• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Trần Huyền Tâm - Gương mặt thi nhân trong đội ngũ "các nhà văn nhóm Búp"

Chủ nhật - 09/01/2022 20:15


(Ảnh: Trần Huyền Tâm)


TRẦN HUYỀN TÂM- GƯƠNG MẶT THI NHÂN TRONG ĐỘI NGŨ CÁC “NHÀ VĂN NHÓM BÚP”
(Nhà thơ KIM CHUÔNG)
 
 
Có thể nói, từ thuở “Đa Cương Hương” đất cổ. Rồi, đất Sơn Nam Hạ... Lịch sử văn chương Thái Bình, trải qua những thế kỷ khá dài trong nét nhìn thật  mờ chìm, lặng khuất.
 
Mãi, gần cuối thế kỷ thứ XVIII, khi Nhà Bác học Lê Quý Đôn nổi tiếng với “Quế Đường Thi tập”, với câu truyền tụng “Thiên hạ vô tri vấn Bảng Đôn”(1). Rồi, Nguyên Bảo, Ngô Quang Bích, Ngô Quang Đoan, Nguyễn Doãn Cử… Kế đến các “nhà thơ cách mạng” với những bài thơ “yêu nước, thương dân, nuôi chí, diệt thù…”.
 
Đến năm 1960, nghĩa là, lại phải qua gần hai trăm năm xa nữa, Thái Bình mới có một Bút Ngữ, với tập văn xuôi và một nửa tập thơ được ra mắt công chúng rộng lớn.
 
Năm 1985, (lại một phần tư thế kỷ, sau đó) khi Nhà xuất bản Thanh niên cho in tập thơ “Hoa nở ngày em đến” với số lượng một vạn một trăm năm mươi cuốn của Kim Chuông, ghi nhận ấn phẩm thơ đầu tiên của tác giả Thái Bình được tiếp tục ấn hành ở một Nhà xuất bản Quốc gia. Và, Bút Ngữ, Kim Chuông, hai nhà văn đầu tiênhai chuyên ngành Văn xuôi và Thơ của Thái Bình, trở thành Hội viên Hội Nhà văn đất nước. 
 
Văn chương Thái Bình bước vào giai đoạn nở rộ được nhìn rõ ở giai đoạn khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Với hàng loạt các cây bút có tên trên văn đàn rộng lớn. Các nhà văn kế tiếp nhau trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, mà đứng đầu là Bút Ngữ, nhà văn giữ vai trò “Người sáng lập” Hội Văn học Nghệ thuật ở một tỉnh đồng bằng. 
 
Năm tháng mới mẻ này, trong tiến trình phát triển, dấu ấn đáng nói của Lịch sử Văn học Thái Bình là việc tổ chức “Lớp đào tạo, bồi dưỡng các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học”. Đây là mô hình khởi điểm mang ý nghĩa đầu tiên trên cả nước.
 
Từ 1976 đến 1990, có tới hơn một trăm “Nhà văn nhí” đi qua “Ngôi đền thiêng” của Hội, để rồi, sau gần nửa thế kỷ, trong mắt bão lặng thầm, “màn minh tinh Khuê Văn” ấy bỗng bước vào giai đoạn phát sáng.
 
Đến nay, có tới, hơn chục cây bút vẫn viết. Vẫn có tác phẩm in rải rác đó đây. Gần ba mươi đầu sách đã được ấn hành ở các Nhà xuất bản. Gần chục tác giả đã có sách in riêng, từ một hai tập, đến tám, chín tập. Gần 40 Giải thưởng trong nước và Quốc tế, trong đó có nhiều giải cao ở các cuộc thi sáng tác Văn học. Gần chục tác giả đã trở thành Hội viên của các Hội Văn học Nghệ thuật của các tỉnh, thành phố. Có người đã trở thành Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam.
 
Với văn chương, thành tựu ấy, thật “quý và hiếm”!
 
Bởi, có biết bao thế kỷ, không ít bão táp, gió giông. Không ít những số phận mảnh đất, con người thăng trầm, biến cố. Nhưng, cuộc đời có đấy, mà văn chương thì mất bóng, trắng tay.
 
