- Tác giả - Tác phẩm
Giới thiệu tác phẩm mới: DUYÊN
Thứ sáu - 17/02/2023 09:11
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM MỚI: DUYÊN
Nhà Búp (nhabup.vn) xin hân hạnh gửi tặng các độc giả thân thương của Nhà Búp một mối duyên lành, một tác phẩm mới của các tác giả của Nhà Búp mang tên “DUYÊN”. Đây là tập sách chung thứ 6 của các tác giả Nhà Búp vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam cho ra mắt bạn đọc gần xa, sau các cuốn sách chung như: Diệu khúc Sen, Búp và Hoa, Gửi miền yêu thương, Khung trời bình yên, Chùa Keo.
Xin trân trọng giới thiệu tập thơ và văn xuôi DUYÊN qua bài viết của Nhà thơ KIM CHUÔNG - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật - Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Bình.
“DUYÊN” – NHỮNG TRANG VĂN KHAI SÁNG
TỪ CỘI NGUỒN “LỨA VĂN CHƯƠNG NHÓM BÚP”
Còn nhớ, năm 2018, tại vườn Vua, nơi đầm Sen ngát hương, thơ mộng của đất Tổ Vua Hùng, Thi sĩ Trần Huyền Tâm – Nữ “Nguyên súy tao đàn,” đã tổ chức cuộc hội ngộ thật đông vui, hoành tráng, ra mắt tập Thơ Văn mang tên “Búp và Hoa” của nhiều tác giả, cùng đôi ba tập sách khác nữa, ghi nhận thời kỳ kết tinh và phát lộ, của lịch sử “Văn chương Nhóm Búp” với ngót ngon một phần hai thế kỷ dài xa...
Ghi nhận dấu mốc một dòng chảy trước biển lớn của nền văn học đương đại nước nhà, tôi đã viết bài “Có Lịch sử văn chương mang tên nhóm Búp” in trên Báo Văn nghệ Hội Nhà Văn Việt Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, khẳng định rằng.
Duyên do là, từ mùa hè 1976, lớp “Đào tạo, bồi dưỡng các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học ở Thái Bình” được khởi xướng mang ý nghĩa đầu tiên trên cả nước, bởi Nhà văn Bút Ngữ, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, được ông Nguyễn Ngọc Trìu, Nguyên Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân tỉnh, sau này là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam “triệu” ông lên đàm luận, rồi phán rằng: “Thái Bình, đâu chỉ đất lúa. Thái Bình có 111 vị Tiến sĩ lưu danh bia đá trong Văn Miếu Quốc Tử Giám. Thái Bình có Lê Quý Đôn, Ngô Quang Bích, Nguyễn Bảo, Ngô Quang Đoan, Nguyễn Tông Quai, Nguyễn Doãn Cử v.v ... Thái Bình là đất Văn. Đất văn hiến, rạng rỡ ...”
Thế là, từ 1976 đến 1990, có tới 15 năm, vào các tháng Hè, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình đã mời các Nhà văn Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Phạm Hổ, Định Hải, Phong Thu… cùng các nhà văn địa phương, liên tục mở lớp bồi dưỡng các em viết văn, làm thơ, và hằng năm, Hội đều dành riêng một số Tạp chí mang tên “Búp trên cành” chủ yếu để đăng tải tác phẩm của các em viết.
Gần năm mươi năm trôi qua. Đã gần nửa thế kỷ đời người, với hơn 200 “Nhà văn nhí” đi qua “Ngôi đền thiêng văn chương” này. Qua mùa màng cấy gieo, hái gặt. Qua tháng năm thử thách và đãi lọc. “Vòm minh tinh Khuê Văn” lấp lánh thuở nào của Thái Bình đã góp vào văn đàn đất nước hàng ngàn bài viết của các em, giới thiệu trên các Báo, Tạp chí Văn nghệ và Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Gần ba mươi giải thưởng, (có nhiều giải Chính thức và Giải Nhất) trong các cuộc thi sáng tác văn học trong nước và Quốc tế. Hai tác giả đã trở thành Hội viên Hội Nhà văn của đất nước. Nhiều người là Hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh thành. Không ít người xứng danh đứng trong đội ngũ Trí thức Văn Nghệ sĩ của cả nước. Nhưng họ chưa muốn gia nhập vì lý do riêng tư nào đấy.
