- Trang văn
Truyện ngắn: Ông Quang
Thứ tư - 27/09/2023 10:41
(Ảnh: Loan Ngô)
Truyện ngắn: ÔNG QUANG
(Nguyễn Quốc Văn)
Có thể đấy là một sự thật. Người ta xì xào với nhau đó là một chuyện lạ. Tiền không phải từ trên trời rơi xuống. Việc người ta từ bỏ tiền quả là một chuyện khó tin. Vậy mà ông Quang lại dám cả gan từ bỏ tiền. Hình như vì danh. Còn nghe phong thanh, thì vì một người đàn bà!
Riêng ba người con trai của ông Quang thì vẫn một mực khăng khăng khẳng định đó là chuyện bình thường. Đối với họ, những chuyện lạ xung quanh ông Quang nhiều tới mức không thể kể xiết. Vì thế, bây giờ có thêm một chuyện khác thường nữa cũng chỉ là chuyện vặt, có gì đáng nói?
Thì đấy, ai đã từng biết ông Quang, hẳn sẽ không thể nào quên được nét mặt tươi roi rói của ông hôm ông đứng trước quan tài vợ. Người ta thì khóc, ông lại cười... Có người véo vào tay ông nhắc nhẹ, xin ông giữ cho phải phép, ông Quang cảm ơn rồi bảo:
- Ông thử nhìn bà nhà tôi đang cười hay đang khóc đã?
Người kia trả lời:
- Bà ấy đang ngủ!
Ông Quang nở một nụ cười:
- Chả lẽ tôi lại khóc toáng lên để bà ấy thức dậy?
Lo đám cho vợ xong, ông Quang gọi ba người con tới và bảo:
- Bây giờ bố ở với vợ chồng anh chị cả. Riêng cái biệt thự đứng tên bố...
Ông dừng lời nửa chừng, đưa mắt nhìn thẳng vào mặt từng người con.
Người con cả từ tốn nói:
- Con không có ý kiến.
Người con thứ hai nhẹ nhàng:
- Con cũng vậy. Còn chú út?
Người con út cười:
- Giàu con út, khó con út, cái biệt thự này ba nên cho con. Vì lúc này riêng con chưa có nhà. Tuy nhiên...
- Tuy nhiên thế nào? Ông Quang hỏi.
Người con út thưa:
- Tuy nhiên sau này nó vẫn là của bố. Bố cho ai con cũng không thắc mắc, kể cả trường hợp con vẫn chưa có nhà.
- Thế thì tốt! Ông Quang nói: - Đúng là con nhà văn!
Mấy hôm sau, ông Quang viết di chúc. Nội dung chính là trao quyền thừa kế ngôi biệt thự cho người con trai cả. Ông đọc tờ di chúc cho vợ chồng họ nghe. Cả hai cùng mỉm cười, không nói gì. Dĩ nhiên, họ chăm sóc ông Quang không thể chê vào đâu được. Sáng phở tái, phở xào, cà phê, thuốc ba số năm tùy thích. Trưa, chiều thì bia bọt, thịt thà, cá mú, hoa trái ông thích thứ gì được chiều thứ nấy ngay. Người con dâu cứ luôn mồm nhắc:
- Con cái khá giả, bố chả phải lo!
Vậy mà tới năm thứ ba, ông Quang bỗng giở chứng. Ông bảo:
- Ở nhà các con sướng thật. Nhưng nó bằng phẳng quá, bố chả còn xứng là nhà văn nữa. Ba năm không viết nổi một dòng thì là cái giống nhà văn gì? Thôi, bố sang ở với vợ chồng thằng hai!
Vợ chồng người con thứ hai dọn riêng cho ông Quang một phòng. Trong phòng có sẵn cả máy vi tính để ông gõ.
- Nhà văn bây giờ ai còn viết bằng tay? Phải gõ, gõ bàn phím bố a. Thay từ, đảo câu, đảo đoạn tiện lắm bố ạ!
Ừ thì gõ! Văn bản đầu tiên ông gõ lại là bản di chúc trao quyền thừa kế căn biệt thự cho vợ chồng người con thứ hai. Gõ rồi in ra, đặt trên bàn. Nhưng khi mở máy, ông Quang thấy bản di chúc đã bị xóa. Quái lạ, mình đã “xây vờ ét” (save as) cẩn thận rồi mà! Thôi, mặc kệ, viết lại vậy! Ít lâu sau, bản di chúc lại bị xóa một lần nữa! À, có đứa nào nó cố ý xóa đi đây! Ông Quang để ý và bắt gặp thằng con trai đang mở máy. Nó xóa, nó xóa thật! Ông đứng sau lưng con, vỗ vai, gặng hỏi:
- Không muốn lấy nhà, hả?
Thằng con cười:
- Chưa tới lúc! Bố đừng viết nữa. Nhà con nó hiểu lầm!
