- Thể ký
Non xanh nước biếc Hà Tiên
Thứ tư - 21/12/2022 11:20
NON XANH NƯỚC BIẾC HÀ TIÊN
Bút ký: Vũ Thanh Huyền
Trong một chuyến công tác tình cờ chúng tôi có dịp ghé thăm Hà Tiên. Sau hơn một giờ, chuyến tàu cao tốc đã đưa anh em trong đoàn từ đảo Phú Quốc cập cảng An Thới đặt chân lên đất Hà Tiên, thành phố biển xinh đẹp nằm bên bờ vịnh Thái Lan. Đón tiếp chúng tôi là anh Bùi Minh Tùng, một người Thái Bình đã có hơn hai mươi năm sinh sống và gắn bó với mảnh đất này.
Anh Tùng giới thiệu với chúng tôi về Hà Tiên bằng một tình cảm yêu quý, tự hào với quê hương thứ hai của mình: Hà Tiên là thành phố thuộc tỉnh Kiên Giang, có 26 km bờ biển tiếp giáp với vịnh Thái Lan, có 13,7 km đường biên giới và cửa khẩu quốc tế Hà Tiên tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Cách thành phố đảo Phú Quốc khoảng 45 km, cách thành phố Rạch Giá, thủ phủ tỉnh Kiên Giang 88 km và cách thành phố Hồ Chí Minh 350 km. Hà Tiên nằm trong vùng tứ giác Long Xuyên, vùng kinh tế trọng điểm của đồng bằng sông Cửu Long.
Điểm đầu tiên anh Tùng đưa chúng tôi đến thăm là đền thờ danh nhân Mạc Cửu và khu lăng mộ dòng họ Mạc. Đền thờ được xây dựng từ năm 1735-1739, nằm dưới chân núi Bình San hướng về phía đông nơi có núi Tô Châu và dòng lưu thủy Đông Hồ.
Tôi cảm nhận trong anh Tùng một tình cảm trân trọng, biết ơn những bậc tiền nhân.
Anh chia sẻ với chúng tôi về người đã khai mở mảnh đất này: Mạc Cửu là một thương gia người Hoa, quê ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Vào thế kỷ thứ XVII sau khi nhà Minh sụp đổ, nhà Thanh thống trị, vì không chịu thuần phục nhà Thanh, ông mang gia quyến xuôi xuống phương Nam và dừng chân ở đất Hà Tiên. Trước cảnh đẹp hữu tình của một vùng đất mà tương truyền là có các nàng tiên xuống tắm và chơi trên sông, nên có tên gọi là Hà Tiên. Ông cho khai hoang lập ấp, quy tụ nhân dân. Ông chọn những người Việt giỏi nghề nông để truyền dạy nghề cho nhân dân, mở rộng phát triển nghề đánh bắt hải sản. Ông cho thu mua lúa gạo, hồ tiêu, thủy sản… mở các tuyến đường thủy buôn bán giao thương với các các nước lân cận. Chính ông đã đưa vùng đất hoang sơ, hẻo lánh này thành một vùng kinh tế trù phú, có thương cảng Hà Tiên (Đông Hồ) sầm uất, tấp nập vào bậc nhất lúc bấy giờ. Năm 1708 ông dâng toàn bộ đất đai cho chúa Nguyễn và được chúa Nguyễn Phúc Chu chuẩn ban làm Tổng binh trấn Hà Tiên và phong tước là Cửu Ngọc hầu. Tháng 5 năm 1735 ông mất ở tuổi 80 và con trai là Mạc Thiên Tích (Mạc Thiên Tứ), một người văn võ song toàn lên kế nghiệp cha. Chính Mạc Thiên Tứ là người chủ soái Tao đàn Chiêu Anh Các, chiêu mộ nhiều thi nhân cả người Việt lẫn người Hoa, một thi đàn đặt nền móng và phát triển thi ca Việt sớm nhất ở phương Nam, củng cố ý thức dân tộc và truyền thống văn hóa Việt Nam tại một vùng đất mới khai mở.
Tháng 6 năm 2008 tỉnh Kiên Giang và thành phố Hà Tiên đã khánh thành Tượng đài danh nhân Mạc Cửu, tại công viên Mũi Tàu, phường Tô Châu nhân kỷ niệm 300 năm thành lập trấn Hà Tiên. Công trình là biểu tượng của thành phố, là tình cảm, lòng biết ơn của người dân nơi đây với danh dân Mạc Cửu và dòng họ Mạc trong công cuộc khai phá và hình thành nên Hà Tiên ngày nay.