Trong Nhóm Búp, có người đã lần lượt trình làng từ một, hai, ba, tới hàng chục đầu sách. Từ Thơ Văn, đến Lý luận Phê bình, Dịch thuật … Tiêu biểu như Trần Huyền Tâm, Bùi Thị Biên Linh, Phạm Hồng Oanh, Lã Thị Bắc Lý, Nguyễn Thúy Hằng, Nguyễn Thị Toán, Nguyễn Diệu Liên v.v …
Với Văn học, thành tựu này thật quý và hiếm. Bởi, văn học có quy luật riêng của nó. Bởi, trên trái đất này, không trường lớp nào có thể “đào tạo” được nhà văn. Bởi, là tài năng văn chương, mang đặc điểm hết sức đơn nhất. Mỗi nhà văn, họ là những vũ trụ riêng biệt.
Khác với khoa học tự nhiên, họ có thể đứng trên vai nhau mà nâng cao mình, mà tồn tại. Ví như, ai kia tìm ra điện, lập tức lại có ai đó đứng trên đỉnh cao này để đạt tới những đỉnh cao sáng tạo khác. Họ dựa vào điện để chế tạo ra Ra-dio, Television... hay những phát minh khoa học mới.
Nhưng với văn học, thì khác. Ở Trung Quốc, vào thời Đường, những Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị ... Với bốn vạn bài thơ. Với 2300 thi sĩ lừng lẫy đã làm nên nền thơ đồ sộ nhất thế giới.
Lẽ ra, từ đỉnh cao này, rồi sau hàng nghìn năm lịch sử kiếm tìm, khi khoa học, xã hội, con người đã văn minh lớn vượt, nền văn chương của dân tộc ấy phải đạt tới tầm cao lớn hơn nữa chứ?
Rồi, với Đại thi hào Nguyễn Du. Với 3254 câu Kiều. Đã hơn 200 năm qua, có bao nhiêu bậc văn tài, có ai, khi đọc xong thơ Nguyễn Du rồi đứng trên vai Cụ mà sáng tạo ra áng văn chương cao hơn, kiệt tác hơn Truyện Kiều của Cụ?
Rồi, có người vừa bước vào cửa ngõ văn chương, khi tuổi đời còn rất trẻ. Vậy mà, nhát cuốc bổ đầu tiên lại gặp quặng chói sáng. Để rồi, khi vốn sống, vốn chính trị, vốn hiểu biết đã cao dầy, thâm thúy … Vậy mà lại rơi vào tắc tỵ, thậm chí vô vọng, trắng tay …
Tại sao vậy? Thưa, không gì khác, ở đây chính là những “tài năng đơn nhất của mỗi vũ trụ riêng biệt” mà ông Trời phú cho mỗi ai đó, ở cái “Cõi văn chương” này vậy.
Vâng. Vạn vật trên đời đều chứa đựng trong “Nó” cái “Duyên.”
Từ “Lò luyện văn chương” được “tụ nghĩa” của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình thuở ấy, đấy là “Duyên do” để hôm nay, từ “200 cái tên, trong “kim bảng, danh đề” ta có được trên hai mươi gương mặt văn thi sĩ lấp lánh với nhiều giọng điệu, dáng vẻ. Với trên 30 tập sách in riêng. Một tập “Búp và Hoa,” sách dày hơn 500 trang của 23 tác giả, đến cuốn “Gửi Miền Yêu thương”, “Khung trời bình yên”… Và, bây giờ, tập “Duyên” được trình làng cũng đồ sộ không kém ở trang in. Ở sức nặng của tâm hồn, trí tuệ.
Điều cần nói, đấy là, từ khi trang “Báo Mạng” ra đời mang tên “Nhabup.vn” do Nhóm Văn Búp (đứng đầu là Trần Huyền Tâm) sáng lập, đã thực sự làm nên diễn đàn, làm nên mối liên kết, làm nên cánh đồng ươm gieo, hái gặt của rất nhiều cây bút với những sáng tác đa sắc màu, đa diện.
