- Truyện ngắn
Nẻo khuất
Thứ năm - 19/03/2020 11:17
Truyện ngắn của KIM CHUÔNG
Khuya. Trà nhích lại gần tôi vì đêm thu bỗng trở lạnh. Có tới hàng chục năm xa, tôi và Trà mới gặp nhau trên mảnh đất làng mình. Vui quá, chúng tôi nằm bên nhau trong căn lều của “ông Phác vó bè” nghe ông kể về làng Râu, về những chuyện đầu cua, tai nheo, trên trời dưới biển.
- Ngủ đi - Lần thứ ba tôi giục Trà. Gần một giờ sáng rồi đấy.
- Lo gì. Mai ngủ bù cậu ạ.
Trà quay sang ông Phác:
- Nào, cụ “Khốt”. Kể nốt chuyện ông Nhếnh làng Râu cho chúng tôi nghe đi. Mai đãi cụ bữa gỏi với rượu Tây mệt nghỉ nhé.
- Thôi được - Tôi đồng ý đỡ lời bạn - Vậy cũng được.
- Ông Phác, kể đi nào. Kể chuyện ông Nhếnh đấy.
Bây giờ thì tôi và Trà đã nằm im. Đêm chỉ còn tiếng ông Phác rì rầm kể.
Ư. Ngày ấy. Đã cách đây xa lắm. Ông Nhếnh, ngay cái tên cũng đủ gợi cho mỗi người dân làng Râu này hình dung ra con người kỳ lạ ấy. Chưa đầy bốn mươi tuổi nhưng gương mặt ông Nhếnh lầm lì như tạc. Nhìn vào đấy, sự nặng nề đầy lên, giống như mảng tối loang ra, cơ hồ sắp sập xuống. Nhưng, giữa khoảng tối gan góc, đôi mắt ông lại như có tia lửa đốt lên. Ngày ấy, trẻ con sợ ông một vía. Chúng thường chạy ré khi thấy bóng ông xuất hiện. Người xóm Râu cũng thường mang ông ra doạ tụi trẻ. “Ông Nhếnh kia kìa. Nín đi. Tao gọi ông Kéng đến nhé. Mày chết. Ông Nhếnh đấy…”
Ông Nhếnh đội chiếc nón lá. Da đen suộm. Quanh năm bận chiếc quần đùi, chiếc áo nâu cũ rúc và ngang lưng bao giờ cũng thắt một sợi dây thừng. Ông Nhếnh già trước tuổi đã đành. Nhưng tâm tính ông còn già, nặng nề hơn thế. Bà Mẽ bảo: ‘Cả cuộc đời chồng mình không hề có tiếng nói. Không bao giờ ông bàn với bà một tiếng. Nói với ông điều gì, hỏi đến lần thứ ba ông mới khẽ nhếch mép: “U mày cứ làm đi. Tôi chả hiểu.” Mỗi lần phải trả lời như thế, mặt ông Nhếnh càng lạnh.
Ông Nhếnh ngại tiếp xúc. Ở những chỗ đông người, ông không bao giờ lui tới, tựa hồ thế giới ấy không phải của ông. Những việc bắt buộc phải có mặt như một năm đôi lần việc họ, giỗ chạp, bà Mẽ thường dỗ, nhưng ông Nhếnh vẫn lánh.
- Tôi chẳng đi.
- Sao lại không? Thầy đi kẻo họ chờ.
- Mình đi hộ tôi.
Bà Mẽ không dám giục và cũng chẳng biết rồi ông có đến hay không. Trong đám việc họ, khi các mâm vẫn còn chè chén, họ điểm tên để bàn tiếp chuyện dính líu đến việc phải đóng góp, hỏi đến ông Nhếnh đã chẳng thấy đâu. Họ bảo nhau:
- Ông Nhếnh đã có mặt chưa ?
- Đã. Ăn uống xong, đi rồi. Mà, ngồi phía sau ông đó thôi.
- Sao kín tiếng thế. Đi, ở chẳng ai biết.
- Thế đấy. Nhiều lúc nhắc đến tên đã thấy lão lừng lững ở bên. Sợ thật.