Bởi, văn chương thuộc về tài năng đơn nhất. Mỗi nhà văn là mỗi vũ trụ riêng biệt. Họ đi giữa cuộc đời và đến với trang viết trên con đường đơn thương độc mã. Con đường của sức khai sáng hiện thực từ rung cảm thẳm sâu nơi con tim của họ.
 
Nhóm Văn Búp” - Hình tượng của Lớp đào tạo, bồi dưỡng các em có năng khiếu sáng tác văn học ở Thái Bình được gắn với tên tờ Tạp chí mang tên “Búp trên cành,” một chuyên san, chuyên đăng tải những sáng tác của các em viết.
 
Trải qua gần nửa thế kỷ đời người, “nhóm Văn Búp” bỗng làm nên tia chớp trên miền trời văn chương quê lúa, trong dòng chảy của văn học đương đại với âm hưởng đa thanh.
 
Những năm qua, cùng với các Văn Thi sĩ mà tên tuổi được khẳng định qua các tác phẩm, như: Bùi Thị Biên Linh, Phạm Hồng Oanh, Nguyễn Thúy Hằng, Nguyễn Thị Toán, Bùi Thanh Huyền, Phạm Minh Châu, Bùi Lan Anh, Đào Thanh Bình, Lê Kim Hạnh, Nguyễn Diệu Liên… Trần Huyền Tâm, một thành viên nhóm Búp, một gương mặt thơ tiêu biểu đã làm nên hiện tượng khá đặc biệt.
 
Với hàng chục đầu sách, Trần Huyền Tâm tung hoành, lặn ngụp trên các thể loại văn học. Từ Tản văn, Thơ, Dịch thuật, Lý luận Phê bình. Từ sáng tác đến vai trò Chủ biên. Từ tổ chức rất hoành tráng nhiều buổi “Ra mắt sách”. Ra mắt “Đêm Thơ Nhạc”. Ra mắt trang Web văn chương “Nhà Búp”, Fanpage Nhà Búp, đến việc tập hợp, chọn lựa, Biên tập, các tập bản thảo của các tác giả để giới thiệu xuất bản…
 
Năng lực sáng tác ấy! Niềm đam mê văn chương ấy! Với sức đốt lửa chính mình và sự truyền lan sức cháy tới bạn bầu cầm bút xung quanh, Trần Huyền Tâm thực sự có công trong việc góp phần làm nên gương mặt “Nhóm văn Búp” ở sức mạnh khơi nguồn.
 
Với lợi thế trọn đời gắn với công việc của một cán bộ ngoại giao, Trần Huyền Tâm từng có dịp đặt chân tới khắp miền xứ sở của năm châu, bốn biển. Trong con mắt của “Nhà Ngoại giao - Thi sĩ trẻ” này, từng ôm trùm một vũ trụ với muôn nghìn núi sông kỳ lạ của thiên hạ. Với trái tim thi sĩ, với sẵn chứa “trong bụng ba vạn quyển sách của Đông Tây kim cổ” (Như Lê Quý Đôn từng nói), Trần Huyền Tâm cứ thế cháy lên từ “nham thạch” lấp lánh ngỡ như không thể cạn. 
 
Điều thật lạ và mừng. Đấy là, Trần Huyền Tâm bỗng viết nhiều. Viết hay hơn khi bước vào cái tuổi đã “tri thiên mệnh”. Nằm trong vùng phát sáng, những năm gần đây, Trần Huyền Tâm liên tục và đều đặn cho ra mắt các sáng tác mới mẻ.
 
Với hàng chục đầu sách đủ các thể loại. Mỗi ấn phẩm đều dày dặn, bề thế.  Với hàng trăm bài thơ phổ nhạc cùng với các Album được dàn dựng công phu có sức hấp dẫn, cuốn hút. Có cảm giác, Trần Huyền Tâm đang vào “mùa sinh nở”. Đang phồn sinh, phồn khí trên con đường lao động, sáng tạo nghệ thuật.
 
