- Lý luận - Phê bình
Khúc tâm du - tâm tình hiến dâng của Trần Huyền Tâm
Thứ năm - 27/01/2022 22:39
KHÚC TÂM DU – TÂM TÌNH HIẾN DÂNG CỦA TRẦN HUYỀN TÂM
(Thái Văn Sinh)
“Khúc Tâm du” là tập thơ thứ 4 của Trần Huyền Tâm được xuất bản trong ba năm gần đây. Tập thơ có 60 tác phẩm, gồm 21 bài thơ viết trong giai đoạn 1980 – 2021; 19 bài thơ đã được phổ nhạc thành 23 ca khúc và 20 bài thơ viết cho ca trù theo thể hát nói 11 câu và 19 câu. Có thể nói, đây là một tập thơ rất mới và lạ về mặt cấu trúc và dạng thức. Xuyên suốt, gắn kết toàn bộ tập thơ là tâm tình chân thành, thánh thiện được xem như một tuyên ngôn thơ của tác giả:
Tôi muốn viết bài thơ xứng đáng
Tự đáy lòng phơi phới tuổi xuân
Từ trái tim tôi nhịp đập trăm lần
Đem ngợi ca tình bạn chúng ta chân thật.
Tôi muốn viết những vần thơ đẹp nhất
Về cuộc đời gian khó, đắng cay
Mà đẹp tươi kiêu hãnh ước mơ này
Về những gì tôi đã tin, đã nghe và đã thấy.
(Tôi muốn)
Năm 1980, cô học trò lớp 8 (hệ 10/10) Huyền Tâm tự nhận mình không phải là nhà thơ, dẫu rằng lúc đó cô đã có một gia tài thơ khá đầy đặn với nhiều giải thưởng danh giá mà nhiều bạn thơ cùng trang lứa phải thèm muốn. Cô lý giải điều này một cách thật giản dị:
Bạn ơi, tôi không là thi sĩ
Tôi chỉ viết những gì tôi nghĩ
Bởi cuộc đời này tựa một giấc mơ
Và mỗi chúng ta là một ý thơ…
(Tôi muốn)
Thủa đó, mọi thứ nhẹ nhàng, đơn giản, thơ của cô học trò Huyền Tâm vì vậy thật tinh khôi, trong trẻo:
Đừng hỏi nữa, bạn ơi, đời bao tháng năm
Thời gian có bao giờ dễ dãi
Xa nhau rồi ta hãy cùng để lại
Tuổi thơ yên vui bên gốc phượng già.
Tiếng ve vô tư quyện mãi một nhành hoa
Hoa thắm quá nên gió thành bối rối
Tôi nhặt những cánh hoa rơi vội
Ép vào trang giấy trắng hôm qua
(Phút chia tay)
Thời gian hủy hoại các lâu đài, nhưng lại làm giàu cho những vần thơ. Hơn 40 năm sau, qua bao trải nghiệm, trăn trở cuộc đời, câu chữ của cô học trò Huyền Tâm ngày xưa đã khác, cứ nặng dần theo năm tháng:
Thì vẫn biết nỗi niềm xưa còn đó
Yêu cạn lòng mà chấp mãi niềm đau
Biển ngàn sâu vật vã đếm canh sầu
Tàn tuế nguyệt vẫn bạc đầu thao thức.
(Biển đêm)
Em gọi nhớ!
Gọi cho chiều bớt vắng.
Nghe tay mình
ấm nắng giữa lòng mưa.
Nghe tịnh nguyên
đang vén nỗi thiếu thừa.
Lối em về
thôi nhạt nhòa sương khói.
(Khúc chiều mưa)
Danh họa Leonardo Da Vinci từng nói: “Thơ là một bức họa để cảm nhận thay vì để ngắm”. Trong “Khúc Tâm du” có nhiều bức tranh như vậy. Đó là những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp:
Nắng dắt chiều qua sông
Bằng dặt dìu cánh sóng
Cỏ lau nhoà khói trắng
Vẽ bóng chiều ngu ngơ.
Chiều lặn vào vần thơ
Lá xuôi vàng miền nhớ
Giữa trong veo hơi thở
Thơm đằm lời môi hoa.
(Sắc chiều)
Xanh chẳng thể xanh hơn
Vàng óng vàng mật nắng
Xám không còn trống vắng
Đỏ thắm duyên gọi mời.
Muôn sắc màu non tươi
Náo nức trào nhựa sống
Nồng nàn hơi thở ấm
Gọi đất trời vào xuân.
(Kìa Xuân đang tới!)
Đó là những bức tranh trần thế ảm đạm:
Tôi thấy tôi trong quán trọ trần gian
Giá áo, túi cơm, quay cuồng, chật vật
Khi chén rượu nồng, cà phê phiêu ngất
Danh, lợi, tiền, tài, hỉ, nộ, sân, si.
(Tôi thấy)
Lang thang giữa chốn phù hoa
Ý nghĩ không biết mình lạc lối
Cõi nhân thế vẫn cuồng quay mê lụi
Mệt nhoài. Bạc phếch. Đa đoan.
(Khúc tâm du)
Và có cả những bức tranh về một cõi vô thường hoàn mỹ:
Người thuận theo Trời, Trời an yên Đất,
Đất thuận theo Đạo, Thần Phật bao dung
Phản bổn quy chân cho viên mãn vô cùng
Đức Thiên Địa ngợi ngời Xuân diệu phúc.
Còn gì đẹp hơn khi tâm thân hợp nhất
Trời Đất an hòa, muôn vũ trụ thanh tân
Cầm huyền náo nức ngày xuân!
(Khúc cổ cầm ngày xuân)
Đến lúc rồi, xuân nhé
Sạch buồn phiền gió mưa
Cùng hạc vàng, mây trắng
Người xưa về chốn xưa!
