- Tản Văn
Câu chuyện về cuốn giấy vệ sinh
Thứ hai - 13/09/2021 17:39
CÂU CHUYỆN VỀ CUỐN GIẤY VỆ SINH
Cách đây không lâu ở một nước nọ, một trận cháy rừng dài nhất trong lịch sử đã thiêu rụi trên 8 triệu héc ta tài nguyên, nhà cửa và trang trại. Trong lúc hoạn nạn, người dân nước này tỏ ra rất đoàn kết, họ tổ chức các hoạt động có quy mô toàn cầu để vận động quyên góp ủng hộ lẫn nhau cùng vượt qua thiên tai. Một dòng tiền chảy về vùng thiệt hại từ các tấm lòng nhân ái, từ thiện ở khắp nơi trên thế giới. Người ta khen nhau rằng đó là chung tay chống lại thiên tai. Nhưng chưa đầy hai tháng, tức là sáu mươi ngày đêm sau đó, cũng tại chính đất nước này, người ta lại thấy cảnh người dân đánh nhau, thực sự là đánh nhau bằng chân tay, đến mức lực lượng bảo vệ siêu thị phải vào cuộc, chỉ vì tranh nhau mua 10 cuộn giấy dùng trong nhà vệ sinh.
Tại sao lại như vậy? Ta chỉ cho thể giải thích bằng cách suy luận rằng, cháy rừng là việc của thiên nhiên, nó không ảnh hưởng đến nhu cầu vật chất hàng ngày của người dân nơi đây, nên họ cứ bàng quang mà sống. Còn như một chút vật chất dù là nhỏ nhất mà họ cho rằng họ phải có, thì dù có phải chiến đấu họ cũng phải dành cho bằng được. Ta đang ở đây, trong một xã hội mà việc mất 8 triệu héc ta rừng trong 2 tháng không quan trọng bằng việc mất 10 cuộn giấy vệ sinh trong giỏ mua hàng. Sự ích kỷ của con người ngày nay đã làm tan lớp băng vĩnh cửu ở hai cực trái đất, làm ô nhiễm không khí trong vũ trụ, và làm cho hàng nghìn loại sinh vật khác biến mất khỏi bề mặt trái đất mỗi ngày.
Cuộc sống hiện đại đã tha hóa con người đến mức họ không thể tồn tại được dù chỉ 48 tiếng đồng hồ nếu không có sự hỗ trợ của các hệ thống nhân tạo khác như hệ thống chăm sóc sức khỏe, hệ thống siêu thị, hệ thống giao thông, và hệ thống giải trí internet. Hệ sinh thái tự nhiên vốn là cội nguồn của cuộc sống con người nay trở nên xa cách và nguy hiểm với bao nhiêu mối đe dọa như mưa đá, nắng gắt, vi khuẩn, vi trùng, côn trùng gớm ghiếc. Cách đây không lâu đâu, khi con người chỉ là một mắt xích trong hệ sinh thái trên mặt đất, họ ăn thức ăn sẵn có từ thiên nhiên, nương tựa và chung sống hòa bình với muôn loài trong thiên nhiên. Nay tất thảy những thứ đó đã trở thành đối tượng, thành kẻ thù phải chinh phục của loài người.
Cái mất lớn nhất của con người hiện đại là khả năng tồn tại bình yên trong thiên nhiên cùng thiên nhiên. Đời cha ông của chính tôi và bạn đã ra đời lập nghiệp bằng con dao cái cuốc, sống dựa vào khả năng trồng cấy của chính mình, thế mà đời con của chúng ta đã không còn biết cây cà chua trông như thế nào, ấy chính là đại hạn. Khi con người quay lưng lại với thiên nhiên, là lúc người ta mất đi sự bảo vệ che chở của thiên tạo, của sức mạnh vũ trụ. Hỏi người ta tồn tại được bao lâu?
Người ta thấy câu chuyện về cuốn giấy vệ sinh là câu chuyện gây cười ở một nước nọ, nhưng ít ai nhìn nhận nó như dấu hiệu của một xã hội suy đồi, của lòng tham lam vị kỷ, ở đó con người luôn cảm thấy bất ổn, luôn thiếu thốn mọi thứ. Con người bị lu mờ trước những cám dỗ vật chất tức thời mà quên mất rằng họ là ai, họ từ đâu tới, và sứ mệnh của họ trên trái đất này là gì, và họ sẽ đi về đâu trong vài năm tới. Há chẳng là đáng thương lắm sao? Đến cả thiên tai đại họa cũng không sao đánh thức được họ dậy nữa rồi. Bà Tenzin Palmo, một người tu trong hang trên 12 năm trời đã viết rằng, của cải vật chất ví như nước biển, càng uống càng thêm khát. Con người lu mờ cho rằng có càng nhiều của cải, thỏa mãn được càng nhiều ham muốn vật chất thì họ càng hạnh phúc hơn, nhưng thực tế chứng minh rằng họ càng ngày càng khốn khổ hơn khi phải làm nô lệ cho những ham muốn vật chất vô tận của chính họ.
Vào thời ông bà tôi còn sống, lúc đó không có internet, không có hệ thống phân phối hàng hóa như bây giờ, nhưng lại có mỗi năm một mùa đói, vài ba năm lại có một năm mất mùa, sâu hại, dịch bệnh, lại còn chiến tranh, giặc dã, nhưng ông bà tôi vẫn thọ tới gần trăm tuổi. Mỗi ngày thức dậy là một ngày bình yên đối với ông bà, vì ông bà không lo đi vét hàng ở siêu thị, không lo cái tủ không to đủ để chứa mỳ ống cho 6 đến 8 tháng tới. Ông bà bảo chừng nào mặt trời còn chiếu sáng, mưa còn rơi, tay ông bà còn cầm chắc cái cuốc cái cày, thì ông bà vẫn không lo cái chết.
Tôi muốn dành những lời này cho những ai đủ kiên nhẫn theo dõi đến đoạn cuối cùng câu chuyện về cuộn giấy vệ sinh, rằng khi một điều gì đó không hay xảy ra, thì đừng vội trách ông Trời không công bằng với mình. Hãy tĩnh tâm, nhìn lại những gì ta đã làm trong những ngày qua. Thiên tai địa họa là phép thử của thiên nhiên với niềm tin và sức sống của mỗi chúng ta. Tìm kiếm, học lại những kiến thức của tổ tiên, khôi phục lại những điều đã mất, đã bị thất truyền không bao giờ là quá muộn.
Tuấn Khanh
17/3/2020