• dau-title
  • Truyện ngắn
  • cuoi-title

Khoảng lặng

Thứ bảy - 30/05/2020 11:49


                                              .            


Những người lớn tuổi nhân có việc nhà ai đó trong họ, ngoài làng sinh con, đẻ cái, cưới xin, nhận họ, mua ngôi… thường lấy sự kiện suốt ba năm liền dòng họ Nguyễn của tôi không sinh ra được bất kỳ một người nào để làm “miếng trầu’’ mở đầu cho câu chuyện. Như vậy, cuối cùng, rồi đến một năm nọ, xóm ngoài, vợ chồng bác họ sáu đời nhà tôi, nửa đầu năm sinh ra chị, nửa cuối năm thầy bu tôi đẻ được tôi. Mặc dù hai nhà sống ở hai xóm trong, ngoài nhưng nhà tôi và nhà chị chỉ cách nhau có vài chục bước chân. Khi bẵng đi mấy năm không có thêm trẻ con, việc xuất hiện chị và tôi mà lại cùng năm tuổi lẽ dĩ nhiên là chúng tôi buộc  phải chơi với nhau, còn chơi quấn quýt nữa là khác. Không chơi với chị thì chả biết chơi với ai được, xung quanh toàn người lớn cả! Trẻ con thì phải chơi với trẻ con mới hợp tính, hợp cách như vậy mới chơi được lâu lâu, được dài dài…


Ngay từ những năm đầu đời, tôi và chị đã sống gần gũi nhau, các buổi thầy bu tôi làm đồng xa, trưa không về thì đem tôi gửi nhà bác, chơi với chị, cũng như vậy, chị được gửi sang nhà chú thím chơi với tôi mỗi khi hai bác bận mải việc gì đấy. Tôi và chị rất quý nhau, chẳng bao giờ cào cấu, đánh đẩy nhau, chúng tôi hay dùng vỏ trai, vỏ hến… để chơi mua bán đồ hàng. Có những lần tôi và chị còn chơi trò cô dâu chú rể làm đám cưới trẻ con rất vô tư… Hầu như, tính cả đến bây giờ, chị và tôi chưa một lần tranh giành, cãi cọ nhau vì đồ chơi, vì miếng ăn… chúng tôi rất nhường nhịn nhau, nếu tôi thích cái gì, cậy mình là con trai, nhận phần nhiều, thì chị dồn cho gần như tất cả, còn chị muốn thứ gì, tôi lại tự giác chọn tìm nhường cho chị tất. Có ngày thầy bu tôi lên tỉnh thăm ông chú ốm tối chưa kịp về, tôi được hai bác cho ăn uống, tắm rửa trần như nhộng cùng chị, tối đến hai đứa ôm nhau lăn ra ngủ. Sau này lớn lên, nghĩ lại thấy tai nóng ran ran, chẳng hiểu mặt tôi có đỏ hay không, nhưng sao thấy ngượng quá, may mà những lúc nghĩ lại ấy, thường chỉ có một mình tôi thôi, thường thì khi có một mình, tôi hay buồn, nhớ và nghĩ ngợi mông lung …

Có thể do trí nhớ non nớt, cái đốt “trẻ ranh’’ của tôi trôi quá nhanh. Thấm thoắt, chị và tôi cũng đã lớn, đã đi học phổ thông.


