- Truyện ngắn
Vượt cạn
Thứ năm - 06/02/2020 09:50
Xoan sắp xếp lại đống sách vở rồi lên giường nằm. Đồng hồ trên tường đã nhích sang con số 11 mà Dân vẫn chưa về. Cái bụng sắp đến ngày sinh làm chị trở mình thật khó khăn. Ngoài kia, gió lạnh rít từng cơn làm những tàu lá chuối xô vào nhau loạt xoạt, chị thấy lòng mình se thắt lại. Thương chồng những ngày cuối năm làm việc vất vả, ngày xuống công trường, tối về đi đánh máy thuê để tăng thêm thu nhập, chuẩn bị cho đứa con đầu lòng sắp ra đời. Đêm càng khuya, càng lạnh. Ngoài nhà, mẹ đã tắt ti-vi đi ngủ từ lâu. Không gian yên tĩnh, lâu lắm mới nghe thấy tiếng chó sủa vu vơ từ rất xa. Sốt ruột, chị trở dậy mở tủ mang túi đồ sơ sinh ra kiểm tra lại. Cũng chẳng còn nhớ đã bao nhiêu lần chị gấp lại túi đồ này: nào là tã lót, chăn màn, quần áo, tất mũ của con, của mẹ… Từ khi đi siêu âm, bác sĩ nói thai không xuôi làm chị lo lắng nhiều hơn. Ai cũng bảo phải hết sức cẩn thận. Nhưng tại sao phải "hết sức" thì chị cũng chẳng hình dung ra hết được bởi đây là lần đầu tiên chị được làm mẹ. Vừa mong con chào đời, vừa lo lắng không biết mình sẽ sinh nở ra sao. Tối nay, chị đã cố gắng làm cho xong sổ điểm, vào học bạ để ngày mai sơ kết học kỳ I. Chị định bụng sẽ bàn giao công việc sớm hơn để xuống bệnh viện trước mươi ngày để bác sĩ tiện theo dõi, nếu cần có thể mổ để an toàn cho mẹ và con. Xưa nay, mọi người vẫn hay nói phụ nữ mang thai 9 tháng 10 ngày, vậy thì ít nhất cũng phải còn nửa tháng nữa con chị mới chào đời. Nghĩ vậy, chị thấy yên tâm hơn và tắt điện đi ngủ. Chị vừa đặt lưng xuống thì nghe thấy tiếng lạch cạch mở cổng. Chị biết anh đã về. Chồng chị vẫn có thói quen - hễ đi làm về khuya là anh tắt xe máy từ ngoài xa để không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của mọi người. Chị trở dậy mở cửa cho chồng. Không khí lạnh ùa vào làm chị co rúm lại. Anh đẩy xe vào nhà, chốt cửa rồi vòng tay ôm lấy chị.
- Em đợi anh lâu quá phải không? Tối nay anh phải cố gắng đánh cho xong mấy tập tài liệu bên xây lắp I họ nhờ mấy ngày nay rồi.
- Em lo quá! Hàng tháng nay anh đều về khuya. Trời lạnh căm căm thế này, không khéo thì ốm mất.
- Anh ốm thế nào được. Thanh niên sức dài vai rộng, không lo được cuộc sống ổn định cho mẹ, cho em và cho con thì anh mới ốm nhé!
Nói rồi, anh nhẹ nhàng đặt tay lên bụng chị.
- Ngủ chưa con ? Dậy chào bố đi nào !
Hai anh chị cùng cười. Đứa bé trong bụng chẳng biết có nghe thấy gì không nhưng anh chị đều cảm nhận thấy rõ là nó đang động đậy…
*
* *
Đêm sâu thẳm, tĩnh lặng đến mênh mông. Chị nằm nghe tiếng thở đều đặn của chồng. Chị nhẩm tính, mỗi ngày anh chỉ được nghỉ bốn, năm tiếng là cùng. Chị thấy cay cay nơi sống mũi. Chị nặng nhọc trở mình, quay sang ôm lấy chồng. Những kỷ niệm thuở hai người yêu nhau lại ùa về với chị.