Ở cái tuổi đã không mấy nữa, đã lên “chức ông bà”. Nhưng, Trần Huyền Tâm thật trẻ, thật hồn nhiên, tươi xinh, lành mát.
 
Phẩm chất hồn hậu, bao dung, yêu thương, ấm áp với vai trò chăm lo, quán xuyến. Luôn vì người khác. Luôn khát khao cái Đẹp. Luôn muốn vươn tới và có được cái giá trị hữu ích. Giá trị đích thực và chân chính ở đời … Đã làm nên một Trần Huyền Tâm trong uy tín. Trong đoàn kết, tập hợp. Trong năng lực sáng tạo. Trong ứng xử, yêu tin… Xứng đáng: “Trần Huyền Tâm - Một “Nguyên súy tao đàn của các Nhà văn mang tên nhóm Văn Búp”.
 
Từ “Giọt nắng vô thường”, tập thơ đầu tay, đến sáng tác mới nhất là “Khúc tâm du”… Tập thơ vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản. Có thể nói, ở rất nhiều bước chuyển, bước tiếp nối của giọng điệu, trên mỗi trang viết, là Văn xuôi, hay Thơ, thì Trần Huyền Tâm vẫn là nguồn mở của tâm hồn trong xanh, cao đẹp. Vẫn “luôn nồng say, da diết. Luôn làm nên vệt đậm ở cảm thức, ở khuynh hướng tư tưởng nghệ thuật. Ở sự bồi đắp niềm tin, niềm yêu thương, hòa ái. Ở nguồn chủ đạo là hướng về cái “Tịnh”, cái “Minh triết”, đời người...”(2).

Là Nữ Văn Thi sĩ đa tài, Trần Huyền Tâm đã để lại những câu thơ hay, đáng nhớ, ghim sâu nơi góc hồn người đọc: Ví như: “Nước trong mà giếng thì sâu/  Thương nhau ta nối dây gầu dài thêm.”. Hay: “Một lần vướng lúm tiền xinh/   Mấy đời ngồi gỡ cái tình đa đoan”.  Hay:“Duyên tình trao gửi nơi nhau/Cũng là vay trước trả sau thôi mà …”
 
Đấy là thơ trong “Giọt nắng vô thường”. Còn, với “Khúc tâm du,” vẫn là Trần Huyền Tâm với gương mặt thơ của một miền nước Thánh. Miền khói sương mơ mộng.  
 
Sự lành mát, như khoảng xanh không một vẩn mây kia, là nét riêng Trần Huyền Tâm đã làm nên và có được.
 
Thường thì, đi giữa ba dòng Thiên - Địa - Nhân, các Thi nhân kim cổ phải “níu vịn” vào Trời, vào Đất, vào Người. Phải nương vào thiên nhiên, vào sự tình, cảnh huống. Vào các trạng thái trong va đập, tiếp cận mà than thở, giãi bày. Mà lấy cái này gọi dậy cái kia. Mà đẻ ra bao nhiêu liên tưởng xa rộng …
 
Ở những tập thơ trước, Trần Huyền Tâm bám chặt cái nền là Thiên nhiên. Là cảnh sắc ngoại lai, ảo huyền làm “cái có trước”. Là nét trội. Là “cái cớ” cho hồn mình phơi phong, tỏa rạng. Nhưng, ở “Khúc tâm du”, Trần Huyền Tâm đã khác đi chút ít. Đã tìm lối “vượt thoát”. Đã gần như “giã từ” xa hơn, đứng lùi ra một quãng xa hơn, để cái trực giác, hướng ngoại, khuất chìm, còn “cái Cảm, cái Linh, cái Suy tư” sẽ làm nên sức thấm loang và sáng dậy những khoảng sáng tâm tình.


 
Quả thực, với 60 bài thơ, ở “Khúc tâm du,” chỉ có một bài “Tạp cảm ngày giãn cách” Thơ viết về đại dịch Covid - 19. “Thơ kể việc. Thơ Thời sự”. Thơ, ngỡ như ở đây, sẽ ắp đầy những cụ thể. Những bóng dáng xương xẩu, lấm láp, đời thường. Nhưng, nào? Đâu Cảnh? Đâu việc?… Tuyệt nhiên, “Cảnh và Việc” đã ẩn, đã lùi xa. Chỉ còn thấy một tiếng dội lên từ con tim thi sĩ.  
 