Chi cành nhà tôi có người cháu, họ cử làm thủ quỹ trong ban xây dựng cuộc đại trùng tu từ đường. Lần này về quê, tôi được nghe cháu kể, một người lạ mặt thay chị mang về góp quỹ công đức mười sáu triệu. Tôi hỏi thật thế à? Như để làm tin, cháu đưa cho tôi xem bao bì gói tiền, ngoài ghi tên chị cúng tiến ra, chỉ  viết cụt lủn có số và chữ “16 T’’ mà không để lại bất kỳ một dấu tích gì để tôi có thể lần ra cái địa chỉ của chị mà đã lâu lắm rồi cả họ chứ không riêng gì tôi vẫn bặt vô âm tín ! Mọi người trong ban xây dựng thay mặt bà con trong họ cảm ơn người khách lạ. Ông trưởng họ xin quý danh và hỏi thăm tin tức và địa chỉ của chị nhưng người khách một mực chỉ chắp hai tay kiểu như lên chùa kèm theo sau là câu “xin lỗi’’ Mọi người chẳng một ai còn bận tâm nghĩ đến sự tiết kiệm con chữ mà không viết cho đủ cả chữ triệu của chị, chị cũng tốt nghiệp đại học ở nước ngoài, đã từng làm việc ở cơ quan nghiên cứu khoa học, kỹ thuật… chứ có phải người tầm phào đâu mà viết độc có số 16 và chữ T! Tôi trân trọng cầm bao bì gói tiền cúng tiến của chị trên tay, nếu như không có mặt người cháu ở đấy, hẳn tôi đã ấp cái bao bì có bút tích, dẫu rất nhỏ nhoi của chị vào ngực mìh ! Tôi không nói gì về chữ 16T với bất kỳ một người nào cả. Đây là một thầm ý chỉ có một mình tôi mới hiểu thấu hết ý chị mà thôi, vì giữa chị và tôi có một mối quan hệ không ai hiểu cả , cho nên cái chữ 16 T bí mật như chính tôi là người trong cuộc vậy! Chị đã sống trong cái tuổi mười sáu, cái năm mười sáu  tuổi là một bước ngoặt lung linh trong cuộc đời của chị và tôi, mọi vật, mọi sự việc … xung quanh đều như mới lạ, đất trời như thênh thang hơn, mọi người như đẹp xinh hơn, hiền hậu hơn, những cánh cò, cánh chim chao chớp trên cánh đồng, trên bầu trời quê tôi thấy rộn ràng, xao xuyến … như mới được gặp lần đầu trong đời, dẫu hàng năm, hàng tháng trước đây vẫn diễn ra theo cái chu kỳ thời tiết, mùa màng của vùng quê thanh bình nơi cuối đất Sơn Nam hạ.


Cũng mười sáu tuổi, chị có vẻ lớn sớm hơn tôi, người dỏng cao, thân hình chị phát triển cân đối, phổng phao, đầy đặn và tròn lẳn là nét đầu tiên ai nhìn thấy dù thoáng qua đều đưa ra nhận xét  về chị như vậy. Chị luôn mặc quần lụa đen, thời trang ngày ấy cũng chỉ đến vậy mà thôi, áo cộc màu cánh gián bó sát người, cổ áo khoét hình trái tim quây ôm khoảnh trắng thuôn tròn đầy đặn. Mỗi khi chị cúi, cái khoảng cổ áo trái tim trễ xuống, hơi rộng ra, tôi không dám nhìn lâu xói vào sâu trong ngực chị, những lúc ấy tôi cũng hơi đỏ mặt thì phải?... Mỗi lần như vậy, chị đã đoán ra ý thích của tôi, chị chủ động kín đáo tế nhị kéo dài thời gian cúi thêm ra, giả vờ như việc gì đó còn dở dang, tạo thời gian cho tôi liếc nhìn phía trong cổ áo của mình như là một lẽ vô tình. Chị rất ý tứ. Độ ấy, tôi chẳng biết thế nào mà lại sinh ra chứng hay nhìn trộm chị . Có lần tôi ngắm chị, tôi bất ngờ cũng bắt gặp ánh mắt chị đang đắm đuối nhìn tôi, ánh mắt vừa chạm nhau, chị vội quay đi, tìm câu nói bâng quơ gỡ ngượng cho tôi, chị luôn luôn ở vào thế chủ động khiến tôi càng quý, càng phục chị. Chị đúng là người hơn tháng tôi, cho nên mọi cách xử trí của chị có khác,  rất chị , rất thông minh, tôi cảm phục và quý mến chị!


Tôi chưa vỡ hẳn giọng  nói, nhưng ở cái tuổi mười sáu này, mép trên tôi xuất hiện lớp lông tơ đầu tiên, mặc dù hai má còn bầu bầu, phinh phính nhưng tôi cũng đã nhận ra trong mình có sự biến đổi mà chính tôi chưa biết gọi tên nó là gì cho đúng?...


