng khi tôi nhìn đến tủ sách truyện bao năm gom góp của mình thì ôi thôi! Nó chỉ còn vài cuốn! Tất cả đã biến thành pháo từ bao giờ! Nó gãi đầu gãi tai chống chế: “Chị học Đại học rồi, những truyện thiếu nhi này cần gì nữa!” Thế rồi, nhà nước cấm đốt pháo vì sự an toàn của nhân dân- cũng đúng thôi- nhưng vẫn có phần nuối tiếc những thanh âm riêng của Tết! Giá mà tất cả chỉ dùng pháo Tép như xưa thì vẫn hay mà. Thế là tiếng pháo ngày Tết chỉ còn đọng lại réo rắt, tươi vui trong hồi ức tuổi thơ của chúng tôi.

Qua bao năm, cuộc sống cũng nhiều thay đổi, đời sống kinh tế cũng khá dần lên. Thầy tôi vẫn hết lòng với việc dạy học. Thầy chịu khó tham gia dạy bổ túc vào các buổi tối. Nghe đâu tiền thù lao không nhiều nhưng Thầy bảo: “Họ vẫn còn cần mình, mình vẫn giúp được nhiều người không có điều kiện học chính quy, thì mình nên cố gắng. Rồi bao cái Tết đi qua, Thầy tôi vẫn yêu công việc bếp núc để mang lại không khí trang trọng, thiêng liêng cho cả nhà. Chúng tôi cũng dần thay thế Thầy khi sức Thầy đã yếu, nhưng bao giờ Thầy cũng dặn dò, hướng dẫn, truyền lại kinh nghiệm cho các con. Thầy vẫn yêu thích những món ăn truyền thống của gia đình. Các con hiểu vậy và hương vị Tết xưa luôn hiện hữu trong căn nhà tôi mỗi khi Tết đến Xuân về.

Thầy tôi! Không biết vì sao lại chọn cái thời khắc cuối năm để ra đi - một chuyến hành trình dài vô tận. Lúc này, đã hơn nửa giữa tháng Chạp, Thầy từ biệt nhân gian, xa chúng tôi, về với cõi mây trắng thật thanh thản! Thời khắc ấy, một cái Tết mới sắp về. Vậy nên, chúng tôi càng thương nhớ Thầy hơn! Vậy nên, Tết này: Hương trầm, Hoa tươi, Mâm cỗ cúng chiều Ba mươi và sáng mùng Một, chúng con thành kính, trầm lặng, tha thiết mời Thầy về chung ngày đoàn tụ như những năm nào! Khói hương ngào ngạt lại đưa con trở lại kí ức về những mùa Tết xưa - những mùa Tết có Thầy!

Hạ Long, Tết Kỷ Hợi 2019

Nguyễn Thị Minh Hương


Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.