- Tản Văn
Tâm cầu một chữ bình yên
Chủ nhật - 13/08/2023 16:06
(Ảnh: Kim Anh)
TÂM CẦU MỘT CHỮ BÌNH YÊN
(Nguyễn Thu Thủy)
Bài này mình viết dành cho người đang gánh chịu stress về việc thu nhập thấp, đầu tư không hiệu quả, lo lắng vì tiền bạc. Dĩ nhiên ở mức độ trên 100 tỷ đổ lên xin phép bỏ qua. Vì có 100 tỷ mà stress thì stress này không cần xử lý. Tầm đó thì tự khắc có chuyên mục khác thụ án.
Bảo rằng, trải qua chuyện sinh tử, sống chết bệnh tật, sự đau đớn do bị nhục mạ về thể xác, danh dự, tinh thần, mới biết không cần màng tới tiền bạc danh lợi mà chỉ cầu một chữ bình yên.
Thực ra nó giống hệt khi đất nước ta ở cảnh bị đô hộ. Nghèo đói đã đành còn mất cả tự do và độc lập, đại đa số xã hội thuộc tầng lớp giàu thời phong kiến, thì không cướp người này bắt nạt người kia, cũng đa số là phường nghiện ngập, gái gú phục vụ nhu cầu của những thằng giàu hơn. Thiểu số những nhà nho học, tri thức không đủ để gạt bỏ nỗi niềm của cả một đất nước.
Cái khổ thứ hai khi miêu tả về chuyện cầu bình yên, nó cũng giống như nước ta mưu cầu tự do và độc lập.
Ngày mà ông ngoại mình đang ở chiến trường Quảng Trị. Mẹ mình ở nhà với đàn em và một số trẻ trong Nam ra Bắc lánh chiến tranh. Thời đó con người ta có máu liều cực đại.
Không cần tới đèn pin, xách cái đèn dầu đi học từ 1-2h sáng, vì không có đồng hồ, chỉ nhìn trời mà tiến.
Đi qua nghĩa địa, có lửa ma trơi, thấy sáng quá, may quá, bèn đi vào nhặt đại cái ván gỗ thừa của một ngôi mộ mới chuyển nhà. Về nhà rửa cái ván, kê mấy viên gạch vỡ lên, vậy là có cái bàn mới ngồi học. Chắc cụ cho ván gỗ cũng thiêng nên là học thành tài. Còn đùi mẹ mình chọc kim cho tỉnh ngủ để học thì giờ cũng không thấy dấu vết gì.
Mỗi lần nhìn mình béo lên vài tấn là mẹ đều chẹp miệng bảo các con phải ăn rau ăn lá khoai như bố mẹ tầm 10-20 năm mới khá được. Giờ ăn toàn thịt thà vàng bạc thì sao mà hiểu.
Ông ngoại đi chiến trường về có lúc, thấy mẹ mình cãi cọ sao đó với bé trong Nam, bèn treo mẹ lên cây đánh tới tấp. Giáo dục bộ đội nên mẹ mình mới đủ sức mang quả dao phay ra doạ con bé 10 tuổi cầm tiền vay bạn mua quyển truyện, cấm con cả đời này không được vay ai, không thì chặt tay. (Vâng, thành ra nếu các bạn kiểm tra kỹ tin nhắn, mình luôn nói là mình XIN, chứ mình không vay). Dĩ nhiên cũng có khi con bé cơ hàn, được người bạn thân giàu có giúp cho 500k. Chuyện này thôi chân thành nói ra, vì tới giờ thì bạn mình vẫn là bạn thân nhất cấp 3 của mình. Tức là mình có trả lại.
Mẹ mình mưu cầu ngoài tự do độc lập là đủ tiền nuôi con, đủ tiền nuôi mẹ của mẹ (tức bà ngoại mình, người đã ăn đường để nhường con ăn cơm, và mắc bệnh tiểu đường khi mới chớm 40 tuổi).
