• dau-title
  • Tản Văn
  • cuoi-title

Biển, nỗi nhớ và Em

Thứ bảy - 03/04/2021 08:29





BIỂN, NỖI NHỚ VÀ EM

Chuyện xảy ra vào buổi trưa một ngày cuối Xuân. Thêm một lần tôi đến với biển mà không có Anh. Biển Tam Thanh hoang sơ lao xao nắng gió. Tôi đã cố ý chọn một góc yên tĩnh để tận hưởng cảm giác chỉ một mình với biển xanh êm, bởi tôi đang trong tâm thái của một người “chỉ thiếu có một người mà cả trời trống vắng”. Thực ra, tôi mới xa Anh được hai ngày. Nhưng chả hiểu sao tôi cứ bị nỗi nhớ hành hạ. Nhìn đâu cũng thấy thiếu vắng. Nhìn đâu cũng thấy nhớ nhung. Với tâm trạng đầy ưu tư, tôi giơ điện thoại, chụp luôn mấy bức hình để lưu giữ khoảnh khắc này, lòng những muốn quyết tâm “bắt” hết cảnh vật xung quanh “làm con tin” cho nỗi cô đơn của mình. Tôi đằm sâu vào cảm giác buồn. Tôi những muốn trải lòng với biển, muốn ghi lại cái tâm trạng ưu tư của mình để rồi lúc nào đó, có cái để gặm nhấm, hờn dỗi… 

Và thế là tôi có trong tay mấy bức hình về biển. Dưới con mắt của tôi, một nghệ sĩ nửa mùa, biển trong bức hình đẹp hoang sơ, đằm sâu trong mênh mang nỗi nhớ. Biển xanh trong. Biển bình yên. Chẳng có gì ngoài khơi xa mênh mang kia ngoài một vài vệt sóng đang lả lơi vỗ về bờ cát trắng. Chẳng có gì trên bầu trời xanh thẳm kia ngoài cái tĩnh lặng ngăn ngắt của thinh không. Chẳng có gì trên bờ biển cát trắng kia ngoài một con thuyền trơ trọi và lặng yên bờ cỏ xác xơ. Cảnh vật dường như cũng đang tê dại vì nỗi nhớ, vì sự lẻ loi thẫn thờ của người bấm máy. Tôi ra về với bức hình đẹp, lòng hả hê vì cuộc “bắt cóc con tin” của mình đã thành công. 

Ngay sau khi đăng tấm ảnh về con thuyền và biển trên facebook, có nhiều bạn đã nhắn cho tôi đôi điều tâm sự, khen ảnh đẹp. Họa sĩ Hà Trí Dũng cũng cho rằng, bức hình có hiệu ứng mạnh vì độ tương phản giữa cái phẳng câm của trời và cái nhấp nhô ồn ào của sóng, giữa bao la của trời biển với cái nhỏ nhoi đơn độc của con thuyền! Nhưng rồi, ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa, tôi ngồi ngắm lại các tác phẩm của mình và chợt thấy bức hình có vẻ không giống cái cảm xúc của tôi lúc đó. Và tôi nhận ra sự vội vàng của “một cơi trầu” là tôi đây. Tôi đã không thành công trong cuộc bắt cóc con tin cho nỗi niềm đơn côi của mình hôm ấy. Dù rằng, giờ đây nỗi nhớ vẫn thế, nhưng tâm thái của tôi thì đã tĩnh lại. Tôi cần phải nói với các tình yêu về cảm giác thật của mình, bởi tôi đang tu chữ “Chân”. Đứng trước biển vắng hôm ấy, trong tôi chỉ vang vang lời của bài hát Biển, Nỗi nhớ và Em. Nỗi nhớ nhung làm tôi tê dại. Tôi chỉ muốn thể hiện nó bằng cảm xúc trào dâng này qua bức hình tôi chụp…

 

“Em xa Anh

Trăng cũng chợt lẻ loi, thẫn thờ

Biển bỗng thấy mình dài rộng thế

Xa cánh buồm, một chút đã cô đơn…”

 