Đã hơn 5 năm trời, với vai trò “Nguyên súy”, vai trò Chủ bút, Trần Huyền Tâm với đường xa “Độc mã đăng trình”. Với niềm mê say, tâm huyết. Với khả năng đoàn kết, tập hợp. Với công cuộc lao động không ngơi nghỉ. Từ việc lo trực trang hàng ngày. Lo nhóm nhen ngọn lửa ở người cầm bút từ khắp miền đất nước. Đến việc lo chọn lọc, biên tập bài vở. Trao đổi, trả lời bạn đọc, bạn viết. Và, cuối cùng là bảo đảm “Số Báo” mỗi lần xuất hiện có được Hình thức Đẹp, Nội dung Hay. Ở các bài viết, làm nên sự tin yêu, mến mộ của Trang Văn học “Nhabup.vn” trước công chúng rộng lớn. Trần Huyền Tâm đã góp phần không nhỏ trong vai trò đốt lửa và gánh dậy một khoảng sáng thật đẹp này…
Tập sách “Nhà Búp” được xuất bản hôm nay, lấy tên: “DUYÊN” có từ duyên do ấy. Nhưng ở đây, “Cái Duyên” rộng lớn hơn, đẹp đẽ hơn, thương yêu hơn, ý nghĩa hơn, nằm ở “Đấng Cao vời” hơn nữa.
Đấy là, từ “Bến mở” có từ năm mươi năm trước. Có từ những “Nhà văn nhí” từ khắp nẻo của một tỉnh đồng bằng, khi đang tuổi chín mười, đã “chân lấm bụi đường,” kéo nhau về “Đất Hội” cùng “nấu Sử, sôi Kinh”. Cùng làm con tằm rút ruột, nhả tơ, trao gửi cuộc đời những khoảng trống của hồn mình đã tự lấp đầy, để những mong, sự vọng vang có được nào đó, khi khoảng trống hồn mình thấm loang vào ai đấy. Thì, ai đấy, họ lại phải tự lấp đầy cái khoảng trống trong họ đang loang thấm.
Rồi, cái Duyên có từ 5 năm qua, với hàng chục ngàn bài. Là Thơ. Là Văn. Là Lý luận, Phê bình. Là Tản văn, Truyện ngắn. Là Bút Ký, Tùy bút… đăng tải trên “Nhabup.vn” được tập hợp, chọn lựa… Với hàng trăm tác giả trưởng thành từ “Lò luyện Búp trên cành”, cùng với những cộng tác viên, những bạn bầu, là thành viên gần gũi, thân yêu, gắn bó với Nhà Búp.
Đấy là DUYÊN làm nên tập sách mà chúng ta đang có trên tay, dẫu chưa thật đặc trưng, đủ đầy trong một từ khái quát ở cái tên tập sách, nhưng Bạn ơi, nó đã làm nên “cái Có” của những người cùng “có Duyên” với nhau đi trên quãng đường này.
Với 57 tác giả (Nửa phần là Nhà văn Nhóm Búp) Tập sách đã chọn in gần 200 bài. Với 138 bài thơ, 26 bài văn xuôi, trong đó có Truyện ngắn, Bút ký, Tùy bút, Tản văn và những bài Giới thiệu, Bình phẩm văn học.
Trong cái đa thanh, đa sắc màu, giọng điệu, người đọc gặp ở đây sự ríu ran, tươi tắn của cảm xúc chân thành. Cái thực sự là thơ, khi thơ không cố tình nghĩ ra, cố tình viết nên, mà tự sâu thẳm con tim mỗi người viết, đã tự cất lên tiếng hát.
Với các nhà văn nhóm Búp, soi nhìn ở quá trình sáng tác của họ, cái nhìn rõ ở bước ngoặt, bước nổi loạn, phá cách ở chặng đường chuyển tiếp từ thơ trực giác, “thơ hướng ngoại” để quay về ngụp lặn nơi tâm tưởng hồn mình mà cảm rung, suy tưởng.
Đấy là điều tất nhiên ở hành trình, đổi khác. Khi “các nhà văn nhí” tuổi đời đã đến lúc dầy thêm, đã vào ngưỡng “tri thiên mệnh”. Khi vốn liếng tháng năm tích lũy đã qua nhiều trải nghiệm. Những câu thơ với nét trội, nghiêng về đại giác đã lặn đi, đã nhập hòa trong sức bùng nổ của ngôn ngữ. Để, chất trữ tình thi sĩ với chất đằm sâu ở một tầng chìm, luôn là đôi cánh đan xuyên, tựa vào nhau, gọi nhau, khơi sâu nhau, ngân vọng.
