• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Lên lầu Quan Tước

Thứ năm - 23/06/2022 15:38





"Lên lầu Quan Tước" là một bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt của Vương Chi Hoán. Bài thơ được tất cả những người yêu thơ Đường đều ưa chuộng, được truyền tụng từ nghìn xưa, sáng sủa trôi chảy, tả cao nhìn xa, lại chỉ dùng số từ rất ít mà mở ra triết lý thâm sâu. Đơn giản chỉ là lên một cái lầu có tên là Quán Tước để ngắm cảnh vật. Vậy mà, khoảnh khắc ngàn năm trước không mất đi. Hùng tâm tráng khí của một thi nhân nạp đầy năng lượng tư tưởng  rất uyên áo, rất phong phú và cởi mở của thời Thịnh Đường được tái hiện.

Theo Tinh tuyển «Thiên gia thi» thì Vương Chi Hoán, tự Quý Lăng, là người Tính Châu triều Đường (nay là Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây). Sinh năm Thùy Củng thứ tư thời Đường Võ Hậu (năm 688 SCN), mất năm Thiên Bảo đầu tiên thời Đường Huyền Tông (năm 742 SCN), hưởng thọ 55 tuổi. Tính tình hào phóng ngang ngạnh, thơ cũng như người, khí thế hào hùng, nhiệt tình trào dâng. Các bài thơ của ông được “chuyển thể thành nhạc, lưu mãi trong dân”, được đại chúng yêu chuộng sâu sắc, nhờ đó mà truyền tụng muôn đời, ngang danh Cao Thích, Sầm Tham, Vương Xương Linh, v.v. Bởi ông không chuộng khoa cử công danh, nên cuộc đời cũng không được nhiều người biết đến, chỉ từ mộ chí mà thấy được đây là một thi nhân “Có hiếu với nhà, có nghĩa với bạn, khảng khái vô tư, tài năng phóng khoáng”. Nghe nói ông sáng tác rất nhiều thơ, đáng tiếc là chỉ có sáu bài tứ tuyệt là được lưu truyền lại, thâu tập trong «Toàn Đường thi», trong đó “Đăng Quán Tước lâu” và “Xuất trại” (còn gọi là “Lương Châu từ”) là nổi tiếng nhất.

Quán Tước lâu (鹳鹊楼): theo sách cổ ghi lại, cựu Quán Tước lâu (nay không còn) nằm tại nơi nay là huyện Vĩnh Thanh, tỉnh Sơn Tây, trên một ngọn núi nhỏ phía Tây Nam sông Hoàng Hà. Lầu cao năm tầng, phía trước xa xa có núi Trung Điều, phía dưới là sông Hoàng Hà, tầm mắt thoáng đãng. Tương truyền thường có chim Tước tới đậu tại nơi đây, nên mới gọi tên là Quán Tước lâu.

Hán Việt: Đăng Quán Tước lâu


Bạch nhật y sơn tận,

Hoàng Hà nhập hải lưu.

Dục cùng thiên lý mục,

Cánh thượng nhất tầng lâu.


Tiếng Anh: “On the Stork Tower” by Wang Zhihuan


The mountains eclipse the setting sun,

While seawards the Yellow River runs;

To widen your view to hundreds of miles,

Come to the upper storey by climbing one more flight.


Diễn nghĩa: Lên lầu Quan Tước


Mặt trời dựa sát trên triền núi,

Hoàng Hà chảy hòa vào biển sâu.

Muốn ngắm hết cảnh ngoài ngàn dặm,

Phải trèo thêm lên một tầng lầu.


Dịch thơ: Lên Lầu Quan Tước


1. Bản dịch của Vương Nhất Phong


Mặt trời dựa sườn núi,

Hoàng Hà hoà biển sâu.

Muốn nhìn xa nghìn dặm,

Phải lên thêm tầng lầu.


2. Bản dịch của Trần Trọng San


Mặt trời đã khuất non cao 

Sông Hoàng cuồn cuộn chảy vào bể khơi 

Muốn xem ngàn dặm xa xôi 

Hãy lên tầng nữa trông vời nước non.



Câu1: BẠCH NHẬT Y SƠN TẬN - Mặt trời trắng tựa vào núi xa.

Ắt hẳn họ Vương đã ở trên lầu cao mới có thể phóng cặp mắt đến một nơi "thiên nhai giác hải" như vậy! Ở đây, góc bể, chân trời gặp nhau. Ở đây thiên thể Mặt Trời khổng lồ trở nên nhỏ bé, bị động. Thậm chí, Mặt Trời bị đồng hóa trong một không gian cuối chân trời. Đó là những dãy núi trắng xóa tuyết phủ. Vì vậy, mặt trời tựa vào núi cũng đồng hóa thành "mặt trời trắng". Một phát hiện lạ. Nếu không đăng cao thì khó thấy, khó phá được một chấp truớc của thế nhân: Mặt Trời luôn vĩ đại, luôn đỏ, luôn rừng rực tuôn nóng bức cho Càn Khôn

 Câu 2: HOÀNG HÀ NHẬP HẢI LƯU - Hoàng Hà vào dòng chảy trên biển.

