- Lý luận - Phê bình
Lấp lánh vàng trong Khúc Tâm Du của Trần Huyền Tâm
Chủ nhật - 16/01/2022 21:56
LẤP LÁNH VÀNG TRONG KHÚC TÂM DU CỦA TRẦN HUYỀN TÂM
(Bùi Thị Biên Linh)“Khúc Tâm Du” là tập thơ thứ tư của nhà ngoại giao, nhà thơ, nhà văn Trần Huyền Tâm. Tôi gọi tác phẩm này là tập thơ Lấp Lánh Ánh Vàng. Bởi Khúc Tâm Du không chỉ là sự kế thừa một cách tự nhiên những chủ đề, những giá trị Nhân văn, thấm đẫm chất trí tuệ, Cảm Hứng Thiền vốn đã quen thuộc trong các sáng tác trước đây của Trần Huyền Tâm. Tập thơ mới này thật sự là sự thăng hoa cả về Cảm Hứng, Tư tưởng và Bút Pháp Nghệ Thuật. Khúc Tâm Du là sự kết tinh trọn vẹn hơn, sinh động và sâu sắc hơn ba chữ: Tâm - Tầm - Tài của Trần Huyền Tâm trong lĩnh vực sáng tạo văn chương nghệ thuật.
Trước hết, nói về chữ Tâm trong “Khúc tâm du”
Tôi quan niệm: Tâm là tình cảm, là cảm xúc là rung động mãnh liệt của trái tim nghệ sĩ trước hiện thực cuộc đời. Đây là cái gốc của thi ca nói riêng và nghệ thuật nói chung.
Nhiều bài thơ của Trần Huyền Tâm đã được viết ra từ tâm tình dào dạt: Tình yêu thương, trân trọng trước vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống của con người; là niềm cảm thương trước khổ đau bế tắc; là niềm căm giận trước tội ác, là ước mong là sự hướng đường cho người thiện lương được hạnh phúc bình an.
Người đọc sẽ dễ dàng nhận thấy: Khúc Tâm Du là vẻ đẹp muôn màu của thiên nhiên. Trần Huyền Tâm say sưa ngây ngất khi Xuân về mang theo sức sống tinh khôi của gió của mây, của cỏ cây hoa lá:
“Gió xuân bay nhè nhẹ
Mắt lá ngời long lanh
Tơ trời xanh thật xanh
Lời hoa thơm mật nắng
Xuân tinh khôi áo trắng
Thanh thoát khúc nhạc thiền“
Thiên nhiên an hoà và lòng người hân hoan thơi thới niềm tin:
“Khúc xuân nay đến độ
Thắm mãi lời thệ xưa
Cổng Thiên Đường đang mở
Cõi xưa xuân ngóng chờ“
Bởi:
Bao niềm mong nỗi đợi
Trân quý phúc duyên này
Đến lúc rồi xuân nhé
Hết muộn phiền gió mưa “
(Xuân bình an)
Nhà thơ viết nhiều về vẻ đẹp của mùa xuân: Kìa Xuân Đang Tới, Chào Mùa Xuân Mới, Xuân Đến Bình An, Xuân Muộn...
Xuân non tơ và tươi ngời sức sống gợi những tin yêu, khát vọng cao đẹp của con người. Trái tim nghệ sĩ ngân rung cùng những thanh âm dịu ngọt, những sắc màu mơn mởn và hương xuân nao nức lá hoa
“Thế rồi sắc xuân lơi
Trên nhành hoa tim tím
Thế rồi hương xuân chín
Mọng ngọt bờ môi thơm..
Muôn sắc màu tươi non
Náo nức trào nhựa sống
Nồng nàn hơi thở ấm
Gọi đất trời vào xuân”
(Kìa xuân đang tới)
Nếu Xuân rộn ràng nao nức thì mùa thu rất đỗi dịu hiền, mơ mộng trong những Khúc Thu Phai:
“Dịu dàng dịu dàng cánh gió
Nhẹ vương hàng cây tóc mây bồng bềnh
Thơm thơm tay cốm sen mềm”.
Và vẻ đẹp của Trăng Thu:
“Chiều gom bao sợi nắng ngà
Dát lên đĩa ngọc thế là thành trăng”
Thu xa với “Mưa dùng dằng quẩn quanh nơi ngõ vắng/Đêm sương mòn một nửa vầng trăng”, Thu Chín rồi Thu đợi... cùng bao tâm tình trong man mác heo may.