Nhà tôi chăn con nghé cái, nhà chị chăn con nghé đực, chúng chưa đủ tuổi để kéo cày, nửa ngày đi học, nửa ngày chị và tôi dắt nghé ra bãi triền đê chăn thả, chủ nó thì chụm đầu vào nhau tranh thủ học bài. Hai con nghé có lúc cũng đùa giỡn, cọ mình chúi mõm vào nhau, hếch mõm lên trời  “cười như nghé”, con nghé đực nhà chị luôn sát sạt vào con cái nhà tôi, nó mải chơi chẳng chịu gặm cỏ, thấy vậy tôi đuổi tách hai con nghé xa nhau ra, chị ngăn lại bảo “nó thích thế, kệ nó, cấm làm gì, phải tội chết’’.


Mọi người thế nào tôi không rõ, nhưng riêng tôi thì mãi tới năm mười sáu tuổi mới bắt đầu cảm thấy mọi vật, mọi chuyển động… xung quanh nó có ý nghĩa, có tình cảm, có linh hồn… Mọi người trong họ, ngoài làng đáng quý, đáng yêu hơn, ngay cả bản thân tôi, tôi cũng hay vuốt tóc, chấn chỉnh áo quần mỗi khi đi ra khỏi nhà. Cũng vẫn những mùa hoa xoan, hoa cau … nhưng mùa này tôi hay bị mùi thơm của chúng như bỏ bùa, khiến ngây ngất, nâng nâng. Nhiều lúc đứng lặng im, lim dim mắt - xa xôi. Tôi cảm thấy như cái vị ngọt đượm đà, cái hương thơm ngào ngạt của làng quê đã ủy quyền cho những cây cau cao vút tỏa ra một thứ hương thơm dịu ngọt mà ở ngoài phố thị không thể nào có được. Có mấy lần bu tôi đã nhắc tôi “ngố ơi, sao cứ thừ người ra thế’’ lúc ấy tôi mới bừng tỉnh. Mặc dù tôi biết mùi thơm của hoa cau quê tôi được chia rất đều và công bằng cho tất cả mọi người trong dòng họ, trong làng kể cả những khách lạ qua đường, nhưng tôi vẫn cảm thấy như có cái gì ưu đãi cho cái tuổi mười sáu của chúng tôi phần nhiều! Chính vì vậy, cái hương vị xóm làng không thể nào quên được mà vẫn xoa dịu, vẫn vỗ về, vẫn bao bọc, chở che cho tôi đến suốt đời tôi không thể nào quên được!


Một buổi tối, tôi và chị từ nhà người anh học lớp trên, trú tận cuối làng, ra về sau khi đã nhờ anh giảng cho mấy bài toán khó. Sắp tới đợt thi học kỳ, thầy cũng ra cho học sinh một số bài nâng cao để rèn luyện kỹ năng tư duy toán học, mong đạt kết quả cao. Đúng là có nhiều bài khó thật, đến chị cũng phải bó tay huống hồ là tôi, nên phải cậy đến các anh chị lớp trên mới xong! Đường làng, ngõ xóm quê tôi quanh co, gấp khúc tay áo vốn có sẵn từ lâu đời, tùy từng đoạn, tùy từng nhà ở hai bên mà có cổng, có dậu, tường bao chắn bằng gạch, bằng rặng tre, rặng ruối, rặng râm bụt, đài bi… ở trong mỗi cái bờ bao ấy là các khuôn vườn, mỗi nhà tùy tâm trồng rau, trồng hoa, trồng dâu, trồng cây ăn quả… Nhưng nhất nhất ở các góc và rìa chung quanh mỗi khuôn vườn, là những hàng cau, có nhà đất hẹp quá cũng cậy sân lên vài chỗ để trồng bằng được vài cây cau. Các gia đình họ Nguyễn của tôi truyền nhau lại rằng trồng cau để hứng nước mưa  ăn từ trên cao rất sạch, mặt khác còn có cái ý Nguyễn tộc không muốn hít thở nhờ vả cái hương thơm từ họ khác mà mình không biết góp phần. Chính những ngọn cau cao vút như các bàn tay xòe ra hứng mưa giữa bầu trời là đặc điểm khác biệt với các làng xung quanh để nhận ra làng tôi từ xa. Và, cái mùi thơm hoa cau cho đến bây giờ tôi mới nhận biết sâu sắc đối với riêng tôi. Thực ra trước đó tôi còn trẻ con không để ý đến, đã bỏ quên cùng với tuổi thơ của mình, cho đến mãi năm mười sáu tuổi cứ như lần đầu tiên mình mới gặp, mùi thơm ấy rất xao động và ngỡ ngàng! Chẳng biết chị có cảm thấy như vậy không? Trong bóng tối mờ mờ, chị bước nhanh, sát vào tôi, khẽ đặt tay lên vai tôi, chạm nhẹ mũi vào vai còn lại của tôi, thở hổn hển, chị khẽ khàng “… thơm quá!’’. Tôi hơi bất ngờ hỏi lại một cách khờ khạo “thơm gì cơ?’’ Ngưng một lát, chị thong thả bước đi và giải thích: thơm mùi hoa cau! Tôi thấy giọng nói của chị khác hẳn với mọi ngày. Cả tuần đi học ngồi cạnh nhau, nghe chị nói suốt nhưng chẳng bao giờ thấy chị nói giọng ấy, nó vừa như mới lạ, vừa như không phải phát ra từ đầu lưỡi mà nó như trào ra từ dồn nén biết bao ngày tháng đọng ở sâu thẳm cõi lòng! Câu nói của chị,  tối nay tuy cụt lủn, không đầu không cuối nhưng hai chúng tôi đã hiểu được hàm ý mà chẳng ai muốn nói ra, tất cả còn chôn chặt ở trong lòng. Ở cái tuổi mới lớn, lần đầu tiên có bàn tay con gái đặt lên người kèm theo lời khen tôi thấy mình như có dòng nhiệt rân ran khắp người. Tối nay tôi chỉ biết có thế thôi. Tôi và chị không ai nói thêm một câu nào nữa thì cũng đã về đến ngõ rẽ vào nhà chị. Chúng tôi lặng lẽ chia tay, tôi mang theo hơi thở và câu nói chị khen tôi thơm quá, câu nói ấy suốt cuộc đời khó có thể quên đi được!


