- Tản Văn
Ngoại
Thứ hai - 14/09/2020 16:44
(Ảnh: Trương Huyền Hưng)
Chừng 4, 5 tuổi gì đó, tôi được mẹ gửi cho ông bà ngoại nuôi. Ấn tượng về người ông trong tôi cho đến hôm nay vẫn không chút phai mờ.
Tôi có đứa em con dì giờ là một doanh nghiệp, có bản lĩnh, có chính kiến và rất sắc sảo. Nó rất ít biết về ngoại. Có chăng chỉ là những kỷ niệm buồn trong quãng thời gian thơ ấu. Nó kể về cái thời đói khát, một lần tung tăng cắp sách về nhà để thưởng thức bữa tối đạm bạc…
Trong bóng chiều chấp choạng của ngày đông mưa dầm và lạnh thấu xương, nó nhìn thấy ông ngoại ngồi trên một đống đá vụn ở gần nhà con gái, đôi mắt tối đen nhìn về phía dãy núi Trường Sơn đang giăng màn nhòa nhạt… Phía ấy là núi Thành nơi nghĩa quân Lam Sơn thường đến vây hãm quân Minh khi tấn công thành Nghệ An.
Tôi chưa lên đó nhưng nhìn xa thấy thành trì quân xâm lược vẫn nổi rõ trong những buổi chiều trời và núi và sông nước Lam giang hòa chung một màu xanh thanh bình… Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà sau khi viết Hịch Bình Tây thu Bắc cậu thiếu niên Phan Bội Châu cùng lũ trẻ chăn trâu đã diễn tập những trận đánh theo binh thư họ Tôn dưới chân núi Thành...
Hình như ngoại đang nhìn xa hơn nữa, nơi ấy có ngọn núi Yên Mã, một ngọn núi gắn với quê cha đất tổ, gắn với kỷ niệm tuổi thơ, kỷ niệm đời người.
Ngoại nói rằng quê tôi gọi núi là An Mạ thực ra là núi Yên con Ngựa (Yên Mã)… Trước đây các Thánh (cách ngoại gọi thành kính những tướng sĩ của nghĩa quân Lê Lợi) đã từ Thành Lục Niên xuất quân đi qua ngọn núi này xuống đánh giặc Minh ở núi Thành. Khi đến An Mạ cả tướng lẫn quân đều làm lễ tế cờ dưới đuốc. Họ được những tấm lòng thơm thảo của dân quê nghèo đói Vạn Phúc Đông này gói cho những củ khoai dài như cái chạc, một vài quả cà mặn chát, một cái mo cau tươi vừa rụng trong đó là nắm xôi bằng cái trứng gà… Sau này, mỗi lúc tam biệt ngoại, tôi cũng có những nắm xôi ấy. Không cần muối, mồ hôi và lam lũ đã kết mặn ân tình...
Ngọn núi An Mạ ấy như một con ngựa tách đàn đầy bản lĩnh. Tự sống, tự lo toan và sẵn sàng cho những Thánh Nhân tráng sĩ lên Yên. An Mạ rời bầy đàn từ dãy Thiên Nhẫn, chiếc nhẫn trời đã đánh rơi xuống trần gian.. quây tụ một vùng văn hóa rất đặc trưng, đặc biệt, đặc thù cho tính cách tích cực vừa ướt át uỷ mị, vừa kiêu dũng hiên ngang của “đồ gàn xứ Nghệ”.
Thuở nhỏ, tôi được bà ngoại kể cho nghe đủ thứ tích Thoại Khanh, Châu Tuấn; Lưu Bình, Dương Lễ… Bà thuộc bao nhiêu là truyện thơ như Trê Cóc, Lục súc tranh công… Lớn lên, lên hiệu sách năn nỉ mãi mới mua được một cuốn. Đọc vào thấy nhạt hơn nuớc ốc… Giờ mới hiểu ra, mang ấn tượng tuổi thơ trinh nguyên để cảm nhận tác phẩm thành văn khi mình đã lớn, nó không có cái ngọt ngào của tình yêu đầu tiên, với niềm tin và yêu đã mặc định…
Trong những thiên tài quá khứ, tôi luôn xếp bà ngoại là nhất. Bởi những truyện thơ dân gian, với kết cấu lỏng lẻo, với những câu chuyện rất đáng ngờ, không thể tin, và đặc biệt là hệ thống ngôn từ nôm na chẳng nghệ thuật chút nào… Vậy mà, bà luôn làm tôi say đắm.