Chồng là vậy nên mọi việc trong gia đình bà Mẽ phải gánh. Từ việc lên xã xin cho con cái chứng chỉ khai sinh, gặp ông trưởng xóm hỏi về chuyện ruộng đất, hay sang tận xã bên thưa chuyện với cụ đồ xin cho con trai theo học kiếm chút chữ Nho… Tất thảy việc ấy đều đến tay bà Mẽ. Chịu mọi sự phó thác của chồng nhưng bà Mẽ không dám khinh ông. Bà nhận thấy một cái gì sâu nặng, ghê gớm hơn những gì nói ra, dấu trong cuộc đời khổ hạnh của ông.
Nhiều lúc nhà có công việc, bà con xóm giềng đến chơi, bà Mẽ gọi ông vào đàm luận. Ông ngồi xuống góc giường không hề nói một tiếng. Ông lấy làm khổ sở khi phải nghe họ nói những từ bóng gió, những giai thoại, sự tích đẩu đâu. Họ ví von rồi lấy làm khoái chí cười rộ lên. Ông Nhếnh nhích người rồi lại ngồi như tảng đá.Ông chẳng biết họ đã bàn xong chưa ? Ông đi có được không? Còn gì cần đến ông nữa? Cuối cùng, ông cứ để mình lạc trong tiếng cười nói xa lạ, lạc lõng. Biết được tâm trạng chồng, lúc này, bà Mẽ chợt nhớ ra, nhẹ nhàng đến bên ông, vẻ âu yếm:
- Thầy em có mệt thì đi nghỉ trước.
Ông Nhếnh chậm chạp đứng lên. Bóng ông lẫn vào bóng đêm của căn buồng bên cạnh.
Quanh năm ông Nhếnh mò mẫm ở cánh bãi. “Có lẽ, ma đồng Rộc nó đày ông Nhếnh rồi.” Bà Mẽ bảo chồng thế.
Hôm nào cũng vậy, khi trời tối nhọ mặt, buông vội bát cơm, ông Nhếnh lại ra đi. Vẫn cái nón lá đội đầu, chiếc quần đùi và đoạn rợ thắt ngang lưng. Trên vai quẩy một túm rọ, chiếc gậy tre cầm tay làm gậy chống, ông Kéng lầm lũi như bóng ma đi khắp xứ đồng. Ông lội xuống đầm, gạt bùn cắm chiếc rọ lươn. Ông thọc tay móc đất cơi bờ đặt rọ tép… Sương đêm, gió đồng và cái yên tĩnh trong đêm dài làm ông mát rượi, tỉnh táo. Ông ngồi một mình trên mô đất, vui với tiếng cá đớp ròn đều. Ông hứng thú với một cánh cào cào đang dãy mình trong bụi cỏ. Ông se sẽ ngân lên một câu gì theo gợn nước lấp loáng, oà oạp. Ông chẳng muốn lúc này lại chui vào xóm nhỏ và ngủ thiếp đi. Hình như những đêm như thế này, ông Nhếnh bỗng tinh nhanh, hoạt bát lạ thường. Thế giới sương sa, khuya khoắt là đời sống yêu say, hoà nhập của ông.
Nhưng cái say mê của ông Nhếnh làm bà Mẽ thương chồng đến xót lòng. Nhiều đêm mưa lâm râm, đường ướt nhẫy, gió rét tê tái, ông Nhếnh vẫn đội nón, khoác áo ra đi. Bà Mẽ ngồi trong ổ rơm, tựa lưng vào tường, mặt gục xuống đầu gối, bà thương ông, chờ ông ở đồng về. Ngồi đếm từng giọt mưa rơi tí tách ngoài hiên, bà mong ông trong từng tiếng gió. Đêm khuya. Ông Nhếnh vẫn mất hút. Mệt quá, bà Mẽ ngủ thiếp đi. Bỗng một cơn gió mạnh làm bà sực tỉnh. Bà sợ hãi gọi:
- Ông Nhếnh. Ông Nhếnh đã về chưa ?
Gian nhà im ắng. Bóng đêm đông đặc vây lấy hai mắt. Bà Mẽ gọi lần nữa rồi tung chiếu chạy vào căn buồng lạnh lẽo. Mặt chiếu giá buốt. Bà Mẽ như chạm phải cái rét đang đông lại trên từng sợi cói mỏng manh. Bà than vãn: “Khổ. Đày đọa sương sa mãi, đến đổ mất”.