Ngay chiều hôm sau tôi và chị đem theo ít sách vở, dắt nghé ra triền đê chăn thả, tranh thủ học bài. Chị là một học sinh học giỏi hơn tôi nhiều, chị luôn đứng trong tốp đầu của lớp, cho nên việc học và làm bài tập về nhà chỉ loáng cái chị đã xong xuôi, dành thời gian cho các trò chơi riêng của chị. Tôi đang loay hoay làm mấy bài toán thì chị đã thót xuống ô thùng đấu ven đê hái hoa bèo bồng bồng, chị bảo mỗi cánh hoa bèo bồng giống như một lông đuôi chim công – chim khổng tước, ngày xưa là biểu tượng cho thiêng liêng, tươi đẹp và cao sang, bây giờ cái màu xanh tím nhẹ nhàng của hoa là màu của tình yêu thủy chung, phải ngắm, phải hái, phải chơi trong đó có cả tôi nữa mới đã!...


Mải hái hoa, chị sa chân  thụt  xuống vùng thùng đấu sâu, chị hét toáng “kéo lên với! ’’ tôi bỏ sách vở đấy chạy lại kéo xốc chị lên, chị ngồi bệt xuống cỏ. Hai ống quần lụa đen xắn cao tận bẹn, thời trẻ con có thể tôi đã nhiều lần nhìn thấy đùi phụ nữ nhưng thời nít nhít chẳng còn nhớ và thấy gì đọng lại trong trí não non nớt cả. Mười sáu tuổi, đây là lần đầu tiên tôi mới nhìn thấy cặp đùi  trần của con gái. Tôi định kêu lên ôi đẹp quá nhưng tự hãm lại được. Đùi chị tròn thuôn thuôn trắng như trứng gà bóc! Con nhà nông mà làm sao lại có được nước da trắng vậy! Chả thế mà mấy người trong làng, có người bảo chị rồi nhàn nhã vì có nước da làm ra cơ đồ. Nhưng cũng có người ngoài họ thì bạo mồm bạo miệng nói là chị có được mặt hao hao tranh đức mẹ treo trên nhà thờ họ giáo cộng với nước da trắng hồng nữa là phận hồng nhan chứ báu gì. Tôi đứng như trời trồng, trố mắt nhìn cặp đùi trần nõn nà đang thuông thõng trên vạt cỏ. Đột nhiên, chị chỉ tay vào chỗ đùi non, hét lên “đỉa, con đỉa” , tôi giật mình và bước sát lại theo tay chị. Không phải con đỉa mà là một cái lá cỏ dính vào chỗ đùi non sát bẹn, tôi ngần ngại không dám chạm tay vào cái vùng nhạy cảm ấy của chị, thì chị đã dứt khoát giục “bắt đi!’’. Tôi ngập ngừng, run run rón rén đưa hai ngón tay tới chỗ cái lá cỏ thì nhanh như chớp, chị buông mấy bông hoa bồng bồng ra chộp chặt bàn tay tôi ghì miết xuống đùi non chị. Tôi giật thót người, tay run bắn lên, rút ra khỏi chị nhưng chị nắm chặt quá, siết chặt quá không thể nào gỡ ra khỏi tay chị được. Chẳng ai nói một tiếng nào. Mãi lúc sau người chị, tay chị rung nhẹ và, lúc ấy chị mới từ từ buông tay tôi ra, cái lá cỏ cũng tự rơi ra khỏi chỗ đùi non ngọc ngà của chị. Mọi việc trở lại bình thường, nhưng có điều từ cái giây phút nhìn nhầm con đỉa ấy về sau, tôi và chị ít nói hơn chỉ nhìn nhau vẻ ngượng ngùng nhưng hành động thì luôn quan tâm đến nhau nhiều hơn trước. Dẫu