• dau-title
  • Thể ký
  • cuoi-title

Người đàn bà kỳ lạ

Thứ tư - 08/03/2023 18:22


(Ảnh: Đặng Văn Tôn)



NGƯỜI ĐÀN BÀ KỲ LẠ

(Bùi Biên Linh)


Tôi gọi Phí Thị Thanh ở khu phố 3 phường Long thủy thị xã Phước Long tỉnh Bình Phước là Người đàn bà kỳ lạ.


Tôi đã nghe người ta kể nhiều về chiến tích vượt khó vượt khổ làm giàu của người phụ nữ bé nhỏ này nhiều năm trước. Nhưng tôi không mấy chú ý vì: Ở quê tôi hay ở đâu trên đất nước Việt Nam này đều không ít những phụ nữ vất vả gánh gồng chống chọi với gian nan cực nhọc mà gây dựng gia đình, cơ đồ; cũng không ít người trở thành nữ đại gia, nữ tỷ phú. 


Tôi chỉ thực sự bị cuốn vào câu chuyện về người đàn bà kỳ lạ này trong một dịp tình cờ ghé nhà chơi theo lời mời rất thiết tha của Thanh.

Hôm ấy, tôi từ bệnh viện châm cứu về (bệnh viện cách nhà hơn năm trăm mét). Đang phấn chấn: “hôm nay mình đi bộ được một đoạn khá dài,” thì nghe tiếng hỏi từ sân ngôi nhà mới xây rất lớn ven đường 

- Ô!Chị Linh à! Chị sao lại đi bộ?


Tôi ngỡ ngàng dừng lại và nhận ra Thanh.


Tuy không ở xa lắm nhưng cũng ít gặp.Từ ngày Thanh đến nhà nhờ ông xã tôi xem giúp vụ việc của cô ấy đang giải quyết ở toà án đến nay cũng đã bảy tám năm. Nhìn Thanh vẫn nhỏ nhắn, datrăng trắng, khuôn mặt sắc đôi mắt nhanh.

- Để em chở chị về !

- Ôi !Có mấy bước chị đi thể dục luôn ấy mà!

-Thế thì vào nhà em đã!

Tôi chưa biết từ chối làm sao thì Thanh đã nắm tay kéo tôi bước vào khuôn viên cái sân rộng.


- Hôm Tân gia em có mời mà chỉ mỗi anh nhà chị đến!

- Ờ! À tại hôm đó nhà chị có đám hỏi đứa cháu nên phải chia lực lượng ra. Em thông cảm!


Vừa nói tôi vừa chăm chú nhìn bao quát ngôi nhà rộng lớn xây theo kiến trúc hiện đại. Đồ đạc trong phòng rất sang trọng. Căn nhà ba tầng giữa một khuôn viên rộng có khu trồng các loại rau, cây ăn trái và chỗ nuôi gà.


- Em quá giỏi! Nhà có hai mẹ con mà thênh thang thế này, chả bù cho nhà chị!


Thanh cười. Cười mà khuôn mặt vẫn như mếu, đôi mắt sắc đượm buồn.


- Giỏi gì đâu chị! Khổ mãi rồi thì cũng phải vươn lên thôi!


Thanh vừa gọt bưởi bằng con dao sắc lẻm vừa kể: 


- Bưởi vườn nhà em đấy. Bưởi sạch. Trông xấu xấu chứ ngọt lắm! Chị ăn đi!


Để em kể cho chị nghe. Đời em nó trải qua không biết cơ man nào là cơ cực. Lấy chồng sớm, nai lưng làm cung phụng vẫn bị chửi bới hành hạ. Lần đi lấy củi leo lên cành cao lấy củi khô chẳng may ngã xuống bị chấn thương phải mổ. Bác sĩ để quên gạc trong bụng, đau đớn quá đi khám mới biết cơ sự. Bị hoại tử dạ con phải cắt bỏ. Sợ không sinh được cháu trai nối dõi, gia đình chồng đánh đập đuổi đi. Một nách con thơ gạo tiền không có, người đàn bà ấy cõng con đi bộ gần trăm cây số đến vùng sinh sống của đồng bào dân tộc xTiêng xin làm thuê. Những khi không có việc, Thanh bế con đi bộ hàng chục cây số ra chợ mua cá khô, thuốc rê đem về sóc đổi cho đồng bào dân tộc lấy gạo ăn qua ngày. 


