- Góc chia sẻ
Tây Tạng huyền bí: Phép chuyển di tư tưởng
Thứ sáu - 10/04/2020 08:40
Do địa hình dốc đá và khí hậu nghiệt ngã, việc di chuyển từ nơi này đến nơi khác trên cao nguyên Tây Tạng là vô cùng khó khăn. Hơn nữa, các vị đại sư lại thường không ở một nơi nào cố định. Họ đi lại hành pháp từ chùa này sang chùa khác và mỗi năm lại nhập thất 3 tháng 3 tuần và 3 ngày, và dĩ nhiên những lúc như vậy họ không thể mang theo đệ tử để dạy pháp được. Thông tin hữu tuyến không có, và vô tuyến lại càng không. Trong hoàn cảnh như vậy, thì các đại sư và đệ tử liên hệ với nhau như thế nào? Làm sao mà có thể chuyển tải thông tin một cách nhanh chóng mà an toàn như thế? Câu trả lời là, họ dùng một phương pháp gọi là phép chuyển di tư tưởng.
Phép chuyển di tư tưởng là một phép mà ta có thể luyện được. Khi luyện được phép này, tuy hai hoặc nhiều người ở cách xa mà vẫn có thể trao đổi ý kiến với nhau vượt qua cả không gian. Trong thực tế, giữa tôn sư và đệ tử tuy có tình nghĩa hộ trợ và kính yêu rất khăng khít, song chẳng mấy khi được gần nhau. Tuy chẳng gần nhau, nhưng cũng chẳng thể nói là xa nhau, vì các ngài thường vẫn bàn luận, hỏi han nhau bằng phép chuyển di tư tưởng. Lúc nào cần lắm, năm ba tháng hoặc một đôi năm, thầy trò mới đến gặp nhau, chính là khi vị thầy muốn biết xem đệ tử đã tiến bộ đến đâu, hoặc cần gặp mặt để truyền dạy thêm pháp môn nào khác nữa.
Phép chuyển di tư tưởng cũng tương tự như cách truyền thông bằng vô tuyến mà ngày nay ta vẫn thường dùng. Nhờ có phương tiện máy móc hiện đại, người nói ở một nơi, người nghe ở một nẻo, mà vẫn nhận hiểu nhau rất dễ dàng. Nhưng ở miền núi tuyết, các vị tu hành không dùng phương tiện máy móc như thế, mà dùng sự tập trung tư tưởng để hỏi han nhau. Có điều khác là, qua nói chuyện vô tuyến, cùng lắm thì hai bên cũng chỉ hiểu nhau qua lời nói, còn với các bậc chân tu thì hai bên còn chuyển đạt cho nhau cả lời nói và tư tưởng nữa.
Phép chuyển di tư tưởng chẳng phải là mới đây. Từ xưa đến nay các nhà tu hành đều thường dùng. Như hồi đức Phật còn tại thế, những ai hoạn nạn, nguy khốn, mà tưởng niệm đến Ngài, thành tâm cầu nguyện Ngài, hoặc khấn vái Ngài, tức thì Ngài liền đến mà giải thoát, cứu hộ cho. Đó chính là nhờ phép chuyển di tư tưởng. Phép này cũng còn gọi là thần giao cách cảm, tức là chuyển tư tưởng của mình đến cho người ở xa nhận biết. Và từ phép chuyển di tư tưởng hay thần giao cách cảm cho tới Tha tâm thông, một trong sáu thần thông của Phật, La-hán, thật là không xa chi mấy.
Người Tây Tạng cho rằng phép chuyển di tư tưởng không khó, người thực tâm muốn học thì được. Song phải ra công luyện học và gìn giữ cho thân tâm lúc nào cũng có thể đón nhận hoặc chuyển đạt. Cần phải thực hành nhiều phương pháp khác nhau để được phép ấy, song điều cần nhất là phải có một sức mạnh về tập trung tư tưởng, về sự nhập định. Phải chế ngự tư tưởng một cách hoàn toàn, chẳng khác nào vị tướng ra trận cầm cương ngựa, như vậy thì lúc nào muốn nhập định cũng đều được dễ dàng. Sự tập trung tư tưởng, nhập định cho mạnh mẽ và dễ dàng, tức là căn bản trong luyện phép chuyển di tư tưởng. Vì khi nhập định, bao nhiêu tư tưởng, cảm tình phải trừ tuyệt hết, chỉ còn gom về một đầu mối, một vấn đề mà thôi. Mặt khác, phải dùng nhiều phương pháp để khai thông sự nhận biết, phân tách những luồng tư tưởng đang rung động trong không gian. Một ít vị ẩn cư, trong khi ngồi thiền, nhận ra những lời dạy bảo của thầy ở xa truyền đến bằng phép chuyển di tư tưởng. Vì đệ tử hằng nhớ tưởng và tôn trọng thầy, hai bên gần gũi nhau về tinh thần, nên sự hiểu biết nhau được thuận tiện.