Ví như: “Lạnh luồn qua áo mẹ/ Run tay khép khăn choàng/ Sợi len màu gầy guộc/ Vắt một hoàng hôn sang …” (Bùi Lan Anh). Hoặc, “Trăng tàn huyền hoặc đêm sâu/ Còn ta huyền hoặc bằng câu ru mình …” (Lê Kim Hạnh). Hoặc: “Tháng hai/ Leo heo lúa chưa kịp trổ đòng/ Mẹ buộc sợi dây ngang bụng/ … “Cha thắt lưng ngược sông rẽ đêm gió cả/ Quăng mảnh lưới vá trăm lần gỡ bao nỗi đầy vơi…” (Nguyễn Thúy Hằng). Hoặc, Phạm Thị Lan Anh, tác giả bài thơ nổi tiếng “Buổi sáng ở Thuận Vi” thơ tiêu biểu cho lối thơ một thời của con mắt ngắm nhìn, thì hôm nay, trong bài “Với anh về Biển Sầm Sơn” đã khác. “Ôi, Sầm Sơn! Sầm Sơn trong mưa/ Ào ạt sóng, cong dáng chùa Độc Cước/ Biển trong em miên man mỗi bước/ Trống Mái có đôi mà em xa anh…”.
Cập tới bến bờ của bài thơ hay, câu thơ hay ở hai chiều khơi tìm như vậy. Từ Trần Huyền Tâm, Bùi Biên Linh, Phạm Minh Châu, Nguyễn thị Minh Hương, Trần Thị Vân Hương, Trần Minh Hạnh, Đỗ Thị Huệ, Bùi Thái Phúc, Phạm Minh Yến, Bùi Yến, Nguyễn Thị Toán, Nguyễn Diệu Liên… Những Thi sĩ này đã mỗi người một vẻ trong cái khác nhau nơi đốt cháy cảm xúc, nơi liên tưởng văng xa, nơi đảo lật những trật tự ngôn từ, với cái gốc của hồn thơ trong thăng hoa, kết đọng…
Rồi, một mạch tiêu biểu của lối thơ quặn thắt trong góc hồn, nhưng nó lại giàu suy tư, triết luận. Ví như, Phạm Thị Hồng Oanh, trong: “Tươi cái mất. Héo cái còn/ Tôi mang muối những nỗi buồn làm dưa…”. Đến câu thơ vừa viết: “Ta đi lạc phía thượng nguồn/ Chiều nay có một nỗi buồn thừa ra …”.
Hay Nguyễn Thị Toán, từ câu thơ thuở chín mười, vừa chập chững bước vào làng văn, đã trở trăn, xa xót, đến hôm nay, cái nghĩ vẫn làm nên mạch đi trong chiều sâu độc thoại: “Nhẹ thênh lòng giữa ở và đi/ Vẫn thương cha gửi lại chiến trường cả một đời trai trẻ/ Thơ không khóc mà trái tim nhỏ lệ/ Nước mắt Phật rơi trên cõi hồng trần…”.
Hoặc, cái chân mộc, cái thực đã làm nên “câu thơ Quả núi” của cái Hay, cái lay động hồn người trong thơ Bùi Thanh Huyền: “Mẹ ơi/Con sợ lúc nào có một chàng trai đến với con/ Con sẽ nhớ người ta nhiều hơn nhớ mẹ …”. Đến chùm bài “Yếm đào” đã làm nên một trong những gương mặt thơ hàng đầu của một nữ thi sĩ trong đội ngũ các thi nhân nhóm Búp.
Với Thơ. Thật trân quý nữa, ở cách đào tìm, cách tránh xa sự quen, đều của Vân Quốc (Chu Ngọc Giao) ở lối riêng khám phá. Thơ với ngổn ngang thi liệu. Với vận hành phóng khoáng. Với giọng thơ phồn khí, phồn sinh. Đặc biệt, Với Nguyễn Diệu Liên là “Tứ thơ.” Là cách nhìn trong lát cắt lung linh, giàu sức gợi và nhân ái trong “Hoa nở người không hái”…
Một mảng của tập sách làm nên vế cân xứng là phần thơ của 32 tác giả là “người thầy văn chương”, là bạn bầu, là thành viên mới thân yêu của “Nhà Búp”. Đây là, “một miền trời tỏa rạng” của 32 ánh sao. 32 gương mặt. 32 dáng vẻ. 32 mạch đi. 32 tiếng vang, đã làm nên sự phong phú, đa dạng từ “32 cái Duyên” trong bản hòa ca lớn.