Trong căn hầm Triều Tiên cả gia đình ngoại chui rúc suốt đêm ngày, nghe sấm nổ, chớp giật ngoài cửa hầm khi trời đổ giông cũng tưởng là tiếng bom rơi… Lúc nào cũng bom, ngày nào trong những căn hầm tối cũng nghe ông bà nói người này, người kia chết… Có lúc vừa nhoi ra cửa hầm, đón tí gió mưa bà giật vào trong: "Mày vào trong, mảnh bom, nó cứa cổ bây giờ". Có lúc tôi nghe tiếng mưa rơi rõ ràng, bà lại hét lên: "Nó bắn rốc-két". Bà ngoại không biết viết chữ a, có lẽ không biết cả chữ b vậy mà giỏi tiếng Anh cỡ đó...Thú thực, tôi cũng mới biết cái nghĩa của từ này nhờ thằng con diễn giải...
Nhiễm vào cổ tích của bà nên có lần trong mơ tôi thấy chàng Trời còn rất trẻ, lấy một nàng Trời là thiếu nữ xinh xinh. Hai người hôn nhau rồi chàng trao nhẫn, do cả hai còn rất vụng về nên mất bình tĩnh… Chiếc nhẫn rơi xuống mặt đất…, rồi thành dãy núi Thiên Nhẫn…
Ông ngoại cho rằng chiếc nhẫn nhà Trời (Thiên Nhẫn) này muốn đánh dấu một vương quốc Trời ở trần gian… Đây là nơi phong cảnh tuyệt vời. Nó quanh quanh với non xanh, nước biếc như tranh họa đồ. Nơi đây có đền thờ Mai Hắc Đế chống quân Đường, nơi đây có Sào Nam họ Phan mà tôi ngưỡng vọng, có Phan Đình Phùng, có Hoàng Cao Khải, có Phan Anh, có Tạ Quang Bửu, có Kim Liên và nhiều người nữa… Hiển nhiên, lũ dân “cỏ” như tôi thì đa số, rất là nhiều..
Ông bà, mẹ, các dì, các cậu tôi đã lập nên một hệ thống gia phong nề nếp. Tôi nhớ năm mới đi công tác xa nhà, được về hè, vừa xuống tàu buổi sáng thì buổi chiều đã phải hiện diện ông ngoại. Mẹ đã chuẩn bị sẵn một cút rượu, ngoài dán giấy điều, kèm theo mấy miếng thịt bò rim xuống ngoại.
Ngày hôm sau, đang chống say tàu ở trên giường thì mẹ đã đánh thức: "Con dậy ăn cơm mà đi cho sớm kẻo gió Lào mạnh. Mẹ chỉ mượn được chiếc xe đạp một buổi thôi. Về sớm nha con". Đi ở đây là đi nhà cô giáo gần mấy năm cấp 1. Tôi chợt nghĩ đến thầy giáo cấp 2 và cấp 3 của tôi, các thầy hiện đã chuyển công tác xa quê rồi, nếu không, chắc mẹ cũng chuẩn bị cho tôi rượu giấy điều, cũng lùm xum gói gói ghém ghém để đi nhà thầy…
Tôi rất yêu mẹ. Thần thánh mẹ dù rất ít khi gặp mẹ. Luôn háo hức nghe kể về cô gái sắc nước hương trời. Hồi ấy, tôi rất giận ông và khóc thút thít suốt đêm vì nghe nói có lần ông treo 2 tay mẹ lên xà nhà, đánh bởi ông nghi mẹ có người yêu… Đêm nào tôi cũng tưởng tượng về mẹ…
Tôi chưa bao giờ phân biệt các bà dì với mẹ tôi. Và khi ở bên các dì tôi cảm nhận được rất cụ thể của tình mẫu tử. Mẹ tôi có cái áo con gái sắm cho, cũng chỉ mặc áo cũ để đợi dì trong quê. Dành từng đồng để cho tôi khi về quê thì biếu người này người nọ… Các dì cũng vậy, mỗi lúc tôi về quê là được gùi ra thành phố không biết cơ man là khoai sắn dưa cà…
Tôi còn nhớ hồi ra Hà Nội thăm dì Tư, trong căn nhà chật chội đúng Ngọ không thấy mặt nhau, dì chỉ có chiếc quạt Tai Voi là lên tiếng khoe tài sản quý giá nhất… Vậy mà, khi tôi về dì gói chiếc quạt ba tầng 7 lớp về cho mẹ tôi. Tôi giả vờ quên. Vì biết rằng cầm chiếc quạt ấy về thì ăn không ngon ngủ không yên với mẹ…
Có lẽ ông ngoại tôi là người gia trưởng. Mỗi lúc có khách, ông thường không cho bà cháu tôi cùng ngồi chung mâm. Thậm chí, có lúc ông ăn một mình, ông vẫn có một giang sơn. Chiếc mâm đỏ, đôi đũa mun, những chén bát đều là đồ kiểu thời Minh Thanh .... Sau này, tôi mới hiểu cái cung cách quan chức phong kiến ấy chỉ là cái bình phong. Bởi sau bữa cơm, dọn mâm xuống dường như nó được bày biện lại, chăm chút đẹp hơn, nhìn ngon mắt hơn. Đĩa thịt gà, con cá gáy, mấy cọng rau muống xanh non… dường như vẫn nguyên. Những bữa ăn đặc biệt ngoại mới yêu cầu có những nghi thức ấy. Đó là cảm giác khó quên. Đâu phải chỉ mấy miếng thịt gà, mà chúng tôi còn thưởng thức được cả chén kiểu, đũa mun, mâm son quý phái...
