• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Những vần thơ tươi xanh và sâu lắng

Thứ ba - 26/10/2021 16:23





NHỮNG VẦN THƠ TƯƠI XANH VÀ SÂU LẮNG

(Bùi Biên Linh) 

Tôi được đọc những bài bình thơ rất sâu sắc, thấu cảm của tiến sĩ Bùi Đại Dũng trước khi được đọc thơ anh. Bùi Đại Dũng từng công tác tại Ban Tài chính quản trị trung ương, tổ tư vấn của Thủ tướng chính phủ, Bộ nội vụ, hiện nay đang là giảng viên Đại học quốc gia Hà Nội. Anh là một trong số không nhiều những nhà khoa học làm thơ, bình thơ đi được vào lòng độc giả. Hơn 100 bài thơ của Bùi Đại Dũng là sự kết tinh của những hoài niệm về quê hương, gia đình và miền dấu yêu của tuổi thơ trong sáng. Đó còn là những lắng sâu trăn trở, những phát hiện, kiến giải sắc sảo tinh thâm trong cảm hứng thế sự trước hiện thực cuộc đời. Và còn có cả những bài thơ giúp người đọc được “khai ngộ” mang cảm hứng thiền...
 
NHỮNG VẦN THƠ TƯƠI XANH 
 
Khi viết về miền kí ức dấu yêu nơi “quê hương - tuổi thơ tôi” Bùi Đại Dũng có những vần thơ dịu dàng, trong xanh:
 
“Bầu trời vẫn xanh mênh mang 
Như khoảng trời xưa sau ô cửa mở 
Cỏ khô rối vương tiếng cười trẻ nhỏ 
Tháng năm nào nơi ấy bước chân ta”
(Trường cũ)
 
Tuổi thơ tươi đẹp - cái buổi sớm xanh non của mỗi đời người lung linh tiếng chim và rực rỡ sắc hoa, sắc lá. Tất cả trở nên diệu kỳ hơn trong những câu thơ dịu ngọt:
 
“Tháng năm ơi tôi nhớ cánh hoa Sim 
Bãi Thanh Hao đầu con suối vắng 
Lùm cây trưa lọt bài giọt nắng 
Tôi lẫn vào cây cỏ hoang sơ”
 
Hay:
 
“Mầm phượng non mới nhú màu xanh 
Hẹn ngày mai hoa đỏ trĩu cành 
Gọi tiếng chim trưa hè thánh thót 
Gọi cái ngủ ngày đến với bé trong nôi”
(Tháng Năm 1)
 
Bùi Đại Dũng viết nhiều về thời gian. Bởi với anh, thời gian là chứng nhân, chứng kiến mọi đổi thay, trải nghiệm của con người. Thời gian cũng là ngọn nguồn của cảm xúc sinh sôi. Mỗi tháng, mỗi năm đều mang đến cho con người biết bao hạnh phúc, yêu thương; cũng có khi là cả nỗi bâng khuâng và niềm hy vọng. Một năm có 12 tháng, tháng nào cũng có vẻ đẹp riêng. Với tác giả, Tháng Năm là tháng anh yêu nhất - Tháng đặc biệt vì:
 
“Ơi tháng Năm kỳ diệu 
Tháng ấy tôi sinh ra
Bão mưa và bão lửa 
Tôi vẫn yêu thiết tha”
 
Người viết trân quý tháng Năm được sinh ra, anh đã viết ba bài thơ về Tháng Năm thiêng liêng đó. Bài nào cũng nồng nàn tươi thắm: 
 
“Ơi tháng Năm của tôi 
Đỏ rực cả bầu trời 
Hoa gạo và hoa phượng...”
 
“...Ơi tháng Năm nóng bỏng 
Lá vẫn xanh rợp xanh”
(Tháng Năm 2)
 
Đọc thơ Bùi Đại Dũng đôi khi như đang được chiêm ngưỡng những Bức Tranh Thơ với những nét mềm mại, những gam màu tươi sáng:
 
“Không gian như pha lê...
Lá Trẩu rực vàng, tiếng chim lanh lảnh 
Cơn gió đầu đông thoảng lạnh 
Lay động triền hoa lau trắng bên đường 
Phảng phất đâu đây mùi hương 
Lấp ló bụi bờ quả cây chín đỏ...”
 