Anh là kỹ sư thủy lợi, còn chị mới được chuyển công tác về dạy học ở quê anh. Hai người quen nhau thật tình cờ trong đám cưới của một người bạn. Duyên phận đã gắn kết cuộc đời họ lại với nhau. Anh là người giản dị, từ cách ăn mặc, nói năng đến phong cách sống. Chị yêu anh cũng bởi cái sự giản dị ấy. Ngày yêu nhau, mặc dù từ nhà anh tới trường của chị cũng không xa là mấy nhưng mỗi tuần anh chị cũng chỉ gặp nhau một, hai lần là cùng. Ngoài thời gian đi làm anh còn theo học thêm lớp ngoại ngữ và tin học ban đêm. Anh bảo: nghề của anh là thế, chỉ có kiến thức học ở trường thôi thì chưa đủ, anh phải học thêm nhiều thì mới có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của công việc. Một lần đi chơi với nhau, anh nói với chị:
- Nhà anh nghèo. Bố mẹ anh sinh bốn mặt con nhưng giờ chỉ còn có hai. Chị gái anh đã đi lấy chồng và công tác ở xa, bố anh lại mất sớm nên nhà chỉ còn mình mẹ. Anh mong em về để sớm tối có mẹ, có con, anh đi làm cũng yên tâm hơn. Chẳng biết em có bằng lòng không?
Chị xúc động nắm chặt bàn tay thô ráp của anh. Gió thổi làm bay bay mái tóc dài của chị. Bóng những cây anh đào trong vườn thực nghiệm của trường đổ dài theo ánh sáng điện. Những luống bạc hà thẳng tắp, trăng trắng, bàng bạc dưới trời khuya. Chị khe khẽ trở mình. Xa xa có tiếng gà nhà ai đang gáy, tiếng gáy le te lẻ loi vừa vọt lên rồi lại chìm vào đêm sâu thẳm. Mệt quá, thỉnh thoảng chị thiếp đi rồi lại dậy ngay. Chị cảm thấy tâm trạng hôm nay thật khác lạ. Mọi ngày, cứ đặt lưng xuống một lát là chị ngủ ngay. Vậy mà hôm nay đã gần hết đêm rồi mà chị vẫn không tài nào ngủ được. Chị trở dậy, khẽ khàng nhích ra ngoài. Lúc trở vào, anh tỉnh dậy, hốt hoảng hỏi:
- Sao vậy em ?
- Em vừa ra ngoài một chút, không sao đâu, anh cứ ngủ đi.
Chị nằm xuống cố dỗ cho giấc ngủ mau đến nhưng không được. Có cái gì đó thật bồn chồn trong chị. Chị ấp tay lên bụng nghe sự động đậy của con. Mỗi lần thấy con động đậy, chị mừng lắm. Chị tự nhủ với lòng mình: từ khi mang bầu, thỉnh thoảng mình cũng thấy tâm trạng như vậy, chắc không sao đâu. Khoảng gần ba tuần nữa con mới đủ tháng, đủ ngày cơ mà… Nghĩ vậy, chị lại chìm vào giấc ngủ. Nhưng chẳng biết được bao lâu, cái âm i đau lại đánh thức chị dậy. Bên hàng xóm đã lanh canh tiếng xoong nồi, tiếng gầu múc nước va vào thành giếng kêu loảng xoảng. Chị lay anh dậy:
- Anh à, em thấy trong người lạ quá. Hay là….
Anh bật dậy.
- Em thấy sao? Đau phải không? Để anh gọi mẹ.
Anh hỏi dồn dập rồi chạy vụt ra ngoài. Mẹ đang vo gạo thổi cơm.
- Mẹ ơi ! Mẹ vào xem, nhà con nó làm sao ấy mẹ ạ !
Mẹ buông rá gạo, chạy vào hỏi:
- Con Xoan thế nào, trở dạ phải không ?
- Con cũng chẳng biết nữa. Cả đêm con không ngủ được, chỉ thấy ruột gan cồn cào rất khó tả.
- Thế có đau nhiều không? Mẹ lo lắng.