Lần nữa, bà Mẽ lại vào giường chịu từng cơn dày vò nát ruột. Mệt, bà lại ngủ. Rồi bà choàng dậy. Nhưng lần này, có lẽ khuya lắm. Một cảm giác làm bà tỉnh táo, vui hẳn lên. “Ông ấy đã về”. Bà rón rén bước tới căn buồng và đứng nghe tiếng ngáy đều đều, quen thuộc của ông Nhếnh.
Một lúc, bà Mẽ trở lại giường, chợp mắt ngủ tiếp. Một canh gà lạnh lẽo vẳng lên. Bà Mẽ trở dậy. Trời vẫn mưa. Gió hun hút lạnh. Ông Nhếnh đã đi tự lúc nào. Thế là, suốt đêm trời thao thức. Bà Mẽ nhìn qua màn đêm dày đặc cơn mưa. Phía ấy là cánh đồng mênh mông, lạnh giá. Bà hình dung ra ông Nhếnh, vẫn cái nón lá đội đầu, tay chống chiếc gậy tre. Bóng ông đang tan nhoà trong từng giọt mưa xót xa, lạnh giá.
“Đời ông Nhếnh rơi trong đầm lầy và chìm trong đêm dài của bãi Dạt rồi”. Dân xóm Râu nói câu ấy với lòng thương cảm của những người cùng khổ.
Quả thực vậy. Những ngày loạn lạc, giặc tràn về bãi Râu cắm bốt, xóm làng dắt trâu, gánh thóc, bồng bế con cái đi tản cư. Làng Râu tiêu điều, xơ xác. Trong làng, ngoài đồng vắng tanh không một bóng người. Ông Nhếnh vẫn một mình nằm lại. Ban ngày, ông chui vào bụi cây ở ngôi chùa đầu làng, ban đêm ông đi giữa cánh đồng hoang vắng. Có bận, giặc càn, o ép mạnh, ông Nhếnh phải nằm ở bờ lúa ba bốn ngày liền. Ông chẳng sợ. Mặc tiếng đại bác từ cửa sông câu về, mặc tiếng đạn chí chát, khô khốc thỉnh thoảng xé ngang tai, ông Nhếnh vẫn lẻ loi như con còng đào lỗ trên bãi vắng.
Ở nơi tản cư, một hôm, bà Mẽ sửng sốt nghe người làng báo tin.
- Ông Nhếnh bị trúng đạn, chết rồi.
- Thật thế à ? – Bà Mẽ oà lên khóc. Người báo tin cũng tỏ vẻ đau lòng.
- Nghe đâu chết ngay tại bờ ruộng thím ạ. Hôn qua, giặc càn Râu một trận dữ lắm.
Một người đứng ngoài chêm vào, giọng thảm thiết. Bà Mẽ thét lên, hai hàng nước mắt dàn dụa. Vội gửi con ở lại nơi tản cư, bà Mẽ bước thấp, bước cao chạy tắt cánh đồng vượt qua năm cây số về làng. Bấy giờ, trời tối mịt. Lúa đồng đang độ vào đòng. Tiếng ếch nhái, con trùng kêu ra rả. Trời như sắp đổ xuống cơn mưa. Phận gái, đêm trường nhưng bà Mẽ chẳng còn biết sợ. Vừa đến đầu làng, bà Mẽ thấy đám cháy bùng lên trước mặt. Tiếng moóc chê như chụp xuống đầu bà. Biết tìm ai, hỏi ai, bà Mẽ cắm đầu lao thẳng vào nhà mình. Cát tiếng gọi, không có ai trả lời. Bà ở cửa, sục sạo trong nhà như bới tìm vật gì. Chẳng thấy ông Nhếnh. Ông Nhếnh mất thật rồi.
Gian nhà lạnh lẽo, mùi hôi mốc của giường chiếu, nền đất ắng người làm bà Mẽ rùng rợn. Không khóc nổi, ruột cháy lên điên dại, bà Mẽ chạy ra phía cánh đồng. Bà gào lên. Tiếng bà làm cánh bãi hoang vắng bỗng rùng mình.