ngày nào cũng đi học ngồi cùng nhau nhưng chiều về mà không nhìn thấy nhau một lượt có thể ở xa xa cũng được là lại thấy có cái gì nhơ nhớ, thiêu thiếu và bâng khuâng mà ở cái tuổi mười sáu của tôi, tôi chẳng biết giải thích thế nào để tự mình hiểu được chính mình! Cũng từ độ ấy trở đi, trong tôi xuất hiện một thói mà tôi coi là thói xấu nhưng rất khó bỏ đi nổi, đó là tính ghen, tôi hay ghen bóng ghen gió, ghen vô cớ. Chẳng thế mà hôm chủ nhật sau đó người em họ ngoại chị ở làng bên nghỉ học đến chơi, cậu này nhiều hơn tuổi tôi, tôi đi qua nhìn thấy hai chị em cậu cứ chụm đầu vào nhau chả biết chơi trò gì, nhìn cảnh ấy tôi bực tức, điên tiết lắm rồi, chỉ muốn xông vào quại cho cậu ta vài quả! May mà đúng lúc ấy bu tôi đi chợ về qua bảo tôi về mặc thử tấm áo len xanh màu cổ vịt bu vừa mua ở cửa hàng hợp tác xem có vừa không? Vì trời cũng đã bắt đầu sang tiết mùa thu.


Những cơn gió heo may se lạnh tràn về khắp mọi nơi, gió thổi ràn rạt trên đồng, lúa nếp, lúa tám xoan, lúa dự hương… đang ôm đòng tỏa mùi thơm dìu dịu tràn ngập xóm làng. Đàn chim chèo bẻo từ phương bắc tránh rét bay về chao mồi đen khắp đồng làng, chúng chen chét gọi nhau inh ỏi. Mỗi năm thường thì cũng có một đợt sôi động như vậy, kéo dài vài ba ngày thôi nhưng cái dư vị của đông ken, của heo may thì không thể nào hết ngay đi được, nhất là ở cái tuổi mới lớn của tôi thì mùa thu chỉ tạo thêm vẻ bâng khuâng, man mác buồn thôi. Mặc dù vạn vật quanh tôi, mùa thu như đã tích góp đầy đủ dưỡng chất cho mình, cho nên tất cả đều khỏe khoắn và tươi đẹp hơn, nhất là con gái họ Nguyễn của tôi, chị em rất xứng với câu nói cửa miệng “dưa hấu Quài, khoai lang Bái, gái Nguyễn Gọc’’ mà khắp vùng truyền tụng nhau. Chả thế mà thời xưa họ tôi cũng đã có một người được vua chọn phù tá cho mỹ nữ đi cống ngoại, tôi thấy lo lo nếu thời nay mà còn tục đó không khéo người ta sẽ chọn cướp mất chị cũng nên! Trong xã có nhiều dòng họ, nhưng họ Nguyễn nhà tôi là có lâu đời nhất. Hình như đã có mặt ở đất này tới hai mươi đời, có từ ngày lập ấp dựng làng, cho nên cụ tổ họ tôi cũng là thành hoàng làng luôn. Tất cả ngót trăm hộ đều quần tụ nhau ở nửa đầu làng, nơi mà tiền bối cho là phát tích. Chả thế mà họ tôi tất cả các hộ đều có ruộng, có tài sản, có bát ăn bát để chẳng nhà nào lâm cảnh lam lũ quá, con em được học hành kha khá. Đội ngũ người đi cán bộ, đi thoát ly… cũng đông nhất vùng. Chính vì kinh tế, học vấn tàm tạm ấy, họ tôi nhất là con gái đều biết tự chăm sóc lấy sắc đẹp của mình vốn đã có dòng dõi lại càng xinh thêm. Chị không ngoài diện đó mà có phần nổi bật ít nhất là trong con mắt tôi!


