• dau-title
  • Tản Văn
  • cuoi-title

Phần II - Lộc và Đức

Thứ tư - 02/08/2023 16:09



(Ảnh: Xuân Nguyễn)



Phần II: Lộc và Đức - Vì sao người am hiểu chữ Thánh Hiền xưa không coi trọng Lộc



Tạm thời, mình hiểu rằng: Nói tới Lộc là nghĩ ngay tới những món vật chất có thể định lượng được chứ không mơ hồ định tính như chữ Đức, chữ Nghiệp…


Lộc thường tìm đến nhà có quyền lực. Không làm ông này, bà nọ thì chỉ có hưởng Lộc từ con cháu, học trò chứ không dưng mà có của cải bò vào nhà, đô la bò vào túi. Người có lộc giống như người nội trợ dùng dao hai lưỡi  trong nhà bếp. Không khéo là dễ chảy máu. 


Nàng Kiều từ thân phận dưới đáy làm gái thanh lâu, bỗng dưng được Từ Hải cưới làm vợ, được làm Phu Nhân bên cạnh Từ Công. Cái Lộc ấy đến quá dễ dàng, nó làm cho nàng trở nên người hám lợi, ích kỷ, tính toán. Nàng muốn dùng sự đầu hàng của Từ Hải để đổi lấy một chức vị, bổng lộc của triều đình. Chung quy cũng là do cái bả Danh Lợi :


2497:  “Sao bằng lộc trọng, quyền cao,

2498:  “Công danh ai dứt lối nào cho qua?”


Chính nàng Kiều là một trong những chúng sinh bị mê mờ của cõi nhân gian như Đức Phật từng giảng. Muốn có chức tước, làm quan lớn nhỏ và hưởng Lộc của triều đình thì đời trước phải tích được rất nhiều Đức. Cái bề ngoài chúng ta thấy Kiều có quyền lực của Từ để từ đó muốn ăn Lộc của Thiên hạ là hợp lý, logic. Nhưng với quy luật nhân quả thì khi muốn ôm cái chữ Lộc ảo tưởng ấy, Kiều đã tự dẫn mình đến sông Tiền Đường rồi! 


Hôm nay, chúng ta hay nói về một vấn đề nhức nhối: Đó là nạn tham nhũng. Ai cũng xác định rằng điều này chỉ xảy ra với những người có quyền lực. Không làm quan thì không thể tham nhũng. Được làm quan là Phúc ấm bao đời tổ tiên tích góp. Có Đức từ  cha mẹ ông bà, từ kiếp trước khéo đường tu nên hôm nay mới có Lộc .Người đời ít ai chấp nhận điều này. Thay vì tích Đức cho nhân quần để kiếp này được trọng thị, kiếp sau vinh quang hơn thì họ lợi dụng chữ LỘC để làm điều thất Đức, tổn Đức. Như vậy, do có Đức mà có Chức Quyền, địa vị, giàu sang hôm nay. Lộc cũng là sự hiện thực hóa của chữ Đức mà thôi. 


Nàng Kiều tích quá nhiều Nghiệp, trả nợ bằng những nỗi đau ê chề, trả nợ bằng chính tuổi xuân người con gái trong chốn Thanh Lâu. Kiếp trước Đức quá mỏng do đó Phận Kiếp của mình cũng mỏng manh như cánh chuồn. Thế nhưng, chưa trả được Nghiệp đã muốn hưởng Lộc. Cái Lợi, Cái Danh, Cái Tình đã thực sự giết chết cô ta. Cho hay, con người càng thông minh trên bề mặt, bề ngoài; càng được người đời tán tụng tung hô thì chính đó là những người Mê nhất, u tối nhất. Muốn hưởng Lộc để thỏa mãn Danh, Lợi, Tình chính là giao thân cho Ma cai quản mình rồi.

 

Chữ Lộc làm cho nghề kế toán trong gia đình các quan tham có khả năng phát đạt. Đặc biệt cái chữ Lộc bị ngộ nhận này sẽ  phát triển năng khiếu cho  các bà vợ các quan tham có khả năng tính nhẩm quỷ khốc thần sầu. Không có chữ Lộc thì Microsoft không bán được phần mềm Excel... Chữ Lộc dính tới chữ L khác là "Lợi". Nếu không khéo thì chữ này làm che mờ chữ "Nghĩa" là  cái chữ biểu dương một người vì người khác mà hành động.