Ví như:
 
Những dòng tin sáng ủ ê
Những con số chiều nhưng nhức
Trái tim buốt trong lồng ngực
Tóc nhàu thương gió mồ côi.
 
Tháng Bảy đi qua Hai Mươi
Nỗi đau dài xuyên thế kỷ
Thế nhân chìm trong mộng mị
Oan than còn đến bao giờ? ….
 
Rồi:
 
Nhắn rằng, còn đủ thời gian
Cho ta xoay chiều số phận
Lòng người biết Chân Thiện Nhẫn
Hình thần rồi sẽ về nguyên.
 
Vẫn còn lại giấc mơ tiên
Dành cho miền không lạc lối
Sài Gòn sẽ cùng Hà Nội
Bình yên một lối xanh về.
 
Hoặc, bài thơ “Thương về miền Trung”, viết về mùa bão giông, lũ lụt. Thơ ngỡ như nhiều cụ thể của hiện thực thuộc về cái Thấy. Như nước cuốn, sông trôi, nhà tan, cửa nát… Nhưng, ở đây, thơ vẫn chỉ là tiếng vọng dội lên từ góc khuất hồn người. 
 
Nẻo thiên di câm lặng bóng hình
Khúc biệt ly nghẹn lòng cõi thế.
 
Rồi:
 
Tháng Mười quặn đau cơn bĩ cực …
Kiếp nạn ngũ hành rồi chìm khuất hư vô
Khúc nhạc thiều ngân vọng nơi mô
 
Phải chăng, với “Khúc tâm du” Trần Huyền Tâm muốn đi bên phía bóng mờ của Cảnh. Để, cái tầng nổi của thiên địa ngoài kia thì chìm đi. Còn, cái nổi phải là góc sâu của hồn người, duềnh lên khoảng sáng.
Ví như:
Ôi có thể chúng ta sẽ khóc 
Nhưng nước mắt rơi thì mình lại gần thêm
(Tôi muốn)
Câu thơ “Nhưng nước mắt rơi thì mình lại gần thêm…” thật hay ở cái Cảm và cái Nghĩ quyện hòa trong cảnh huống cụ thể. Ở cái phát hiện trong đối nghịch giữa vui buồn nhân thế, là vậy.
 
Rồi:
Tiếng ve vô tư quyện mãi một nhành hoa
Hoa thắm quá nên gió thành bối rối
(Phút chia tay)
 
Hoặc:
 
Giữa đêm tối thắp bóng ngày trong vắt
Vẽ tên mình bằng hương sắc trinh nguyên.
(Những loài hoa đêm)
 
Lần theo “Khúc tâm du”. Lần theo các bài như: Xuân về, Tôi muốn, Diệu kỳ hoa, Sắc chiều, Biển đêm, Chiều Mộc miên… Đến: Nhắc bạn, Xuân đến bình an, Gửi miền phù hoa… Rồi, Lãng đãng thu hay Lặng lẽ thu… Đủ thấy, đi bên này của một bờ lộ trình, thơ Trần Huyền Tâm, ngỡ như đã cất đi một bên cái bóng hình của tầng trôi bề mặt, mà người viết luôn muốn lặn sâu vào đáy Biển - Hồn - Mình để mò tìm và đem về ngọc trai óng ánh. Luôn giăng lưới, khuấy động và đánh bắt “Biển Hồn Mình” mà vớt lên những gì trong truy tìm, săn đuổi. Luôn dồn xô, xoáy cuộn và dấy lên tự chính “Biển Hồn Mình” mà nghe, mà đón về hoa sóng với tiếng vang ngân nơi bến bờ xa vọng… 