Địa hình Hà Tiên khá đa dạng, có đồng bằng, đồi núi, biển và hải đảo, được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Nhắc đến Hà Tiên, người ta nghĩ ngay đến “Hà Tiên thập cảnh” (Mười cảnh đẹp của Hà tiên) đã đi vào thơ ca của Tổng trấn Mạc Thiên Tứ cách nay mấy thế kỷ.
Chúng tôi ghé thăm ngôi chùa Tam Bảo, được danh nhân Mạc Cửu xây dựng vào năm 1730 để cho mẹ ông tu hành khi về già, cũng là nơi truyền bá văn hóa phật giáo vào đất Hà Tiên. Bên cạnh đó là chùa Phật Đà dưới chân núi Bình San ngay cạnh lăng mộ Mạc Cửu, chùa Phù Dung, ngôi cổ tự nổi tiếng do Tổng trấn Mạc Thiên Tứ xây dựng vào cuối thế kỷ 18 gắn liền với một truyền thuyết hay.
Những ngôi chùa mang phong cách kiến trúc văn hóa Trung Hoa, giao thoa với những nét văn hóa Việt Nam uy nghi, trầm mặc mà không kém phần đẹp và tinh xảo.
Anh Tùng cho biết, cư dân nơi đây chủ yếu là người Kinh, Hoa, Khmer…Họ sống với nhau đoàn kết nghĩa tình, hiền lành, chất phác và mến khách. Hơn 300 năm hình thành và phát triển, Hà Tiên cũng đã xây đắp nên một truyền thống văn hóa văn hiến, đưa mảnh đất biên cương vắng vẻ trở thành một vùng văn vật, đẹp đẽ và sinh động đi vào lịch sử . Cùng với sự giao lưu văn hóa của những tộc người sống ở đây, thì bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc luôn được gìn giữ phát huy, tạo nên một nguồn nội lực, một giá trị tinh thần to lớn của thành phố.
Tiếp đó chúng tôi đến thăm chùa Xà Xía, ngôi chùa của đồng bào Khơ me, nằm trên đường tỉnh lộ 28 thuộc vùng biên giới Việt Nam- Campuchia.
Tôi đã đến nhiều ngôi chùa cổ ở miền Bắc như chùa Keo, chùa Hương, chùa Phật Tích… với những mái ngói rêu phong cổ kính, trầm mặc qua thời gian. Nhưng khi đặt chân đến chùa Xà Xía, tôi hoàn toàn bị cuốn hút bởi lối kiến trúc độc đáo với mái chùa là nhiều ngọn tháp nhọn nối tiếp nhau được chạm khắc vô cùng tinh tế, mềm mại đẹp mắt, tạo nên một sự uy nghi trang trọng của kiến trúc tôn giáo thiêng liêng nơi này. Điều đó thể hiện óc thẩm mỹ và năng lực sáng tạo nghệ thuật phong phú của người Khơ me, nhất là trong kiến trúc điêu khắc và hội họa một cách công phu ở ngôi chính điện, mang lại một vẻ đẹp diễm lệ, lộng lẫy mà không kém phần nghiêm trang và thanh tịnh. Tôi lạc vào một vùng văn hóa Khơ me Nam bộ, với văn hóa Phật giáo tiêu biểu của vùng này, mang một bản sắc rất riêng hấp dẫn người du khách dù chỉ dừng chân một lần.
Nằm ở xã Mỹ Đức trên đường đi Cửa Khẩu quốc tế Hà Tiên, cách biên giới Việt Nam- Cam -pu - chia khoảng 3 km là Thạch Động thôn Vân, một trong mười danh thắng nổi tiếng của đất Hà Tiên.
Như một sự sắp đặt khéo léo tài tình của bàn tay tạo hóa, Thạch động là một kiệt tác mà thiên nhiên đã ban tặng cho Hà Tiên. Một ngọn núi đá vôi khổng lồ, gợi nhớ về câu chuyện cổ tích Thạch Sanh giết đại bàng cứu Quỳnh Nga công chúa. Trong lòng Thạch động là hệ hang động đẹp lung linh kỳ ảo với nhiều nhũ đá có hình thù kỳ thú, hấp dẫn du khách. Nơi đây còn có ngôi chùa Tiên Sơn cổ kính được xây dựng vào năm 1790 thờ Phật Thích ca mâu ni và Quan thế âm bồ tát.