Có những câu thơ đằm thắm, khi viết về vẻ đẹp của Những Loài Hoa Đêm bằng những cảm nhận tinh tế cùng những xúc cảm nâng niu:
“Có những loài hoa thường nở về đêm
Lặng lẽ ngát dưới màn trời thanh mát”
Khiến lòng người sâu lắng lời tri ân những dâng tặng lặng thầm “sắc trắng an yên”:
“Yêu vô cùng những loài hoa đêm
Chẳng rực rỡ sắc màu khi trời sáng
Thức trong đêm cho hương đầy xúc cảm
Người vô tình ...
Người sẽ chẳng biết đâu”
Đó là vẻ đẹp của con người trong những ân tình với đất đai quê hương, xứ sở:
“Cái đêm con ra đời
Mẹ cắt nhau chôn vào đất
Có phải mẹ đã gửi tình yêu chân thật
Của con vào đất đai”?
...”Rồi mai này con đi tới tương lai
Đồng đất quê mình đưa con vào vũ trụ
Con sẽ chẳng quên những bàn tay đã xoay mùa chuyển vụ
Nuôi con lớn khôn”
(Bài ca Đất)
Đó còn là vẻ đẹp của người vợ thuỷ chung ngóng đợi mỏi mòn người chồng nơi chiến trận, hy sinh hạnh phúc riêng mình cho hạnh phúc của Tổ quốc, quê hương.
“Đợi anh, em còn đêm thôi
Ngoài kia, sương đầm mái lá
Giọt sương lăn dài trên má
Giọt sương khắc khoải hao gầy”
(Đợi chờ)
Có lẽ, Chữ Tâm thể hiện đậm nhất trong tập thơ này là sự thấu cảm trước nỗi đau nhân thế. Tác giả viết về những Nỗi Đau Thế Kỷ bằng “Trái tim buốt trong lồng ngực”... Đó là những tháng ngày đớn đau vật vã trước một quá khứ không ngủ yên:
“Tháng Bảy đi qua Hai Mươi
Nỗi đau dài xuyên thế kỷ
Thế nhân chìm trong mộng mị
Oán than còn đến bao giờ?”
(Tạp Cảm ngày giãn cách)
Vì sao? vì đâu nên nỗi ấy?!
“Một cơn bão trái ngang
Làm đất trời mọng nước
Làm thế gian thảng thốt
Làm lòng người nghẹn đau“
Dịch bệnh hoành hành gây bao mất mát đau thương. Trái đất nhuốm màu tang tóc thê lương. Nỗi đau chỉ có Đất, Trời mới biết bởi vì đâu:
“Trời biết bởi vì đâu
Đất biết bởi vì đâu
Gió mãi kể ngàn sau
Mưa mãi nhắc lời đau“
Tuy nhiên, Trần Huyền Tâm không chỉ nhắc đến nỗi đau thực tại do dịch Covid-19 gây ra trên toàn cầu. Có nhiều động từ, tính từ, danh từ đã được nhà thơ sử dụng để chỉ những nỗi đau, những oan than, những mốc thời gian, những tai ương giáng hạ xuống thiện lành, nơi này hay nơi kia... Nỗi đau trong thơ Tâm không chỉ là nỗi đau thân phận. Nó còn là nỗi đau trước thế thái nhân tình.
“Tháng Bảy mòn tiết ngâu
Hai mươi trào lạnh buốt
Cái ác gieo nghiệp ác
Bức hại bao thiện lành”
(Quá khứ không ngủ yên)
Hoặc:
“Kết ấn thấy xưa đau nhói
Dựng tay nghe xót tràn về
Lặng yên ngó nghiêng cõi thế
Đắng lòng người vẫn còn mê”
(Tạp Cảm ngày giãn cách)
Và đây nữa:
“Những nỗi niềm uẩn ức ngày Tháng Bảy
Những oan than nhức phần tư thế kỷ”
(Lặng Lẽ Thu )
Nhưng Thơ Trần Huyền Tâm không chìm đi trong nỗi bi ai. Vượt lên nỗi đau là những ước vọng, niềm tin, là hành trình tìm về ngọn nguồn Bình an, Hạnh phúc. Thiết nghĩ, đây là biểu hiện đáng trân trọng nhất, cao đẹp nhất của chữ Tâm:
”Bước qua bão giông, vàng kim ở lại
Bên đời diệu phúc thái lai”
…
“Bước qua bão giông, tin yêu ở lại
Thương người đỡ đoạn trầm luân”
(Đi qua ngày bão giông)
Chữ “TẦM” trân quý
Không chỉ dừng nơi Niềm Tin và Ước Vọng, Khúc Tâm Du còn là khúc Hướng Đường cho con người tìm được về “Bến Giác Bình yên“. Tôi muốn nói đến cái Tầm của người viết lên những vần thơ ấy.