 Thực ra, chữ LỘC chân chính phải là sự kết hợp của 2 chữ Thị và Lục. "Thị” (yếu tố thần linh) đã khống chế những mặt tiêu cực của" Lục". Do đó, LỘC chính là:


- Điều may mắn tốt lành xứng đáng được hưởng. Mình có tài năng, có chức quyền mình có nguồn Đức của gia đình và các đời trước để lại mình xứng đáng được thụ hưởng tiền tài của cải mà do chính bàn tay, khối óc và may mắn mà vận số mình xứng đáng…


- Địa vị của mình xứng đáng được hưởng những bổng lộc, những của cải mà vua, nhà nước, công ty ban cho…Thật vô lý khi cào bằng mọi người như nhau…Cái "quả" ngày hôm nay có cái "nhân" từ xa xưa. Mình tài hơn nhưng lãnh đạo nhiều Đức hơn. Số phận vì thế có vẻ bất công nhưng với Trời Phật thì công bằng không sai sót một phân…


Người xưa cho rằng học hành, đậu khoa bảng, thì sẽ ra làm quan thỏa nguyện mơ ước kinh bang tế thế của mình. Có địa vị xã hội, có danh giá hiển nhiên là có quyền lực. Quan sẽ có lương, có bổng, sẽ có cuộc sống vật chất dồi dào. Vua sẽ cho lên chức, lên quyền và ban thưởng nhiều quyền lợi hơn nữa… Làm quan, có chức quyền thì mới có Lộc. Vì thế mới có từ Quan Lộc, Lợi LỘC. Phát Lộc ắt phát TÀI…


Người xưa không chỉ trông vào "Phúc tinh cao chiếu" mà mỗi đêm ngong ngóng trời cao "Lộc tinh cao chiếu". Con đường từ Lộc đi lên hình như oai hơn, khí thế hơn. Cái "Danh" rất  thực này nó giải quyết khát vọng mãnh liệt của thế giới con người. Đó là: Danh, Lợi và Tình.


Những người am hiểu tư tưởng, trí huệ của Thần Phật ,Thánh Hiền xưa không coi trọng chữ Lộc như đám phàm phu hám Lợi hôm nay. Chu Văn An rũ bỏ áo dài mũ cao về dạy học sống đời thanh liêm. Nguyễn Trãi là công thần, là lương đống của quốc gia, thấy chốn quan trường kẻ tranh người đoạt đã về Côn Sơn ở ẩn. Ông nhận ra chân lý, nhận ra thói đời:


“Danh suông vạ mặc vòng oan uổng

Dạ thẳng đời bao kẻ ghét ghen"


Hãy nghe ông hát bài ca ở Côn Sơn. Một quan niệm sống rất đáng cho chúng ta hôm nay nhìn nhận và trân trọng.

 

Bài ca Côn Sơn

Côn Sơn suối chảy rì rầm,

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.

Côn Sơn có đá rêu phơi,

Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm.

Trong ghềnh thông mọc như nêm,

Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.

Trong rừng có bóng trúc râm,

Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.

Về đi sao chẳng sớm toan, 

Nửa đời vướng bụi trần hoàn làm chi?

Muôn chung chín vạc làm gì,

Cơm rau nước lã nên tuỳ phận thôi.

Đổng, Nguyên để tiếng trên đời,

Hồ tiêu ăm ắp, vàng mười chứa chan.

Lại kia trên núi Thú San,

Di, Tề nhịn đói chẳng màng thóc Chu.

Hai đàng khó sánh hiền ngu,

Đều làm cho thỏa được như ý mình.

Trăm năm trong cuộc nhân sinh,

Người như cây cỏ thân hình nát tan.

Hết ưu lạc đến bi hoan,

Tốt tươi khô héo, tuần hoàn đổi thay.

Núi gò đài các đó đây,

Chết rồi ai biết đâu ngày nhục vinh.