Chúng tôi ngồi bên bờ biển Mũi Nai, dưới những tán dừa xanh và nhâm nhi vị ngọt thanh mát của bánh thốt nốt. Ngoài kia biển xanh ngút ngát, sóng vỗ rì rào, xa xa là quần đảo Hải Tặc với những hòn đảo nhỏ xinh đẹp. Gần hai năm trước ngày 05/8/2020 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với Hà Tiên khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 21/2020/QĐ-TTg, thành lập khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên với 7 khu chức năng là: Khu phi thuế quan, khu cửa khẩu Quốc tế, khu du lịch, khu hành chính, khu dân cư, khu công nghiệp và các khu chức năng. Những năm gần đây, khu kinh tế Hà Tiên đã góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch, đẩy mạnh giao lưu kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng khu vực biên giới. Đưa Hà Tiên trở thành một vùng kinh tế trọng điểm của Kiên Giang, cũng như của cả đồng bằng sông Cửu Long.
Những chính sách phát triển kinh tế xã hội của trung ương và địa phương cộng với sự ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng đã dần xây dựng nên một thành phố trẻ, năng động, hiện đại nơi cửa ngõ biên cương của Tổ Quốc.
Hai năm gần đây, đại dịch Covid 19 ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thành phố, nhất là các ngành thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch... Tuy nhiên với sự nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương, Hà Tiên đã có những bước phát triển khá ổn định và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Nhiều chỉ tiêu đã vượt kế hoạch như nuôi trồng thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách…Tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt xấp xỉ 9%.
Anh Tùng tiếp tục giới thiệu cho chúng tôi nghe về những chính sách thu hút đầu tư, những chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội mà thành phố và tỉnh Kiên Giang đã hoạch định.
Có trong mình cửa khẩu Quốc Tế với Campuchia, lại nằm ở trung điểm của vùng Đông Nam Á, rất gần với Thái Lan, Quần đảo Mã Lai… Hà Tiên được chọn là cửa ngõ của tuyến hành lang ven biển Việt Nam- Campuchia và Thái Lan dài hơn 1000 km chạy dọc bờ biển từ Băng Cốc qua Campuchia đến Hà Tiên và kéo dài tới Cà Mau. Điều này, không chỉ hình thành nên những tour du lịch quốc tế mà còn thúc đẩy giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa bằng cả đường biển, đường bộ của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long đến các nước tiểu vùng sông Mê Kông và khu vực Asean. Đưa mục tiêu xây dựng thành phố trở thành đô thị loại II trước năm 2025, một trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch văn hóa di sản vùng đất chín rồng sớm trở thành hiện thực.
Chúng tôi đang đi giữa lòng thành phố biên cương, ngắm nhìn những công trình, dự án đang dần hiện hữu như khu đô thị du lịch Nam Hà Tiên, Khu dân cư Cửu Long, Khu bến Cảng, tầu vận tải hành khách Thạnh Thới…làm nên vóc dáng của một thành phố cửa khẩu an toàn, một trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ, hiện đại, văn hóa, du lịch, sinh thái xanh, sạch, đẹp một đô thị trọng điểm của Nam bộ. Trong tương lai không xa một cây cầu sẽ được bắc từ thành phố Hà Tiên ra quần đảo Hải Tặc để khai thác tài nguyên ngành công nghiệp không khói của quần đảo này cùng với bãi biển Mũi Nai. Thành phố cũng đang đề nghị phê duyệt điều chỉnh quy hoạch mở rộng khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, để thành phố bừng lên một sức sống mới, sầm uất hơn xưa, một đô thị sinh thái văn minh hiện đại mà vẫn giữa được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, xứng đáng những tiềm năng sẵn có của địa phương, ấm lòng những bậc tiền nhân đã khai mở đất.
Chia tay anh Bùi Minh Tùng, giám đốc công ty đầu tư và xây dựng Hoàng Tùng, chia tay Hà Tiên, tôi mong rằng sẽ có một ngày mình được trở lại với nơi này, thành phố cửa ngõ Tây nam của Tổ quốc “một cõi biên thùy”, “một cõi thơ”, một vùng “đất Phật người hiền”.