Có cả sắc cả hương cả thanh âm trong trẻo của tiếng chim. Trong cảnh sắc thân thương ấy là những khoảnh khắc bâng khuâng gợi nhớ của hồn người:
 
“Mỗi cảnh vật đượm màu gợi nhớ
Nơi đây tôi gửi tuổi thơ mình”
 
Có bức tranh thơ dịu lành gợi nỗi niềm man mác bâng khuâng được phác thảo bằng những gam màu lạnh, đường nét chấm phá gợi nhiều hơn tả về một khoảng chiều thu “sương như bột”, “Trăng non đầu thu lạnh”, “trong tĩnh lặng hơi may”:
 
“Chân trời xa mờ xanh 
Viền ánh chiều tím nhạt 
Vài ngôi sao chớm hiện 
Nhuốm xanh với sương chiều”
 
Hình ảnh chiều thu dẫu có mang dấu ấn riêng ngàn đời của nó nhưng trong ký ức của tuổi thần tiên, chiều thu ấy vẫn chan hoà sắc xanh, chan hoà sức sống.
 
Dễ thấy trong Miền Ký ức dấu yêu của Bùi Đại Dũng, Thiên nhiên luôn chiếm vị trí danh dự.
 
Trước thiên nhiên tâm hồn con người dễ xuyến xao mơ mộng với những liên tưởng đầy thi vị cùng những cảm nhận tinh tế trước sự biến đổi trạng thái của vạn vật, của cỏ cây hoa lá.
 
Hãy cảm nhận cùng anh giây phút giao mùa từ xuân sang hạ. Cái khoảnh khắc “Đôi mùa đưa tiễn nhau” vừa lưu luyến không nỡ tiễn Xuân đi vừa háo hức mong Hạ tới:
 
“Cơn gió đầu hè phảng phất như mơ 
Nửa đầu se sẽ lạnh mùa xuân 
Nửa sau đã mang hơi mùa hạ”
(Chuyển Mùa)
 
Tôi yêu những bài thơ mộc mạc, những ảnh hình đơn sơ và những ngân rung chân chất của trái tim trước vẻ đẹp của hoa Cam trắng muốt dưới trăng, của hàng xoan hoa tím rơi đầy con ngõ tháng ba, của hoa đào chúm chím như làn môi, là hoa tầm xuân tha thiết của một thời tươi trẻ:
 
“Tôi ôm mãi một thời tươi trẻ 
Khi tóc mình như nụ còn xanh 
Ai bảo tầm xuân màu xanh 
Tôi ngẩn ngơ khi thấy hồng xoè nở”
 
Để rồi trải qua bao biến cải đời người, nụ hoa của thời tươi đẹp ấy mãi còn diệu kỳ trong trái tim yêu “Có một nụ hồng xanh mãi trong tôi”.
 
Trong thế giới hồn nhiên yêu dấu của Anh, người đọc (đặc biệt là những người thuộc thế hệ 6x, 7x) sẽ như tìm thấy bóng dáng của mình trong bài thơ: Quê Ngoại - Mảnh vườn riêng sâu đậm ân tình:
 
“Ôi cánh bướm sườn đê quê ngoại 
Nắng xuân này... rực bãi phù sa 
Cỏ non mướt và ngô xanh mướt 
Không kìm lòng trào nước mắt ta”.
 
Ta thấy lòng nghèn nghẹn rưng rưng khi đọc những dòng thơ về Mẹ. Người mẹ quê một nắng hai sương tảo tần như cây lúa trên đồng tắm nắng gội mưa chắt chiu từng hạt mỡ màu trong đất nuôi từng hạt lúa vàng. Mẹ “Dãi dầu bạc phếch áo nâu/Khô rồi suối tóc, mái đầu bạc phơ” để nuôi các con khôn lớn. Bùi Đại Dũng đã viết những câu thơ đong đầy xúc cảm:
 
“Chợt nhìn dáng mẹ cuối bờ 
Ngổn ngang rơm rạ, câu thơ nghẹn lời 
Chúng con hạt thóc mẹ ơi 
Kết tinh từng giọt nắng trời mẹ đong” 
 
Những bài thơ đáng yêu nhất của Bùi Đại Dũng (theo tôi) đó là những bài thơ viết về tuổi thơ gian khó trong những năm chiến tranh. Cả một miền kí ức hiện ra. Khó khăn thiếu thốn nhưng những cô bé, cậu bé vẫn lớn lên trong những “Gian khó luyện rèn”. Ký ức những ngày sơ tán xa phố phường xa hàng cây góc phố, thậm chí phải xa cả mẹ cha, những đứa trẻ con thành thị tập lội đồng, tát cá, mò cua “Đồ chơi của trẻ con ngày ấy toàn là “thứ dữ”, “hoành tráng” qua bàn tay khối óc của trẻ con, mọi thứ tưởng bỏ đi lại hoá thành những đồ chơi lí thú:
 
“Tự tạo đồ chơi sáng tối chiều trưa 
Mảnh sành bao diêm, miếng chì, cắc tút 
Dây cháy, kíp đồng, ống bơ đầu đạn ...”
 
