• dau-title
  • Tản Văn
  • cuoi-title

Hương vườn Bách Thuận

Chủ nhật - 27/09/2020 20:57

Cái thằng em hàng xóm tính nóng và lớn giọng cứ oang oang:

 

"Giờ vườn Bách thuận quê mình lấy đâu ra hương mà ngửi mà thưởng thức, bác xem khắp nơi toàn bonsai với cây cảnh những thứ đó có thể bán nhiều tiền chứ làm gì có hoa thơm mà tỏa hương tỏa sắc!". Ở góc độ này hắn nói cũng phải nếu cái tít thật kêu như Hương vườn Bách Thuận thì cũng chỉ là những mỹ từ văn hoa để quảng bá cho một vùng quê làm kinh tế vườn năng động giàu có và những lời kêu ca của hắn cũng có nguyên do  bởi ở quê mình đã có một thời bốn mùa ngát hương như thế.

 

Ngày xửa ngày xưa chưa lâu lắm mới cách đây khoảng nửa thế kỷ về trước thì vẫn những mảnh vườn ấy cây cối được trồng khác hẳn bây giờ, đâu đâu cũng thấy những vườn cây ăn quả sum suê đủ mọi chủng loại nhưng nhiều hơn cả là cam quýt chanh bưởi. Thời điểm đó nhà nào ít thì cũng có vài ba chục gốc còn những nhà vườn rộng lên tới con số cả trăm, chúng được trồng kín vườn chưa kể các loại cây ăn quả khác được trồng ven bờ vườn như táo hay roi mận ổi v.v... Những loại hoa quả lạ và độc đáo như thị hồng chay nhót tuy không nhiều nhưng vẫn có thể tìm thấy ở quê mình, viết lại như vậy để thấy những năm xưa nơi đây là một vùng quê trồng cây ăn quả thật rộng lớn.

 

Thời ấy dân quê mình trồng hoa để phục vụ cho việc cúng bái, hoa dâng cúng là hoa rời chứ chưa có tục dùng hoa cắm lọ như bây giờ. Hoa được gói và gần như là các loài hoa có sắc hương như hoa huệ hoa cúc hoa nhài hoa phượng hoa ngâu, khi cúng thì được bỏ vào đĩa đặt lên ban thờ và khác với bây giờ là khi cúng bái dùng toàn hoa cắm màu sắc vẫn đẹp xong không có hương.

 

Đấy là lý do đưa dẫn mọi người trở về quá khứ với hương vườn Bách Thuận.

 

Hương thơm ngào ngạt nhất là ở mùa xuân khi phần lớn các loại cây ra hoa, một màu trắng tinh khiết của hoa cam hoa quýt hoa bưởi v.v... phủ trắng một miền quê sắc hoa chen lẫn màu xanh của cây lá tạo một cảm giác yên bình và lãng mạn, mùi hương thơm tỏa cho ta cảm giác dễ chịu phấn chấn mà quên đi nhưng lo lắng cuộc đời. Các loại cây khác cũng đầy hoa với muôn màu sắc đan xen như hoa ngâu vàng óng thơm dịu, hoa bưởi trắng ngà hương ngào ngạt, hoa táo nhỏ bé xinh xinh hương thơm dịu, ôi thôi tôi trả kể hết được chỉ biết rằng cứ mỗi mùa hoa là Xí nghiệp nuôi ong Thái Bình chở hàng nghìn thùng ong về quê mình để lấy mật.

 

Khi mùa hoa đã hết thì vẫn còn những loài ra hoa gần như quanh năm điển hình là hoa ngâu, xưa thì hầu như nhà nào cũng có ít cây vừa để ướp trà vừa hái bán tăng thu nhập. Sẽ có nhiều người còn nhớ rặng ngâu được trồng bên đường từ cửa chùa Phật Bà ra tận bờ sông, mỗi khi đi trên đường được thưởng thức hương thơm ngào ngạt man mát với màu hoa vàng óng phủ kín cây. Đấy là còn chưa kể đến những vườn hoa trong dịp Tết khoe đủ sắc màu và hoa nào cũng có vị hương riêng của mình.

 

Thật đúng nghĩa là hương vườn Bách Thuận!

 

Sẽ còn trong ký ức của rất nhiều người một sắc màu vàng ươm của vườn cam vườn quýt khi vào thu, những cây táo chi chít quả trĩu cành,những cây roi cổ thụ quả đỏ hồng soi bóng bên bờ ao, những cây mận quả vàng quả đỏ...để mà nhớ đến một tuổi thơ để mà yêu quê hương mình ở một thời hoa trái. Nhưng thiên nhiên đôi khi không ưu ái, chỉ một mùa lũ năm 1968 nước dâng cao đã làm cho vườn cây Bách Thuận thiệt hại nhiều tiếp theo trận lũ kinh hoàng năm 1971 gần như xóa trắng một miền quê cây trái mà sau lũ cam quýt gần như mất hết không thể phục hồi chỉ còn sót lại những cây như táo mận roi và đây cũng là thời  điểm chuyển đổi ở quê mình sang trồng dâu nuôi tằm và trồng rau xanh các loại.

 

Anh em tôi gặp nhau thì bàn luận cho vui thôi và chỉ dựa vào câu từ Hương vườn Bách Thuận mà nay hay dùng để nhớ lại một thời đã đi qua xong cứ tự nghĩ rằng nếu dùng câu từ Làng vườn Bách Thuận tuy nó không hoa mỹ lắm nhưng phù hợp với thời hiện đại ngày nay về quê mình nhưng đó chỉ là quan điểm riêng mà thôi.


Nguyễn Như Thạnh

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.