• dau-title
  • Tản Văn
  • cuoi-title

Chuyện về dòng sông và những cây bồ kết

Thứ sáu - 25/09/2020 18:22

 

 
(Ảnh: Trần Bảo Toàn)

 

Ngày còn nhỏ hắn thường đi tàu thủy ngược dòng Trà Lý, ngược dòng sông Hồng để lên Hà Nội. Sông ngày ấy lúc nào cũng đầy nước và đỏ đục phù sa.

 

Hắn nhớ để đi hết chặng đường khoảng 100km đường thủy là  phải dậy từ 3 giờ sáng, xuống bến Cống Vực lúc khoảng 4 giờ 15 để đi tàu... Ngồi trên tàu nhìn ra sông Hồng cuộn chảy đọc hết cả một cuốn sách dày và tới Hà Nội vào khoảng 17 giờ đến 18 giờ chiều. Đấy là hành trình thông thường còn khi gặp tình trạng tàu mắc bãi bồi (còn gọi là Khê) hoặc khi ngược dòng sông Hồng mùa nước lớn thì có khi tới bến Phà Đen đã là 19 giờ có lẻ...

 

13 đến 16 giờ đồng hồ cho một  chặng đường dài 100km, chuyện thật khó tin nhưng ngày đó lại là sự thật.

 

Khi từ cái bến Phà Đen về Thái Bình thì suôn sẻ hơn. Hắn lên tàu từ 6 giờ sáng  và  xuôi dòng về lại bến Cống Vực chừng 14 giờ chiều. Vất vả là thế, nhiêu khê là thế nhưng cảm giác được bồng bềnh trên sông Hồng cuộn chảy, tận mắt nhìn những ngư dân quăng chài hay kéo vó bắt cá trên sông vẫn đem lại cho hắn niềm hạnh phúc vô bờ! Cứ qua mỗi bến đò, Hắn nhìn lên bờ để thấy nương dâu, bãi Ngô xanh ngăn ngắt hay cánh đồng ngập một màu vàng hoa cải ven đê . Xa xa là  hình ảnh những người phụ nữ nói cười vui vẻ trĩu nặng trên vai những gánh lúa trong nghi ngút khói lam chiều từ những căn bếp rạ đơn sơ đem lại cho hắn một cảm giác bình an đến lạ.

 

Lớn lên chút nữa hắn vào đại học, trở thành sinh viên học ở gần nhà. Cứ thế bao chiều cuối tuần hắn đạp 20 km dọc bờ sông Trà Lý từ trường về nhà và ngược lại. Năm thứ 4 tức là năm 1986, bọn hắn thực tập mãi Phủ Lý, chặng đường đi dài hơn và phải đi đò Nhật Tảo qua sông Hồng. Những kỷ niệm của bao lần đạp xe với chặng đường 45 km này đã không bao giờ quên trong ký ức của hắn. Cứ khoảng 3 đến 4 tuần hắn lại cùng anh Tuyển ( Chương Dương, anh Lâu - An Ấp) cùng đạp xe về nhà. Vừa để rèn luyện sức bền nhưng cái chính yếu là để nhận tiếp tế lương thực thực phẩm. Đôi khi chỉ là một mình hắn đạp xe về trên con đường trải đá sỏi gồ ghề mà hai bên trồng rất nhiều cây xanh mát rượi.Những lần ấy hắn thường tranh thủ ghé vào thăm nhà tưởng niệm Bá Kiến, thắp mấy nén hương thơm và xin hái  mấy lá trầu không cho mẹ .Đôi lúc, khi chờ đò hắn ghé qua hàng nước nhà Thị Nở gần bến đò, sát lò gạch, dưới góc một cây gạo lớn. Hắn uống cốc nước chè xanh,làm thêm một hai thanh kẹo lạc hay cái bánh rán cho ấm bụng, (chứ không  ăn cháo hành như tay Chí Phèo) nói chuyện tầm phào với Thị Nở vài câu cho đỡ sốt ruột. Cảm giác của hắn kể cả khi về và đi là hễ qua sông Hồng sang bờ bên kia là mình sắp về đến đích của mình. Bởi ngày ấy, chỉ là những con đó nhỏ chèo tay, chẳng có thuyền máy và cũng chẳng có chiếc áo phao bảo hộ nào.Đã có lần muốn về nhà nhưng tới bờ đê, bọn hắn lại phải lầm lũi đạp xe quay lại chặng đường dài 25km mình mới vừa đi  trước do vì nước sông Hồng quá lớn chẳng bác lái đò nào chịu chở cả. Đoạn đường trở lại chả ai nói với ai câu nào, đoạn đường mới dài và mệt mỏi làm sao.