Tiếng bà như đập vào bờ đê, chân làng, ngọn cỏ và cả màn đêm cũng vỡ ra, chao đảo. Tóc bà xoã ra, rối tung như một con điên. Quần áo lấm bùn. Khuy cúc đứt tự lúc nào, tà áo cộn lên, dải yếm chùng xuống tận ngực. “”Thế là ông Kéng đã chết”. Bà Mẽ ôm lấy ngực bải hoải, gục xuống mô đất. Bà thấy mình đã đứt hơi, cổ họng khô cháy không còn tiếng nói.
Ngay lúc ấy có cánh tay đỡ bà Mẽ dậy. Bà lờ đờ mở mắt. “Trời.” Bà không kêu nổi. Ông Nhếnh hiện ra trước mặt bà như giấc chiêm bao. Bóng ông tối đen như một ụ đất. Ông đứng im. Bà níu vai ông rũ xuống như chiếc địu khoác. Tiếng bà Mẽ thì thào, đứt đoạn:
- Khổ lắm. Tôi thương nhà. Tạm bỏ làng lánh đi đã. Giữ lấy cái thân cho mẹ con tôi yên dạ - Giọng bà tỉnh lại, vui hơn – Khổ. Họ đồn ông bị đạn. Ông ẩn đâu ? Sao không thưa một tiếng ? Để tôi kêu như kêu hồn vía mãi .
Ông Nhếnh vẫn trầm lặng. Ông áp mặt lên mái tóc của bà như muốn vùi mình vào mùi mồ hôi nồng nàn, quen thuộc. Ông đưa bàn tay to sù mân mê chiếc xương gầy khô trên vai vợ. Ông nhớ tới ngày nảo ngày nào, khi âu yếm, ông cũng sờ lên đôi vai ấy. Đôi vai mỡ màng, tròn lẳn. Dào ơi, cái cô Mẽ ngày xưa…
Ông Nhếnh xúc động, giọng rù rì:
- Dạo này mình gầy đi nhiều đấy. Mà thôi. Mặc tôi. Đi tản cư đi…
- Thầy em cũng đừng ở lại làng một mình. Tội nghiệp lắm.
- Tội nghiệp. Tôi chịu được. Chỉ có con tép, con don nuôi mình. Bỏ sao được… Thôi, mình về đi.
Ông Nhếnh lần tay vào người tìm chiếc túi áo khâu tận bên nách, ông dúi vào tay vợ dăm ba đồng vừa mới kiếm được. Ông giục vợ về và nhất định ở lại sống chết với đất làng.
Trong những ngày giặc dã, một mình ở lại bãi Râu, đời ông Nhếnh xảy ra một chuyện mà sau này có người đã gọi đấy là một bi kịch đẹp.
Số là, vào một đêm, trong túp lều được khum lên bằng những mô rạ, khi đang tựa cằm vào đầu gối thiu thiu ngủ, ông Nhếnh bỗng thấy mình đổ rầm xuống đất. Một bóng đen lao tới đè chặt lên ông. “Trò ma quỷ gì thế? Trời ơi. Xéo. Cút xéo ngay”.
Ông Nhếnh luôn mồm chửi. Nhưng lạ chưa. Đâu phải chuyện ma quỷ. Hàng trăm đêm sống với gió mưa, khuya khoắt, ông Nhếnh biết sợ gì? Vậy mà, giờ đây người ông run lên kinh hãi. Trong đêm tối, một cô gái ướt sũng đổ sập xuống túp lều, hai hàm răng gõ vào nhau lập cập. “Cô là ai ? Từ đâu tới ? Bị trúng đạn hay cô bị đắm đò ?”
Nhìn cái bóng ướt sũng, tóc rũ rượi, ông Nhếnh thổi chiếc bùi nhùi rơm cho lửa hồng lên rồi huơ quanh người cô gái. Một gương mặt đầy, tím tái, tuổi trạc ba mươi. Bỏ lều đi? Hay ném cô vào xó xỉnh nào? Chẳng biết phải làm gì, ông Nhếnh loay hoay huơ từng vòng lửa lên người rồi lấy rơm khô đắp lên bàn chân giá buốt của cô. Rất lâu, ông Kéng chỉ có một bài như thế với cái bóng ma trong đêm đang gieo cho ông tai hoạ.
- Em nhờ ông một chút – Tiếng cô gái bỗng cất lên yếu ớt rồi cô lại cuộn mình run lên như đang sốt.