Thấy người ta mua điều của các chủ vườn bán cho các đại lý kiếm lời, Thanh rất muốn. Nhưng kiếm đâu ra vốn bây giờ! Chẳng lẽ cứ làm thuê làm mướn được đồng nào hết đồng ấy, lấy gì phòng thân lúc ốm lúc đau. Con bé lớn lên nó phải được đi học. ”Không thể để con cơ cực như mình”, Đêm đêm nằm bên con xoa xoa mái đầu con, nhớ những lời mắng nhiếc, xua đuổi của gia đình chồng và sự khinh khi của nhiều người khi thấy mẹ con Thanh lếch thếch mặt mũi áo quần đầy đất đỏ. Cô tằn tiện chắt bóp từng đồng. May sao con gái Thanh bụ bẫm dễ thương được bà con đồng bào rất quý. Họ cho bé ăn cơm uống nước, đôi khi còn cho cả trái cây. Gia đình ông Điểu Nông khá giả trong sóc rất thích trẻ con người Kinh. Ông đồng ý cho Thanh vay 30 triệu làm vốn với điều kiện phải để vợ chồng ông nuôi luôn con bé trong nhà. Nghĩ đến lúc xa con, Thanh khóc nhưng biết gia đình ông Điểu Nông rất quý bé Nhung, không sợ con bị đói. Vả lại ngày nào Thanh cũng mua điều ké trên phần sân nhà ông nên vẫn gặp con. Thanh nghĩ: “Mình sẽ cố làm có tiền rồi chuộc con về!”


Biết chuyện, nhiều người gọi cô là Thanh Mát. Vì chỉ có kẻ mát mới cầm con lấy vốn làm ăn như thế!


Cầm tiền trong tay, Thanh mua điều cao hơn các nơi khác gần hai giá nên người dân trong sóc đua nhau chở điều kìn kìn bán cho Thanh. Ban ngày mải bán bán mua mua nhưng đêm đến không được ôm con trong lòng, nước mắt cô đầm đìa cả trong giấc mơ đau đớn.


Năng nhặt chặt bị, số tiền vốn cứ nở ra nhanh chóng. Xong mùa điều, Thanh đã có tiền chuộc con về.


Ngày nào cũng nhìn thấy con, vui đùa cùng nó nhưng khi chính thức được đón con về, đêm khuya ôm con ngủ, nước mắt cô ướt cả cổ áo con. Nước mắt tủi buồn xen lẫn mừng vui của người đàn bà khó nghèo đã từ lâu tưởng chừng khô quắt nay lại dàn dụa trôi qua kẽ ngón tay còn nguyên vị nồng hắc nhựa điều.


Mỗi ngày Thanh dậy sớm, đạp xe đi mua đá về đựng trong thùng xốp, pha sẵn nước chanh đường để người bán điều khát thì uống, mua thêm mì tôm, nấu vài bình thuỷ nước sôi để ai đói quá, cân điều xong khuyến mại cho họ ly nước hay tô mì. “Họ đói cũng như mình đói“.

Mùa thu hoạch điều, nhà nào cũng muốn chở về bán cho Thanh vì vừa cao giá vừa được uống nước, ăn mì miễn phí. Điều mua về, cái nhập cái phơi, lúc rảnh thì phân loại bán cho được giá.


Có tiền,Thanh mua vườn. Rồi mở thêm quán bán buôn đủ mọi mặt hàng thiết yếu cho bà con: từ cái bật lửa, gói thuốc rê đến xe máy cũ, máy nông cụ, máy phát cỏ, máy cưa....


Vừa bán quán vừa vá xe đạp xe máy. Mùa điều mua điều, mùa cạo mủ cao su, thu mua mủ, đánh đông rồi bán. Thanh bảo:


- May sao trời phật thương nên em chỉ hơn 40 kg mà người rất khỏe. Làm quần quật mà không đau ốm.

- Giờ Thanh có mấy ha vườn? 

- Em á! Được có hơn 50 ha thôi chị a!

- Có hơn 50 ha thôi á?!

- Vâng chị !

Vẫn biết mẹ con Thanh bây giờ giàu lắm, vườn, đất bạt ngàn, nhưng hơn 50 ha thì tôi phải mắt tròn mắt dẹt.

-  Nghe nói em còn nhà đầu đường kia nữa, chỗ bàn bida ấy!

- Vâng, em còn gần chục căn. Cái Phước Bình, cái Đăk Nhau...

- Khiếp !Lắm thế ở sao cho hết!

- Em cho thuê những cái mặt tiền. Mấy cái cho những người không có cửa nhà mượn ở!

- Không sợ họ phá hay chiếm của mình à?

- Họ làm vườn rẫy cho em là chính. Em trả lương đủ. Nhà cho họ mượn để họ đỡ mất tiền thuê nhà. Họ đỡ khổ thì họ làm tốt hơn, thật thà hơn, gắn bó với mình hơn chị a!

- Em nhiều sách lược, có tâm như người lãnh đạo cơ quan thứ thiệt đấy!

