- Góc chia sẻ
Vô vi
Thứ ba - 26/04/2022 21:58
(Ảnh: Lê Thu)
VÔ VI
Vô vi có thể gọi là danh từ gói (thể hiện) tất cả bộ sách Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Vô vi bao quát tất cả mọi đề tài đã được giải rõ trong tám mươi mốt chương sách: không có chương nào là không có.
Lão Tử nói: “Ngã hữu tam bảo…nhất viết Từ, nhị viết Kiệm, tam viết bất cảm vi thiên hạ tiên” (Ta có ba vật báu… Một là Từ, hai là Kiệm, ba là không dám đứng trước thiên hạ).
Từ là yêu tất cả mọi người, bất luận đối với người tốt hay kẻ xấu… Người đời thì không thế. Người đời bảo: “Dĩ oán báo oán”. Nho gia bảo: “Dĩ trực báo oán” (Luận ngữ), đó là đạo hữu vi. Trái lại, Từ là dám xem kẻ thù như người bạn, không lấy oán mà báo oán, cũng không lấy “trực” mà báo oán, nghĩa là không dám châm thêm vào ngọn lửa oán thù đến nỗi gần như không dám biết đến hai chữ thù oán là gì.
Thiên hạ thì lấy xa xỉ, khoa trương làm mục đích tiến thủ, tranh nhau đua đòi trong sự xa hoa lộng lẫy càng nhiều bao nhiêu càng hay bấy nhiêu… Lão Tử trái lại khuyên ta:
“Thánh nhân khứ thậm, khứ xa, khứ thái” nghĩa là thánh nhân từ bỏ sự cực đoan, xa xỉ, và cao sang, lấy kiệm ước làm căn bản cho người trị nước.
Người đời đều lấy sự ăn trên ngồi trước làm vinh và suốt đời chạy mãi theo cái bả vinh hoa phú quý… thì Lão Tử lại bảo ta không nên “đứng trước thiên hạ”, cần phải khiêm cung, từ tốn… và luôn luôn đứng dưới và ngồi sau.
“Từ”, “Kiệm”, và “bất cảm vi thiên hạ tiên”, đó đều là Vô vi trong phương xử thế. Thế thường, theo đạo Hữu vi, thì phải lấy Mạnh mà thắng Mạnh, còn Vô vi thì trái lại lấy Nhu mà thắng Cương, lấy Nhược mà thắng Cường… và hơn nữa lấy “cái không tranh mà thắng được một cách vẹn toàn” (bất tranh nhi thiện thắng).
Không tranh mà vẫn giỏi khuất phục thiên hạ, đó là Vô Vi trong đạo tranh đấu.
Người đời thường bảo “Biết người là Trí”, Lão Tử lại bảo “Biết mình là sáng”. Người đời thường bảo “Thắng người là có sức”, ông bảo “Thắng mình là sức mạnh”. Biết người, thắng người là Hữu vi, biết mình và thắng mình đó là Vô vi.
Người đời tranh nhau để làm cho cái Bản ngã của mình càng thêm lớn mạnh bằng sự thu đoạt tích trữ của cải quyền thế cho mình càng nhiều càng tốt; trái lại Lão Tử khuyên ta “ăn ở giản dị, tự nhiên, ít riêng tư, ít tham dục” (kiến tố bảo phác, thiểu tư quả dục), nhất định “không nên tích trữ cho mình” (thánh nhân bất tích) và “lo riêng cho mình” gì cả.
Và hơn nữa “đừng tự xem mình là sáng”, “đừng tự cho mình là phải”, “đừng tự cho mình là có công”, “đừng tự cho mình là trên hết”… một cách thành thật tự nhiên, hết thảy đều Vô vi.
Vô Vi, không phải là không làm gì cả, mà đừng làm cái gì đến thái quá, vì “vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản”. Cái gì mà thái quá cũng đều nguy hại cả.
Mục đích của bất cứ một hành vi nào là cũng để đi đến một kết quả. Nhưng nếu lại đi vào chỗ thái quá, thì kết quả có khi lại còn nguy hiểm cho ta hơn là không làm gì cả. Cho nên Vô vi, cũng có nghĩa là bớt đi những gì thái quá: “khứ thậm, khứ xa, khứ thái”.
