• dau-title
  • Tản Văn
  • cuoi-title

Thiên hạ đệ nhất hoa với các mỹ nhân

Chủ nhật - 10/05/2020 21:37

 

Trong các loài hoa tươi đẹp rực rỡ sắc màu trên thế gian, có một loài hoa mà người Phương Đông rất mê, tôn là “Vương của các loài hoa”, là “Quốc sắc thiên hương”. Đấy là Mẫu Đơn. Có nơi gọi là Mộc Thược Dược. Có rất nhiều bài thơ viết về hoa Mẫu Đơn, trong đó ấn tượng nhất là câu thơ: “Thiên hạ chân hoa độc Mẫu Đơn” – chỉ có hoa Mẫu Đơn mới xứng là thật hoa trong thiên hạ. Nhà Búp xin hân hạnh giới thiệu với các bạn loạt bài viết về hoa Mẫu Đơn - Quốc sắc thiên hương trong mắt các thi nhân của nhà văn La Vinh.
(tiếp theo)


Thiên hạ đệ nhất hoa với các mỹ nhân




Phần III. Tích truyện Hoa Mẫu Đơn bị “đi đày” - chỉ có Mẫu Đơn mới xứng đáng là hoa thật trong thiên hạ


Sách "Tùng song tạp lục" có chép rằng:


Vua Ðường Minh Hoàng ngự thưởng hoa Mẫu đơn trong nội điện, hỏi thị thần: thơ vịnh hoa Mẫu đơn của ai hay nhất? Thị thần tâu: Thơ của Lý Chính Phong có câu rằng:


Quốc sắc triều hàm tửu

Thiên hương dạ nhiễm y


Nghĩa là:


Người quốc sắc ban mai hay say rượu (ý nói hoa đỏ)

Mùi thiên hương đêm nhuốm áo khăn (nói về hương thơm)


 


Mẫu đơn là một thứ hoa thơm, đẹp quý nhất trong các loại hoa, được gọi là Vương hoa. Cho nên có thể cho rằng khi nói "Quốc sắc thiên hương" để chỉ một tuyệt sắc giai nhân với hoa Mẫu đơn - Võ Tắc Thiên.


Nhà Ðường gặp thời suy mạt, vua Cao Tông nhu nhược, đắm say Võ hậu (Võ Tài Nhân). Vua chết, Võ hậu tiếm quyền, đoạt ngôi lên làm vua, đổi nhà Ðường ra nhà Châu (690- 678), xưng hiệu Tắc Thiên Hoàng đế.


Bà Hoàng đế này rất thông minh nhưng cũng rất ác bạo. Ðể củng cố địa vị, Võ Tắc Thiên thẳng tay triệt hạ phe đối lập. Họ Tiết vốn dòng dõi công thần nhà Ðường đều bị tru di ba họ. Nhưng bà cũng biết thích yêu hoa. Truyện "Kim cổ kỳ quan" có chép:


Một chiều đông lạnh lẽo, Võ Tắc Thiên đến chơi vườn Thượng uyển, thấy cảnh vật quạnh quẽ, liễu đào ủ rũ, liền nổi giận lấy viết đề 4 câu thơ:


Lai triều du Thượng uyển

Hoả tốc báo Xuân tri

Bá hoa liên dạ phát

Mạc đãi hiếu phong xuy


Tạm dịch (Bản dịch của Vô Danh):


Bái triều du Thượng uyển

Khẩn cấp báo xuân hay

Hoa nở hết đêm nay

Ðừng chờ cơn gió sớm


Thế là trăm hoa không dám trái lệnh. Chỉ trong một đêm, hoa bừng nở khắp vườn, ngào ngạt mùi hương. Hôm sau, Võ Tắc Thiên dạo vườn, thấy muôn hồng ngàn tía rực rỡ như những vầng mây sắc phủ cả vòm trời xanh nên lấy làm hớn hở vui tươi... nhưng đột nhiên cau mày lại. Vì chỉ có hoa Mẫu đơn bướng bỉnh, không chịu phụng mạng bạo chúa, nên trên cành khẳng khiu, không một lá non.