Trước hết, Trần Huyền Tâm là người mà sự tinh anh, tài trí đã được phát lộ từ thuở ấu thơ, những yếu tố thiên bẩm ấy càng lớn lên trên hành trình của nhà ngoại giao có cơ hội đi công du “Năm châu bốn bể“, có cơ hội tiếp thu và hội nhập với Tri Thức nhân loại. Bấy nhiêu cũng đã làm nên nền tảng của chữ Tầm. Nhưng chữ Tầm thực sự được Thổi Hồn và Chắp Cánh là khi Duyên Lành đến với Trần Huyền Tâm. Tâm may mắn biết Pháp, sớm Ngộ được Pháp, Đắc Pháp. Từ đó, nhìn con người vì đắm chìm trong cõi mê của sân si ái ố, mang nặng chấp trước của vòng tục lụy mà khổ đau dằn vặt… thì người tu tập phát tâm từ bi, khao khát phổ độ chúng sinh. Hướng con người đến con đường Sáng: Biết đến Pháp, học theo Pháp, buông bỏ chấp trước trong cõi người thường để tìm về Bến Giác bình yên. Biết buông bỏ những gì cần buông bỏ giữ cho mình thân tịnh tâm an; biết hướng về Chân -Thiện - Nhẫn. Đó là con đường đưa con người Trở Về với hạnh phúc viên mãn.
“Lắng trong sâu thẳm tiếng cười
Tìm về xưa cũ trọng lời thiên ân.
Chân tâm soi sáng đường trần
Hành nhẫn nhịn, thiện giải phần sầu đau
Để rồi thanh thản đường ngâu
Ngàn năm Ô Thước Bắc cầu kết duyên .
Để hiền Thần tụ bến Thiên
Để người xưa… sớm nhớ duyên ...
Tìm về...
(Tìm về)
Ai đã từng biết đến chữ “ngộ” hẳn sẽ nhận thấy đó là những lời thơ lấp lánh ánh thiền, lấp lánh trí huệ, khởi lên từ tâm thiện lành trong sáng, thắp lên và soi Ánh Vàng cho người tìm được con đường để đến với bến bờ hạnh phúc.
Trong bài “Viết cho ngày trở lại” cũng cùng ý thơ tương tự:
“Nhắn rằng người chốn Đào Nguyên
Có nhớ Giao Tiên thì tìm về Bến Giác..,”
Dẫu hành trình Tìm Về với Bản Ngã, Bản Nguyên thuần tịnh còn bao gian nan Trắc trở nhưng không nề, khi con người có niềm tin vào Chân Lý của vũ trụ soi đường:
“Dẫu đã biết cứ đi rồi sẽ đến
Mà đường về sao vẫn mãi miên man
Ta lần hồi trong vết sẹo thời gian
Nghe ký ức mỏi mòn phơi tháng ngày bạc phếch
Gói lại một cõi thế mặn nồng mà nhạt thếch
Cả vui buồn lẫn đắng đót, xàng xê
Mình bên nhau cho tin yêu xưa cũ ào về
Em chợt thắm giữa bộn bề diệu phúc”
(Với mình)
Mỗi con người đều được sinh ra với một tâm hồn thuần khiết. Trong cuộc mưu sinh giữa xã hội như một thùng thuốc nhuộm, ta bị nhuốm màu của Danh, Lợi, Tình... của những sân si. Bất chợt giật mình tỉnh ngộ, ta muốn khao khát tìm về với chính ta của ngày xưa trong sáng. Đó là con đường “Phản bổn quy chân”. Về được hay không? - Đó là câu hỏi lớn. Nó phụ thuộc vào lựa chọn và ý chí, cơ duyên của chính ta.