Theo Lão Tử thì phải để cho con người trở về với cái sống tự nhiên giản dị của họ… Cho nên Vô vi là đừng dụng tư tâm mà xen vào cái sống tự nhiên của mọi vật, càng ít can thiệp đến việc người được bao nhiêu càng quý bấy nhiêu.
Căn cứ vào những nguyên tắc trên đây, Lão Tử bàn qua thuyết “Vô Vi nhi trị” của ông về chính trị.
Đồng với Khổng Tử, Lão Tử cũng nhận rằng cần phải có một bậc Thánh quân cầm đầu trị nước, thì thiên hạ mới hạnh phúc.
Nhưng khác với Khổng Tử, bao giờ cũng cho rằng cần phải “làm” nhiều cho dân… Lão Tử tin rằng càng ít “làm” chừng nào càng tốt và không làm gì cả, nếu có thể được, lại càng hay. Là vì theo ông, càng dùng cái trị để mà trị nước thì dễ loạn, càng không dùng đến cái trị để mà trị nước thì nước càng dễ trị. Chương 57 sách Đạo Đức Kinh có câu:
“Dĩ chính trị quốc. Dĩ kỳ dụng binh. Dĩ vô sự thủ thiên hạ… Thiên hạ đa kỵ húy, nhi dân di bần; dân đa lợi khí, quốc gia tư hôn. Nhơn đa kỹ xảo, kỳ vật tư khởi. Pháp lệnh tư chương, đạo tặc đa hữu”
Nghĩa là cần phải lấy sự ngay thẳng thật thà mà trị nước. Trái lại nếu trị nước mà làm như dụng binh, dùng trá ngụy mà trị thì nguy, vì “lấy trí mà trị nước là cái vạ cho nước” (dĩ trí trị quốc, quốc chi tặc). Huống chi bậc trị nước mà ban hành nhiều điều cấm kỵ thì dân chúng càng nghèo khổ, bởi thiếu tự do hành động và ngôn ngữ…, dân chúng mà đa mưu xảo kế để trục lợi thì nước nhà phải sa vào hỗn loạn tăm tối. Người dân cần thực thà, ít dục vọng, thì nước mới dễ trị. Bậc trị nước mà quá khắt khe, đem pháp lệnh bủa giăng trên đầu dân để đề phòng chúng, thì chúng dân cũng tìm đủ mánh khóe thủ đoạn để trốn tránh; gây ra mưu mô gian trá càng ngày càng thêm; dân càng khó trị thì bọn đạo tặc càng nhiều. Cổ ngữ có câu: “pháp lập tệ sinh”.
Dùng Vô vi mà trị thì ít can thiệp đến việc người, không dùng tư tâm mà dùng hành động, dùng “bất ngôn chi giáo” mà dạy dân, lấy gương mẫu của mình mà sửa dân… thì dân không hay là mình có làm gì, nhưng rồi chúng tự sửa đổi lấy mình mà không cần đến sự bắt buộc hay cấm đoán, ban hành pháp lệnh: “Ngã vô vi nhi dân tự hóa”.
Vô Vi, về đạo trị nước, cũng có nghĩa là: “phi dĩ minh dân, tương dĩ ngu chi”, nghĩa là “không làm cho dân khôn lanh, mà làm cho dân trở nên thật thà”. Chữ “ngu” ở đây không phải có nghĩa là ngu si, mà là “thật thà”… tức là cái “ngu” của những bậc thánh trí: “minh đạo nhược muội”.
Tóm lại, Vô vi là hành động trở về nguồn cội, từ bỏ tất cả những gì phiền phức đa đoan của văn minh giả tạo… đã làm che lấp chân Tánh, cái Đạo nơi lòng. “Vi đạo nhật tổn”.
Người thi ân không biết là thi ân, người thọ ân cũng không dè là thọ ân. Bậc trị nước mà dùng đến cái đạo Vô Vi, dân không hay là mình bị trị… dĩ nhiên được thiên hạ, mà tự mình cũng không bao giờ bị hại.
Theo CKO