Cuồng giận kẻ cứng đầu, rồi để trả thù một cách ti tiện, Tắc Thiên giáng chiếu đày hoa Mẫu đơn xuống Giang Nam. Người đương thời thấy vậy dệt bài Phú Ngọc Lâu Xuân Tứ nhằm tán thán vẻ đẹp, sự khẳng khái của hoa Mẫu Đơn, thà chịu cảnh phong trần lưu lạc tự giải phóng cuộc đời chớ không làm vương giả chốn kinh đô, chịu giam mình trong vườn hoa tù hãm của bạo chúa, đem sắc đẹp hương thơm ban rải cho mọi người để được dự phần thanh cao:


Danh hoa sước ước đông phong lý

Chiếm đoạn thiều hoa đô tại thử

Lao tâm nhứt phiến khả nhân lâu

Xuân sắc tam phân sầu vũ tẩy

Ngọc nhân tận nhựt yêm yêm địa

Khước bị sinh ca kinh phá thuỵ

Sạ lâm trang kính tự kiều tu

Cận nhựt thương xuân thâu dữ nhỉ


Phỏng dịch (Bản dịch của Trần Thanh Ðạm và Nguyễn Tố Nguyên):


Mẫu đơn mơn mởn cánh hồng

Ðẹp tươi say cả đông phong thuở giờ

Yêu hoa một tấm lòng tơ

Gió mưa xuân đã gầy ba bốn phần

Sớm hôm nét ngọc tần ngần

Sinh ra tỉnh giấc mộng trần bâng khuâng

Dáng Kiều e ấp đài trang

Thương xuân hồ ngã bóng vàng như hoa


Khẳng khái, Mẫu đơn bị đày. Nhưng đây là một dịp, Mẫu đơn đã tự giải thoát mình ra khỏi vườn hoa ô nhục, đàng điếm của bạo chúa. Tuy dấn thân vào bước phong trần nhưng "dự được phần thanh cao" là đem sắc đẹp và hương thơm cống hiến cho đời.

"Quốc sắc thiên hương", lấy hoa Mẫu đơn làm tiêu biểu.


Về sau người ta dùng từ “quốc sắc thiên hương” (sắc nước hương trời) để hình dung hoa mẫu đơn. Hoặc có cách phác họa khác là: “Thiên hạ chân hoa độc mẫu đơn” (chỉ có mẫu đơn mới xứng đáng là hoa thật trong thiên hạ).



 

Phần IV Hoa Mẫu Đơn với nàng Kiều của Nguyễn Du


Trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du có hai cụm từ: “Quốc sắc thiên hương” và “Sắc nước hương trời”. 


Ðoạn miêu tả tên Mã Giám Sinh đến gặp Kiều, để mua Kiều về lầu xanh, nhìn sắc đẹp của Kiều, Mã say đắm, toan tính:


Mừng thầm: Cờ đã đến tay

Càng nhìn vẻ ngọc càng say khúc vàng

Ðã nên quốc sắc thiên hương

Một cười này hẳn nghìn vàng chẳng ngoa

(câu 823 đến 826)


 


"Quốc sắc thiên hương" tức sắc nước hương trời. Sắc nước là sắc đẹp nhất nước, hương trời là hương thơm chỉ có trên trời (thế gian không có); ý nói sắc đẹp hiếm có về thể chất lẫn tinh thần. "Quốc sắc thiên hương" trong văn chương cổ điển Trung Hoa chỉ về cái đẹp của hoa Mẫu đơn, lấy hoa Mẫu đơn làm tiêu biểu.


Tác giả "Truyện Kiều" để cho Mã Giám Sinh, một tên chuyên mua gái bán dâm đánh giá con người Kiều một cách so sánh bóng bẩy, văn vẻ như thế càng cho ta cảm thấy nỗi đau đớn thấm thía của một kiếp người có sắc đẹp "Quốc sắc thiên hương" như Kiều, mà hắn cho là "cờ đã đến tay"...