Sào, Do bằng có tái sinh,

Hãy nghe khúc hát bên ghềnh Côn Sơn.


Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nhìn thấy thói đời nhiễu nhương mà lui về với am Bạch Vân cùng mây trắng vân du tránh xa Danh Lợi, tránh xa Bổng Lộc triều đình. Đọc THÓI ĐỜI của ông để cho ta thấy cầu Tài, cầu Lộc rất dễ tổn Đức, hao Đức - cái mà ông cha ta trân quý nhất :


"Thế gian biến đổi vũng nên đồi 

Mặn nhạt, chua cay lẫn ngọt bùi 

Còn bạc, còn tiền còn đệ tử 

Hết cơm, hết rượu hết ông tôi 

Xưa nay đều trọng người chân thực 

Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi 

Ở thế mới hay người bạc ác 

Giàu thì tìm đến khó tìm lui."


Khi Pháp sang đô hộ nước ta, triều đình làm tay sai cho Pháp, cụ Nguyễn Khuyến là quan lớn, là trí thức từng thi đậu Tam Nguyên đã từ quan, từ Lộc để về quê sống nhờ bà vợ làm nông tảo tần. Ông viết Di Chúc với hai câu cuối rất đáng cho ai quan tâm tới chữ Lộc phải suy ngẫm:


Di Chúc

Tác giả: Nguyễn Khuyến


Kém hai tuổi xuân đầy chín chục

Số thầy sinh phải lúc dương cùng

Đức thầy đã mỏng mòng mong

Tuổi thầy lại sống hơn ông cụ thầy

Học chẳng có rằng hay chi cả

Cưỡi đầu người kể đã ba phen (1)

Tuổi là tuổi của gia tiên

Cho nên thầy được hưởng niên lâu ngày

Ấy thuở trước ông mày chẳng đỗ

Hóa bây giờ cho bố làm nên

Ơn vua chửa chút báo đền

Cúi trông hổ đất, ngửa lên thẹn trời

Sống không để tiếng đời ta thán

Chết được về quê quán hương thôn

Mới hay trăm sự vuông tròn

Sống lâu đã trải, chết chôn chờ gì ?

Đồ khâm liệm chớ nề xấu tốt

Kín chân tay đầu gói thời thôi

Cỗ đừng to lắm con ơi,

Hễ ai chạy lại con mời người ăn

Tế đừng có viết văn mà đọc

Trướng đối đừng gấm vóc mà chi

Minh tinh (2) con cũng bỏ đi

Mời quan đề chủ (3) con thì không nên

Môn sinh chớ bổ tiền đạt giấy

Bạn của thầy cũng vậy mà thôi

Khách quen chớ viết thiệp mời

Ai đưa lễ phúng con thời chớ thu

Chẳng qua nợ để cho người sống

Chết đi rồi còn ngóng vào đâu !

Lại mang cái tiếng to đầu

Khi nay bày biện, khi sau chê bàn

Cờ biển của vua ban ngaỳ trước

Khi đưa thầy con rước đầu tiên

Lại thuê một lũ phường kèn

Vừa đi vừa thổi, mỗi bên dăm thằng

Việc tống táng nhung nhăng qua quýt

Cúng cho thầy một ít rượu hoa

Đề vào mấy chữ trong bia

Rằng: “Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu” .


Chú thích :

(1) Câu này ý nói: nhà thơ qua ba kỳ thi đều đỗ đầu bảng (tam nguyên)

(2) Minh tinh: một mảnh lụa, mảnh vải hay mảnh giấy để tên hiệu, tên thụy, tuổi và chức tước, địa vị người chết trong khi đưa đám ma. Mảnh lụa, vải hoặc giấy này đem dán vào một cái khung bằng tre hoặc nứa rất cao rước đi trước quan tài, khi mai táng thì xong thì đốt cùng nhà táng. Có khi buộc vào cây nêu gọi là cây triệu

(3) Đề chủ: viết tên và hiệu người chết vào thần chủ (cái thẻ bằng gỗ để thờ người chết), vật tượng trưng cho linh hồn người chết. Việc này thường được coi như tôn trọng, nên phải nhờ người có chức tước làm.


Tác giả: La Vinh

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.