Nhiều vị sư khác tinh thông phép tham thiền nhập định và diệt hết phiền não, tự nhiên được phép chuyển di tư tưởng. Các ngài có thể gởi tư tưởng mình đi và nhận biết tư tưởng hoặc lời nói của người khác liên quan đến mình, mà chẳng phải bỏ công luyện phép ấy. Cũng như các vị đắc đạo chứng Tha tâm thông vậy. Còn những ai muốn luyện, thường là phải theo những bước khái quát như dưới đây:
Trước hết, thi hành những phương pháp nhằm đạt đến tập trung tư tưởng. Tập trung tư tưởng tức là giữ trong trí chỉ một vấn đề mà thôi, chú tâm cho đến nhập trọn vào vấn đề ấy mà hòa làm một với chính mình. Và cũng phải luyện tập thêm cho tâm trí trở nên trống lổng, nghĩa là chẳng để cái tư tưởng, cảm xúc gì trong tâm trí hết, giữ cho nó lặng lẽ và yên tịnh. Kế đó, tập phân biệt và phân tách những ảnh hưởng khác nhau xảy đến thình lình làm cho mình thấy phát động nơi thân tâm, như những cảm giác chợt vui, chợt buồn, hoặc lo sợ, tưởng nhớ đến ai, xét nghĩ đến vật gì. Mà những cảm xúc tinh tế ấy, những nhân vật ấy không có dính dấp gì với mình trong lúc bấy giờ. Tập được như vậy độ vài năm thì vị đệ tử được phép ngồi chung với thầy mà tham thiền.
Thầy trò vào trong một cảnh tịnh thất lặng lẽ và chú tâm vào một việc. Chừng hết tham thiền, vị đệ tử bạch cho đại sư biết những điều mình đã trải qua trong khi thiền định, từ đầu cho đến cuối: có những ý tứ gì, nhận thấy làm sao, cảm tưởng thế nào, thảy thảy đều thuật hết với thầy. Vị đai sư khi ấy đem so sánh với chính tư tưởng của Ngài. Nếu hai bên có nhiều phần tương hợp thì phép chuyển di tư tưởng sẽ mau thành tựu. Rồi đến lúc thầy không nói ra cho đệ tử biết phải chú tâm vào việc gì. Mà chỉ bảo đệ tử ngồi lại tham thiền. Bấy giờ vị đệ tử nhập định, làm cho tâm trí mình trở nên trống không. Sau khi ấy, để ý mà dò xét coi những tư tưởng gì, những mối cảm gì, những vật gì hiện lại nơi trí mình; mà những tư tưởng ấy, những mối cảm ấy. Những chỗ nhận thấy trong khi thiền định bèn đem thuật lại với thầy. Nếu hai bên giống nhau thì trò rất dễ thâu nhận những điều phát ý của thầy.