Ðoạn nói về Kiều khi ở lầu xanh lần thứ nhất tại Lâm Tri, gặp Thúc Sinh định làm vợ lẽ, nhưng bị Thúc Ông (cha của Thúc Sinh) đến thưa quan sở tại, bắt Kiều đóng gông (mộc già) vừa đánh đòn, có câu:


Dạy rằng cứ phép gia hình

Ba cây chập lại một cành Mẫu đơn

(câu 1425 và 1426)


"Mẫu đơn" là chỉ về Kiều.


Ảnh minh họa về Thúy Kiều - Truyện Kiều của Nguyễn Du


 

Khi Sở Khanh đóng vai anh hùng để đưa giai nhân mắc bẫy, hắn cũng làm nhục hoa Mẫu Đơn bằng những lời chải chuốt ngọt ngào, khiến cho tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng:


Than ôi! Sắc nước hương trời

Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây

Giá đành trong nguyệt, trên mây

Hoa sao hoa khéo đọa đầy bấy hoa.

Tức gan riêng giận trời già

Lòng này ai tỏ cho ta hỡi lòng....


Rồi tiếp đến là những lời của Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngâm:


Mây mưa mấy giọt chung tình

Đỉnh trầm hương khóa một cành Mẫu Đơn..


Phần V: Hoa Mẫu Đơn với Dương Quý Phi


Mẫu Đơn còn quan hệ tới một giai nhân không ai không biết đến. Đó là Dương Quý Phi.

 

Tương truyền Đường Minh Hoàng cùng Dương Quý Phi uống rượu ngắm hoa Mẫu đơn, vua muốn có lời ca ngợi sắc đẹp Dương Quý Phi bèn vời Lý Bạch vào đặt thơ. Lý Bạch đang say viết liền một mạch 3 đoạn Thanh Bình điệu.


Ảnh minh họa: Dương Quý Phi

 

Trong đoạn đầu có ý so sánh vẻ đẹp Dương Quý Phi với cành hoa Mẫu đơn:

 

Vân tưởng y thường hoa tưởng dung,

Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng.

Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến,

Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng.

 

Bản dịch của Trần Trọng San

 

Mặt tưởng là hoa, áo ngỡ mây,

Hiên sương phơ phất gió xuân bay.

Nếu không gặp gỡ trên Quần Ngọc,

Dưới nguyệt Dao Đài sẽ gặp ai.

 

Nét mặt nhuộm sắc hồng khi say rượu của Dương Quý Phi thường được họa cùng với ánh hồng cánh hoa Mẫu đơn.


Sau này, có nhiều người đã dựa vào truyền thuyết về bà mẹ một mình hiên ngang chống quân thù để liên hệ với Mẫu Đơn Hoa. Vì mẫu là mẹ và đơn là một mình lủi thủi như má Hậu Giang của Tố Hữu. Tuy nhiên, có thể nói chữ Mẫu ở đây không phải là Mẹ, cũng không phải là đơn vị đo không gian như Điền Mẫu. 


Mẫu trong tiếng Hán có nghĩa là Đực, là dương (đối ngược với âm). Các con vật đực cũng thường được người xưa sử dụng làm đồ cúng tế thần thánh. Như vậy, Mẫu là gắn với những gì thiêng liêng, Thần thánh. Loài hoa thiêng đưa thần thánh, điềm lành và dương khí vào không gian mình sống…


Chữ Đơn ở đây là đọc chệch chữ ĐAN. Nghĩa là màu đỏ tươi của son chu sa. Các nhà Đạo sỹ thì đặt lò nhóm lửa thái dược luyện Đan. Như vậy, Đan là thuốc quý, thông qua sự bào chế công phu bí mật của Thần Thánh mà có. Chữ Đan rất phức tạp. ĐAN TÂM chính là tấm lòng son mà văn chương Việt nhằm nói trái tim đỏ không phai nhạt, là trách nhiệm, là thủy chung, là năng lượng nguyên tử..


Tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm

Mà em vẫn giữ tấm lòng son


Vì thế mà Đan Thành là sự chân thực không bao giờ thay đổi.


Mẫu Đan quả là cho người ta liên hệ tới cái Thần Thánh trang nghiêm của Thần và cho ta cái cốt cách, thần thái của sự cương trực, đoan dung, mỹ hạnh…

(Còn nữa)

La Vinh

 

Từ khóa: loài hoa, hoa mẫu

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.