- Con có đau nhưng chỉ thoáng qua thôi.
- Tốt rồi ! Chắc chưa có vấn đề gì nghiêm trọng lắm đâu. Sinh con so bao giờ cũng khó hơn sinh con rạ. Nhưng sinh nở là việc hệ trọng, cẩn thận vẫn hơn. Dân, con đi chuẩn bị mọi thứ đi, mẹ nấu vội tí cơm cho con Xoan ăn rồi cả nhà xuống bệnh viện.
Quay sang con dâu, mẹ dặn:
- Con mặc thêm áo ấm vào, ngoài trời lạnh lắm !
Nói rồi, mẹ tất tả đi luôn. Xoan đứng dậy thu xếp đồ đạc cùng chồng.
- Em cứ thấy lo lo anh à.
- Có gì mà phải lo. Anh chấn tĩnh. Em cứ nghĩ nó bình thường là nó bình thường ngay. Ngày xưa á, bà ngoại anh sinh những 10 lần, bà nội sinh 7 lần có sao đâu. cả nhà cứ gọi là vui như Tết.
Chị cười…
Nhưng rồi cơn đau đến bất ngờ làm chị nhăn nhó. Chị bám lấy thành giường cắn chặt hàm răng, một tay ôm lấy bụng xuýt xoa.
- Đau quá ! Anh… gọi… mẹ !
Anh cố dìu cho chị đứng lên nhưng không kịp nữa rồi. Chị ngồi thụp xuống vũng nước ối chan hòa dưới chân.
- Mẹ ơi ! Anh gào lên. Mẹ anh chạy vào. Nhìn thấy cảnh tượng trước mắt bà la lên thất thanh:
- Ới bà con ơi ! Có ai sang giúp tôi !
- Dân, con phóng xe lên trạm xá mời ngay bác sĩ xuống đây, mau lên !
- Con đau quá !
- Để mẹ đỡ con lên giường. Cố gắng lê chứ, ai lại nằm đây.
Bà dùng hết sức đỡ con dậy. Chị cũng cố gắng để đứng lên nhưng những cơn đau liên tiếp lại kéo chị khuỵu xuống.
- Con chết mất. Mẹ ! Mẹ cứu con !
Tay chị ghì chặt lấy chân giường rồi rướn mình lên. Nửa người chị trườn cả vào trong gầm giường.
- Thế này không được rồi con ạ. Con phải cố lùi ra ngoài này chứ. Con chui vào đấy thì mẹ làm sao được. Cố lên con, có mẹ đây rồi, con không phải lo gì cả.
Lúc này, đằng sau nhà đã thậm thịch tiếng bước chân, mấy người hàng xóm chạy vào.
- Bà ơi, có việc gì thế ?
- Các bà, các thím sang giúp mẹ con cháu với.
Cô Ban đun cho chị ấm nước, thím Mai xem nhà ngoài còn cái chăn màn nào thì mang cả vào đây giúp chị, nhanh lên.
Vất vả lắm mẹ mới lôi được chị ra ngoài.
- Bây giờ thế này, con phải lấy hơi thật sâu rồi rặn thật mạnh nhé !
Đứa trẻ nghịch ngợm đã thò cái bàn chân bé tí ra ngoài. Mẹ nó oằn mình trong đau đớn.
- Đây rồi, cháu bà ra đây rồi ! Xoan, con cố lên. Thím Mai, thím giữ chặt tay phía bụng trên của cháu nhé !
- Con đau quá ! Mẹ ơi ! Hay tay chị cố với lên bấu chặt vào thành giường, người ướt đẫm mồ hôi. Mái tóc dài sổ tung, đẫm nước. Các mạch máu căng ra như sắp vỡ.
- Tốt lắm ! Cố lên con!
Đứa trẻ đã chui ra được đến hai vai.
Bà reo lên !
- Con gái! Con gái rồi !
- Gắng lên chút nữa đi con, sắp xong rồi. Thím Mai giữ chặt tay nhé. Con lấy hơi và rặn như lúc nãy đi. Không thể chậm trễ hơn được. Để lâu cháu rất dễ bị ngạt. Cố lên nào !
