- Văn học dân gian
Tìm hiểu thành ngữ: Tẩu mã khán sơn
Chủ nhật - 17/11/2019 09:20
Tẩu mã khán sơn là câu thành ngữ tiếng Triều - Hàn/Hán (주마간산 /走馬看山 - Tẩu mã khán sơn). Ở đây, tẩu - đi, mã - ngựa, khán - xem, sơn - núi. Ta cứ nôm na tẩu mã là cưỡi ngựa cho dễ.
Xem núi là xem cái to, nhiều. Muốn xem cái to và nhiều thì không thể xem kỹ, mỗi thứ chỉ liếc qua, chẳng bắt được hình, không lưu được dáng. Vậy nên, nói tẩu mã khán sơn là ám chỉ việc xem qua loa, xem lấy lệ.
Đọc đến đây, chắc hẳn mọi người cho rằng nó giống câu "cưỡi ngựa xem hoa" (주마간화 - 走馬看花 - tẩu mã khán hoa). Nhưng đây cũng là câu bà con ta dùng nhầm nghĩa.
Thời Đường có thi nhân Mạnh Giao (맹교-孟郊), 3 lần lên Tràng An thi mới đỗ. Sau khi đỗ xong thì phấn khởi quá, làm bài Đăng khoa hậu (登科後 - 등과후):
昔日齷齪不足誇(석일악착부족과 - Tích nhật ác xúc bất túc khoa)
今朝放蕩思無涯(금조방탕사무애 - Kim triêu phóng đãng tứ vô nhai)
春風得意馬蹄疾(춘풍득의마제질 - Xuân phong đắc ý mã đề tật)
一日看盡長安花(일일간진장안화 - Nhất nhật khán tận Tràng An hoa)
Dịch nghĩa:
Ngày trước thiếu thốn cay đắng đủ đường
Sáng nay ưu phiền, tâm tư tan biến hết
Đắc ý quá, cưỡi ngựa rong chơi trong gió xuân
Trong một ngày, xem hết cảnh phồn hoa của Tràng An.
Câu "Tẩu mã khán hoa" (cưỡi ngựa xem hoa) chính là từ bài thơ này ra. Nó không tả về sự xem thoảng qua, mà tả về cuộc sống phong lưu thanh nhã của nhà có điều kiện. Bài thơ này cũng là gốc tích của câu "Xuân phong đắc ý" (春风得意 - 춘풍득의).
Hiện nay, Triều/Hàn vẫn dùng cả 2 câu "tẩu mã khán sơn" và " tẩu mã khán hoa" chỉ sự nhìn ngắm thoảng qua lấy lệ và dùng "tẩu mã khán sơn" nhiều hơn. Riêng bên Việt Nam thì chúng tôi chưa thấy ai nói, viết câu "tẩu mã khán sơn" hay "cưỡi ngựa ngắm núi" bao giờ.