Đôi mắt của ngoại đang nhìn về phía cố hương. Nơi có cây đa bến nước ao sen. Nơi có con đường làng chia nhánh mênh mang những đường tắt đường ngang… Khách nào đến quê mình có nguy cơ lọt vào ma đồ trận của những con đường rẽ lối bất ngờ. Những lũy tre thăm thẳm, những hàng cây giới già đỉnh đạc đưa ông tôi ra thẳng bến nước...
Bên này là đồng ruộng mênh mông, với con đường thẳng tắp chia 2 không gian đến thẳng chân núi An Mạ.. Và bên kia là sóng nước La giang với những bến sông kỳ diệu. Đó là những phiến đá đủ màu đủ mọi kích cỡ, hình thù được xếp bậc thang cứ chuồi dần xuống mặt nuớc. Cha ông ngày xưa đã làm nên những bến nước như thiên tạo, nó là những điểm nhấn rất đặc thù mà tôi chỉ thấy ở quê hương này...
Xuống bến nước là tới bờ sông phẳng lỳ cát trắng, bàn chân trần tiếp xúc cái êm mát của quê hương. Phủ bóng bờ sông là những lũy tre ken dày râm rạp.... Bờ sông lúc nào cũng có gió. Lúc nào cũng có người. Trẻ con người già thì thường trực hơn. Người gánh nước, người giặt giũ, người rửa khoai rau… Lũ trẻ thì hết tốp này lên ngồi ướt sũng trên lại có tốp khác loi ngoi dưới nước la hò, khoát nước vào mặt nhau ầm ĩ. Những thanh niên thì đan những tấm dè cót, dì Lý, dì Thu nhà tôi thì ngồi lược loong.
Bọn trẻ con tắm chán chê trên sông nước thì đi lang thang trên bài sông cát mịn. Chúng ngồi bên cạnh những người lớn đang đan dè cót để hóng hớt những chuyện trong nhà ngoài xóm. Chán rồi, chúng leo lên những cây Cừa xoãi thân mình ra đến cả 10m trên mặt sóng. Quần áo chưa kịp khô chúng lại thay nhau nhảy ỳ ùm. Chúng đuổi nhau, tranh nhau chạy trên thân Cừa, có đứa tìm đường tắt, bám vào những rễ Cừa đang treo lủng lẵng để leo lên. Tôi vốn nhát sợ, chỉ ôm lấy những rễ cây đã cắm sâu vào lòng đất để từ từ leo lên. Nhưng ít khi lên được. Vừa sắp đụng thân dừa thì đã bị mấy đứa ở trên hất ùm xuống nước...
Những trò chơi tuổi nhỏ dường như bất tận. Nơi này chơi ô ăn quan bằng những trái xoan xanh (quê tôi gọi trái thầu đâu), nơi kia chơi nhảy ô bằng một viên gạch mẻ…. Sau này, mỗi lần về quê ngoại, tôi thường chỉ cho các con tôi những nơi đã cất giữ cho tôi một thời thơ ấu. Cũng tiếc cho chúng, sống ở nơi thị thành, chẳng biết được những trò chơi tuổi nhỏ nơi chốn đồng quê này thú vị và tuyệt diệu đến mức nào...
Bỗng dưng, mắt tôi cay xè. Thấy nhớ lắm những gì của ngày xưa, người xưa, quê nhà ơi! Muốn hát thành tiếng: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”.
Ơ, ở chốn Ta Bà này, mọi thứ đều là giả tướng cơ mà!
Anh Vũ