- Cô là ai ? Sao lại chui vào đây? Cô là ai cơ chứ ?
Ông Nhếnh hỏi liên tục, nhưng mãi lâu cô gái mới mở miệng.
- Em bỏ nhà… Bỏ chồng… Em người làng Mét bên kia sông mà.
Cô gái lại nằm im như chết. Khi ông Nhếnh đưa bàn tay to bè ấp lên trán, cô gái bỗng rên lên nài nỉ:
- Lạnh quá. Em chết mất. Cho em mượn chiếc áo khô.
- Áo nào ?
- Trong gói áo mưa này này.
Mắt cô gái vẫn nhắm nghiền, tay vỗ vào cái gói đang đè chặt ở một bên vai.
Lọ mọ trong đêm, ông Nhếnh đã lần được chiếc áo còn khô đựng trong chiếc gói.
- Thay giúp em đi… Cô gái giục ông Nhếnh đến ba bốn lượt.
- Không… Dậy mà làm…Trò ma mãnh.
Cô gái vẫn nằm rên. Ông Nhếnh cũng thi gan với mảng đen cứ nằm im trước mặt.
Chẳng hiểu vì tiếng rên làm ông vừa lo sợ, vừa thương cảm hay thời gian chông chênh, tĩnh mịch đang lặng trôi trong túp lều chỉ có hai người trần trụi mà ông Nhếnh đã rơi vào trạng thái u mê? Tự lúc nào ông đã tự tay lọt tấm áo ướt, mặc cho cô gái chiếc áo ấm lên người trước sự sai khiến của ma lực nào đó.
- Thay cả cho em đi. Còn chiếc quần trong gói.
Ông Nhếnh ngần ngừ nhưng rồi cũng đã làm việc ấy. Trong bóng đêm, mắt ông tránh nhìn vào những nơi dễ gây nên nguy hiểm cho trái tim thật thà , đơn giản như củ khoai, hòn đất của ông. Nhưng kìa, một nửa người trắng ngộn, với hai cặp giò đầy chắc của cô gái cứ chập chờn đùa bỡn…
Bây giờ, ông Nhếnh nghe trống ngực mình đập thật huyên náo. Không gian căng lên, chao đảo. Tiếng cô gái yếu ớt nhưng bất thần bàn tay cô đã giữ chặt lấy ông Nhếnh, kéo ông áp sát ngực mình. “Trời, ấm quá. Ôm chặt em chút nữa. Em không làm hại ông đâu. Đừng sợ…Đừng sợ…”
Đêm mông lung. Tiếng gió khi gần, khi xa vợi. Ông Nhếnh vẫn thấy rì rầm bên tai mình tiếng cô gái như ru, như gọi:
- Em thề. Em không phải người xấu. Trước sau em cũng bỏ chồng, bỏ làng đi rồi. Thương em đi! Ông…
Chẳng còn nhớ những gì đã dồn xô trong dòng chảy ấy, giây phút kinh hoàng thứ hai bị vùi sâu mà ông Nhếnh cũng không kịp hiểu. Trong túp lều khuya khoắt, hai cái bóng bỗng bện vào nhau, tan ra trong bàn tay đặt bày, dẫn dắt của ông trời. Đêm nay, trong hằng hà sa số những sinh linh đang đi trên trái đất, hai thân phận dạt trôi, hai mảnh âm dương đã tìm bắt được nhau, tự bộc lộ sự quyết liệt trong cơn khát như lẽ thường mà ông trời vốn sinh ra nó.