Người đọc yêu Bút Ngữ, Kim Chuông, Ánh Tuyết, Nguyễn Quốc Văn ở chiếu hạng qua khối lượng tác phẩm mà nhà văn đã hiện diện và xác lập cho riêng mình trên văn đàn đất nước. Yêu Bùi Đại Dũng, Thái Văn Sinh, Tống Ngọc Trung, Lê Quang Tuệ, Đặng Thế Truyền ở người cầm bút có nghề, có kiến văn. Có ngôn thi lấp lánh. Yêu Hà Trí Dũng, Nguyễn Đình Bầu, nhà Điêu khắc - Họa sĩ với những trang thơ giàu hình thi, giàu ý, giàu tình. Yêu Dương Chính Chức, Phan Đăng Đương, Nguyễn Trường Giang, Lê Hải Hà, Trần Thị Thu Hà, Nguyên Hạnh, Minh Hiển, Vũ Thanh Huyền, Nguyễn Hoàng Lâm, Lương Duyên Thắng, Trần Kim Phú, Phạm Thị Quyên, Nguyễn Ngọc Thạch, Thúy Trần, Nguyễn Như Thạnh …Thơ của các anh, chị thực sự mang được sức quyến rũ ở cảm xúc mạnh. Ở thi ảnh, thi liệu. Ở cái ấn tượng khép lại mang vệt loang từ gốc lớn “Tâm thi”. Thơ đượm nồng và sâu xa, nơi ý tưởng, nơi tâm tình, ký thác.
Có thể nói, những câu thơ dẫu chưa đạt tới cái thần cú, thần tự, nhưng từ hình ảnh đời sống khi bước vào thơ ca đã có được một sức đẩy khá dài, để “cái như thế nào, không còn là như thế ấy nữa”. Mà, nó đã hóa thành “cái động, cái lung linh. “Cái như thế nào rồi.” Ví như: “Chính quê sao thấy bơ vơ/ Cỏ cây khác lạ người ngơ ngẩn người/ Trên kia mấy lớp mây trời/ Chắc nắng vẫn rực rỡ ngời quanh năm …” (Bùi Đại Dũng). Hoặc: “Gió vơi con nước hao gầy/ Sắc xanh phai nhạt nhuốm đầy vàng thu…” (Hà Trí Dũng). Hoặc: “Cuộc đời như một dòng sông/ Quanh co khúc đục khúc trong thôi mà/ Nhưng còn đọng lại phù sa/ Làm nên bờ bãi mượt mà lúa ngô…” (Lê Quang Tuệ). Hoặc: “Mải tìm rong rêu cũ/ Chuông chiều một tiếng ngân/ Nắng đã về xế lắm/ Ký ức xưa nhòa dần…” (Dương Chính Chức). Hoặc: “Đứng lặng con nhìn bóng mẹ liêu xiêu/ Lưng mẹ còng theo bước đi lẩy bẩy… “ Gánh thời gian làm trĩu nặng vai gầy…” (Phan Đăng Dương). Hoặc: “Anh đi từ đông sang hạ/ Bờ lau mải miết mùa qua/ Bước chân lạc miền đất lạ/ Dọc dài nỗi nhớ quê nhà…” (Nguyễn Trường Giang). Hoặc: “Sợi tóc buồn đã nhuốm những ưu tư/ Vẫn bay xoà trên má con, nụ cười mềm như sữa/ Ánh mắt nhẹ như mùa xuân hiền hoà bên ô cửa/ Trong giông bão cuộc đời thắp lại giấc mơ xưa…” (Lê Hải Hà). Hoặc: “Gió dùng dằng những vũ điệu xàng xê/ Mưa ngỡ ngàng trước bước mùa nhắc nhớ/ Đêm Tháng Tư trong veo hơi thở/ Hoa trắng an lành thắp vệt sáng trời xưa…” (Trần Thị Thu Hà). Hoặc: “Hương se sẽ đợi/ Hồ lưng chừng mưa/Rưng rưng sen mở/Lòng se se mùa…” (Nguyên Hạnh). Hoặc: “Dù đi cuối đất cùng trời/Con thơ vẫn muốn bên nôi Mẹ hiền…” (Minh Hiển). Hoặc: “Hành trình là mài mòn con tim/Cho đến khi tan biến vào vũ trụ…” (Trần Kim Phú). Hoặc: “Đôi vai bé nhỏ mẹ ta/ Chở bao vất vả đi qua bão bùng…” (Phạm Thị Quyên). Hoặc: “Người Nam Định/ Nhà quê như Nguyễn Bính/ Đến câu thơ /Cũng mặc yếm nâu sồng/ Quẩy gánh hát /Đi khắp làng khắp chợ/ Dậu mùng tơi/ Lục bát cả thị thành…” (Nguyễn Quốc Văn)… Vân vân và vân vân…