Hiểu lầm cái gì? Ông Quang ngẩn người ra, cười phá lên và lại ngồi vào bàn máy. Ông gõ. Gõ một cái truyện ngắn. Người ta khen hay. Ông gõ nữa. Người ta chê dở. Thì lại gõ, lại hay, lại dở. Tức lộn cả ruột, ông quyết định dọn tới nhà người con trai thứ ba.
Vợ chồng người con trai thứ ba mới mua được một căn nhà nhỏ. Tuy nhiên, ông Quang vẫn có một phòng viết. Con dâu ông mua một chồng tập học sinh và một tá bút bic để trên bàn viết cho bố chồng. Lần này, ông Quang lại viết di chúc và để trên bàn. Người con dâu trông thấy tờ giấy, cầm lên chăm chú đọc. Mặt chị ta tự nhiên xịu xuống. Chị buồn buồn nói với bố chồng:
- Bố bỏ tờ giấy này đi. Con sợ nó làm hỏng nhà con! Không có nó, chúng con vẫn chăm bố tốt như tất cả mọi người thì hơn!
Rồi giữ đúng lời hứa, hai vợ chồng họ lo cho ông Quang chẳng thiếu một thứ gì. Mà lúc nào hai vợ chồng cũng vui như tết, cười hi hi cả ngày...
Ở đời sướng quá hóa rồ, ba năm sau ông Quang lại giở chứng. Ông gọi các con lại, thông báo ông đã lấy lại căn biệt thự đang cho thuê và sắp cưới vợ.
- Con chăm cha không bằng bà chăm ông. Vả lại bố chả muốn đứa nào phải vất vả vì bố. Ý các con thế nào?
Ông Quang nhìn khắp lượt, chờ đợi sự phản đối kịch liệt của các con trai và con dâu.
Người con cả vẫn từ tốn nói:
- Con thấy bố nói có lý.
Người con trai thứ hai nhẹ nhàng:
- Con đồng ý với bố. Lúc nào cũng vậy! Còn chú út?
Người con trai út bảo:
- Bao giờ bố cũng quyết định đúng. Ý bố trùng với ý con!
Ông Quang nổi giận:
- Sao không có đứa nào phản đối? Các con muốn bố chết nhanh hơn phải không?
- Bố chưa hiểu chúng con! Người anh cả điềm tĩnh nói.
Ông Quang vặn:
- Cho nhà không đứa nào lấy. Bảo lấy vợ, không có đứa nào ngăn. Các con không biết ghen cho mẹ sao? Không sợ mang tiếng sao?
- Bố ạ! Người con thứ hai dịu dàng: - Nhờ không lấy nhà của bố mà chúng con, kể cả chú út đây, ai cũng có nhà cửa đàng hoàng cả.
- Còn ghen thì chúng con không. Biết đâu đi bước nữa, bố sẽ lại viết hay như ngày xưa? Người con trai út vừa cười vừa nói.
Người con trai cả tiếp:
- Bố kết hôn đàng hoàng thì bọn con sợ gì tai tiếng. Chả lẽ hạnh phúc lại đem lại tai tiếng?
Ông Quang rơm rớm nước mắt, hét lên:
- Nhưng không có chuyện bố lấy vợ thật. Đó chỉ là chuyện bố bịa ra để thử các con!
Người con dâu cả hỏi:
- Vậy chuyện cái di chúc cũng là chuyện bịa phải không bố?
- Không, đó chỉ là chuyện tưởng tượng. Bố đã tưởng tượng ra các con không đúng như trong thực tế! Vậy nên...
Người con dâu thứ hai sốt ruột:
- Bố sẽ giải quyết việc ấy thế nào?
- Bố sẽ bán!
Người con dâu út đoán:
- Và chia đều cho chúng con phải không?
- Không! Ý các con thế nào?
Ba người con trai đồng thanh đáp:
- Bố cứ quyết theo ý bố. Bố bao giờ cũng đúng!
Và, đúng là tiền không bao giờ từ trên trời rơi xuống. Nhà văn đã bán căn biệt thự ông được nhà nước cấp và cho hóa giá năm 1996. Ông cho mỗi người con ba trăm triệu. Ông lại gửi vào tài khoản của viện dưỡng lão năm trăm triệu để viện chăm sóc những người già cô đơn, trong đó có nghệ sĩ cải lương Lý Đào, người đàn bà hơn ông chín tuổi mà ông hằng ngưỡng mộ.
Còn ba tỉ đồng, nghe người ta đồn rằng, ông giao cho Hội nhà văn thành phố lập quỹ tài trợ tài năng viết trẻ. Thật may cho Hội nhà văn! Đương nhiên không phải vì họ từ chối món tiền lớn kia. Mà quan trọng hơn, ông Quang vốn là một nhà văn nổi tiếng! Nếu không thì…