Bỗng ông Nhếnh choàng tỉnh như vừa bị văng ra khỏi vũ trụ, trở về với đầm Râu, quen thuộc ngàn năm. Ông kinh sợ, vội bỏ túp lều, bỏ cô gái chui vào bụi lau bên bờ mương, ngồi lì ở đó đến sáu bảy ngày. Vắng ông, dân làng rộ lên cái tin. “Ông Nhếnh bị giặc bắt tống giam ở nhà tù nào rồi”. Mãi lúc bà Mẽ tìm thấy chồng như ụ dất bên bờ vắng, thì mắt ông đờ dại, giọng cáu kỉnh:
- Tôi chết ở đây. Tôi không thể về. Bà đi đi…
Lần ấy, ông Nhếnh cứ lảng vảng trên cánh đồng. Có tới hơn một năm sau, kể từ buổi xảy ra cái đêm ở túp lều với cô gái chưa hề biết mặt, ông Nhếnh quyết định trốn biệt. Nghe đâu, cô gái ấy quay về tìm ông. Cô muốn dò xem mặt người mà ông trời giàu khả năng sáng tạo đã buộc vào duyên phận cô, đêm bỏ chồng, bỏ làng một sợi tơ như thế. Cô gái khá xinh đẹp. Đêm ấy, một hạt lép vô tình rơi vãi. Vậy mà, cô đã mang thai. Dân làng Râu hết lời khen và đồn rằng: “Ông Nhếnh là loại mèo mù vớ cá rán. Cô gái sẽ đón ông về tỉnh. Đời ông sẽ lột xác. Đứa bé đẻ ra khôi ngô, khác lạ lắm.
Những trận cuồng phong bất thường dễ đẻ ra sản phẩm diệu kỳ là vậy. Nhưng nghe đâu, đứa bé cao số ấy đã chui nhầm cửa, không phải dành cho nó nên đã chịu mệnh yểu. Cô gái lập tức quay gót trở về tỉnh khi biết rõ tông tích ông Nhếnh là gì.”
Biết chuyện này, ông Nhếnh như trời tan, đất sụp. Ông nói như trong mê. “Không phải lỗi tại tôi. Nó là ma, là quỷ thì phải. Sao cái đó lại đổ vào đầu tôi? Của tôi là túp lều làng Râu với đêm đêm vó chũm này này. Đất trời nào lạ thế? Của ai đó chứ. Sao lại buộc tôi vào chỗ khỉ gió chết tiệt nào không phải của tôi vậy. Tôi không thể. Tôi thà chết …”
Sau chuyện này, ông Nhếnh bỏ nhà lang bạt ngoài đầm như ma bắt. Khi thuyết phục được ông về nhà, ông Nhếnh bỗng ốm nặng. Dầu dãi gió sương nhiều, cơn sốt vật ông không dậy được. Vốn là người gan góc, ông Nhếnh không kêu một nửa lời. Ông nằm miết xuống giường, mắt nhắm nghiền. Khi bà Mẽ ngồi xuống bên cạnh, sẽ đưa tay sờ lên vầng trán, ông Nhếnh mới từ từ mở mắt. Lúc này, đôi mắt ông tròn to, trắng dã, những tia máu hằn lên như vừa đi qua một giấc ngủ nhọc nhằn.
Bà Mẽ dỗ chồng: - Thầy em ăn cháo nhé. Ông Nhếnh lắc đầu.
- Thầy em ăn bát canh cua, bánh đa, tôi nấu. Ông Nhếnh vẫn lắc.
- Tôi cắt chén thuốc thầy em uống cho đỡ.
- Lấy tiền đâu ra ?
- Tôi vay cậu Nhống…
- Đừng. Đừng vay ai. Tôi không uống.
Giọng ông Nhếnh bỗng khỏe khoắn như căn bệnh đã tan đi. Ông Nhếnh không có quyền được hưởng thụ, không có quyền để bất cứ ai đau khổ về mình. Cái kinh sợ ấy, với ông, bỗng hoá thành sức mạnh đẩy ông vượt lên.
Ông Nhếnh ngồi bật dậy giữ chặt lấy cổ tay bà Mẽ
- Đừng vay ai. Đừng thuốc men gì nhé. Vài hôm nữa khoẻ. Ư. Tôi lại đi làm thôi mà.
Vài hôm sau, biết vợ thương mình đã tìm đến cụ lang An Bồ bốc thuốc, sợ quá, ông Nhếnh vùng dậy vác rọ ra đi. Ông phải tung hoành trên cánh đầm lạnh lùng, hoang vắng như ông đã từng sống và từng huởng trong cái có của đời ông. Thuốc men ư? Tổn phí lắm. Xa lạ với ông lắm. Cái đó không phải là niềm vui. Đừng bắt ông phải chịu tội này.