Lúc bà ngoại mình ốm nặng, là lúc mẹ mình gặp khó khăn nhiều vì tiền bạc, đèo bồng thêm hai đứa con phải ăn học và bố kiếm tiền chỉ đủ phần nào.
Mình đã không nhận thức được điều này khi đó, chỉ biết có 3 nhà hàng xóm giàu sụ có cái máy giặt, tivi thì 3-4 chiếc.
Tối đến trăng lên, mình nhảy vào chậu quần áo giẫm lấy giẫm để, còn nhà bên thì... chị xinh đẹp đang tập tành trên máy chạy mới tinh (nhà chị trùm đồ thể thao HN), nhà kia thì ông anh phóng về cái biệt thự to oạch trong tiếng xe spacy (Nhà anh có nguyên cái nhà hàng Thuỷ Tạ ở hồ Gươm). Nhà hàng xóm kế nữa thì anh chuẩn bị đi nước ngoài ăn học dài hạn. Giàu cứ gọi là đè bẹp mọi tiếng bẹp bẹp giẫm chân giặt đồ của mình.
Sự nghèo khó rèn cho bố mẹ mình ba tính cách:
1. Tiết kiệm.
2. Chấp nhận mọi cách ko vi phạm đạo đức để chăm chỉ học hành, kiếm tiền.
3. Luôn đề phòng rủi ro để đảm bảo còn đồng tiền cuối cùng cho con.
Cả đại gia đình mình hầu hết đều vậy. Nói tới chuyện cậu mình quần quật lao động nơi chợ cá bên nước ngoài, không dám đi chợ 1 đồng trong vài tháng để cho con đi học thì còn ứa nước mắt hơn. Hay như chú dì mình chỉ có ăn cơm nguội, được bao nhiêu tiền học bổng lại gom góp từng đô lẻ mang về.
Mình may mắn vì được sống trong một gia đình như thế. Vì ngày nào ăn cơm cũng phải nhìn đủ bảng vàng "10 điều Nhẫn là thành công".
Sau này mình gặp vô vàn người. Hầu hết những người khó khăn đều là người có thói quen chi tiêu quá mức thu nhập, thường hay vay tiền và mạo hiểm, tức là thiếu tính cách thứ 1 và thứ 3.
Họ thiếu thêm cả việc chăm chỉ học hành rèn luyện, hoặc cũng chăm mà không thực sự chú tâm, thành ra nó nhân đôi cái sự khó khăn tù mù của họ. Cứng đầu, bảo thủ, khó nghe được lời dạy hay.
Cho tới đời mình thì thêm 1 tính cách nữa được hùn đắp trong đại gia đình:
4. Khiêm tốn: Không kiêu căng ngạo mạn, khoe khoang và hô hào.
Thành ra mới phải đi tìm trên google về thuật ngữ mới của gen Z - giới trẻ - "FLEX" là cái gì.
Xu hướng khoe (flex) cũng là một dạng biểu hiện của một xã hội mà cái tôi ngày một lớn. Cái tôi lớn là hiểm hoạ, đối với người tu hành thì điều đó là trái ngược với việc phải vượt qua tự ngã.
Cái tôi lớn sẽ không thể nghe được người khác nói, tất sẽ chủ quan. Cái tôi lớn còn làm mất đi lòng thương cảm, không thể biết sự hạnh phúc và trí tuệ của tình thương yêu, nhìn hoàn cảnh người khác mà chỉ biết phê phán. Tự khắc cho đi phê phán sẽ nhận lại phê phán. Cái tôi lớn sinh ra tự mãn, khoe khoang nhiều thì tất có kẻ cơ hội lợi dụng.
Nay mình ghi ra những điều ở trên để tự kiểm điểm bản thân. Vì mình trót đi "flex" những bức vẽ của mình.
Thôi thì đại tỷ xin phép đi tu tiếp nhen, đơn giản chỉ vì tâm cầu một chữ bình yên. Các bạn cố gắng 4 điều trên để gỡ gạc cú short hôm nay.