 

Còn có một điều đặc biệt nữa của những năm tháng đó, mà tới tận giờ hắn cũng  không hiểu vì sao. Đó là vào mùa hè, nếu ở bên phía Thái Bình  từ đoạn nhà thờ cụ Lê. Quý Đôn tới bờ đê, thi thoảng chỉ nghe vài tiếng ve kêu lác đác thì  khi xuống đò sang đất Hà Nam thì tiếng ve sầu nghe ra rả inh tai nhức óc. Nó như một dàn hợp xướng khổng lồ, suốt dọc con đường đầy những cây Bồ kết mà hắn chắc ai đi qua một lần cũng chẳng thể nào quên được. Suốt từ cái lò gạch ven sông Hồng của thôn Đại Hoàng xã Nhân Hậu, có từ thời Bá Kiến đến Phủ Lý cơ man nào là những cây Bồ kết. Hắn nghĩ dại nếu có một trận dông hay lốc xảy ra cây Bồ kết đổ vào thì có lẽ toàn thân sẽ găm đấy gai Bồ kết như và hắn sẽ thành một con nhím khổng lồ nhưng lại cất tiếng hát của ve.

 

Thật may mắn là chuyện đó không xảy ra.

 

Rồi kỳ thực tập cũng kết thúc, tốt nghiệp ra trường và đi làm, chuyện con đường và bến đò sông Hồng ngày đó tưởng như đã chìm vào quên lãng.

 

Tận ba mươi năm sau, hắn mới lại có dịp đi qua con đường cũ, qua thị trấn Vĩnh Trụ ngày nào. Nơi bến đò xưa phía xa xa vài trăm mét đã có cầu Thái Hà uy nghi bề thế. Con đường cũ nay đã thành đường cao tốc  với những cây hoa nhỏ xíu trên dải phân cách. Dọc đường tuyệt nhiên chả còn cây Bồ Kết nào chỉ nghe lác đác vài tiếng ve kêu bé bé trong vườn nhà cụ Bá Kiến. Thắp một nén nhang thơm lên bàn thờ hỏi thăm bác Quản gia mới biết cái lò gạch xưa của làng Vũ Đại giờ đã thành trường mầm non của xã còn cô Thị Nở hình như đã cùng Chí Phèo đi xây dựng vùng kinh tế mới…, nghe đâu ở Điện Biên thì phải…

 

Hắn quay ngược trở về phía sông Hồng, qua cầu Thái Hà, nhìn xuống sông Hồng nước cạn  trơ đáy lòng hắn trở nên rỗng tuếch. Sao mùa hè mà sông kiệt nước đến thế.

 

Ghé một quán nước uống một bát chè xanh nghe cô chủ ru con làm hắn buồn đến não lòng:

 

....À ơi, hoa đến thì thì hoa phải nở

Đò đã đầy thì đò phải sang sông, 

đến duyên em thì em phải lấy chồng…

 

Ô hay. Cầu có rồi thì còn ai đi đò nữa, còn sông thì cạn nước như thế người ta vén quần lội sang chứ đợi đò đầy làm gì cho mất thời gian…

 

Hớp ngụm nước cái ực, nhớ tới câu “thiên hạ vô tri vấn bảng Đôn“ hắn lầm lũi quay về xã Độc Lập, ghé nhà thờ quan Bảng thắp ba nén hương lẩm bẩm vài câu khấn vái. Chả biết Quan Bảng nói với hắn câu gì mà kể từ sau hôm đó, cứ cuối tuần hắn lại rủ mấy đứa trẻ hàng xóm lên suối tắm và quăng chài bắt cá.

 

Hắn bỏ hẳn thói quen dùng dầu gội đắt tiền chuyển hẳn sang gội bằng Bồ kết, lá chanh.  Có lúc, mấy đứa trẻ đi tắm suối cùng còn thấy hắn ngồi trên tảng đá một mình và lẩm bẩm:

 

“Bao giờ cho đến tháng năm

Nấu nồi cơm nếp vừa ăn vừa cười

Bao giờ cho đến tháng mười

Nấu nồi cơm nếp vừa cười vừa ăn....”

 

 

Lương Duyên Thắng


Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.