Chị dùng hết sức bình sinh gồng mình lên. Tất cả mọi người xung quanh như nín thở. Không gian đặc quánh lại. Lo lắng, hồi hộp, mong chờ…
Rồi cái gì đến, sẽ đến. Chị hét lên, tiếng hét vỡ òa trong tiếng khóc như xé vải của con.
Vừa lúc đó chiếc xe máy rồ ga phóng thẳng vào sân. Bác sĩ, y tá của Trạm y tế xã có mặt. Mọi người vội vã lao vào phòng sản phụ và thực hiện những công việc còn lại.
Dân hổn hển:
- Con gọi xe cấp cứu rồi !
15 phút sau, xe 05 tới đưa hai mẹ con chị về thẳng trung tâm y tế huyện.
*
* *
Tôi và chị của Dân nhận được điện và thu xếp về ngay.
Quanh giường bệnh, chừng 15 sinh viên đang quây quần nghe bác sĩ chuyên khoa giảng giải.
- Đây là một trường hợp hết sức đặc biệt, rất hiếm gặp. Những lần khám thai tại bệnh viện này đều cho thấy thai không xuôi, sả phụ lại sinh con lần đầu. Vậy mà chị lại vượt cạn ngay tại nhà của mình. Nhưng cũng rất may là được mẹ tròn con vuông. Song dù sao cũng rất cần phải được theo dõi chặt chẽ để đề phòng những biến chứng sau đẻ, nhất là khâu vệ sinh không được vô trùng.
Quay sang phía người bà đang ẵm cháu, bác sĩ giới thiệu:
- Đây chính là bà đỡ của sản phụ tại nhà.
Mọi người hết sức ngạc nhiên. Một sinh viên hỏi:
- Bà ơi, bà đã được học đỡ đẻ bao giờ chưa?
- Chưa, bà chưa một lần được học về đỡ đẻ. Trước đây khi còn công tác ở Viện kiểm sát huyện, cơ quan bà có chị đẻ khó, chồng lại đi bộ đội xa. Bà là người duy nhất được vào phòng hộ sinh và may mắn được chứng kiến toàn bộ ca sinh nở của chị ấy. Và hôm nay đến lượt con mình, bà không còn sự lựa chọn nào khác. Bà chợt nhớ lại các thao tác khi xưa các bác sĩ đã làm với chị bạn đồng nghiệp để đem vận dụng cứu con mình. Lúc đó tình thế cấp bách, bà cuống lên rồi nên cũng làm theo phản xạ nữa, chẳng biết có đúng không. Nhưng thật là may mắn, con dâu và cháu bà đã được an toàn.
- Qua ca sinh nở này, chúng ta thấy - Bác sĩ chuyên khoa nói với các học trò của mình: Việc bồi dưỡng kiến thức sơ cấp cứu ban đầu cho nhân dân là hết sức cần thiết. Nó không chỉ dừng lại ở các cán bộ y tế hay ở công tác chữ thập đỏ của các trường học mà chúng ta phải coi đây là một việc làm thường xuyên, liên tục, được tuyên truyền sâu rộng tới cả cộng đồng để mọi người dân đều có thể nắm được những kiến thức về sơ cấp cứu ban đầu.
Bác sĩ nhấn mạnh:
- Đối với trường hợp này, rất may là bà nội cháu đây đã được chứng kiến ca sinh nở của đồng nghiệp nên nắm được những thao tác cơ bản. Nếu không thì chẳng biết hậu quả sẽ xảy ra nghiêm trọng như thế nào.
*
* *
Đứa bé trong tay bà nội vẫn ngủ ngon lành. Thỉnh thoảng trong mơ, bé lại nhoẻn miệng cười thật tươi, chắc là bà Mụ dạy.
Ngoài kia, trời chiều đông nhẹ tênh. Nắng dịu dàng rải đều trên sân bệnh viện. Những tà áo trắng thấp thoáng, bay bay như những thiên thần…
09/01/2002
Bùi Thái Phúc