Bấy giờ thầy với trò cách nhau xa xa. Thầy âm thầm truyền lệnh cho trò. Nếu trò hiểu thì hoặc âm thầm đáp lại, hoặc ra tay đi làm việc thầy mới truyền. Rồi dần dần thầy trò cách nhau càng xa. Có khi thầy ở một ngôi chùa này, trò ở một cảnh núi kia, cách nhau năm ba cây số, vài mươi cây số hoặc hàng trăm cây số, hai bên nhập định mà hỏi han nhau, trao đổi ý kiến với nhau. Chừng đó, vị đệ tử đã thành tựu về phép chuyển di tư tưởng. Bà Alexandra David-Neel chính mắt có thấy hai lần chuyển di tư tưởng. Vậy soạn giả dịch ra dưới đây:
Cuộc chuyển di tư tưởng mà tôi thấy lần đầu xảy ra tại miền trung châu sông Dainchine, trong khi tôi lần bước đến kinh đô Lhassa. Vị đại đức Lạt-ma hiện phép ấy vốn tu tại chùa Tcheu-dzong. Đêm ấy, con nuôi của tôi là Yongden và tôi ngủ ngoài trời, dưới một cái mương nước đã đóng băng rất cứng. Sáng lại, không thấy đâu có củi để nấu nước pha trà, chúng tôi đành để bụng trống ra đi. Vừa giữa trưa, chúng tôi thấy ven lề đường có một vị sư đạo mạo ngồi trên một tấm thảm lót yên ngựa. Ngài dùng bữa vừa xong. Đi với ngài có ba thầy tu trẻ tuổi, gương mặt đàng hoàng, dường như đệ tử theo hầu. Chung quanh mấy vị ấy, thấy có buộc bốn con ngựa đang ăn mấy cọng cỏ khô. Mấy vị khách ấy có đem theo một ôm củi, họ nhúm lửa, một ấm trà sôi đang lên hơi trên lửa than. Giữ theo phong tục của hạng khách nghèo, chúng tôi chào vị sư rất có lễ phép. Lúc ấy, chắc là sự thèm trà hiện ra nơi gương mặt của chúng tôi, vì chúng tôi vừa thấy ấm trà, cho nên vị sư than nho nhỏ rằng: Tội nghiệp thay!
Rồi ngài lớn tiếng mời chúng tôi đưa bát ra mà nhận trà và cơm lớ. Một thầy trẻ tuổi rót nước trà còn lại trong ấm vào bát của chúng tôi và để một túi cơm lớ gần chúng tôi. Rồi thầy đi chất đồ lên ngựa, chuẩn bị lên đường. Thình lình, một con ngựa hoảng hốt chạy đi. Thầy ôm theo một đường dây và chạy đi bắt ngựa. Vị sư ngồi yên, lấy mắt nhìn con ngựa chạy bên này bên kia. Còn chúng tôi thì lẳng lặng ngồi ăn. Nhìn quanh, tôi thấy một cái bình bằng cây đã đựng sữa. Tôi đoán rằng vị sư đã xin sữa trong một căn nhà nằm cách lộ xa xa, mà từ chỗ ngồi chúng tôi có thể nhìn thấy. Tôi kê miệng vào tai con tôi và nói rằng: “Chừng ngài đi rồi, chúng ta sẽ đến ngôi nhà đằng kia mà xin sữa”. Tôi nói nhỏ hết sức, nhưng dường như ngài nhận ra mấy lời ấy. Ngài ngó tôi rất lâu bằng cặp mắt dò xét. Kế ngài cũng than thở như ban nãy rằng: Tội nghiệp thay! Rồi ngài quay đầu đi nơi khác.
Con ngựa chạy không xa, nhưng vị thầy tăng khó mà đến gần nó được. Sau cùng, nó để cho thầy tròng dây vào cổ và dắt đi một cách dễ dãi. Trong khi ấy, vị sư lẳng lặng ngồi yên, ngài lấy mắt nhìn chăm chú thầy tiểu đang đi tới. Thình lình thầy này dừng lại, đứng yên một lát và ra dáng chú ý. Kế thầy dắt ngựa đến một hòn đá và cột lại. Rồi thầy đi trở lại, bỏ đường cái và hướng về phía ngôi nhà. Chẳng bao lâu, tôi thấy thầy đi trở lại chỗ con ngựa, tay ôm vật gì mà tôi không nhận ra. Khi thầy đến gần chúng tôi, vật ấy rõ ra là một cái bình bằng cây đựng đầy sữa. Thầy không để trước mặt tôn sư, vừa ôm bình nơi tay vừa lấy mắt nhìn ngài, dường như bạch hỏi rằng: Phải thầy dạy đem món này chăng? Tôi để ở đâu? Đáp lại câu hỏi âm thầm ấy, vị sư gật đầu. Rồi ngài bảo đệ tử đem sữa đến cho tôi.