(Ảnh: Trần Huyền Tâm)

Xét về góc độ nghệ thuật, rất dễ để phán rằng có cái gì đó còn thiêu thiếu trong bức ảnh. Bởi bức ảnh này có sự bài trí đúng cách của nghệ thuật tạo hình nhưng lại hiện hữu cái phá cách cố ý. Thoạt nhìn thì tưởng nó là hiện thân của sự cô đơn hiu quạnh, nhưng rồi không phải thế…

Trước đây tôi cũng đã từng được Tình yêu của tôi bày cho cách chụp ảnh. Một bức hình đẹp phải có sự bài trí hài hòa giữa hậu cảnh, trung cảnh và tiền cảnh. Nếu có đường chân trời thì tối kỵ là để đường chân trời cắt đôi bức hình. Bức hình mà tôi chụp hôm đó, có vẻ như thiếu sự cân đối giữa tiền, trung và hậu cảnh. Các nhân vật đều được thể hiện ở trung cảnh, từ cái cây, con thuyền, biển cả, sóng gợn tới đường chân trời. Tiền cảnh tạm ổn. Hậu cảnh thì chiếm đến ⅔ bức ảnh, và chỉ là một khoảng trời tĩnh lặng. Nếu đưa cho một nhà phê bình thì chắc chắn sẽ có lời chê rồi đây. Người ta sẽ phán rằng, khoảng trời trong xanh kia cần phải có chút mây trắng vờn bay, để tạo đối ứng với mặt biển mênh mang nơi những con sóng đang vỗ về bờ cát. Rồi đến vị trí của con thuyền. Nếu như muốn diễn tả sự cô đơn lẻ loi của con thuyền trước biển khơi mênh mông, thì không nên đặt con thuyền chễm trệ ở ngay giữa khung hình. Con thuyền, nhân vật chính của chúng ta, cần phải được di chuyển lệch sang bên phải của bức hình một chút, để người xem hiểu được ý đồ của tác giả, để con thuyền như vừa đi lên từ biển cả, và phía trước nó, còn lại cả một chặng đường dài. Như thế thì bức ảnh mới động, mới hoàn hảo. 

 

 

Nhưng các bạn cứ tưởng tượng mà xem, nếu con thuyền ở vị trí lệch sang bên phải thì bức ảnh không thể phản ánh được cái mênh mông vô thường của biển cả. Nó cũng không diễn tả được cái tĩnh tại an nhiên của bản thân con thuyền. Chỉ có thể đặt con thuyền ở giữa bức hình, cùng với biển cả mênh mông thì mới diễn tả hết điều mà bề trên đã cố ý an bài. Biển dẫu có chút gợn sóng, nhưng vẫn là biển lặng, biển bình yên. Thuyền và biển khi đó, trong trạng thái tĩnh, là song song bên nhau, đều là nhân vật chính, cùng thể hiện sự bình yên vô vi của mình. Sự tĩnh tại an nhiên trong cái mênh mông vô thường. Và bầu trời xanh trong cao xa thăm thẳm nơi kia, chính là khoảng thinh không bao la vô tận, vô tỷ. Để diễn tả sự hạo đãng của Cao Xanh thì có lẽ đây là một ẩn ý cực kì thành công của bức ảnh.

Nhưng rõ ràng tôi không cố ý chụp một bức hình như thế. Trong lúc dỗi hờn, với một tâm trạng ưu tư đầy sân si như thế, dường như tôi không còn là một người đã nguyện sống chậm. Lúc đó, tôi chỉ muốn nói là tôi đang buồn nhớ thôi. Vậy thì tại sao tôi lại có được kết quả tốt đẹp như thế này? Đó chẳng phải là sự an bài của Cao Xanh là gì? Đúng là, Người tính không bằng Trời tính. Xem lại bức hình thuyền và biển này, tôi không biết nói gì hơn ngoài việc cảm tạ sự an bài của Ơn trên với tấm lòng thành kính.

Trần Huyền Tâm 

(Tản mạn miền sương khói - NXB Hội Nhà văn 2019)

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.