- Em suy từ em mà ra thôi chị ạ.


Vừa tách bưởi bỏ vào đĩa mời khách, Thanh vừa kể. Cũng có lần người làm công cho cô có người thân phải đi cấp cứu. Không có tiền. Ứng cũng chỉ được vài trăm vì người này mới xin vào cạo mủ cao su cho Thanh được hai ngày. Bệnh viện huyện cho chuyển viện vì bệnh tình nguy kịch, cơ sở không đủ máy móc thăm khám và điều trị. Lúc đó đã khuya. Không có xe chuyển tuyến. Thanh nổ máy chiếc xe bán tải dùng để chở nông cụ của mình, bảo: 

- Đưa lên xe tôi chở đi cho!

- Nhưng không có tiền! Chờ chết thôi !

-Tiền, tôi cho mượn! Đi nhanh!

Lái xe ra đến đường lớn, cô cho xe dừng trước của đại lý điều quen, đập cửa.

Chủ đại lý đang ngủ, nghe đập cửa thình thình vội bật đèn: 

- Chị Vân! Có tiền cho mượn gấp mấy chục triệu cứu người, mai mốt về tôi trả!

Nghe rõ tiếng Thanh, cô Vân chủ đại lý mở cửa mở két lấy ra 30 triệu đưa liền. 

- Chị cầm đi! Đưa lại sớm nhé để em mua điều!

- Biết rồi!


Chiếc xe bán tải đưa bệnh nhân chạy vào khu cấp cứu bệnh viện chợ Rẫy khi vừa hửng sáng. May kịp thời nên qua khỏi. Cả nhà họ gắn bó với cô từ đó. Họ chịu thương chịu khó và thật thà trông coi, thu hoạch vườn tược cho Thanh. Ngày lễ, ngày nghỉ, cô thường cho người làm nghỉ. Gà trong vườn, cá dưới hồ, bắt lên, thêm vài bầu bí rau củ trong vườn là có tiệc đãi công nhân.


Thanh vào bếp nấu ăn cho người làm.Cô bảo:


- Giờ tuy mình là chủ nhưng em vẫn nhớ thuở đi làm thuê làm mướn. Được bữa ăn ngon đỡ mệt mấy ngày.


Vừa trông coi người làm, cô vừa tìm các loại cây thuốc nam chặt rửa phơi khô. Nghe tin ai ốm đau không có tiền mua thuốc lại đem cho.


- Em được mấy ông già người dân tộc chỉ cho mới biết .Thì ra trong rừng, trong vườn cây lâu năm rất nhiều cây thuốc. Nhiều người khỏi bệnh rồi đấy chị!  Em nấu lá an xoa, cỏ gai mắc cỡ uống thay nước một thời gian cũng bớt nóng gan với đau chân, tay xương khớp.


Đang chuyện trò, nghe điện thoại reo. Thanh bỏ múi bưởi vào đĩa, nghe điện xong cơ mặt mềm ra. Một lát sau, xe chở gạo, muối, dầu ăn, bột ngọt đến từng bao, từng bao chất ở đầu hè. Một vài phút sau, chiếc xe tải nhỏ tới, ba thanh niên bốc số hàng trên chất lên xe bán tải của Thanh và xe tải nhỏ.

- Chuyến này mình tặng ở đâu cô?

- Xã Đăk Ơ. Họ thống kê có 70 hộ nghèo. Người nghèo cũng mong được ăn tết cho đầy đủ!

- Xong việc về luôn sao cô?

- Về! Mai đi phát ở Đăk Nhau!

- Vâng cô.

Tôi thấy Thanh thoăn thoắt lấy bánh mì, nước uống bỏ lên xe.

- Xong việc đói là có cái ăn rồi tranh thủ đến nơi khác cho kịp chị a

Tôi vội hỏi:

- Em làm từ thiện nhiều ,cho chị xin vài tấm ảnh của em lúc đi phát quà từ thiện nhé! Chị muốn viết bài báo về em!

Thanh cười, nụ cười vẫn như mếu: 

- Em có chụp ảnh lúc trao quà bao giờ đâu!

- Nay em bảo mấy cháu này chụp cho. Chị xin vài tấm 

- Không chị ạ! Em chỉ giúp người như ngày xưa người ta giúp em thôi! Việc em làm bé như cái tâm thôi mà chị!


Nghe câu trả lời của Thanh, tôi không thể không liên tưởng đến những người có ảnh rất to khi trao cho người dân vùng lũ tận 2 gói mì tôm!


Bây giờ tôi đã phần nào hiểu tại sao người ta lại gọi Phí Thị Thanh là “Người đàn bà kỳ lạ!”


Bùi Biên Linh 

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.