- Tản Văn
Độc đáo từ một miền quê
Thứ hai - 04/05/2020 09:09
Tôi chả muốn viết về quê mình thời nay bởi người ở quê thì nhìn nhận được hàng ngày còn mấy kẻ ly hương như chúng tôi vì chăm chỉ về thăm quê nên cũng chả lạ lẫm cho lắm. Điều dễ nhận biết nhất là giờ đây dân quê mình giàu có sung túc làm ăn phát đạt, làng quê đẹp đẽ khang trang nhà cửa to đẹp và không quên nhắc tới cả "hương quê" mà đôi chỗ bốc mùi chả dễ chịu thơm tho cho lắm.
Tôi là kẻ đi nhiều biết lắm sống ở nhiều vùng quê khác nhau nên hay so sánh rồi nhận ra rằng quê mình có nhiều cái đặc biệt mà nhiều nơi không có, điều này được chứng minh và thừa nhận của nhiều người sống xa quê. Điều đầu tiên là quê mình ít lễ hội và không có nhiều hủ tục như các vùng quê khác bởi lẽ dân mình là những người nhập cư từ những nơi khác mà hợp thành ví như họ Nguyễn chủ yếu là người từ Nam Định sang, đó là các cụ thủa xưa thời đầu mở đất hay họ Trịnh có nguồn gốc từ tận Thanh Hóa tới lập nghiệp v.v.. Bởi dân tới sinh sống từ nhiều nơi như thế nên phong tục ít có cái chung mà qua thời gian vẫn không hình thành được tập tục nhất định, nhưng đó lại là điều hay nên cách sống của dân mình thoáng đạt hơn các nơi khác. Còn về hội làng thì quả thật tôi đến tuổi 60 chưa thấy bao giờ và cũng mới vừa được tổ chức lại ở năm gần đây mà tôi biết qua mạng và không biết có được tổ chức tiếp hay không.
Những độc đáo của quê mình thì cũng có nhiều cái để kể từ phong cách cuộc sống tới ẩm thực, nó lạ cho nhiều người thời nay và hiếm có ở những vùng quê khác ví như khi xưa dân mình đội mọi thứ trên đầu nếu có thể, mùa nước lũ nhà nào cũng có cái thuyền nhỏ gọi là cái mủng để vận chuyển đi lại hay là chuyện mua gạo thì dùng cái bơ 8 lạng để đong rồi lại be hai tay cho đầy nữa trong khi các nơi khác người ta dùng cân kilô kia. Ẩm thực cũng có sự riêng biệt được nhiều người kiểm chứng là chỉ thấy ở quê mình như bánh bèo bánh hấp ngon rẻ rất bình dân, món nấu giả cầy thì thường nấu lẫn với chất độn như măng khô chẳng hạn và ngoài gia vị truyền thống bao giờ cũng cho thêm ít lá sắn thuyền, nó khác hẳn với cách nấu các nơi khác là dùng toàn thịt kết hợp với mắm tôm riềng mẻ.
Tôi cũng chẳng biết bây giờ còn ai gọi cái hoa chuối khi không thể ra quả là cái đòi chuối nữa hay không hoặc gọi con cá chuối là cá sộp, gọi con cá chép là cá dẻm? Ngày nay lớp trẻ khi xây dựng gia đình thì cô dâu xinh đẹp thướt tha trong bộ váy cưới lộng lẫy, chú rể đóng bộ com-lê hoành tráng xe đưa xe đón giữa ban ngày ban mặt hãnh diện với bạn bè lối xóm mà rất có thể là con của cô dâu chú rể ngày xưa phải đón rước dâu ban đêm và lẽ dĩ nhiên là đi bộ. Tôi cũng cho đấy là một điều độc đáo của quê mình một thời ở những năm 60 - 70 thế kỷ trước mà không biết rõ nguyên nhân, hình ảnh chú rể thì ăn mặc xềnh xoàng, cô dâu thì quần xa-tanh áo trắng dép nhựa và bao giờ cũng phải có một chiếc nón và đám cưới thì toàn rước dâu vào ban đêm!
Rỗi rãi ngồi gõ phím kể chuyện vui quê hương biết đâu có cái hay mà lớp trẻ thanh niên ngày nay chưa biết hoặc không biết thì cũng có thể có ích chứ thưa các vị cao tuổi quê nhà trên mạng. Chúc cả nhà vui vẻ trong một ngày mới thanh bình.
Nguyễn Như Thạnh