Khi cắt được chén thuốc mang về, biết chồng đã trốn, bà Mẽ lồng lên, sục hỏi khắp đầu làng, cuối xóm. Mãi sẩm tối, bỗng dưng ông Nhếnh lóp ngóp lần về. Nhìn ông đôi mắt lõm trắng, cặp môi thâm tím, run rẩy, bà Mẽ đón lấy gánh rọ trên vai rồi đỡ ông vào nhà. Bà khóc nấc lên, nước mắt chảy đầm mặt.
- Tôi giết ông Nhếnh rồi. Giá đừng đi cắt thuốc, có lẽ ông Nhếnh chưa chịu đổ.
Con người và cuộc đời ông Nhếnh cứ diễn ra như thế cho đến phút tắt thở. Đêm ấy, biết không thể sống, khi vợ con ngồi phục bên mình, phút cuối cùng, ông Nhếnh mới dặn:
- Thầy khổ là thế. Vì con tép, con don làm sao nuôi nổi đời người. Thầy chịu đựng, ki cóp. Thầy mong mỏi và tin, rồi các con sẽ khấm khá hơn. Người sáng dạ, giỏi giang, họ để lại cho con cái những gì? Thầy tối óc, vụng về… Nhưng đấy là niềm vui, là mồ hôi, nuớc mắt của thầy. Kia kìa. Mẹ, các con hãy nhận lấy, lo liệu, tha thứ cho thầy …
Ông Nhếnh chỉ tay vào cây cột góc nhà và khẽ hắt lên hơi thở. Ông đã mất. Hình như, cả đời ông Nhếnh bây giờ mới cất lên tiếng nói và ông chỉ nói có ngần ấy tiếng. Những tiếng nói mà ông đã thực sự đổi bằng cả đời mình. Những tiếng nói cho đến phút cuối cùng mới đủ ngữ ngôn để ông dám cất lên.
Theo lời trăng trối, bà Mẽ vào góc nhà, lôi ra từ trong cây cột gần ba nghìn đồng thời ấy mà ông Nhếnh đã bao ngày ki cóp. Bà giật mình đau xót. Nhìn ông Nhếnh nằm đó, nhìn những đồng tiền mỏng manh, nhàu nát, bà Mẽ gào lên: “Giời ơi. Đây là những mảnh đời của chồng tôi dứt ra, rụng rơi khắp chân đê, bờ ruộng, đầm lầy của cánh đầm làng Dạt. Đấy là những giọt mồ hôi, nước mắt, những mảnh đêm sương sa, gió rét … Những lần ốm gần đất, xa trời không dám dứt ra lấy một đồng trinh uống thuốc. Giời ơi, ông Nhếnh ơi. Cuộc đời là gì vậy?” Bà Mẽ nghèo nhưng đâu cần thứ ấy? Bà thương yêu, một đời chung sống với ông nhưng làm sao hiểu hết. Thì ra, đây là một cuộc chơi, một kiểu chơi riêng biệt của ông, của một thân phận người có mặt trên cõi thế. Người giàu tiền của họ chơi tường hoa, sân gạch, chơi mua quan, bán tước, chơi cờ bạc, rượu chè… Còn ông, cả đời nhịn đói, nhịn khát, thắt lưng, buộc bụng, ông là người thích chơi bằng mồ hôi, nước mắt, bằng sự gian lao, vất vả của đời mình …
Câu chuyện về cuộc đời ông Nhếnh mà ông Phác đang kể trong đêm vó bè làm tôi và Trà lặng đi. Hai chúng tôi đều xuýt xoa. Có lẽ, không phải vì đêm lạnh. Đấy là nỗi đời, thân phận của một người đi trên đất làng, trên cõi đời này lắng thấm vào tôi.
- Chuyện cũ lắm rồi - Ông Phác nói - Ở làng Râu này ai chả biết và kể về ông Nhếnh.
- Ư. Phải đến ba bốn mươi năm rồi “cụ Khốt” nhỉ ?
Trà rì rầm chêm vào.
- Một kiểu người … Giời ơi. Là thế… Là thế…
- Mà thôi. Muộn lắm rồi, “tướng ạ” - Ông Phác giục - Ngủ đi. Định ăn vạ, nuốt lời hẹn ngày mai hả ?
Đêm thu. Tiếng ông Phác se sẽ ngáy. Trong gió lạnh, hình như tôi và Trà vẫn nằm im thao thức. Lại một canh gà bất chợt vọng lên.
Làng Thắng, Thu – 2009
Kim Chuông