Đây là dòng sông rất hùng vĩ. Lý Bạch nhìn thấy nó chảy từ trên Trời xuống,ào ào mãnh liệt "bôn lưu đáo hải bất phục hồi".Vương có lần nhìn thấy nó:

黃河遠上白雲間 (Hoàng Hà viễn thướng bạch vân gian - Sông Hoàng từ xa tít tắp trên cao chảy vào những tầng mây trắng)

Ở đây sông tràn trề, mãnh liệt lao ra biển xanh thành một dòng sông trắng vẫn cuồn cuộn, ào ào như thác. Coi biển xanh mênh mông thành môi trường cho mình mải miết  tìm hoài bão, maải miết khám phá để khẳng định bản thân… Hoàng Hà đang đồng hóa biển khơi, đang chủ động tìm kiếm những giá trị của mình. Chỉ ở tầng cao, Vương mới có cái nhìn, cái cảm mới lạ đó!

Câu 3: DỤC CÙNG THIÊN LÝ MỤC - Muốn thỏa mãn tận cùng mắt nhìn nghìn dặm

Câu 4: CÁNH THƯỢNG NHẤT TẰNG LÂU - Cần lên một tầng lầu nữa

Nhà thơ muốn nhìn những điều kỳ diệu khác. Thay đổi những chấp truớc hậu thiên cứ lè tè trên mặt đất, cần phải ở cao tầng. Cần thay đổi điểm nhìn, góc nhìn, quan niệm nhìn thì mới tiệm cận được chân lý tối cao và thay đổi được cái tư duy chết cứng mình ôm giữ nó như chấp truớc ngoan cố…

Thiên Mục là một công năng không phải ghê gớm gì. Ai tu Đạo, tu Phật ở tầng Thế gian pháp đều có thể xuất công năng này. Người xưa, khi khai mở Thiên Mục, họ nhìn được rất nhiều thứ nhờ ĐỆ TAM NHÃN - con mắt thứ ba!

Khoa học ngày nay rất phát triển. Nhưng khám phá cái dải Ngân Hà mà Phật Gia gọi là Tam Giới thì mới tiếp xúc rất nông cạn  được 4%. Còn 96% con người đang định danh cho nó bằng 2 cụm từ "vật chất tối" và "năng lượng tối". Quả là không thể nghĩ bàn! Nếu tin rằng 3000 hệ Ngân Hà tạo nên lớp vũ trụ thứ Nhất, và 3000 vũ trụ thứ nhất có vũ trụ lớp thứ 2… thì quả là trí tuệ mà khoa học thực nghiệm cho chúng ta dường như là số 0.

Tu luyện cho người ta câu thông với nhiều thế giới khác. Người xưa sống bằng văn hóa Thần truyền. Nó sẽ sản sinh một thứ đồng hành là văn hóa tu luyện. Hiển nhiên, họ nhìn được những không gian khác, những sinh mệnh khác. Và ngay thế giới chúng ta, họ cũng thấy nhiều phát hiện bất ngờ. Đáng tiếc cho con người hiện tại, nghiêng lệch về kỹ thuật, hướng ngoại truy cầu tiền bạc, vật chất ngoại thân mà không biết mình là ai, mình đang tích Nghiệp bỏ Đức như thế nào?

Muốn nhìn bao quát hơn thì cần lên cao hơn. Đó là tầng lý nông cạn nơi người thường. Đối với người tu luyện, với những những ai có trí huệ khai ngộ rồi thì lên cao tầng lại là một tầng trí huệ khác. 

Tôi nghĩ, Quán Tước lâu đã hết độ cao trong hiện thực. Nhà thơ đặt giả định: Nếu muốn phóng cặp mắt Thiên Mục của minh xa hơn, khám phá nhiều hơn thì phải lên tầng. Lầu Quán Tước phải cao hơn nữa… Thực ra, lòng nhủ lòng: PHẢI PHÁ CHẤP THÌ MỚI ĐỀ CAO TẦNG.

Hiển nhiên, thơ  Đường rất hàm súc, nhiều hàm nghĩa. Tôi chỉ muốn mọi người lưu ý cảnh giới tâm linh, tâm tưởng của người xưa là thứ văn hóa Thần truyền. Người ta kính ngưỡng, kính sợ Trời Thần. Và ai cũng sống trong bản năng của người tu luyện...


La Vinh

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.