 
Cái Được, cái Thấy ở “Khúc tâm du” không gì khác. Đấy là “Gương mặt Thi nhân.” Gương mặt thơ Trần Huyền Tâm mang chiều sâu của suy tư, tâm tưởng. Của Ý thức mở ra Vô thức. Hay vô thức dẫn về ý thức. Để rồi, ý thức ấy, lại tiếp tục mở ra Vô thức, mở ra khoảng lay động khôn cùng giữa khoảng tối mông lung nào đấy…
   
Khúc tâm du” có những câu thơ đọng, gợi, mà sâu:
 Đông tàn rồi, rét vẫn mải cuộc chơi
Phong sương buốt cả nụ mầm búp lá
Rừng quan tái gối giấc chiều lên đá
Trăng hạ huyền trầm mặc bóng cô liêu
(Xuân muộn)

 

Hoặc:
Chiều lặn vào vần thơ
Lá xuôi vàng miền nhớ
Giữa trong veo hơi thở
Thơm đằm lời môi hoa.
(Sắc chiều)
 
Hoặc:
 
Lặng thương trắng nước chiều mưa
Ngóng vòm cao, biết xanh chưa phai màu.
Dặt dìu bước hẹn cho nhau
Thương bao tan hợp bể dâu cõi người.
       (Tìm về!)
 
Hoặc, trong “Quá khứ không ngủ yên” khổ thơ chỉ điệp đi, điệp lại một âm “au” ở vần chân, nhưng có sức gợi về nỗi niềm quẩn quanh, khó gỡ:
 
Trời biết bởi vì đâu
Đất biết bởi vì đâu
Gió mãi kể ngàn sau
Mưa mãi nhắc lời đau.
 
Hoặc trong bài “Đi qua ngày bão giông”:
 
Bỗng chốc thật mình hơn
Là khoảng trời bước qua ngày giông bão
Mây thanh tân trải sắc màu uyên áo
Trong ngần mắt nắng liêu trai.
 
Rồi Lãng đãng Thu … v.v…

Bên cạnh “lưng túi thi ca” với sức cấy gieo không mỏi, ở hàng chục tập sách, Trần Huyền Tâm còn có những trang văn xuôi mang trầm tích phong lưu từ rất nhiều vòng đồng tâm hội tụ. Văn xuôi của Trần Huyền Tâm cũng không níu cậy vào hiện thực thật nhiều. Mà, Trần Huyền Tâm đi từ thế giới tâm tưởng, ngõ hầu từ ngọn lửa con tim, mà đốt lên câu chữ.
Văn xuôi Trần Huyền Tâm viết từ chuyện gặp trong đời thực. Những trải nghiệm có từ sức đọc, sức sống... Đã chín, lặn vào kho báu hồn mình.

Những bài bình thơ, hay những bài mở rộng, dạng “chân dung nhà văn,” Trần Huyền Tâm cũng có những đóng góp đáng kể ở lối cảm, lối soi, lối tiếp cận tươi tắn mà tinh.

Điều quan trọng hơn là, Trần Huyền Tâm đã gọi dậy, đã bắt mạch đúng và trúng vía hồn, thần thái của mỗi trang văn, người viết.

Trần Huyền Tâm - Nữ Văn Thi sĩ đi từ làng Lác, Mê Linh, Đông Hưng, Thái Bình, quê chị.

Đi từ Lớp bồi dưỡng Văn chương mang tên “Nhóm Búp.”

Đi từ cuộc đời người cán bộ Ngoại giao của đất nước.

Đi từ hàng chục tập sách với đủ các thể loại văn chương, in đậm dấu ấn thăng hoa của cảm hứng sáng tạo …

Tất cả nền tảng, trầm tích ấy, đã và đang làm nên một chân dung Trần Huyền Tâm - Một Nữ văn Thi sĩ tiêu biểu, luôn tỏa sáng và tin yêu trong niềm ngóng trông,  ngưỡng mộ của công chúng, của đông đảo bạn bè thân yêu đang cầm bút sáng tác. 


Hải Phòng, Mồng Một tháng 12 năm 2021
Kim Chuông
----------------------------
(1) Điều thiên hạ chưa biết, thì tìm đến Bảng Đôn
(2) NXB Hội Nhà văn, 2019


Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.