(Xuân đến bình an)
Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm. 19 bài thơ của Huyền Tâm được phổ nhạc đã nói lên điều đó. Không phải là tất cả nhưng đa phần thơ của Huyền Tâm có nhịp điệu để dễ dàng hát lên thành ca khúc. Đọc những dòng thơ sau ta sẽ cảm nhận rất rõ điều này:
Nâng niu ngày xưa trên tay
Xôn xang lời môi men say
Em nghe tim mình đang hát
Lời thương tiếng thương tròn đầy.
(Vòng tay thiên thần)
Ta trở về nơi cất giữ ngày xưa
Thuở cái vạc, cái nông ngủ quên trong câu hát
Cánh cò trắng bay ngang miền cổ tích
Cái bống cái bang bên Tấm kết duyên lành.
(Trở về nơi cất giữ tuổi thơ)
Lối em về giờ nắng gió mong manh
Thu đã qua thời khăn lơi áo mỏng
Thơm vẫn bên đường đợi chờ mong ngóng
Nhắc một thời hương sắc thắm cùng nhau.
(Hoa sữa)
Trong “Khúc Tâm du” có hoạ, có nhạc nhưng có lẽ điều đặc biệt nhất của tập thơ này lại ở 20 bài thơ viết theo thể hát nói 11 câu và 19 câu. Đây là một thể thơ phát triển mạnh và đạt tới trình độ mẫu mực trong thế kỷ XVIII-XIX ở nước ta. Gọi là hát nói vì nó là phần văn bản ngôn từ của bài hát nói, mà hát nói lại là một trong những điệu thức chủ đạo của lối hát ca trù, một loại hình ca nhạc chuyên nghiệp có nguồn gốc cung đình, đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp năm 2009. Hát nói có sự kết hợp hài hoà giữa phần ngâm và phần nói (nói như lời nói thường ngày với ít nhiều cách điệu) trên một nền nhạc riêng.
Có thể nói đây là một thể loại thơ rất ít người sáng tác bởi nhiều lẽ trong đó khó làm là lý do lớn nhất. Xưa, thể thơ này gắn với các tác giả kiệt xuất như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê… Vậy mà với Huyền Tâm thì gần như là một sở trường. Thơ hát nói của Huyền Tâm sáng tác rất đạt cả về niêm luật lẫn nhịp điệu. Bởi vì như ta đã biết, thơ này làm ra để hát, mà hát thì rõ ràng yêu cầu vần điệu, nhịp điệu là rất khắt khe. Tuy nhiên điều mà tôi muốn nói ở đây lại không phải ở vấn đề nghệ thuật mà là vấn đề nội dung. Xuyên suốt 20 bài thơ hát nói của Huyền Tâm là những triết lý nhân sinh của Phật gia. Đó là con đường vượt thoát khỏi đời thường, người thường để đến chốn Đào Nguyên:
Hỏi Cõi thế ai người còn nhớ
Xứ Đào Nguyên tiên cảnh nơi nao?
Mà bao phen chìm đắm chốn ba đào
Mãi quanh quẩn lợi danh tình đen bạc
Thân lữ thứ đã xác xơ mê lạc
Tiền rải đầy nhà mà tâm vẫn bất an
Trở lại với Xưa ta sẽ thanh nhàn
Khúc xuân vui tấu vĩnh hằng chân thiện
Buông chấp trước, bỏ ba đào ly biến
Ta trở về với êm ả cao sang
Đào Nguyên chốn cũ xuân an!
(Khúc xuân an)
Tấm tình bao phen đắm đuối
Chốn hồng hoang mê mải lợi danh
Bể trầm luân kiếp kiếp cũng đành
Biết nơi nao quê nhà tôi mới thực?
Vẩn vơ hoài tử sinh ly hợp
Hạnh phúc nào cũng giả tạm thế thôi
Vẫn quẩn quanh với câu hỏi cuộc đời
Tôi là ai? Từ nơi nào tôi tới?
Phật Pháp hồng truyền, diệu quang dẫn lối
Trở lại là mình sau những cơn mê
Thiện duyên đón bước tôi về !
(Câu hỏi cuộc đời)
“Khúc Tâm du” của Huyền Tâm như một loài hoa đêm, không sặc sỡ sắc màu mà lặng lẽ, thanh kiết tỏa hương dâng hiến cho đời:
Dạ Lý, Quỳnh Hương, Anh Thảo, Lan Đêm
Cứ nồng nàn khúc hương đời dâng hiến
Cứ tinh khôi chọn lòng đêm nhung mịn
Thả trong ngần một sắc trắng an yên.
Yêu vô cùng những loài hoa ban đêm
Chẳng rực rỡ sắc màu khi trời sáng
Thức trong đêm cho hương đầy xúc cảm
Người vô tình…
người chẳng biết vì đâu.
(Những loài hoa đêm)
Xin chúc mừng Huyền Tâm. Chúc mừng bạn yêu thơ, yêu cuộc đời, yêu con người và yêu những triết lý nhân sinh của Phật gia có thêm một “Khúc Tâm du” để gửi gắm lòng mình vào chốn cao xanh./.
Hà Tĩnh, 9/12/2021
Thái Văn Sinh
Từ khóa:
khúc tâm, huyền tâm, tập thơ, bài thơ, hát nói, đây là, thơ của, vần thơ, cuộc đời, tôi muốn, cô học, không phải, là một, ngày xưa, bức tranh, đó là, sắc màu, nhịp điệu, trở về, đào nguyên, loài hoa, trong, viết, nhạc, khúc, tôi, những, mình, cùng, chiều, xuân, chốn, người