Có những chuyện định không bao giờ nhắc lại, nhưng những làn gió heo may se lạnh vù vù qua tai, sự việc ấy cứ trỗi dậy, tôi không thể nào cưỡng lại được, nhất là tôi lại đang đứng ở ngay trên mảnh đất diễn ra nó – cái triền đê vắng vẻ xa ngoài làng cỏ vẫn ken dệt xanh rì như trải thảm. Có lẽ chỗ này, đúng hơn là đoạn này đây, tôi thường thả nghé và học bài cùng chị. Cái buổi chiều ấy cứ cho là buổi chiều định mệnh với tôi. Hai con nghé ung dung gặm cỏ, có lúc chúng hếch mõm cười. 


…Tôi vừa mở sách, đặt lên vạt cỏ, có con muỗm từ đâu bay đến đậu sát tôi, chị là người nhìn thấy trưc , từ phía trên triền cao, chị nhẩy nhoài vồ con muỗm, trượt cỏ, chị ngã lao trôi ập xuống, phản xạ tức thì, tôi đưa hai tay ra đỡ, đón lấy chị để khỏi bị đập đầu xuống đất. Đà trượt của chị được người tôi phanh lại ,chị nằm đè lên hai tay tôi , tôi gác nửa đầu lên vai chị. Trong chớp nhoáng, giữa bàng hoàng, tôi vẫn nhận được một tay mình bị bẹn chị đè lên, tay kia thì ngực chị đè lên chặt và nặng quá, cứng đờ.


Tôi hơi xấu hổ, định rút tay ra khỏi hai vùng chị đè nhưng vừa khẽ động chị đã kêu “á đau” tôi lại thôi. Mặt tôi thì áp lên gáy chị, tôi cố giữ cho hơi thở của mình khỏi hổn hển vì miệng, mũi tôi sát sạt vào tai vào má chị, chị cũng đang thở cái hơi thở không phải vì mệt nhọc, không phải vì sợ hãi, có cái gì đấy như xúc động, như tội lỗi… Đến cả tôi, tôi cũng chưa hiểu được, chỉ biết chị và tôi thở rất giống nhau. Cả hai cùng khẽ run run. Trên tay tôi, chị vẫn đè nặng, cái nặng ấy nó còn cách lần áo quần nhưng tôi vẫn cảm nhận được rất ấm áp và mềm mại. Chẳng phải theo ý một mình chị hay không nhưng tôi cũng chưa muốn rút tay ra, sợ chị đau thì sao? Im lặng trôi đi. Một lúc lâu sau cả hai đã hết run, chị chủ động ngồi dậy, khẽ bảo “không sao”, và thả con muỗm cho nó bật khỏi tay bay vào không gian lồng lộng gió heo may, bộ cánh màu hoa  sen hồng rẹt một đường rồi lẫn vào ruộng lúa xanh thắm đang ôm đòng bát ngát vươn dọc theo  triền đê về tận phía chân trời. Tôi và chị xao xuyến, đắm đuối nhìn theo mà không ai nói thêm một câu nào nữa.