Chẳng cần ô tô, tầu lửa, búp bê.... chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ làm nên một “Gia tài kinh khủng” nhưng rất đáng tự hào của trẻ thơ.
 
Lật giở từng trang thơ như lật giở từng trang kí ức về một thời Hợp tác xã ngày xưa:
 
“Người trâu mệt đi xa chuyển thóc 
Trẻ con mừng cá vét nhập chia ...
... khoanh đất tạo khuôn viên riêng biệt 
Cắm làm vườn nhà hoa trái xum xuê”
 
Tuổi thơ hồn nhiên lớn lên cùng những trò chơi dân gian những Tập Tầm Vông, những tập làm nhà làm cửa cấy lúa trồng rau, đánh khăng, đánh đáo và lớn lên cùng những khúc đồng dao.
Tôi yêu những câu thơ của những tháng ngày biết xao xuyến bâng khuâng:
 
“Tầm xuân ơi hãy xanh mãi nhé 
Ngày em đi nụ nở thành hồng”
 
Hoặc:
 
“Tự cõi lòng kỷ niệm lên xao xuyến 
Lóng lánh hoài như một sợi tơ giăng”
 
Thế giới tâm hồn - thế giới thơ của Bùi Đại Dũng ngân rung đa chiều của những cung bậc tâm tình. Tự nó là chất liệu, tự nó làm nên sự quyến rũ ngọt ngào và tha thiết của thơ anh. Không cần trau chuốt, không cần phải cầu kỳ trong kiến tạo thể loại, hay ngôn từ bóng bẩy, thơ Bùi Đại Dũng đi vào lòng người bằng chính sự chân thành, dung dị.
 
Không chỉ có những vần thơ Tươi Xanh, Bùi Đại Dũng còn có những bài, những câu thơ da diết. Và tôi yêu những bài thơ lắng sâu xao xuyến:
 
“Năm sau bằng lăng lại nở hoa 
Lại chứng kiến một mùa tiễn biệt 
Lại có lứa học trò lưu luyến 
Lại nao lòng trước lúc chia xa”
(Xa trường)
 
Còn trong bài thơ “Cuộc  Đời Của Tôi “lấy từ ý thơ của nữ nhà thơ Nga Olga Berggoltz, anh viết:
 
“Bao năm rồi, bao đôi lứa đọc thơ 
Như em và anh phút mộng mơ 
Ngày xưa ấy không bao giờ trở lại 
Ta đã mất, phải rồi, ta mất mãi 
Nghĩ cho cùng ai có lỗi gì đâu”
 
Một trong những bài thơ được nhiều bạn đọc yêu thích - Đó là bài thơ Thương Mùa Lá Rụng với những câu thơ lắng sâu, da diết. Đó là những câu thơ đã đọc rồi là “Không thể nào quên”:
 
“Ai đã trải qua lần chia ly đắng cay 
Mới thấm cô đơn giữa đời sôi động 
Người càng vui càng thấy mình lạc lõng 
Như mọi nỗi buồn đều dành hết cho ta”
 
Trong thơ Bùi Đại Dũng không chỉ có “Những vần thơ tươi xanh”, những vần thơ nhẹ nhàng bay bổng thiết tha và xao xuyến, đủ để chứng minh rằng “Thơ là tiếng nói của trái tim đến với trái tim”, những câu thơ được viết ra vì:
 
“Hãy để hồn ta trào ra đầu ngọn bút 
Mỗi vần thơ đều dính não cân ta”
(Hàn Mặc Tử)
 
NHỮNG VẦN THƠ SÂU LẮNG 
 
Trong gia tài thơ của mình, Bùi Đại Dũng có những bài thơ sâu sắc, đậm triết lí nhân sinh. Đó là “Mất cắp“, “Ba điều ước”, “Vô Đề 2”, “Cá hoá Rồng”, “Phù Du”, “Big Bang”, “Kịch đời”, “Chuyện trò với đá”…
 
Ở mảng thơ này, tác giả thường khai thác những nghịch lí trong cuộc sống của con người, thông qua những nghịch lí mà tỏa ra những suy tư, suy nghiệm sâu xa. Người viết sắc sảo, tinh tế trong phát hiện những hiện tượng tưởng như bình thường nhưng trong nó chứa đựng những nghịch lí, những bi hài về cách ứng xử của con người giữa dòng đời cuộn chảy. Ví như: Cái sọt rác, Ngạt, Sáng tạo, Tứ Tứ...
 
Nhiều bài thơ được khơi nguồn từ cảm hứng thế sự. Nó gợi lên biết bao suy ngẫm trăn trở của con người.
 