Bên cạnh trang thơ là Truyện ngắn, Bút ký, Tùy bút, Tản văn của Vũ Huy Thông, Trần Thu Huê, Bùi Thị Biên Linh, Bùi Đại Dũng, Nguyễn Nga, Bùi Thị Ngọ, Bùi Yến, Tuấn Khanh, Nguyễn Chi Thành, Đặng Thế Truyền, Bùi Trung Hiếu, Dương Chính Chức… Đây là những trang viết giàu chất văn. Giàu cảm rung, suy nghĩ. Giàu chi tiết. Với lối tự sự có duyên. Lối mô tả mà các sự kiện điển hình, cảnh huống điển hình, hấp dẫn qua khả năng “tái tạo hóa” “khái quát hóa”, đã đem lại giá trị phản ánh, giá trị hữu ích. Giá trị của thông điệp có từ thông tin mà nhà văn muốn gửi tới cuộc đời. Ở mỗi bài viết là những bài học mang chiều sâu, góp cho đời có thêm chăng, “những lần ta mở mắt?”…
Góp vào tập sách, phần khá sinh động nữa, đó là những trang “Lý luận - Phê bình” của Lã Bắc Lý, Đào Thanh Bình, Trần Thu Hường, Nguyễn Chi Thành với 6 bài viết về Thơ và Nhạc.
Bốn Nhà nghiên cứu với bốn cách soi nhìn, bình phẩm, các bài viết ở đây đều có được sự cảm nhận sâu sắc trong hòa đồng. Trong mổ xẻ. Trong cái đặt ra những vấn đề mang lý luận ở nội dung, thi pháp. Ở hình ảnh, hình tượng, kết cấu. Ở sở trường, sở đoản. Ở hướng mở mang thế mạnh, giúp người viết tự nâng cao mình trong tự thức, và ý thức sáng tạo….
Với tập “DUYÊN” bao gồm các thể loại Thơ, Văn xuôi và Lý luận - Phê bình. Với gần 200 bài viết của gần 60 tác giả. Thực tình, “Người phẩm bình” không thể trích dẫn hết những câu thơ Hay, nhất là, không thể lược tóm đầy đủ 25 Bút ký, Tản Văn, Truyện ngắn của từng nhà văn trong một bài viết nhỏ. Đây là điều thật mong, lòng cảm thông, sự lượng thứ của các Văn thi sĩ có tên trong tập sách ở đôi lời “Đề Tựa”.
Cái Hay, cái Đẹp với sự đủ đầy, chỉ có thể nói hết được chăng ? Khi mỗi chúng ta nâng niu, trân trọng và đọc “DUYÊN” - Tập Thơ Văn, của các Nhà văn Nhóm Búp, này.
Đây là tập sách Hay. Là sản phẩm không dễ gì có được ở một miền đất, hay một miền văn chương nào đó, đã góp một mạch nguồn, hương sắc vào “Mâm cỗ lớn Văn chương” đất Việt.
Xin trân trọng giới thiệu cùng công chúng, bạn đọc, bạn viết.
Hải Phòng - Ngày Giáp Tết, Quý Mão, 2023
K.C
https://nhabup.vn/news/ly-luan-phe-binh/duyen-nhung-trang-van-khai-sang-tu-coi-nguon-lua-van-chuong-nhom-bup-3839.html