Cũng từ dạo ấy, chị hay nói chuyện họ hàng với tôi, chị bảo chị và tôi, họ cũng đã sáu đời rồi đấy, chị nói hay là một đứa làm đơn xin ra họ đi! Luật pháp cho phép ngoài năm đời lấy nhau được mà. Tôi không dám nói một câu nào, chỉ tiếc tôi và chị lại không có một người nào ngoài dòng họ Nguyễn làng Gọc thế thôi! Những người cao tuổi vẫn truyền nhau lại rằng trong họ Nguyễn của tôi từ trước cũng đã có mấy đôi họ nội hàng chục đời trai gái phải lòng nhau nặng nợ lắm, chưa có đôi nào vượt qua cái tục lệ bất thành văn của riêng dòng họ này, cuối cùng chỉ biết đau khổ, rồi đi lấy vợ, lấy chồng ở dòng họ khác, có đôi thì hạnh phúc nhưng đa số thì cuộc sống gặp những rã rời, buồn tẻ lắm!


Thời gian đã trôi sang đôi năm mới nữa. Tôi không còn là một đứa con trai mười sáu tuổi, chiều nay tôi đã nhận được giấy báo nhập ngũ, sang đầu tháng sau là sẽ lên đường. Tôi thầm nghĩ, cuộc sống trong quân đội có thể chăng nó sẽ làm cho tôi quên đi những gì mà tuổi mười sáu… bắt gặp?

  

Tối thứ bảy, ngoài xã có đội chiếu phim về chiếu, tôi nhớ là bộ phim “Nàng công chúa cóc”, bộ phim này ở trường tôi và chị cũng đã xem  nên vừa chiếu hết một cuốn thì tôi bỏ bãi ra về, đến đầu làng, được một đoạn thì chị cũng đuổi theo kịp mặc dù tôi không gọi chị cùng về. Chị bảo phim chán. Hai chúng tôi đi trong bóng đêm lờ mờ, tới đoạn gần khóm dứa gai, trong tĩnh mịch, con chàn chạt ré lên mấy tiếng chói tai, chị vòng ra trước ôm choàng lấy tôi kêu “ma, ma!” cái phản xạ con trai tự nhiên mách tôi, tôi cũng ôm ghì lấy chị, chị ấm áp, mềm mại và thân thiết quá. Ngực chị ấp vào ngực tôi, khoảng cách chỉ là hai lần áo cho nên tiếng đập rộn ràng, đồng điệu của hai con tim mà mỗi chúng tôi nghe thấy rất rõ. Một lúc sau, tai tôi ướt nhòe nước mắt chị, chị ngao ngán khẽ khàng nói “vẫn chỉ trong khoảng sáu đời”. Như một điều biết trước, cái tục lệ luân thường của dòng họ Nguyễn nội tộc đã từ từ đẩy chị và tôi buông khỏi nhau. Tiếng con ‘ma chàn chạt’ cũng chìm và biến mất trong đêm …

               

Năm năm sau đơn vị tôi trở lại đóng quân ngay trong huyện nhà, năm ấy chị cũng học xong chương trình đại học ở nước ngoài, vừa về nước, tranh thủ ngày chủ nhật tôi không luyện tập, học hành gì, chị đạp chiếc mi-pha đến thăm. Chị chẳng khác xưa là mấy, nhìn từ xa tôi đã nhận ngay được chị. Chị lộng lẫy, hơi béo một chút, da trắng hơn, cộng với áo quần màu sắc nước ngoài chưa kịp đổi mốt Việt. Các đồng chí trong đơn vị nhìn thấy chị đều phải thừa nhận là chỉ sống ở Châu Âu mới trở thành nàng bạch tuyết được. Thần sắc chị thì vẫn thế, cái vẻ buồn buồn bây giờ trông rất thánh thiện và thanh tao hơn những người bạn học cùng trang lứa. Chị tặng tôi chiếc đồng hồ pôn-jốt đeo tay, vỏ và quai mạ kền sáng loáng rất giống chiếc chị đang đeo. Chị bảo hai cái liền số nhau, cùng seri năm sản xuất đấy. Tôi và chị chẳng nói được với nhau gì nhiều, chỉ lặng lẽ ngồi chậm rãi cho thời gian tiếp người quen trôi đi …