Hãy đọc để lắng nghe khát khao khắc khoải của con người trẻn hành trình đi tìm chính mình:
 
“Thất bại anh khóc một mình 
Đó thực cũng là thành tựu 
Cõi người không biết vẫn thành 
Anh không sống trong mắt họ 
Anh sống bằng thức chính anh 
Anh sống không vì ai muốn 
Mà bằng lựa chọn của mình”
 
Đọc những câu thơ trên của Bùi Đại Dũng, tôi nhớ đến câu thật hay trong vở kịch “Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt” của Lưu Quang Vũ, khi nhân vật Trương Ba thốt lên đầy khao khát: “Tôi muốn được là Tôi toàn vẹn”.
 
Hoặc có những câu thơ như viên ngọc chứa trong túi khôn của con người:
 
“Điều tột cùng ngốc dại ở đời 
Là đi tìm cái không tên gọi”
 
Hay:
 
“Im lặng là đỉnh cao của âm thanh”
...
“Nhỏ bé tột cùng chứa năng lượng vô biên”
 
Trong bài “Tâm Ta” tác giả lại “Mách Bảo” cách tìm ra con đường để thoát ra khỏi những quẩn quanh, bế tắc giữa cõi mênh mông của con Người:
 
“Quẩn quanh tôi trở lại với mình 
Trái đất quay quanh tâm trái đất 
Thấy bình yên, giản đơn, chân thật 
Dựa lòng mình, đâu nữa mông lung”
 
Bùi Đại Dũng - trên hành trình Tìm về đã nghiệm ra có cách giúp con người thoát khỏi những ràng buộc, bon chen, đau khổ bởi bao chuyện đời lớn nhỏ bởi những sân si rất đỗi Con Người qua những bài thơ mang Cảm hứng  thiền. Một trong những cách để sống cho nhẹ nhàng, thanh thản đó là biết học cách để Buông:
 
“Tạo tác tích tụ hoài 
Ta nghe mà không tỏ 
Họa lớn biết bao nhiêu 
Thôi ta hành buông bỏ”
 
Trong bài Chi Sơ anh viết:
 
“Chi Sơ” nên quán tới “Bổn lai”
Gốc cội là sơ vốn vô tai 
Ác độc luân hồi dày thêm họa 
Đắm mê - Tù ngục, dậy đi ai”. 
 
Khi con người bị mê trong những ái ố sân si, làm những việc trái luân thường đạo lí, là khi con người thật đáng trách nhưng cũng thật đáng thương. Những lời cảnh tỉnh bằng thơ tuy mộc mạc nhưng ý nghĩa thức tỉnh của nó sẽ góp phần là Nguồn sáng soi rọi cho những người trong cõi Mê hướng về con đường sáng của đạo nghĩa, đạo lý Con Người:
 
“Thương thay dục giới kiếp người 
Vô tình, cố ý tội đời chuốc thêm.
Việc sai, tội lỗi đương nhiên 
Lời sai ý độc cũng nên khổ nàn 
Bớt đi việc ác lời gian 
Rủa nguyền kẻ xấu, có làm đời vui?”
 
Hoặc:
 
“Nhân quả theo những vui sầu 
Lo tranh ăn lại tranh nhau nói bừa 
Ngẫu nhiên đâu, triệu lí do 
Cũng trong y báo duyên vừa dấy nên”
 
Có thể nói, sự đa dạng về thể loại, sự phong phú về chất liệu, sự linh hoạt trong hình thức thể hiện, sự sắc sảo trong cách nhìn cách tìm tòi chắt lọc; cùng khả năng khái quát từ sự thực thành hiện thực đã giúp Bùi Đại Dũng có những tứ thơ mới, sâu sắc. Chân thành trong cảm xúc cùng với sự mộc mạc trong cách sử dụng ngôn ngữ của thi ca... cũng là nét nổi bật trong hơn 100 bài thơ của Bùi Đại Dũng.
 
Dù là những bài thơ thuần nhất Trữ Tình hay những bài thơ đẫm màu thế sự, thậm chí cả trong những câu thơ lấp lánh ánh Thiền, Bùi Đại Dũng vẫn luôn thể hiện thật sâu sắc cái Tôi trí tuệ nhưng không kém phần đắm say bay bổng. Nét riêng ấy là chân dung, tài năng và tâm hồn của một Bùi Đại Dũng chân thành trí tuệ và tha thiết như câu thơ anh viết: 
 
“Trong khoảng đời xưa lạc bước bâng khuâng 
Nếu có lâu bạn nhớ tìm tôi nhé 
Mà hôm nay cũng sẽ qua như thế,
Nhớ tìm tôi... bạn nhé... nhớ tìm tôi!”
(Nhớ tìm tôi nhé)
 
Bình Phước, ngày 28 tháng 9 năm 2021
Bùi Biên Linh 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.