Đọc tác phẩm của Trần Huyền Tâm và ngẫm lại những gì đã trải, nhìn ra cuộc đời rộng lớn mà “chật chội” ngoài kia, tôi đã thêm thấu hiểu rằng: Thiện Tâm sẽ được quay về - Đó là niềm tin mãnh liệt để “Đi qua ngày bão giông” trở về nơi:
“Lấp lánh hạc vàng vầng mây trắng tinh khôi
Chốn cũ quê xưa đón mùa giác mới
Trở lại là mình - Những Đài Sen không tuổi
Kết ấn thăng về... tân vũ trụ khởi nguyên”
(Viết cho ngày trở lại)
Những bài: Bài ca tháng Năm, Vũ Điệu Liên Hoa, Thuyền Trăng Đón Bạn, Nụ cười hoa sen, Đoá hoa Ưu Đàm, Tân Thiên… đặc biệt những bài viết theo thể Hát nói đều là những bài đậm cảm hứng Thiền.
Nói chung, trong Khúc Tâm Du, những bài thơ mang cảm hứng Thiền chiếm ưu thế. Dù trực tiếp hay gián tiếp, qua thủ pháp ẩn dụ, nhân hoá qua hàm ý hay ảnh hình… qua cách tỏ bày ý tưởng của chủ thể cảm xúc, người đọc vẫn nhận ra điều đó. Theo tôi đó là giá trị tư tưởng nổi bật của tác phẩm thể hiện chữ Tầm mang ý nghĩa tinh thần lớn lao mà tác giả muốn chuyển tải.
Chữ TÀI đáng trọng
Những người từng gặp gỡ giao tiếp với Trần Huyền Tâm đều biết cô là người tài hoa, trí tuệ hơn người. Một người bạn của Tâm đã dành những lời chân thành khi viết về nhà ngoại giao kiêm thi sĩ này: “Ở chị, tố chất của một nhà ngoại giao kỳ cựu có thừa: Thông minh, sắc sảo, tư duy mạch lạc của dân chuyên toán, mềm mỏng nhẹ nhàng chia sẻ vô cùng thuyết phục của người sở hữu trí tuệ uyên thâm, giọng nói trong trẻo quyến rũ… Chị có một tâm hồn rất đẹp, cảnh vật qua con mắt của chị dường như đẹp hơn, cuốn hút hơn, lay động người đọc để rồi truyền tải những ý thơ khiến họ say mê...”
Thơ là một loại hình nghệ thuật đặc biệt phản ánh hiện thực cuộc sống bằng ngôn ngữ thông qua con mắt trái tim của người nghệ sĩ.
Tôi thiết nghĩ Huyền Tâm đã làm người đọc say mê tác phẩm của cô bằng vẻ đẹp của tâm hồn, sức lay động của cảm xúc, đặc biệt là bằng trí tuệ Tài Năng trong cách tổ chức sắp xếp ngôn ngữ thi ca. Huyền Tâm đa tài. Cô không chọn văn chương nghệ thuật làm sự nghiệp chính của đời mình nhưng Tâm lại rất thành công trên nhiều thể loại văn chương: Viết văn, làm thơ, viết lý luận phê bình văn học. Khúc Tâm Du lại thêm lần nữa khẳng định điều này, đồng thời mở ra cho người đọc thấy tài năng tiềm ẩn của Huyền Tâm vừa được bắt đầu phát lộ trên lĩnh vực mới - Lĩnh vực âm nhạc. Thú vị nhất là Tâm chưa từng được học nhạc lý nhưng khi làm thơ thì giai điệu, âm hưởng, tiết tấu của nhạc dường như đã có sẵn trong cô, lời thơ chỉ là cụ thể hoá bằng lời của những khúc nhạc kia thôi.
Khúc Tâm Du có 60 bài thơ thì có đến 19 bài được nhiều nhạc sĩ tên tuổi như Vũ Hiến, Nguyên Hạnh, Trần Thu Hường, Nguyễn Khắc Hùng, Thuý Trần, Nguyễn Hồng Nguyệt Anh, Hồng Vân, Ánh Dương phổ nhạc (có bài 2-3 người phổ) và là sự lựa chọn của nhiều ca sĩ tài danh như Tùng Dương, Bùi Lê Mận, Đức Long, Hồng Liên, Quỳnh Anh… thể hiện.