Lần thứ nhì mà tôi thấy phép chuyển di tư tưởng không phải xảy ra chính trong xứ Tây Tạng mà ở miền biên giới, thuộc về hai tỉnh Kansou và Szetchouan bên Trung Hoa. Nhằm nơi rừng rú lại phải lên đèo, nên có sáu người hành khách tháp tùng với bọn tôi. Ở miền này, bọn cướp người Tây Tạng rất gan dạ, thường hay quấy nhiễu kẻ bộ hành, nên ai muốn đi xa phải tụ họp nhiều người có đủ khí giới mới dám đi. Trong sáu người theo chúng tôi, có năm người thương khách Trung Hoa và người thứ sáu là một vị pháp sư Bung-bo. Thầy này cao lớn dềnh dàng, đầu tóc bịt trong một cái khăn đỏ rất to. Vốn thích nghiên cứu về đạo lý và pháp thuật, tôi mời thầy ăn uống với tôi, vì ý tôi muốn biết những điều mình đang tìm hiểu. Nhờ vậy, tôi được biết rằng thầy đi đây là để giáp mặt với tôn sư, là một bậc đại pháp sư đang làm phép trên một hòn núi còn cách chẳng xa. Tôn sư thầy đang lập đàn để thâu phục một con yêu thường hay nhiễu hại những đoàn dân trong xứ.
Sau khi đã trổ những ngón khôn khéo về ngoại giao, tôi ngỏ ý muốn được viếng ngài đại pháp sư. Song vị đệ tử liền nói rằng việc ấy quyết không được. Trong trọn tuần trăng, tức là trong thời kỳ hành lễ, ngài đại pháp sư không được xao lãng vì ai. Nghĩ rằng có nài nỉ cũng vô ích, tôi định bụng rằng khi qua khỏi đèo, chừng thầy từ giã thì tôi quyết đi theo thầy. Như vậy, có thể đến chỗ đại pháp sư một cách bất ngờ, mình mới có thể xem cái vòng pháp với những vật hành lễ của ngài. Kế ấy nghĩ cũng hay, nên tôi dặn bọn tùy tùng đừng để cho thầy lẻn đi. Chắc là bọn tùy tùng của tôi nói chuyện ấy ra nên thầy mới biết. Thầy nói với tôi rằng tôi định thử tôn sư thầy chi cho vô ích.
Tôi đáp rằng tôi chẳng có ý ác chi cả, tôi chỉ muốn viếng ngài đại pháp sư đặng cầu học mà thôi. Tôi lại dặn bọn tùy tùng giữ chừng thầy kỹ hơn nữa. Thấy mình bỗng nhiên bị giam lỏng, song nhận ra rằng không ai muốn hại thầy, lại đãi thầy ăn uống đầy đủ, nên thầy chẳng lấy làm buồn. Thầy nói với tôi rằng: “Bà đừng sợ tôi trốn. Như muốn chắc ý, bà cứ trói tôi đi. Tôi chẳng cần phải chạy trước bà để báo cho thầy tôi hay đâu. Ngài đã biết rồi. Tôi có báo cho Ngài biết bằng tư tưởng”.
Nghe thầy ấy nói, tôi không mấy quan tâm, vì tôi biết bọn pháp sư nhiều người hay khoe khoang ngoài miệng. Lần ấy, quả thật tôi lầm. Qua khỏi đèo, chúng tôi đến miền đồng cỏ. Ở đây hết sợ bọn cướp, vì chúng nó chẳng có chỗ ẩn núp. Năm người thương khách Trung Hoa trong mấy hôm nay, ngày đêm không rời bọn tôi nửa bước, bây giờ đã vững bụng bèn mau mắn cỡi la ra đi. Pháp sư cũng sắp rời chúng tôi, song tôi định không bỏ thầy. Vừa lúc ấy, có một bọn sáu người cỡi ngựa chạy như bay tới. Đến gần tôi, bọn họ xuống ngựa chào tôi, tặng cho tôi mấy cái khăn choàng và ít miếng bơ. Làm lễ xong, một người lớn tuổi hơn hết nói rằng vị đại pháp sư phái họ đến để yêu cầu tôi đừng đến viếng ngài, vì ngài không thể gặp mặt ai khác hơn là một vị đệ tử đã được điểm đạo truyền pháp. Duy có vị đệ tử ấy mới được đến gần vòng pháp của ngài thôi. Nghe vậy, tôi đành thôi. Hẳn thật vị pháp sư có thông tin với thầy qua tư tưởng.
Hoa Mộc Miên
Theo Magic and Mystery of Tibet của bà Alexandra David-Neel