Một năm sau ngày gặp lại chị, tôi được chuyển ngành ra công tác ở cơ quan dân sự, cơ quan tôi làm việc rất đông con gái, công việc của tôi cũng thường tiếp xúc với con gái ngoài ngành, người nhà giục, bạn bè cũng nhắm giới thiệu cho tôi những cô gái để lập gia đình. Nhưng lần nào cũng vậy, hình ảnh chị cứ hiện về như hút mất hồn, làm nhòe mờ mỗi cô gái nào định cưới. Mặc dù chị không phải là người con gái đẹp nhất trong mắt tôi, nhưng đối với tôi không hiểu tại sao khi nghĩ đến chị thì tất cả các cô gái không còn hứng thú gì nữa. Như vậy thật khó đi đến hôn nhân. Cho nên bây giờ tôi vẫn là tôi, một mình !

                                            ***

Hôm nay nhà từ đường họ đã tu sửa hoàn tất. Bia đá ghi công đức, mặc dù không phải là người góp số tiền lớn nhất, theo ý đề nghị của tôi, ban xây dựng đã khắc tên chị ngay dòng đầu tiên mà phía sau chẳng một ai thắc mắc. Đội tế nữ đã xong, lễ thượng chuông hoàn tất, ông trưởng họ thắp hương và thỉnh một hồi chuông, ông khấn xin phép tổ tộc vừa xong thì xuất hiện một nhà sư nữ, người cao dong dỏng, đầu chít khăn, mặc quần áo tu hành màu cánh gián. Đám đông giãn ra nhường chỗ cho nhà sư vào. Sư thắp ba nén hương lên bát hương thờ tổ họ, lần lượt mỗi bát còn lại một nén; trong khói hương trầm thơm ấm cúng, nhà sư ngồi xếp bằng trên chiếu trải trước khám thờ bài vị thủy tổ tộc Nguyễn làng Gọc . Nhà sư chắp hai tay cúi rạp sát chiếu vái ba vái rồi lẩm rẩm khấn một hồi lâu. Xong bài khấn tổ tiên, nhà sư đứng dậy tiếp tục vái và đi giật lùi ra ngoài nhà tế, khi ra đến sân tôi mới nhận rõ nhà sư đúng là chị! Đúng chị thật rồi! Tôi muốn kêu “chị!” thật to để cả họ cùng nghe thấy nhưng cổ họng như có đá đè lấp kín, miệng đắng ngắt không sao cất nổi một lời. Tôi rẽ đám đông lách gạt mấy người ra, đến gần trước mặt chị. Mắt tôi bị nước phủ mờ đi, rất khó khăn, mãi sau tôi mới nghẹn ngào cất được hai tiếng “chị ạ ”. Chị ngẩng mặt nhìn tôi. Ôi, vẫn đôi mắt sáng trong vời vợi ấy có cái gì như ầng ậng ngấn lên muốn trào ra nhưng chủ của nó đã ngăn lại được. Nếu có cái khác chỉ là khác ở hôm nay thêm thăm thẳm, sâu kín đượm một nét buồn nhưng vẫn đầy vẻ đôn hậu không mảy may vẩn đục bụi trần! Tôi đưa hai tay ý cầu mong xin chị một cái bắt tay siết chặt để thỏa lòng mong đợi bao năm, cái đồng hồ pôn- jốt trên cổ tay tôi cũng rung rung như muốn nói biết bao điều mà chủ nó không thể nào nói ra hết được trong lúc này. Chị lặng lẽ không nói gì, trong giây phút hương khói sùng bái đang nghi ngút, chị đưa hai tay ra trước mặt chắp lại, tay áo người tu hành rộng lộ rõ chiếc đồng hồ pôn-jốt mạ kền vẫn còn đang chạy trên cổ tay chị. Chị - nhà sư chỉ nhìn tôi – xa xôi , đau đáu, thống thiết, bao dung. Cuối cùng chị chỉ hơi cúi đầu nhỏ nhẹ cất được hai tiếng “mô phật”. Rồi như có ai đuổi, mải móng đi như chạy ra ngõ để tới đường làng, nơi mà chiếc tắc xi đón chị đang chờ sẵn ở đó. Xe chạy, tôi và mọi người nhìn theo mà không một ai kịp hỏi một câu nay chị đang tu ở chùa nào? ...


                                                                                                                                                                                 

Nguyễn Đình Bầu

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.