• dau-title
  • Tản Văn
  • cuoi-title

Mersisor - Lễ hội Mùa xuân ở Moldova

Thứ hai - 01/03/2021 16:05


(Ảnh: Tác giả Bùi Thanh Huyền)

 

Từ lúc ấy, mình có ý nghĩ: vì thế mà tháng 2 chỉ có 28 ngày.

Không thể đợi thêm một ngày nào nữa, 30, 31 ngày là quá dài… Mùa Xuân vội. Bởi vì được mong chờ đến nôn nao rạo rực.  Những ngày lạnh cuối cùng trong chiếc áo pan-tô kếch xù, mũ lông và khăn len cuốn mấy vòng to sụ làm mình hệt như con tằm bé tí cuộn tròn trong tổ kén. Những ngày nhìn chăm chăm lên những cái cây khô mốc, tự hỏi khi nào sẽ nhìn thấy cái mắt xanh biêng biếc mở ra? Mình nhớ trong giấc mơ chập chờn về sáng có tiếng giọt nước rơi từ đâu tí tách. Mở choàng mắt dậy bởi cái gì lạnh buốt chạm vào má. Thì ra là cái mũi khoằm to tướng của cô bạn tây cùng phòng. Lena thì thầm: “Chúc mừng ngày đầu tiên của Mùa xuân!”. Trong ánh sáng tranh tối, tranh sáng của căn phòng buổi sớm, đôi mắt to rợp mi cong vút của cô bạn tỏa ra những ánh long lanh, dịu dàng, ấm áp quá. Mình ngồi hẳn dậy, thấy trong tay cồm cộm 1 vật gì nho nhỏ: Hai bông hoa nhỏ được kết bằng chỉ màu trắng và đỏ níu vào nhau. Lena dạy mình đánh vần: “ Mer-si-sor”. Không phải tiếng Nga. Đó là ngày lễ của người Moldavia, Lễ hội Mersisor- Lễ hội mùa xuân. 

 

Mình cài bông Mersisor lên ngực áo rồi chạy như bay xuống đường. Phố sinh viên lấp lánh hai màu trắng, đỏ. Trên ngực áo mỗi người đều rung rinh một hoặc nhiều bông Mersisor. Nắng đầu xuân yếu ớt, mà trong vắt như thủy tinh. Dưới những mảnh băng mỏng tang còn sót lại, đã khe khẽ một lạch nước chảy. Nước cũng trong vắt như thủy tinh. Và con dốc nhỏ, nối từ phố Vinagradnaia ra bến xe buýt bỗng xao động. Bởi những nụ mầm, mở ra biếc xanh như những con mắt thơ ngây, tinh nghịch. Hai hàng cây anh đào già cỗi, vẫn nặng nhọc trổ hoa mỗi độ xuân về. Ở trên phố chỗ nào cũng thấy bán bông Mersisor. Các bà, các mẹ, các chị em xách những chiếc hộp đựng đầy những bông hoa thêu, móc bằng chỉ trắng và đỏ. Sinh viên mua vội cả vốc hoa trước khi chen chúc leo lên những chiếc ô tô buýt lúc nào cũng chặt như nêm vào buổi sáng. Các họa sĩ mang tranh xuống đường bày bán. Tranh về mùa xuân, sắc màu dịu dàng, tươi tắn. Trên các tấm áp phích trước các nhà hát là chương trình ca nhạc tuần lễ hội Mersisor. Khi bà Biesu còn sống, bà là người tổ chức tuần lễ âm nhạc này. Maria Biesu là nghệ sĩ Opera hàng đầu của Moldavia và trong xếp hạng 20 nghệ sĩ Opera thế giới. Trên bất cứ ấn phẩm nào trong thời gian ấy cũng có in biểu tượng bông Mersisor. Người ta mở cuộc thi chọn những bông Mersisor đẹp nhất. Tham gia tích cực nhất là các họa sĩ trẻ, họ tìm cách cách điệu, cách tân phối màu …. Nhưng có lẽ bông Mersisor đẹp nhất, được yêu chuộng nhất vẫn là những bông hoa làm theo phong cách cổ điển truyền thống, giản dị mà xúc động. Người ta tặng nhau những bông Mersisor như một lời chúc tốt đẹp cho một mùa xuân mới đã đến. Bông Mersisor là dấu hiệu báo xuân sang, còn là biểu tượng của tình yêu son sắt.

 

Chuyện kể rằng thần Mặt trời sai tiên nữ giáng trần để báo hiệu cho hạ thế biết mùa xuân đã về. Tiên nữ ẩn mình dưới hình dáng một bông hoa mỏng manh trong trắng. Một tráng sĩ đi qua, bất chợt nhìn thấy bông hoa đầu tiên của mùa xuân bèn cúi xuống âu yếm chuyện trò. Chàng là thần Mùa xuân. Đúng vào khi say đắm nhất, bỗng gió nổi lên dữ dội, gào thét và vật vã. Bông hoa tiên nữ mỏng manh chỉ biết nép trong bàn tay ấm áp, đang cố gồng lên vững chãi bao bọc.  Trận cuồng phong của Thần Mùa Đông trong cơn giận dữ, ghen tỵ đã làm cho bàn tay chống trả của Thần Mùa Xuân bị thương, rớm máu. Chàng vẫn dũng cảm chống trả cho đến khi Thần Mùa Đông phải thua cuộc, rút đi, nhường lại mùa Xuân cho đất trời. Hoa tiên nữ trong cơn khiếp đảm đã lả đi, gục héo. Chàng tráng sĩ đã sưởi cho nàng bằng hơi ấm trái tim mình, mặc cho những giọt máu đỏ đang rơi xuống tuyết. Và Nàng đã hồi sinh trở lại, còn trên tuyết trắng, những giọt máu đỏ tươi. 

 

Người đời ghi nhớ hai màu trắng đỏ, làm nên bông Mersisor. Để mãi nhớ tình yêu trắng trong, tinh khiết ấy, để biết mùa xuân đã trở về.

 

Bùi Thanh Huyền

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.