Những ca khúc ấy luôn tha thiết sâu lắng và bay bổng. Chưa hết. Phần cuối tập thơ là sự tập hợp của 20 bài viết cho ca Trù (thể hát nói). Đây là thể loại âm nhạc dân gian hay nhưng khó. Hát nói - Thể cách chính của ca trù. Hát nói có tính cách tự do phóng khoáng không câu nệ; số chữ trong câu và số câu trong bài hạn định chặt chẽ (thể 11 câu, 15 câu, 19 câu và 27 câu). Nó có thể coi như biến thể của lục bát và song thất lục bát. Tuy vậy nó lại đòi hỏi phải tuân theo bố cục chặt chẽ, cách gieo vần và số chữ trong câu văn…
Trần Huyền Tâm đã khám phá, chinh phục và thành công ở lĩnh vực mới bằng khả năng thiên phú và sự đa tài của mình.
Trở lại với thơ, Tâm làm thơ như một phần không thể thiếu của cuộc đời cô. Năm 15 tuổi, cô thiếu nữ này đã viết những dòng thơ như Tuyên Ngôn của nàng Thanh Nữ. Bài thơ có tên “Tôi Muốn“ để tặng người bạn của mình. Nó “già chát” về câu từ, ý tưởng nhưng nó sớm bộc lộ tài năng thiên bẩm của cô bé nữ sinh quê lúa:
“Bạn ơi,
tôi không là thi sĩ
Tôi chỉ viết những gì tôi nghĩ
Bằng tiếng lòng dìu dặt lời ca
Bằng thanh âm tươi sáng hiền hoà
Bằng nhịp phách ngân nga điệu hồn văn học“
Quả thật, Trần Huyền Tâm đã kể về những gì của hiện thực cuộc đời khiến hồn cô rung động bằng cách riêng đầy sắc màu, ảnh hình và réo rắt thanh âm.
Tôi yêu những mùa xuân ngát hương và những mùa thu dịu ngọt sắc màu trong Khúc Tâm Du. Tôi thấy tôi như đang được Cháy lên trong những nốt nhạc, trong sắc thắm nồng nàn của hoa gạo tháng Ba:
“Đỡ một cung huyền cho thắm lại đường mây
Thao thiết hát những sắc màu nhắc nhớ
Em đang chín trong vòng ôm mọng lửa?
Hay mùa xuân đang chín giữa tay cầm?”
(Chiều Mộc Miên)
Hay:
“Thênh thang một trời thu chín
Nắng khởi vàng miền nhớ tinh khôi“
Nói đến Khúc Tâm Du là nói đến một tác phẩm thơ được cất lên từ chữ Tâm thiện lương trong sáng; Chữ Tâm được rọi soi từ chữ Tầm trí tuệ hơn người và được chuyển tải thật tài tình qua các hình thức nghệ thuật đa dạng phong phú quện hoà nhuần nhuyễn giữa Thơ - Họa và Nhạc.
Mỗi trang sách đều thắp sáng niềm tin, lấp lánh ánh thiền, rọi soi lẽ sống, để mỗi ai được đọc sẽ tìm thấy bóng dáng hồn mình trong “Ký ức đong đầy nuôi dưỡng ước mơ xanh”. Đọc và ngẫm để ngộ ra điều trân quý:
“Nhắn rằng, còn đủ thời gian
Cho ta xoay chiều số phận
Lòng người biết Chân Thiện Nhẫn
Hình thần rồi sẽ về nguyên“
Bình Phước, 08/12/2021
Bùi Thị Biên Linh
Từ khóa:
lấp lánh, trong khúc, tâm du, của trần, huyền tâm, khúc là, tập thơ, nhà ngoại, nhà thơ, tác phẩm, không chỉ, là sự, trí tuệ, cảm hứng, nghệ thuật, chữ tâm, lĩnh vực, trong sáng, văn chương, cảm xúc, trái tim, nghệ sĩ, hiện thực, cuộc đời, đây là, bài thơ, đã được, vẻ đẹp, thiên nhiên, của con, là niềm, cho người, hạnh phúc, bình an, người đọc, tinh khôi, lòng người, niềm tin